Aa

Giải ngân vốn đầu tư công tăng 12,9%, gỡ khó cho nền kinh tế

Thứ Hai, 04/05/2020 - 06:00

Theo các chuyên gia, 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm nay nếu được giải ngân hiệu quả sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19.

Mặc dù tốc độ giải ngân có tăng nhưng diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án, công trình. Do đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 4/2020 ước tính đạt 23,2 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn tháng 3/2020 và đạt mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ năm trước giai đoạn 2016 - 2020.

Tính chung 4 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công đạt 83,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 18,1% kế hoạch năm, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 19,3% và tăng 4%). Trong đó, vốn Trung ương quản lý đạt 12,3 nghìn tỷ đồng, bằng 15,8% kế hoạch năm và tăng 32,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) được phép thực hiện năm 2020 là gần 700 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019 (312 nghìn tỷ đồng).

Ảnh minh họa.

"Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút thì việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực đầu tư công trong năm 2020 sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế", ông Đinh Tiến Dũng nói.

Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành và địa phương cần theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai của từng dự án, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án cần đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng; tháo gỡ kịp thời các khó khăn, nhất là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

“Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần khẩn trương hoàn thành phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 cho các dự án công trình làm cơ sở thúc đẩy việc thực hiện và giải ngân nguồn vốn này ngay từ những tháng đầu năm.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo, kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng; chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục phê duyệt thiết kế dự án, đấu thầu, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để có khối lượng giải ngân, tập trung hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu, thanh toán vốn sớm, không để dồn đến cuối năm”, Tổng cục trưởng Tổng Cục thống kê Nguyễn Bích Lâm nói.

Ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh: Người đứng đầu các bộ, ngành, chủ tịch UBND các cấp cần chủ động chỉ đạo xử lý những vướng mắc, bất cập trong triển khai các dự án đầu tư công... 

Về phía các chủ đầu tư, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công cần nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực về kỹ thuật và tài chính, kinh nghiệm để triển khai dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình. Các chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với nhà thầu thi công trong suốt quá trình triển khai dự án để kịp thời xử lý trong phạm vi thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan chủ quản cấp trên các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án, nhằm đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng dự án đầu tư.

Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, việc tăng cường đầu tư công không chỉ để bù đắp sự sụt giảm của đầu tư tư nhân trong ngắn hạn, mà còn giúp tạo dựng nền tảng để đón đầu cơ hội phục hồi một khi dịch bệnh được kiểm soát, tăng năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.

Ngoài những dự án trọng điểm của quốc gia, cần ưu tiên những dự án nhỏ nhưng có tác động lan tỏa đối với nền kinh tế. Điều cần quán triệt là, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công và thúc đẩy tiến độ các dự án với tinh thần trách nhiệm cao nhất, khẩn trương, hiệu quả như tinh thần chống dịch COVID-19 đang được Chính phủ thúc đẩy.

“Trên cơ sở danh mục dự án trọng điểm, phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn dự án; giải quyết nhanh quy trình, thủ tục quản lý và lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch. Đẩy nhanh tiến độ thủ tục thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án có thu hồi đất, kết hợp chính sách tái định cư. 

Đối với những dự án sắp hoặc có thể đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành, cần tích cực chỉ đạo hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán, bàn giao đưa vào sử dụng nhằm phát huy hiệu quả kinh tế”, đại diện Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top