Dự báo giảm mạnh giá xăng dầu
Mới đây, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh giảm thuế môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.
Bởi, theo Bộ Công Thương, hiện nay, tỷ trọng thuế, phí trong giá xăng dầu hiện ở mức cao, cụ thể: Khoảng 55 - 60% đối với mặt hàng xăng, 35 - 40% đối với mặt hàng dầu. Trong đó, thuế bảo vệ môi trường chiếm khoảng 32% đối với mặt hàng xăng và từ 11 - 20% đối với mặt hàng dầu. Do vậy, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu và trình phương án giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu ở mức phù hợp.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đề nghị xem xét điều chỉnh giảm thêm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng sinh học E5RON92 cho phù hợp với thực tế để tạo mức chênh lệch giá và khuyến khích sử dụng xăng sinh học.
Có thể thấy, với tỷ lệ thuế phí chiếm tới gần 50% giá xăng dầu, nếu phương án điều chỉnh giảm thuế môi trường với mặt hàng xăng dầu được thông qua, thì giá xăng dầu dự báo sẽ đứng trước cơ hội giảm giá mạnh mẽ, mức giảm có thể lên tới cả ngàn đồng.
Diễn biến giá xăng dầu tuần qua
Về giá xăng dầu thế giới, đầu giờ sáng ngày 10/4, giá dầu thô WTI bất ngờ quay đầu giảm 7,5%, xuống mức 23,21 USD/thùng. Trong khi đó, dầu Brent tăng giá 0,16% so với ngày hôm trước, lên 31,82 USD/thùng. Giá dầu khí London tiếp tục giảm nhiều hơn với mức giảm 1,43%, tương đương giá bán hiện tại là 293,75 USD/thùng.
Kết thúc ngày giao dịch 9/4, giá dầu Brent duy trì ở mức 31,77 USD/thùng còn dầu thô WTI ở mức 25,09 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu khí London đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng trước đó bằng mức bán hôm nay.
Cũng vào ngày 9/4, OPEC và Nga đã đạt được thỏa thuận về việc cắt giảm sản lượng dầu toàn cầu 10 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6. Đây là mức cắt giảm sâu nhất được các nhà sản xuất dầu trên thế giới đồng ý cho đến thời điểm hiện tại. Thỏa thuận đạt được khi các lãnh đạo của OPEC và một số nhà sản xuất dầu khác tổ chức cuộc họp thông qua video trực tuyến vào ngày 9/4. Cuộc họp bắt đầu với lời cảnh tỉnh từ Tổng thư ký OPEC Mohammad Sanusi Barkindo, gióng lên hồi chuông cảnh báo về cả giá dầu và nhu cầu.
Ở một diễn biến khác liên quan tới xăng dầu, trong ngày 9/4, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đã có văn bản kiến nghị gửi lên Bộ Công thương và Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ về việc hỗ trợ tiêu thụ xăng dầu trong nước và tạm ngừng nhập khẩu xăng dầu.
Một trong những kiến nghị đáng chú ý nhất là việc PVN mong các bộ xem xét ban hành các cơ chế chính sách hạn chế tối đa/tạm cấm nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu trong nước sản xuất được trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Bởi theo PVN, tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ước giảm khoảng 30% trong quý I và dự kiến sẽ tiếp tục giảm nữa và tồn kho mặt hàng xăng hiện rất cao, có nơi tồn kho xăng ở mức trên 90%.