Aa

Giải pháp nâng tầm vị thế du lịch nông nghiệp, nông thôn

Nguyên Hà
Nguyên Hà lienlien.media@gmail.com
Thứ Hai, 22/05/2023 - 13:00

Du lịch nông nghiệp đã trở thành xu thế phát triển gắn liền với xây dựng nông thôn mới cũng như định hướng phát triển du lịch của Việt Nam. Song, để nâng cao vị thế, vẫn còn nhiều rào cản cần vượt qua.

Du lịch nông nghiệp hồi sinh những làng quê

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện cả nước có khoảng 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động, trải dài từ miền núi phía Bắc đến Đồng bằng sông Cửu Long…

Với nhiều mô hình phát huy hiệu quả, du lịch nông nghiệp đã thu hút sự quan tâm của du khách, giúp làng quê hồi sinh, giảm thiểu các tệ nạn xã hội, cuộc sống văn minh hơn. Nông, lâm, thủy sản, ngành nghề truyền thống tăng thêm giá trị, trở thành đặc sản của địa phương, nhất là sản phẩm OCOP. Cánh đồng lúa, ruộng bậc thang, vườn cây, sông, suối, ao, hồ, làng chài... đều được kết nối thành điểm đến đặc sắc trên hành trình trải nghiệm; tri thức, văn hóa bản địa, ẩm thực dân gian, nghi lễ truyền thống… được đánh thức.

Trao đổi với Reatimes, PGS.TS. Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, hiện nay, nhiều điểm đến du lịch nông thôn đã được hình thành trên cơ sở khai thác giá trị đặc sắc, mang đậm dấu ấn của văn hóa, sinh thái vùng miền. Nhiều sản phẩm du lịch nông thôn ra đời mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp độc đáo, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách. Sự tham gia trực tiếp của bà con nông dân trong các hoạt động du lịch nông nghiệp đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch. 

PGSTS Phạm Hồng Long
PGS.TS. Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội)

PGS.TS. Phạm Hồng Long nhìn nhận, du lịch nông nghiệp góp phần thực hiện một số tiêu chí cơ bản trong việc xây dựng nông thôn mới, như: Tạo sinh kế, tăng thu nhập cho nông dân, nâng cao chất lượng cuộc sống tại nông thôn, gìn giữ nghề truyền thống, duy trì sản vật địa phương có giá trị, tích tụ đất đai và lực lượng lao động nông nghiệp lành nghề, quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Ngoài ra, du lịch nông nghiệp, nông thôn cũng góp phần mở rộng không gian du lịch, làm giảm áp lực quá tải tại khu vực đô thị.

“Văn hóa Việt Nam dựa trên văn hóa nông dân, nông nghiệp, lúa nước, xóm làng… 70% dân số vẫn đang sống ở nông thôn. Việc cung cấp sản phẩm hàng hóa, dịch vụ du lịch tại chỗ sẽ tạo thêm nguồn sinh kế ổn định, cải thiện đời sống cho người nông dân, giúp người dân gắn bó với quê hương, nâng cao ý thức xây dựng môi trường văn hóa, cảnh quan; bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, tạo điểm khác biệt để thu hút khách du lịch.

Mặt khác, thông qua khách du lịch, sản phẩm nông nghiệp tại địa phương được tiêu dùng trực tiếp, thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ, đem lại giá trị gia tăng cho nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Ngoài ra, du lịch nông thôn còn hỗ trợ truyền thông cho sản phẩm nông nghiệp bản địa thông qua công tác truyền thông điểm đến, xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch”, PGS.TS. Phạm Hồng Long nhấn mạnh.

du lịch nông nghiệp, nông thôn
Hiện nay, nhiều điểm đến du lịch nông thôn đã được hình thành trên cơ sở khai thác giá trị đặc sắc, mang đậm dấu ấn của văn hóa, sinh thái vùng miền. Ảnh minh họa: Nam Nguyễn.

