Aa

Giấc mơ nhiệt điện tỷ đô của Tân Tạo ở Kiên Lương

Thứ Sáu, 13/09/2019 - 16:19

Tân Tạo từng được kỳ vọng tạo nên bước đột phá khi là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên được chấp thuận đầu tư dự án nhiệt điện Kiên Lương với tổng vốn 6,7 tỷ USD.

Nhưng, sau gần một thập niên, không những càng sa lầy vào dự án, Tân Tạo còn có khả năng mất trắng khoản tiền đầu tư tại đây.  

Nhiệt điện tỷ đô của Tân Tạo ở Kiên Lương

Hành trình từ giấc mơ tỷ đô đến… bế tắc

Ngày 25/8/2008, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 1385/TTg-KTN chấp thuận về nguyên tắc cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo làm chủ đầu tư các dự án: Nhà máy điện Kiên Lương 1 công suất 1.200MW, thời gian đưa vào hoạt động 2013 - 2014; Nhà máy điện Kiên Lương 2 công suất 1.200 - 2.000MW, thời gian đưa vào hoạt động 2015 - 2016 và cảng nước sâu Nam Du.

Theo giới thiệu từ Tập đoàn ITA, dự án xây dựng trung tâm nhiệt điện Kiên Lương có tổng vốn dự kiến lên đến hơn 6,7 tỷ USD, công suất từ 4.400MW đến 5.200MW. Bước đầu, Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương được xây mới với công suất 2x600MW, sản lượng điện phát lên lưới điện quốc gia dự kiến 8.100 tỷ đến 8.640 tỷ KWh/năm.

Thực tế, trước Công văn của Thủ tướng vài tháng, đã có nhiều thông tin truyền thông xuất hiện rằng, ITA sẽ là chủ đầu tư dự án này. Và hiển nhiên, thông tin này đã đẩy cổ phiếu ITA tăng trưởng tích cực. Giai đoạn này, có lúc ITA đã tăng trần 10 phiên liên tục (phiên 11/6/2008 đến phiên 24/6/2008), trong đó mức “đỉnh” đạt được trong phiên 16/6/2008 là 26.090 đồng/cổ phiếu.

Cũng cần phải khẳng định, với quy mô dự án lên đến hơn 6,7 tỷ USD, đây được xem là bước đột phá lớn với ITA nói riêng và các công ty tư nhân trong nước nói chung. Bởi lẽ, thời điểm đó khi nhắc đến các dự án điện quy mô lớn, người ta thường nghĩ tới những cái tên “gạo cội” như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (những doanh nghiệp nhà nước lớn).

Tuy vậy, việc Tân Tạo nhận dự án lớn nhất thuộc ngành điện mở cửa cho doanh nghiệp ngoài quốc doanh đầu tư cũng dấy lên nhiều lo ngại về tiềm lực cũng như kinh nghiệm của Tập đoàn.

Thực tế đã minh chứng những lo ngại này là có cơ sở.

Tháng 6/2019, chủ đầu tư dự án được chuyển sang cho Công ty Cổ phần Năng lượng Tân Tạo (TEC), công ty thuộc ITA. Đến ngày 23/7/2009, Tập đoàn Tân Tạo nhận giấy chứng nhận xây dựng trung tâm nhiệt điện Kiên Lương. Khoảng 2 tháng sau, TEC đã ký hợp đồng tư vấn kỹ thuật cho dự án. Cũng trong giai đoạn này, chủ đầu tư và tư vấn kỹ thuật đang đàm phán với các nhà thầu EPC tiềm năng và đi đến ký kết hợp đồng cho dự án.

Từ thời điểm đó đến nay, dự án dần đi vào thế bế tắc, ì ạch.

Để tháo gỡ vướng mắc cho Dự án về việc cấp Bảo lãnh Chính phủ (GGU), TEC đã chấp nhận chuyển sang hình thức đầu tư BOT theo yêu cầu của Chính phủ để dự án sớm triển khai.

Ngay sau đó, tháng 12/2015, Bộ Công Thương và chủ đầu tư đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc phát triển Dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1 theo hình thức BOT với thời hạn hiệu lực là 48 tháng, nghĩa là MOU sẽ hết hiệu lực vào ngày 11/12/2019. Dẫu vậy, hình thức đầu tư mới cũng không khiến Dự án tiến triển nhanh hơn.

Trong công văn số 01/CV-TEC-2018, TEC đánh giá, quyết định loại bỏ dự án Kiên Lương 1 ra khỏi Quy hoạch điện VII điều chỉnh là nguyên nhân chính dẫn đến Dự án không thể triển khai. TEC cho rằng, điều này không chỉ gây thiệt hại cho TEC hàng trăm triệu USD do phải trả lãi cho khoản đầu tư hơn 270 triệu USD để phát triển Dự án, mà bên cạnh đó còn khiến UBND tỉnh Kiên Giang thường xuyên có ý kiến thu hồi Dự án, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của TEC và Tập đoàn Tân Tạo.

Ngoài ra, tại Văn bản số 1541/TCNI-VPTC, Tổng Cục Năng lượng – Bộ Công Thương cho biết không thể triển khai và ngừng đàm phán Dự án Kiên Lương 1 do Dự án không có trong Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh nên ITA chịu nhiều sức ép từ phía các nhà đầu tư nước ngoài.

Hàng nghìn tỷ mắc kẹt tại Dự án nhiệt điện Kiên Lương

Tại Báo cáo tài chính bán niên soát sét 2019, kiểm toán đã đưa ra ý kiến nhấn mạnh khả năng thu hồi hơn 3.500 tỷ đồng liên quan đến Nhiệt điện Kiên Lương.

Cụ thể, vào ngày 30/6/2019, Tập đoàn ITA ghi nhận khoản đầu tư vào Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Năng lượng Tân Tạo (TEDC) và Công ty Cổ phần Năng lượng Tân Tạo 2 (TEC 2) với giá trị lần lượt là 1.753 tỷ đồng và 417,7 tỷ đồng và khoản phải thu từ TEDC với số tiền là 1.343 tỷ đồng. Tập đoàn vẫn chưa đánh giá được chắc chắn khả năng thu hồi các khoản tiền nói trên do việc này phụ thuộc vào khả năng tiếp tục thực hiện dự án Nhiệt điện Kiên Lương, hiện dự án đang trong quá trình xin phê duyệt và chưa có kết luận cuối cùng từ các cơ quan.

Phản hồi ý kiến này, Tân Tạo cho biết đây là khoản đầu tư và công nợ của Công ty liên quan đến dự án nhà máy nhiệt điện Kiên Lương. Hiện nay, Tân Tạo vẫn tiếp tục bám sát làm việc với cơ quan ban, ngành để kiến nghị Chính phủ đưa dự án Kiên Lương vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Ban Giám đốc cũng nhận định, giá trị đầu tư vào TEDC, TEC 2 và công nợ phải thu TEDC được đảm bảo bằng tài sản cơ sở hạ tầng đã được đầu tư và giá trị diện tích đất của dự án tại ngày lập Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2019.

Ghi nhận trên Báo cáo tài chính bán niên soát xét 2019, Tập đoàn cho biết cũng đang xin tiếp tục triển khai vào dự án điện Quốc gia theo kế hoạch dự kiến được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2021.

Tại ngày 30/6/2019, Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương có chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn hơn 572 tỷ đồng. Quyền sử dụng đất và cơ sở hạ tầng tại dự án này đã được thế chấp cho các khoản vay dài hạn tại ngân hàng (hơn 405 tỷ đồng).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top