Aa

Giải mã "cơn mưa" cổ tức của doanh nghiệp bất động sản

Thứ Sáu, 19/07/2024 - 05:50

Gần đây, loạt doanh nghiệp bất động sản đã công bố thông tin trả cổ tức với tỷ lệ cao. Giới chuyên môn đánh giá, đây là thông tin tích cực cho thấy tăng trưởng kinh tế của doanh nghiệp ở mức tốt song khi thị trường vẫn chưa hồi phục hoàn toàn thì việc trả cổ tức cao đôi khi cũng là "bẫy".

Hàng loạt kế hoạch chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và tiền mặt

Chính sách trả cổ tức bằng tiền là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp tạo dựng niềm tin với nhà đầu tư và cổ đông góp vốn. Theo đó, trong hai tháng trở lại đây, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã sẵn sàng chốt danh sách cổ đông để thực hiện việc chia cổ tức.

Đơn cử, mới đây nhất, CTCP Long Hậu (mã: LHG) đã thông qua kế hoạch chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 19%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận 1.900 đồng. Với hơn 50 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Long Hậu sẽ trả tổng cộng hơn 95 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này. Trên thị trường, cổ phiếu LHG dừng tại mức 42 đồng/cp (phiên chiều 18/7), tiến lên gần mức đỉnh lịch sử thiết lập năm 2021. Tính từ đầu năm 2024, thị giá LHG đã tăng khoảng 42%.

Năm 2024, Long Hậu đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 744 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến 131 tỷ đồng. Tuy nhiên, khép lại quý I/2024, Long Hậu ghi nhận doanh thu đạt 76 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 31 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (Mã: VPI) lựa chọn phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%, tương ứng cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu được nhận thêm 02 cổ phiếu mới. Tổng số cổ phiếu lưu hành của VPI sẽ được nâng từ gần 242 triệu cổ phiếu lên hơn 290 triệu cổ phiếu, tương đương vốn điều lệ gần 2.904 tỷ đồng. Theo đó, cổ phiếu VPI đang ở đã tăng mạnh, giao dịch ở mức 61.300 đồng/cp (phiên chiều 18/7). Năm 2024, Văn Phú Invest đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 2.775 tỷ đồng, tăng 49% so với năm 2023, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế dự kiến đi lùi với mức giảm 22%, đạt 350 tỷ đồng.

Còn CTCP Tập đoàn Nam Mê Kông (mã: VC3) cho biết sẽ phát hành hơn 13 triệu cổ phiếu trả cổ tức bằng cổ phiếu. Tỷ lệ thực hiện là 12% tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 12 cổ phiếu mới.

Tổng Công ty IDICO (mã: IDC) – một ông lớn bất động sản khu công nghiệp phía Nam cũng lên kế hoạch trả cổ tức 40%/vốn điều lệ (từ lợi nhuận sau thuế năm 2024). Phương án chi trả cổ tức được công bố là 10% bằng tiền mặt (chia làm 3 đợt). Phía công ty đã tạm ứng hai đợt với tổng tỷ lệ 35%, 5% còn lại sẽ phân phối trong năm 2024.

Gương mặt đáng chú ý nhất trong số này phải kể đến CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm (mã: NTL) công bố tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền là 12% sau khi tăng vốn thành công. Năm ngoái, tỷ lệ này thậm chí là 25% (1 cổ phiếu được nhận 2.500 đồng). Đáng nói, đây là doanh nghiệp có lịch sử trả cổ tức đều đặn kể từ khi niêm yết vào tháng 12/2007 trước khi gia tăng tỷ lệ chi trả kể từ năm 2019.

Trên thị trường chứng khoán, ngay từ khi có thông tin về kế hoạch chi trả cổ tức, nhiều cổ phiếu bất động sản đã chứng kiến những chuỗi tăng đầy ấn tượng, dự kiến đà tăng sẽ còn tiếp diễn đến ngày chốt cùng nhận cổ tức. Theo thống kê của Reatimes, trong vòng một tháng qua, cổ phiếu LHG là một trong số 30 cổ phiếu luôn tăng giá với biên độ lần lượt 12%, 11,3% và 5,1%. Nhóm bất động sản ngoài LHG còn có cổ phiếu KDH, NLG, HDG, NTL, SZC... Cụ thể, cổ phiếu LHG đã có nhịp tăng 17,5% trong 3 tuần trở lại đây. Tính từ đầu tháng 7, cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp này đã tăng gần 12% và hiện giao dịch tại mức cao nhất 27 tháng.

Giải mã "cơn mưa" cổ tức của doanh nghiệp bất động sản- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Cẩn trọng với "bẫy" cổ tức

Một thực tế không thể phủ nhận là sau chuỗi thời gian ảm đạm, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu hồi sinh trở lại. Mặt bằng lãi suất cho vay thấp hơn, các vướng mắc pháp lý tại nhiều dự án dần được tháo gỡ, các ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay mua nhà trở lại nhằm giải quyết dòng vốn đầu ra, góp phần giúp cầu thị trường phục hồi.