Còn nhiều rào cản

Tỉnh Đồng Tháp bắt đầu tập trung phát triển du lịch nông nghiệp từ năm cuối năm 2016, khi 5 hộ dân trồng sen ở huyện Tháp Mười tiên phong khai thác loại hình du lịch trải nghiệm chèo xuồng ngắm cảnh đồng sen, câu cá và thưởng thức ẩm thực đồng quê chế biến với sen. Tiếp sau đó, các hộ dân trồng cam, quýt ở huyện Lai Vung cũng đã mạnh dạn mở cửa vườn đón khách du lịch đến tham quan. Thành phố Cao Lãnh xây dựng và phát triển được mô hình làng du lịch Tân Thuận Đông với các dịch vụ du lịch sinh thái -ẩm thực; du lịch trải nghiệm - giáo dục và du lịch sinh thái, trải nghiệm - nghỉ dưỡng…

Tại hội thảo “Nâng tầm vị thế phát triển du lịch nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp” diễn ra trong khuôn khổ lễ hội xoài ở địa phương này diễn ra đầu tháng 5, ông Ngô Quang Tuyên, Phó giám đốc Sở Văn hoá Thể thao Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện nay, tỉnh Đồng Tháp đã phát triển được 65 điểm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng phục vụ khách tham quan trải nghiệm, trong đó, có 8 homestay, 2 farmstay, 55 điểm tham quan du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp trải nghiệm làng nghề.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016 - 2022, các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp chỉ đón tiếp và phục vụ được 4,3 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt 519 tỷ đồng. Theo ông Tuyên, đây là con số khá khiêm tốn, bởi chỉ riêng năm ngoái, toàn ngành du lịch Đồng Tháp đã đón 3,4 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt 1.500 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhận định, hiện nay nhiều nông dân đang lầm tưởng có khách tới là du lịch, bán được vài tấm vé là du lịch. Mô hình làng sen ở huyện Tháp Mười có thể thất bại nếu trở thành “quán nhậu” trên đồng sen, chứ không phải là một điểm du lịch nông nghiệp thực thụ.

du lịch nông nghiệp, nông thôn
Đồng sen Tháp Mười.

Đưa dẫn chứng về tỉnh Đồng Tháp để thấy rằng, phát triển du lịch nông nghiệp ở các địa phương hiện nay đa phần vẫn theo cách làm manh mún, nhỏ lẻ, chỉ mới tiệm cận đến việc kết hợp quảng bá du lịch trong nông nghiệp chứ chưa dựa trên nền tảng và bản chất của du lịch nông nghiệp.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thực tế du lịch không phải chỉ dừng lại ở việc xây dựng vài ba cái chòi, trang trí một vài bông hoa rồi kê vài cái bàn là xong. Tư duy sản xuất nông nghiệp còn bám víu quá sâu là cản trở lớn khi chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

“Ngành du lịch đang xem nông nghiệp là làm thêm, ngành nông nghiệp xem du lịch là nhiệm vụ phụ. Trong khi đó, du lịch nông nghiệp, thuật ngữ tiếng Anh là “agritourism” là sự kết hợp hoàn hảo, là nhất thể. Du lịch nông nghiệp ở nhiều đất nước có chuyên ngành đào tạo, huấn luyện riêng, có hội nghề nghiệp riêng, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển địa phương”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu vấn đề.

Vai trò doanh nghiệp trong phát triển du lịch nông nghiệp là rất quan trọng nhưng liên kết giữa doanh nghiệp, điểm đến và cộng đồng địa phương đang là một thách thức. Doanh nghiệp chỉ tập trung vào điểm đến khi có sự ủng hộ của địa phương hoặc có chính sách thu hút họ và người dân địa phương trung thành hợp tác trong dài hạn. 

--------------------

PGS.TS. Phạm Hồng Long

PGS.TS. Phạm Hồng Long cho biết, hiện nay, du lịch nông thôn tập trung chủ yếu vào những loại hình như: Du lịch homestay, du lịch trải nghiệm, du lịch nông trại, du lịch gắn với sản phẩm nông nghiệp đặc thù của địa phương. Nhìn chung, các địa phương đã bước đầu hình thành và phát triển các tuyến, điểm du lịch gắn với các sản phẩm du lịch khá phong phú. 

Song, có một số vấn đề cần quan tâm, đó là phần lớn sản phẩm du lịch nông thôn mới chỉ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch ở mức cơ bản, du khách chủ yếu chi trả cho vé tham quan, ăn uống, lưu trú mà chưa chi tiêu nhiều cho các dịch vụ bổ trợ. Nhiều homestay mang tính chất tự phát, dịch vụ hạn chế, thiếu định hướng về bản sắc văn hóa truyền thống. Sản phẩm du lịch thiếu tính đặc trưng, nghèo nàn, dễ trùng lặp. Hầu hết hoạt động du lịch nông nghiệp chỉ mang tính bổ trợ, chưa thu hút nhiều khách lưu trú. 

