Đại đa số chủ tịch các TĐKT Việt Nam đều có hoài bão, niềm tin và khát vọng xây dựng những thương hiệu mạnh không chỉ trên thị trường nội địa mà cả ở thị trường quốc tế.
Chủ tịch HĐQT Thaco Trần Bá Dương đề ra mục tiêu: “Thaco trở thành tập đoàn đa ngành, chủ yếu là ô tô của Việt Nam và mang tầm ASEAN”.
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Bkav Nguyễn Tử Quảng tin tưởng: “Các nhà sản xuất nội địa có thể chiếm thị phần của các tập đoàn toàn cầu, là bệ phóng để vươn ra thị trường toàn cầu, hoàn toàn có thể trở thành những Samsung, LG như của Hàn Quốc”.
Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng xác định sứ mệnh của tập đoàn là: “Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Việt Nam”.
Thành tựu kinh tế - xã hội và sự lớn mạnh của kinh tế tư nhân năm 2018 là tiền đề để thực hiện vượt mức mục tiêu năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân, trong đó có hàng nghìn tập đoàn kinh tế. Để thực hiện thành công mục tiêu đó cần có giải pháp về thế chế và quản trị doanh nghiệp.
Mô hình tập đoàn kinh tế
Tại nhiều nước châu Âu và Mỹ, phần lớn doanh nghiệp khởi đầu từ công ty gia đình kinh doanh một số ngành nghề, thông qua quá trình sáp nhập và mở rộng hoạt động hình thành TĐKT.
Tại Nhật Bản, mô hình Keiretsu xuất hiện sau Chiến tranh thế giới thứ hai, thông qua hoạt động liên kết giữa các công ty với nhau theo chiều ngang trên nhiều lĩnh vực và ngành nghề, thường lấy một ngân hàng làm hạt nhân liên kết bằng quan hệ tín dụng, quan hệ sở hữu hoặc chi phối vốn cổ phần.
Tại Hàn Quốc, Chaebol là loại hình các công ty gia đình liên kết thông qua quan hệ sở hữu hoặc chi phối vốn cổ phần tại các công ty con. Các công ty gia đình có mối quan hệ “thân hữu” với chính phủ và nhận được nhiều ưu đãi của nhà nước. Cũng giống như các mô hình tập đoàn khác, Chaebol cũng có xu hướng mở rộng phạm vi hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực.
TĐKT tập hợp nhiều doanh nghiệp thành viên, hình thành công ty mẹ, công ty con. Về mặt pháp lý, bản thân tập đoàn không có tư cách pháp nhân nhưng công ty mẹ là hạt nhân để liên kết hoạt động của các công ty con và công ty liên kết, nắm quyền điều hành, kiểm soát, chi phối hoạt động của toàn bộ tập đoàn.
Do TĐKT mới được hình thành ở nước ta nên có cấu trúc khá đa dạng tùy thuộc vào chủ doanh nghiệp. Vì thế, cần học hỏi kinh nghiệm từ các nước và tổng kết thực tiễn để luật pháp hóa về mô hình TĐKT; quy định các điều kiện hình thành tập đoàn, cơ chế hoạt động của tập đoàn như quan hệ giữa công ty mẹ, công ty con và công ty liên kết, quyền lợi và nghĩa vụ của tập đoàn.
Nhà nước cần có chính sách khuyến khích phát triển TĐKT trong nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp và dịch vụ hiện đại, nghiên cứu và phát triển, làm hạt nhân trong từng chuỗi cung ứng sản phẩm. Đồng thời, quy định minh bạch về quan hệ hợp đồng trong nội bộ tập đoàn để đề phòng và xử lý kịp thời tình trạng “chuyển giá”, trốn thuế, sở hữu chéo, hình thành mối “quan hệ cánh hẩu” giữa doanh nghiệp với ngân hàng, với cơ quan nhà nước.
TĐKT cần được khuyến khích phát triển thành công ty đại chúng đa sở hữu nhằm giải bài toán tích luỹ vốn và tạo lập nguồn lực để phát triển nhanh và hiệu quả cao, có chiến lược kinh doanh dài hạn, tầm nhìn toàn cầu, quản trị hiện đại và minh bạch, nhanh chóng mở rộng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
TĐKT tạo ra sức mạnh quốc gia nhưng cũng dễ nảy sinh tình trạng độc quyền do tiềm lực vốn khổng lồ có thể mua lại hoặc sáp nhập các doanh nghiệp khác, cấu kết và thông đồng với nhau để triệt tiêu cạnh tranh, buộc người tiêu dùng phải trả giá cao hơn và lấy đi của họ quyền được lựa chọn. Để khắc phục tình trạng đó, Chính phủ Mỹ ban hành Đạo luật chống độc quyền Sherman năm 1890 và Đạo luật chống độc quyền Clayton năm 1914.