Còn theo giới phân tích, nhu cầu nhà ở tại Việt Nam ngày càng tăng mạnh nhờ lực lượng lao động trẻ và tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng, nhưng nguồn cung trên thị trường sơ cấp thắt chặt trong ba năm qua vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, khiến giá nhà có thể tăng trở lại.

Đặc biệt, trước những thông tin về chi trả cổ tức, nhà đầu tư có xu hướng quan tâm hơn đến cổ phiếu của ngành này. Đặc biệt, Họ tìm cách đón đầu thông tin về những doanh nghiệp sắp trả cổ tức tiền mặt để mua vào cổ phiếu và bán chốt lãi ngay sau khi được chốt quyền nhận cổ tức.

Song thực tế cũng cho thấy, không ít doanh nghiệp trong ngành bất động sản thực hiện chi trả cổ tức cao thường chưa có kế hoạch đầu tư lớn, nhu cầu đầu tư chủ yếu là thay thế hoặc mở rộng ở quy mô vừa phải. Song cũng chính việc không có hoạt động đầu tư mới dẫn đến việc hạn chế về khả năng tăng trưởng trong tương lai. Cho nên, các cổ phiếu có tỷ lệ cổ tức bằng tiền cao thường là loại khó tăng trưởng về thị giá trong dài hạn.

Hơn nữa, hiện nay, cũng có một số doanh nghiệp bất động sản chi trả mức cổ tức rất cao nhưng chỉ trong vòng 1 - 2 năm kinh doanh thuận lợi. Còn khi bắt đầu khó khăn, công ty có thể khất nợ cổ tức, mặc dù hứa hẹn chia cổ tức nhiều lần nhưng đều không làm được bởi các lý do kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ, có lãi nhưng để dành tiền mở rộng đầu tư... lúc này nhà đầu tư đã rơi vào "bẫy cổ tức".

Giải mã "cơn mưa" cổ tức của doanh nghiệp bất động sản- Ảnh 2.

Một thực tế không thể phủ nhận là sau chuỗi thời gian ảm đạm, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu hồi sinh trở lại. (Ảnh: Bùi Văn Doanh)

Đơn cử mới đây, Công ty CP Hưng Thịnh Incons (mã: HTN) đã có thông báo về việc thay đổi thời gian thanh toán cổ tức bằng tiền năm 2021 tỷ lệ 12% (1 cổ phiếu nhận 1.200 đồng) từ ngày 1/7/2024 thành ngày 1/7/2025.

Thất hứa không kém là "anh em nhà Sông Đà", trong đó, CTCP Kỹ thuật Điện Sông Đà (mã:SDE) thông báo thay đổi lần thứ 17 thời gian trả cổ tức năm 2011 và năm 2012 tổng tỷ lệ 11% bằng tiền (năm 2011 là 6%, năm 2012 là 5%). Ngày thanh toán điều chỉnh từ ngày 28/6/2024 sang 30/6/2026. CTCP Sông Đà 4 (UPCoM: SD4) có lần thứ 13 thay đổi ngày thanh toán cổ tức năm 2016 tỷ lệ 15% bằng tiền, dời từ ngày 28/06/2024 sang ngày 30/06/2025.

Theo các chuyên gia kinh tế, cổ đông có thể khởi kiện để yêu cầu công ty trả cổ tức, vì đây là một khoản nợ với nhà đầu tư. Nhưng trên thực tế, việc khởi kiện được đánh giá khó khả thi bởi lẽ cho rằng số cổ tức không nhiều, mất thời gian; cũng chưa có vụ án điểm vì hầu hết doanh nghiệp không trả cổ tức đều đang gặp khó khăn về dòng tiền, việc thực hiện nghĩa vụ nhà nước, trả lương cho nhân viên, trả nợ cho chủ nợ… vẫn được ưu tiên hơn so với cổ đông. Giả sử, cổ đông nhỏ có thắng kiện thì cũng có nhiều khó khăn để bản án được thi hành, chưa kể nếu có đòi được cũng không tương xứng với chi phí và công sức bỏ ra.

Các công ty chứng khoán đưa cảnh báo: "Nhà đầu tư "lướt sóng" không nên mua cổ phiếu bất động sản trước khi chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức 4 - 5 ngày, vì đây là thời điểm giá cổ phiếu cao. Thời điểm bán ra cũng cần cân nhắc vì sau khi giá cổ phiếu bị điều chỉnh, nhịp giảm có thể kéo dài, dễ dàng lấy đi số tiền nhà đầu tư kiếm được từ cổ tức, thậm chí khiến nhà đầu tư bị lỗ. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần quan tâm đến tỷ suất cổ tức, tức tỷ lệ chi trả cổ tức trên giá cổ phiếu. Tiếp theo, cần lựa chọn các công ty chi trả cổ tức cao dựa trên tình hình tài chính vững chắc, mô hình kinh doanh ít rủi ro và biến động...". 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top