Về liên kết du lịch, PGS.TS. Phạm Hồng Long nhận định, hiện chưa có sự kết nối mang tính liên tỉnh, liên vùng nên chưa kéo dài được thời gian lưu trú và kết nối du khách; chưa có mối liên kết hữu cơ giữa các mắt xích trong chuỗi giá trị du lịch nông thôn để tạo nên sản phẩm du lịch đảm bảo các yếu tố phát triển bền vững khi đưa vào khai thác.

“Có một thực trạng phổ biến hiện nay, đó là nhiều địa phương chỉ mới xác định được điểm mà chưa xác định được tuyến du lịch chính, hoặc xác định quá nhiều tuyến nên không có trọng tâm, gây khó khăn trong công tác giới thiệu, quảng bá và kết nối với các đơn vị lữ hành. Đây là mắt xích yếu nhất trong toàn bộ chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp, nông thôn. Do phát triển manh mún, tự phát, chưa có cơ chế quản lý thống nhất nên các địa phương chưa xây dựng được sản phẩm du lịch đặc sắc cũng như kết nối quảng bá trong và ngoài nước”, PGS.TS. Phạm Hồng Long nhìn nhận.

Ngoài ra, việc thu hút đầu tư để các doanh nghiệp tham gia góp sức phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn cũng đang gặp không ít khó khăn. PGS.TS. Phạm Hồng Long lý giải, nguyên nhân là do tại các vùng sản xuất nông nghiệp, việc khai thác du lịch, phát triển các bất động sản kiên cố phục vụ du lịch mới trên đất canh tác là không thể, chỉ có xây dựng bằng các vật liệu tạm bợ. Mặt khác, sự kỳ vọng của người dân hay chính quyền địa phương đối với các doanh nghiệp trong việc tạo ra giá trị kinh tế đang quá lớn, trong khi, doanh nghiệp không chỉ đầu tư về mặt tài chính mà còn cả trí tuệ thì mới phát triển bền vững được. Đó là chưa kể, mối lo sợ về sự mất công bằng trong phân chia lợi ích giữa doanh nghiệp, người dân và địa phương cũng đang là rào cản lớn.

“Vai trò doanh nghiệp trong phát triển du lịch nông nghiệp là rất quan trọng nhưng liên kết giữa doanh nghiệp, điểm đến và cộng đồng địa phương đang là một thách thức. Doanh nghiệp chỉ tập trung vào điểm đến khi có sự ủng hộ của địa phương hoặc có chính sách thu hút họ và người dân địa phương trung thành hợp tác trong dài hạn”, ông Long nói.

du lịch nông nghiệp, nông thôn
việc thu hút đầu tư để các doanh nghiệp tham gia góp sức phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn cũng đang gặp không ít khó khăn. Ảnh minh họa: Báo Nhân dân

Cần các giải pháp đồng bộ

Theo chuyên gia Phạm Hồng Long, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn đòi hỏi phải có quá trình chuẩn bị chu đáo và nghiêm cẩn, không chỉ dựa trên tư duy “suy diễn” là cứ có tiềm năng thì có thể phát triển du lịch nông thôn. Và cũng không thể dựa trên tư duy “quy nạp” là du lịch nông thôn đang là xu thế thịnh hành nên nếu tổ chức du lịch nông thôn thì sẽ sinh lời...

“Việc phát triển du lịch nông thôn đòi hỏi quá trình điều tra kỹ lưỡng về các điều kiện phát triển du lịch nông thôn ở góc độ cung và cầu. Bên cạnh đó, cần có tư duy sáng tạo để đưa ra các ý tưởng mới phù hợp với thực tế tại địa phương, giúp du khách có những trải nghiệm mới lạ, tránh sự trùng lặp. Nói cách khác, tính đặc thù là điểm mấu chốt trong phát triển sản phẩm du lịch nông thôn”, ông Long nhấn mạnh.

Ở góc nhìn khác, chuyên gia này nhận định, du lịch nông thôn phải đảm bảo các yếu tố kinh tế và phi kinh tế. Tức là, bên cạnh làm kinh doanh, hoạt động du lịch cần góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa cộng đồng tại nơi diễn ra hoạt động du lịch; tăng niềm tự hào và sự gắn kết trong cộng đồng; thúc đẩy cách ứng xử bình đẳng với các đối tượng yếu thế, đồng thời có cơ chế thu hút người trẻ tài năng.

