Aa

Tháo gỡ rào cản nội sinh để khơi thông dòng chảy doanh nghiệp

Thứ Ba, 30/05/2023 - 06:00

Khó tiếp cận tín dụng, phải vốn vay với lãi suất cao và thủ tục hành chính rườm rà được cho là hai nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp chậm hoặc không thể phục hồi hoạt động.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp rất nhiều khó khăn từ tác động kép của hậu đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột ở Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu thì nền kinh tế Việt Nam nói chung và khối kinh tế tư nhân nói riêng còn chịu thêm tác động tiêu cực từ những yếu tố nội sinh. Với vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế, việc tháo gỡ những rào cản để khơi thông dòng chảy, giúp doanh nghiệp tư nhân hồi phục sau đại dịch để tiếp tục vươn lên sẽ là động lực thúc đẩy nền kinh tế nói chung vượt qua khó khăn và phát triển bền vững.

Từ góc nhìn đó, TS. Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã phân tích thực trạng đình trệ của nền kinh tế và chỉ ra nguyên nhân nội sinh và cách khắc phục để doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung vượt qua được giai đoạn khó khăn, nhanh chóng phục hồi và tiếp tục phát triển. Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Khó khăn chồng khó khăn

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang vật lộn chống chọi khó khăn với nhiều dấu hiệu tiêu cực, dữ liệu thống kê sau quý I/ 2023 cũng cho thấy được tình trạng khó khăn của nền kinh tế nước ta. Điển hình nhất với khu vực tư nhân là tình trạng sụt giảm đơn hàng, các chi phí nguyên vật liệu tăng đã khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất. Sức mua của người dân cũng giảm mạnh khiến lượng hàng tồn kho gia tăng. Với khu vực công, đáng chú ý nhất là tình trạng hàng loạt địa phương không đạt được tốc độ giải ngân kỳ vọng khiến đầu tư công chưa thể trở thành đòn bẩy để giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn.

Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát, hiện tượng các doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất, các kế hoạch giải ngân đầu tư công bị chậm lại là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra hiện nay lại cho thấy những thách thức của nền kinh tế nước ta dường như nan giải hơn, thậm chí nguy hiểm hơn. Từ cuối năm 2022 trở lại đây, nhiều doanh nghiệp trong nước đã phải rút lui khỏi thị trường, không ít doanh nghiệp đã phải “bán mình” vì không thể tìm ra giải pháp để vượt qua thách thức trong giai đoạn hậu Covid-19.

Về lý thuyết thì việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp là hiện tượng hoàn toàn bình thường trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay. Khi các doanh nghiệp gặp khó khăn, không thể tự giải quyết thì họ buộc phải chấp nhận bị bán hoặc bị sáp nhập. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại từ hiện tượng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp ở nước ta thời gian gần đây là nhiều doanh nghiệp trong nước được các chủ thể nước ngoài mua lại. Doanh nghiệp sau khi bị bán sẽ vẫn hoạt động ở Việt Nam, nhưng nếu hiện tượng này tiếp tục gia tăng sẽ khiến nền kinh tế quốc gia trở nên quá phụ thuộc vào tổ chức nước ngoài.

TS. Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tùng Dương) 

Nhưng bên cạnh những yếu tố khách quan, thì việc khó tiếp cận tín dụng, phải vay vốn với lãi suất cao và thủ tục hành chính rườm rà được cho là hai nguyên nhân chính mang tính nội sinh khiến nhiều doanh nghiệp chậm hoặc không thể phục hồi hoạt động. Với nguyên nhân thứ nhất, theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 800.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, trong đó hơn 95% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo khảo sát năm 2022 của VCCI, hiện có tới gần 80% doanh nghiệp được hỏi cho biết trở ngại lớn nhất với họ là thiếu vốn và lý do khiến họ không thể vay vốn là bởi không có tài sản đảm bảo. Khi doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn lực tài chính thì sẽ rất khó tồn tại, chứ chưa nói đến mở rộng và phát triển.