Công nghệ và nguồn nhân lực
Trong những năm gần đây, đã có một số tập đoàn đi tiên phong trong nhập khẩu, ứng dụng và đổi mới công nghệ để có được công nghệ hiện đại; phần còn lại đang sử dụng máy móc, thiết bị có công nghệ trung bình; đó là một nhược điểm lớn.
TĐKT cần coi trọng đầu tư vốn để có công nghệ hiện đại nhằm tạo lập và quảng bá thương hiệu đủ sức hấp dẫn người tiêu dùng.
Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng, các TĐKT đóng góp khoảng 40% chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) của quốc gia, thành lập các trung tâm hoặc viện nghiên cứu chuyên ngành, thu hút các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu để triển khai các dề tài khoa học và công nghệ, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp phục vụ cho chiến lược phát triển của tập đoàn.
R&D là yếu tố quyết định thành công của tập đoàn theo hướng “đổi mới và sáng tạo”, luôn đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới. Samsung là một bài học thành công điển hình để các doanh nghiệp Việt Nam học tập. Từ một thương hiệu điện tử không nổi tiếng, bằng việc tập trung nguồn lực vào R&D nên chỉ khoảng 10 năm, Samsung trở thành thương hiệu số 1 trên thị trường thế giới không chỉ trong lĩnh vực điện tử mà còn trong lĩnh vực viễn thông.
Các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư vào R&D phải trả lời được hai câu hỏi: Sản phẩm của công ty có gì khác biệt so với đối thủ? Lợi ích nào có thể tạo ra nhu cầu mới của khách hàng?
Nhà nước cần khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ và R&D bằng chính sách ưu đãi như “khấu hao nhanh”, áp dụng cơ chế thuận lợi và thủ tục đơn giản để doanh nghiệp tiếp cận được các quỹ của ngành và của địa phương.
Đội ngũ cán bộ quản trị doanh nghiệp, kỹ sư, chuyên gia kinh tế, công nhân lành nghề là nhân tố quyết định thành công của TĐKT. Một số TĐKT nước ta đã hình thành chiến lược thu hút người tài, tiền lương và thu nhập cao, lao động và phúc lợi tốt để vừa có đủ nhân lực đáp ứng nhu cầu hiện tại, vừa tạo nguồn cho các thế hệ sau duy trì và phát triển tập đoàn.
Hiện nay, một số doanh nghiệp lớn có chiến lược gửi cán bộ, chuyên viên ra nước ngoài bồi dưỡng ngắn hạn, thuê người nước ngoài làm cán bộ quản lý; đó là xu hướng tất yếu trong thời đại toàn cầu hóa. Tuy vậy, do nhu cầu đào tạo và bồi dưỡng nhân lực cấp cao gia tăng nên nhà nước cần khuyến khích các trường đại học có đủ điều kiện thành lập phân hiệu, các nhà đầu tư xây dựng trường đào tạo cán bộ quản trị doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu đó.
Hình thành thương hiệu
Thương hiệu là tài sản, yếu tố sống còn của TĐKT; trước hết phải trở thành số 1 trên thị trường trong nước bằng chất lượng sản phẩm và dịch vụ, giá cả cạnh tranh để chinh phục người tiêu dùng Việt Nam theo phương châm “người lao động phải được dùng hàng tốt nhất để sản xuất ra hàng tốt hơn”, thay cho phong trào “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Trên cơ sở đó, từng bước vươn ra khu vực rồi toàn cầu. Đó là chiến thuật rất thành công của Keiretsu của Nhật Bản và Chaebol của Hàn Quốc. Một ví dụ điển hình là Waltmart - nhà bán lẻ hàng đầu của Mỹ đã phải rút lui khỏi thị trường Hàn Quốc chính do chiến thuật này của Lotte.
Đó cũng là bài học được đúc rút từ kinh nghiệm của Vingroup khi một số tập đoàn Thái Lan mua lại các siêu thị như Metro, BigC. Chính bằng việc hình thành chuỗi cung ứng nông sản từ hợp tác xã sản xuất - nhà phân phối - siêu thị với chiết khấu thấp hơn nhiều so với Metro, BigC nên Vinmart đã có lợi thế cạnh tranh với các ông chủ người Thái trên thị trường nội địa.