Muốn phát triển du lịch nông thôn thì phải xác định được các bên liên quan, các đặc điểm hình thái của mô hình du lịch nông thôn tại khu vực đó, từ đó vạch rõ nhiệm vụ, vai trò của các bên đối với vấn đề phát triển du lịch nông thôn ở địa phương. Cần có sự đồng thuận cao giữa các bên từ khi xây dựng đến khi dự án đi vào hoạt động.

Phải đảm bảo sự chia sẻ lợi ích một cách rõ ràng, hợp lý giữa các bên liên quan để duy trì lâu dài hoạt động du lịch. Cần tính toán cả đầu ra của sản phẩm cùng phương án tự vận hành sau khi dự án kết thúc. Cần chú trọng phát huy kỹ năng, cá tính của các cá nhân, đặc biệt là người bản địa, định hướng để họ trở thành nhân lực trụ cột trong phát triển du lịch nông thôn của địa phương”, PGS.TS. Phạm Hồng Long nói thêm.

Bên cạnh đó, ông Long cũng cho rằng, một nền tảng không kém phần quan trọng để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là cơ sở hạ tầng, điều kiện cơ sở vật chất của địa phương. Đó là hệ thống cơ sở lưu trú, nhà hàng, các khu dịch vụ thương mại, vui chơi, giải trí khác ngoài khu vực sản xuất, trải nghiệm du lịch thuần túy.

“Ví dụ, có khách du lịch muốn nơi ở phải đạt chất lượng 3 sao, 4 sao nhưng cũng có khách chỉ yêu cầu ở nhà dân thôi nhưng đòi hỏi phải sạch và có những tiện nghi cơ bản. Do đó, đây là vấn đề cần phải chú trọng để giữ chân du khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn”, PGS.TS. Phạm Hồng Long khẳng định.

du lịch nông nghiệp, nông thôn
Chất lượng hạ tầng, cơ sở lưu trú là một trong những vấn đề cấn chú trọng khi phát triển du lịch nông nghiệp. Ảnh minh họa. 

Trong công tác truyền thông, quảng bá, chuyên gia này đề xuất, cần nghiên cứu thị trường, nắm rõ thị hiếu, nhu cầu của du khách. Song song với đó là nghiên cứu, tìm hiểu sự đóng góp của cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch nông thôn ở địa phương; giúp họ giữ tâm thế tự chủ bởi lực lượng này là nòng cốt cho sự phát triển bền vững của du lịch nông thôn. Đồng thời, cần đề cao vai trò tư vấn của các chuyên gia du lịch để tránh việc làm biến dạng bản sắc văn hóa, môi trường, cảnh quan nguyên bản do không hiểu biết đầy đủ. 

Du lịch nông nghiệp, nông thôn ngày càng có những đóng góp tích cực vào định hướng phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam. Đặc biệt, xu hướng du lịch đang chuyển dịch từ du lịch đại chúng sang du lịch bền vững đã tạo cho du lịch nông nghiệp, nông thôn động lực to lớn để phát triển. Do đó, việc xây dựng một nền tảng tốt từ sản xuất nông nghiệp, kết nối hạ tầng, các mô hình phát triển, cơ sở lưu trú, nguồn nhân lực chất lượng đến quảng bá thương hiệu… và kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp khác để khơi dậy được tiềm năng, nâng tầm vị thế du lịch nông nghiệp, nông thôn là vấn đề quan trọng và cần thiết lúc này./.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, các địa phương cần chú ý tới quy hoạch. Quy hoạch cần dựa trên tài nguyên nông nghiệp, nông thôn, giá trị cảnh quan, các giá trị văn hóa phi vật thể, như: Lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công, văn hóa các dân tộc. Bên cạnh đó, sử dụng hiệu quả và phát huy các giá trị truyền thống, tập quán sản xuất, canh tác, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng, gắn với chuyển đổi số...

Trong đó, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao; tăng cường sự kết nối trong du lịch nông nghiệp, nông thôn, hình thành các tour, tuyến chất lượng, đa dạng và hấp dẫn. Đặc biệt, cần thay đổi cách thức quảng bá, giới thiệu du lịch nông nghiệp, nông thôn ở cả tầm quốc gia và địa phương; mỗi điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn cần có một câu chuyện cảm xúc nhằm thu hút du khách...

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top