Aa

Giải ngân vốn đầu tư công ở Thanh Hóa đạt nhiều kết quả tích cực

Viết Huy
Viết Huy hoanghuy1089@gmail.com
Thứ Năm, 01/06/2023 - 15:25

Tính đến ngày 29/5/2023 giá trị giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Thanh Hóa đạt 3.706 tỷ đồng, cao hơn 7,6% so với tỷ lệ giải ngân của cả nước, cao hơn 12,8% so với Hội nghị giao ban toàn tỉnh vào đầu tháng 3/2023…

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh là 13.530,59 tỷ đồng. Số vốn đã được HĐND tỉnh, UBND tỉnh phân bổ, giao kế hoạch chi tiết là 13.045,441 tỷ đồng, bằng 96,4% kế hoạch.

Trong 5 tháng đầu năm, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản, hội nghị giao ban toàn tỉnh, quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư, các địa phương tập trung thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức thực hiện dự án đầu tư công của đơn vị, địa phương.

Đặc biệt, trong tháng 5/2023, 5 Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh do lãnh đạo UBND tỉnh làm Tổ trưởng, đã tổ chức nhiều đoàn làm việc và đi kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án của các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Tính đến ngày 29/5/2023 giá trị giải ngân của tỉnh Thanh Hóa là 3.706 tỷ đồng (bằng 28,4% kế hoạch giao chi tiết, tuy thấp hơn 5,8% so với cùng kỳ, nhưng cao hơn 7,6% so với tỷ lệ giải ngân của cả nước, cao hơn 12,8% so với Hội nghị giao ban toàn tỉnh vào đầu tháng 3/2023).

giải ngân vốn đầu tư công thanh hóa
Tính đến ngày 29/5/2023 giá trị giải ngân của tỉnh Thanh Hóa là 3.706 tỷ đồng. (Ảnh: ĐT)

Trong đó, một số nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân đạt khá so với kế hoạch như: Đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết đạt 70,4%, chi xây dựng cơ bản vốn tập trung trong nước đạt 41,6%...

Hiện toàn tỉnh có 52 chủ đầu tư giải ngân đạt trên mức giải ngân trung bình của cả tỉnh (tăng 9 chủ đầu tư so với Hội nghị giao ban toàn tỉnh vào đầu tháng 3/2023), trong đó có 23 chủ đầu tư cùng 43 dự án đã giải ngân đạt 100% kế hoạch (tăng 18 dự án so với Hội nghị giao ban toàn tỉnh vào đầu tháng 3/2023), với số vốn là 284,695 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Đơn cử như tiến độ thu tiền sử dụng đất điều tiết ngân sách cấp tỉnh đến ngày 29/5/2023 mới đạt 851,221 tỷ đồng, bằng 32,7% dự toán HĐND tỉnh giao. Tiến độ giải ngân của các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương, vốn ODA mới giải ngân được 11,7%.

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được, trên địa bàn tỉnh còn 29 dự án gặp khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tái định cư, chuyển mục đích sử dụng đất; 4 dự án khó khăn vì giá vật liệu tăng cao; 1 dự án khó khăn trong công tác phối hợp giữa các đơn vị; 18 dự án khó khăn, vướng mắc khác; 4 dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đến nay, còn 61 dự án chưa được quyết định đầu tư. Một số dự án sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư, khi tiến hành thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt điều chỉnh dự án lại phát sinh một số nội dung không phù hợp, phải tiếp tục trình điều chỉnh chủ trương đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện…

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công được các sở, ngành có liên quan cho rằng, việc thiếu hụt nguồn cung đất đắp, giá vật liệu xây dựng tăng cao khiến nhiều công trình chậm tiến độ. Việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia với quy trình, thủ tục mới nên nhiều chủ đầu tư, địa phương vẫn còn lúng túng.

Bên cạnh đó, năng lực triển khai thực hiện của các chủ đầu tư, các đơn vị liên quan chưa đảm bảo, có mặt còn hạn chế; chưa sâu sát, quyết liệt, thiếu đôn đốc, kiểm tra. Năng lực lập kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, nhất là năng lực về thẩm định, kiểm tra, giám sát, thi công... dẫn tới tình trạng nhiều dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân, chậm quyết toán...

Tinh thần, trách nhiệm của các nhà thầu trong việc tổ chức các biện pháp thi công, hoàn ứng vốn còn thấp. Nhiều nhà thầu tập trung máy móc, nhân lực, thiết bị thi công theo hồ sơ trúng thầu nhưng chưa được chủ đầu tư tập trung xử lý, dẫn đến các dự án chậm tiến độ.

Tiến độ lập, thẩm định và trình phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện còn chậm, ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất các dự án./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top