Các tập đoàn đã khẳng định được vị thế trong nước cần tận dụng lợi thế của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế và cơ hội mới khi nước ta ký nhiều FTA thế hệ mới để có chiến lược kinh doanh trên thị trường khu vực và thế giới. Đồng thời, chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu, tiến tới trở thành những tên tuổi lớn như Honda, Toyota, Sony (Nhật Bản) Samsung, Hyundai (Hàn Quốc).
Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ TĐKT xây dựng và phát triển thương hiệu, nhất là tạo chỗ đứng trên thị trường thế giới để không chi gia tăng nhanh chóng quan hệ thương mại và đầu tư, mà còn có thể tham gia đầu thầu quốc tế những dự án quy mô lớn mà hiện nay nhiều TĐKT nước ta đủ sức thực hiện.
Tích tụ vốn
TĐKT có nhiều phương thức huy động để tăng nhanh vốn kinh doanh đáp ứng đòi hỏi mở rộng quy mô của doanh nghiệp. Nhà nước cần hoàn thiện luật pháp liên quan đến huy động vốn, tích tụ và tập trung vốn tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của tập đoàn.
Trên thế giới, TĐKT phổ biến có năm phương thức huy động vốn sau:
Phát hành trái phiếu: Các tập đoàn khi phát hành trái phiếu chỉ trả lãi suất cho các nhà đầu tư thường thấp hơn lãi suất tín dụng của ngân hàng thương mại; tiền lãi trái phiếu được hạch toán vào chi phí kinh doanh, được khấu trừ thuế.
Phát hành cổ phiếu ưu đãi: Người mua cổ phiếu này được ưu tiên như khi công ty gặp khó khăn về tài chính thì chủ sở hữu cổ phiếu ưu đãi được nhận tiền lãi chỉ sau chủ sở hữu trái phiếu, nhưng trước chủ sở hữu cổ phiếu phổ thông.
Phát hành cổ phiếu thường: Các ngân hàng đầu tư thường giúp các công ty phát hành cổ phiếu, thoả thuận mua bất kỳ cổ phần mới nào được phát hành với mức giá đặt trước, nếu công chúng từ chối mua cổ phiếu đó với mức giá tối thiểu.
Đi vay: Các công ty huy động vốn ngắn hạn để bảo đảm hoạt động thường xuyên bằng cách vay tín dụng của các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính khác.
Sử dụng lợi nhuận: Một số tập đoàn thanh toán lợi nhuận của doanh nghiệp cho các cổ đông dưới hình thức lãi cổ phần. Một số tập đoàn khác chỉ thanh toán một phần lợi nhuận, phần còn lại để tái đầu tư; cũng có tập đoàn sử dụng toàn bộ lợi nhuận vào R&D, mở rộng kinh doanh, chưa chia lợi tức cổ phần với mục tiêu tăng nhanh giá trị cổ phiếu.
Trong khi Nhà nước chủ trương xã hội hóa đầu tư bằng phương thức PPP hay BOT thì TĐKT có cơ hội được tham gia thực hiện những dự án quy mô lớn xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách cần đẩy nhanh hơn quá trình hoàn thiện luật pháp có liên quan đến thị trường vốn và huy động vốn của doanh nghiệp.
Hợp tác theo chuỗi cung ứng sản phẩm trong nước và toàn cầu
Đây là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam làm chủ thị trường trong nước và cạnh tranh thắng lợi trên thị trường thế giới.
Trong những năm gần đây, đã có nhiều mô hình thành công trong kết nối chuỗi cung ứng sản phẩm. Samsung đã hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để xây dựng mạng lưới công nghiệp hỗ trợ hàng điện tử gia dụng với hơn 200 doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia.
Vingroup đã đầu tư vào nông nghiệp công nghệ hữu cơ, liên kết với HTX nông nghiệp kiểu mới, nhà phân phối, siêu thị để hình thành chuỗi cung ứng nông sản sạch với chiết khấu thấp hơn nhiều so với một số chuỗi cung ứng nông sản có vốn FDI.
Để ứng phó có hiệu quả với nguy cơ hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ trái đất tăng đã xuất hiện thuật ngữ “nền kinh tế xanh” (Green Economie), từ đó cũng ra đời “chuỗi cung ứng xanh” (Green Supply Chain).