“Nỗi ám ảnh” thứ hai với các doanh nghiệp là các rào cản từ thủ tục hành chính. Theo một phát biểu hồi đầu tháng 5/2023 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thì mấy năm gần đây, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành thêm nhiều quy định. Thực tế này đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư, bởi tư duy quản lý siết chặt mà không phù hợp có thể tạo ra các thủ tục hành chính rườm rà gây cản trở, đi ngược với quy luật chung của nền kinh tế hiện đại. Sự phát sinh các quy định mới sẽ làm gia tăng thời gian cho việc hoàn thiện thủ tục các dự án đầu tư ở địa phương, hoặc cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Điều đó không những làm gia tăng chi phí mà nguy hiểm hơn là còn làm mất cơ hội đầu tư, kinh doanh cũng như giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp…

Bộ máy trì trệ

Với hệ thống công quyền, chúng ta đang đối diện với thách thức rất lớn là trạng thái trì trệ. Hiện trạng trì trệ công quyền được cho là bắt nguồn trước hết từ một bộ phận cán bộ, công chức sợ sai, né tránh trách nhiệm, đùn đẩy, không dám làm, không dám quyết. Đó là những cán bộ “an phận”, làm việc cầm chừng, vừa làm vừa nghe ngóng.

Cho đến nay, chưa có một nghiên cứu quy mô để chỉ ra những nguyên nhân chính xác của tình trạng trì trệ trong bộ máy công quyền ở nước ta. Nhưng dựa trên kinh nghiệm và quan sát thực tế, thì hiện tượng trì trệ xuất hiện trong các cơ quan Nhà nước có thể bắt nguồn từ những tính toán lợi ích cá nhân thiển cận và từ sự bất cập của chính sách, thể chế.

Hệ quả trực tiếp nhất từ tình trạng trì trệ này là cả một bộ máy chính quyền địa phương có thể rơi vào tình trạng ách tắc, công việc được giải quyết chậm chạp. Minh chứng rõ ràng nhất cho tình trạng này là tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong quý I/2023 đã diễn ra chậm ở nhiều địa phương phía Nam như: TP.HCM, Trà Vinh, An Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng. Tình trạng tương tự cũng xuất hiện tại 9 tỉnh khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ, khi tính đến hết quý I/2023, tỷ lệ giải ngân đều chưa đạt được mức bình quân chung của cả nước (10,35%).

Khuyến khích cán bộ mạnh dạn tư duy năng động, sáng tạo, hành động đột phá được coi là một giải pháp giúp hệ thống công quyền thoát ra khỏi những dấu hiệu trì trệ hiện nay. Hiện nay, Bộ Nội vụ đang hoàn thiện dự thảo Nghị định khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Ngày 19/4 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có công điện chỉ đạo quyết liệt, sẵn sàng xử lý trách nhiệm của những cá nhân, tập thể nếu đơn vị còn để xảy ra những biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, né tránh trách nhiệm.

Tuy nhiên, quan sát thực tế trong 2 năm gần đây thì chúng ta cũng chưa thấy những tấm gương cán bộ được biểu dương, khen thưởng bởi những ý tưởng và hành động sáng tạo, đột phá.

Ở chiều ngược lại, ngoại trừ cán bộ với những vi phạm cụ thể và hậu quả rõ ràng, chúng ta cũng chưa thấy có cán bộ bị xử lý, bị thay thế vì lý do né tránh, sợ trách nhiệm, không dám tư duy và hành động đột phá. Thực tế này gợi ra rằng, khuyến khích sáng tạo, đột phá ở cấp độ cá nhân giúp tạo ra những chuyển động tích cực cho cả cấu trúc kinh tế - chính trị - xã hội nước ta để có thể thoát ra khỏi bối cảnh với nhiều thách thức nan giải hiện nay là vấn đề không hề dễ dàng.

