Aa

Giải pháp để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững

Nguyên Hà
Nguyên Hà lienlien.media@gmail.com
Thứ Tư, 14/12/2022 - 09:23

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đã đưa ra nhiều giải pháp để bình ổn thị trường BĐS, hướng tới sự phát triển lành mạnh và bền vững tại Hội thảo: Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023 diễn ra sáng 14/12.

Hội thảo "Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023" có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng; lãnh đạo các cục, vụ, viện liên quan thuộc Bộ Xây dựng; đại diện các Bộ, Ngành liên quan: Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Hiệp hội các Doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và các hội nghề nghiệp liên quan; đại diện các ngân hàng trong nước và nước ngoài; đại diện các tổ chức quốc tế: Ngân hàng Thế giới World Bank, Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB; các tập đoàn, tổng công ty xây dựng, bất động sản, các doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực khác...

Hội thảo tập trung vào các nội dung: Chính sách điều hành linh hoạt của Chính phủ; sự thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp; thúc đẩy tiến độ xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các công trình xây dựng trọng điểm; bình ổn thị trường bất động sản tạo điều kiện cho hoạt động thông suốt... nhằm tạo động lực phát triển kinh tế Việt Nam trong năm tới.

Toàn cảnh Hội thảo "Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023"

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ông Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá, bất động sản là một trong những thị trường quan trọng, có vai trò thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản cố định cho nền kinh tế, thúc đẩy nhiều ngành kinh tế và các lĩnh vực khác cùng phát triển.

“Thị trường bất động sản nước ta trong thời gian qua đã có sự phát triển mạnh cả về quy mô, trình độ, năng lực, kinh nghiệm của các chủ thể tham gia thị trường...

Hệ thống chính sách, pháp luật về bất động sản đã cơ bản được hoàn thiện gồm: Luật Kinh doanh Bất động sản 2014, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng... và nhiều nghị định, thông tư khác”, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn khẳng định.

Bên cạnh những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế đất nước và đảm bảo an sinh xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhìn nhận, thị trường bất động sản đang bộc lộ các hạn chế, bất cập, có những dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh. Từ các khó khăn, vướng mắc, bất cập này, Bộ Xây dựng đề xuất nhiều giải pháp trọng tâm, bao gồm:

Thứ nhất, khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo khung pháp lý để thị trường bất động sản phát triển bền vững; tăng cường quản lý thị trường bất động sản; tăng nguồn cung, nhất là tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho phân khúc thu nhập thấp; theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường để kịp thời có giải pháp ổn định thị trường khi cần thiết.

Thứ hai, rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định; Thúc đẩy tiến độ cải tạo chung cư cũ.

Thứ ba, kiểm soát, cơ cấu lại tín dụng bất động sản đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện cho vay đối với lĩnh vực bất động sản theo đúng quy định; ưu tiên cho vay đối với dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được cấp phép và khởi công để tạo nguồn cung cho thị trường; kiểm soát chặt chẽ phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản trên thị trường chứng khoán.

Cùng với đó, hướng dẫn thực hiện hoạt động phát hành trái phiếu, huy động vốn trên thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp bất động sản theo đúng quy định; nghiên cứu, đề xuất các quy định về thuế đối với việc sử dụng bất động sản, hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản để hạn chế tình trạng đầu cơ; nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, xác định giá đất bảo đảm thống nhất, phù hợp thực tế địa phương.

Cần khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo khung pháp lý để thị trường bất động sản phát triển bền vững. Ảnh minh họa.

Thứ tư, khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và xây dựng Chương trình phát triển nhà ở, Kế hoạch phát triển nhà ở tại các địa phương; công khai, minh bạch thông tin, danh mục, tiến độ các dự án phát triển hạ tầng, các dự án bất động sản lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương.

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước tại địa phương về quy hoạch, xây dựng, thị trường bất động sản và quản lý đất đai tại các địa phương, hoàn thiện và thực hiện công khai hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.

Thứ năm, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản; xử lý các hành vi thông tin không chính xác, gây nhiễu loạn, tác động tiêu cực đến hoạt động thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản.

Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, khẩn trương nghiên cứu, đánh giá thực trạng thị trường bất động sản; các kết quả, hạn chế, bất cập và nguyên nhân; tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, trong nước; dự báo tình hình, các yếu tố tác động, xu hướng phát triển thị trường; xác định mục tiêu, yêu cầu, đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp đối với thị trường bất động sản để thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả và bền vững.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top