“Chuỗi cung ứng xanh” tập trung vào các yếu tố: 1) Cung ứng xanh (Greening the Supply); 2) Chế tạo xanh (Greening Manufactuting) bảo đảm an toàn cho công nhân và bảo vệ môi trường; 3) Đóng gói (Packaging) sử dụng chất liệu tái chế được; 4) Vận chuyển (Transportation) giảm thiểu khí thải nhà kính trong quá trình vận chuyển; 5) Bán hàng (Point of Sale) cung cấp thông tin về sản phẩm cho người tiêu dung; 6) Khách hàng (Customer Use) tái sử dụng bao bì; và 7) Cuối cùng (End of Life) khi sản phẩm không dùng nữa sẽ được tái chế.
Chìa khóa cho sự thành công của việc theo đuổi “chuỗi cung ứng xanh” là thay đổi cách làm việc với khách hàng và nhà cung cấp. Sử dụng các phương thức hoạt động mới để “quản lý chuỗi cung ứng thông minh” (Intelligent Supply Chain Management) và “thương mại điện tử” cho phép hình thành cộng đồng thương mại toàn cầu với chi phí thấp và sử dụng hệ thống tự động hoá để gia tăng hoạt động của doanh nghiệp và đạt được kết quả tốt về môi trường.
Hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học & công nghệ, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực giữa doanh nghiệp với viện nghiên cứu khoa học, trường dạy nghề, cao đẳng, đại học đã có chuyển biến theo hướng tích cực. Một số doanh nghiệp đã tạo điều kiện và ký hợp đồng dài hạn với cán bộ nghiên cứu các viện và trường; kết quả của nhiều công trình nghiên cứu đã được nhanh chóng ứng dụng và thương mại hóa. Đồng thời, nhiều trưởng đại học đã có trung tâm thực hành do cán bộ quản lý và công nghệ của doanh nghiệp giảng dạy; học sinh tốt nghiệp đại học, cao đẳng do được tiếp cận với máy móc, thiết bị hiện đại khi học ở trường và thời gian thực tập tại doanh nghiệp nên đáp ứng được đòi hỏi về chuyên môn.
Tuy vậy, để có được nhiều công trình nghiên cứu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo bước đột phá về khoa học - công nghệ thì Nhà nước cần hoàn thiện khung pháp lý về khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo theo hướng khuyến khích TĐKT hợp tác dài hạn bằng nhiều phương thức với viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, chuyên gia từng lĩnh vực để giải quyết thành công các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như của từng tập đoàn.
Tạo lập quan hệ hợp tác trong đầu tư ra nước ngoài và nhận thầu quốc tế khi nhiều doanh nghiệp nước ta đang mở rộng hoạt động ra khu vực và thế giới. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tận dụng thế mạnh của tập đoàn và hợp tác giữa các doanh nghiệp ở từng nước là chìa khóa thành công của doanh nghiệp khi hoạt động ở nước ngoài.
Amcham, Eurocham, Kotra, Jetro đang hoạt động ở nước ta, được Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trân trọng, bảo vệ lợi ích nhà đầu tư, đồng thời tham vấn cho Nhà nước các vấn đề có liên quan đến môi trường kinh doanh và đầu tư. Đó là mô hình cần được các bộ nghiên cứu để chỉ đạo doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và kinh doanh ở nước ngoài.
Do số lượng doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài ngày càng nhiều, quy mô ngày càng lớn nên cần có Luật Đầu tư ra nước ngoài (thay cho một chương trong Luật Đầu tư 2014 đang được sửa đổi) để điều chỉnh theo hướng tạo thuận lợi và mở rộng hợp tác giữa các doanh nghiệp ở từng nước, đồng thời giám sát, kiểm tra có kết quả việc chuyển vốn bằng ngoại tệ ra nước ngoài và chuyển lợi nhuận, vốn khấu hao về nước, bảo đảm an ninh của thị trường ngoại hối.
Cạnh tranh và hợp tác là hai mặt của kinh tế thị trường, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác bằng nhiều phương thức đa dạng là đòi hỏi đồng thời của việc xây dựng nhiều TĐKT lớn trong giai đoạn mới.
Kết luận
Nghị quyết của Hội nghị BCH TƯ Đảng lần thứ V (Khóa XII) khẳng định: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế... Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng đóng góp trong GDP”.
Nghị quyết tạo ra cơ hội mới đối với phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, đồng thời khuyến khích việc hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế lớn, trong đó có những tập đoàn xuyên quốc gia để làm chủ thị trường trong nước và từng bước tăng cường vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường khu vực và thế giới./.
GS. TSKH. Nguyễn Mại
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE),
nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác đầu tư