Tình trạng cán bộ sợ sai, né tránh trách nhiệm gây nhiều hệ luỵ. (Ảnh minh họa: Tùng Dương)  

Tăng tốc chuyển động cấu trúc

Đặc điểm then chốt của cấu trúc quản trị quốc gia ở nước ta là nguyên tắc “quyền lực tập trung và thống nhất”. Trong đó, chính quyền Trung ương không chỉ kiểm soát mọi hoạt động đối nội, đối ngoại, mà còn có thể kiểm soát mọi cấp độ chính quyền địa phương. Nền kinh tế có thể bị chi phối rất mạnh mẽ bởi các chủ thể kinh tế Nhà nước. Bởi thế, để cả cỗ máy công quyền cũng như nền kinh tế chuyển động nhanh hơn thì trước hết cần có những đột phá ở tầm vĩ mô liên quan đến những chỉ đạo chiến lược và hành động quyết liệt từ Trung ương.

Bảo đảm tự do kinh tế là điều kiện sống còn với sự vận hành và phát triển của nền kinh tế thị trường hiện đại. Vì thế, yêu cầu hàng đầu với nền kinh tế nước ta hiện nay là phải giảm thiểu các quy định mang tính “trói buộc”, để khuyến khích, thúc đẩy sự sáng tạo của người dân và doanh nghiệp.

Về hành động, nên sớm thành lập các “Tổ đặc nhiệm” để xử lý những thủ tục, quy định hành chính không phù hợp. Đây là những tổ công tác liên ngành phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương để rà soát xem những văn bản nào đang tạo ra những yêu cầu không cần thiết, gây phiền hà cho doanh nghiệp, từ đó yêu cầu bãi bỏ ngay những “giấy phép con” này.

Đặc biệt, kịp thời phát hiện các nhu cầu của doanh nghiệp, chẳng hạn nhu cầu về vốn vay, để có chính sách hỗ trợ; đáp ứng đúng nhu cầu sẽ là nhóm giải pháp then chốt để chính quyền thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng vượt qua khó khăn. Ngoài việc có thể lập các tổ công tác để ghi nhận ý kiến, khó khăn của doanh nghiệp, cũng cần tổ chức nhiều hơn nữa các hội nghị đối thoại giữa Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp với cộng đồng doanh nghiệp. Khi gia tăng các buổi đối thoại thì chính quyền sẽ lắng nghe được nhiều ý kiến và điều chỉnh các chính sách phù hợp, kịp thời hơn. Đồng thời, hệ thống thể chế khu vực công phải bảo đảm không để ý chí cá nhân hay những nhóm lợi ích vị kỷ, thiển cận can thiệp vào hoạt động của cỗ máy công quyền.

Tinh giản biên chế, thu hẹp bộ máy tổ chức cũng như phạm vi chức năng và nhiệm vụ của hệ thống công quyền cần được thực hiện quyết liệt và thực chất hơn nữa. Để có được một hệ thống công quyền tinh gọn, hiện đại và chỉ tập trung vào những chức năng, nhiệm vụ then chốt, thì chúng ta cũng cần thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình chuyển giao cho khu vực tư nhân những chức năng, nhiệm vụ của khu vực công mà các chủ thể tư nhân có thể đảm nhiệm tốt.

Nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống cho cán bộ, công chức cũng cần được coi là một giải pháp thực chất và then chốt cho tiến trình hiện đại hóa hệ thống công quyền. Chính sách trả lương theo vị trí việc làm cần được triển khai nhanh hơn nữa bởi lẽ, chúng ta sẽ không thể tạo động lực cống hiến cho cán bộ nếu vẫn áp dụng chính sách lương cào bằng, kém linh hoạt và chưa giúp họ đảm bảo được cuộc sống tối thiểu.

Tất cả những điều đó nhằm xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, liêm chính, hiện đại, phục vụ nhân dân; từ đó tháo gỡ dần các rào cản nội sinh, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trở ngại, phát huy vai trò là động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tiếp tục phát triển./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top