Chương trình vinh danh Danh hiệu Sao Khuê do Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) sáng lập và được tổ chức thường niên từ năm 2003 nhằm vinh danh những sản phẩm phần mềm, dịch vụ CNTT xuất sắc của Việt Nam.
Nhận thức những xu thế của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (còn gọi là 4.0), với khẩu hiệu: “Xung kích chuyển đổi số - Chia sẻ và Kết nối”, chương trình vinh danh Danh hiệu Sao Khuê 2020 được tổ chức giữa tháng 5/2020 vừa qua đã cho thấy có nhiều đổi mới quan trọng, phù hợp với xu thế phát triển chung của ngành và thế giới, đồng thời chuẩn hóa hệ thống tiêu chí và quy trình tổ chức theo chuẩn của giải thưởng quốc tế.
Dựa trên hệ thống các tiêu chí đánh giá trực tiếp đối với Sản phẩm/Giải pháp/Dịch vụ và các tiêu chí đánh giá về năng lực hoạt động, uy tín thương hiệu của doanh nghiệp, tổ chức là chủ sở hữu của sản phẩm/dịch vụ/giải pháp đăng ký bình chọn, Ban tổ chức Sao Khuê 2020 đã chọn ra 112 đề cử xuất sắc bình chọn Danh hiệu Sao Khuê 2020, gồm 102 Danh hiệu dành cho các sản phẩm phần mềm tiêu biểu và 10 đề cử xuất sắc để trao Danh hiệu TOP 10 Sao Khuê 2020. Trong đó, giải pháp phần mềm Cung cấp Dịch vụ điện theo phương thức giao dịch điện tử EVN đã được công nhận Danh hiệu Sao Khuê 2020, đồng thời cũng được bình chọn là sản phẩm phần mềm và dịch vụ CNTT mới của Việt Nam. Sản phẩm phần mềm này đã được xây dựng với mục tiêu tiết kiệm các chi phí và thời gian giao dịch, thống nhất hình thức và nội dung hồ sơ trong quy trình cung cấp dịch vụ điện.
Cho đến nay, giải pháp này đã được áp dụng thống nhất tại tất cả các đơn vị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong hoạt động mua bán điện nhằm quản lý các hợp đồng mua bán điện và các hồ sơ dịch vụ điện theo hình thức điện tử qua website Chăm sóc khách hàng (CSKH/ứng dụng CSKH Mobile App/Zalo Page. Giải pháp cung cấp khả năng lưu trữ, xử lý các giao dịch điện tử và hợp đồng, hồ sơ giấy tờ điện tử theo mô hình tập trung, đảm bảo hiệu năng, độ an toàn an ninh và bảo mật cung cấp các chức năng trên nền tảng công nghệ ứng dụng di động, hoạt động trên môi trường Internet để cho phép vận hành, khai thác, sử dụng phần mềm mọi lúc, mọi nơi; cho phép tích hợp linh hoạt và không phụ thuộc vào nền tảng công nghệ.
Trên cơ sở các quy định hiện hành của Nhà nước về giao dịch điện tử, xu hướng áp dụng các giao dịch điện tử trong các mặt của đời sống với nền tảng của Internet và việc tiếp tục cải cách công tác cung cấp dịch vụ theo hướng “Điện lực đến với Khách hàng”, năm 2019 Tập đoàn sử dụng các nguồn lực nội bộ để phát triển Giải pháp phần mềm Cung cấp Dịch vụ điện theo phương thức giao dịch điện tử nhằm cung cấp Hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ) và các dịch vụ điện theo phương thức điện tử đến các khách hàng sử dụng điện, với phương thức mới này từ dịch vụ cấp điện mới đến các dịch vụ thay đổi trong quá trình thực hiện HĐMBĐ như nâng công suất, thay đổi định mức số hộ, thay đổi mục đích sử dụng điện, treo tháo công tơ điện định kỳ…được thực hiện trên nền tảng công nghệ số, theo đó:
- Số hóa toàn bộ hồ sơ liên quan đến dịch vụ điện. Khách hàng chỉ cần sử dụng Internet để cung cấp hồ sơ, nhận thông tin, xác thực.
- Ảo hóa giao tiếp giữa ngành Điện và khách hàng, tạo thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho khách hàng.
- Ứng dụng công nghệ hiệu quả, dễ sử dụng; khách hàng chỉ cần ký các hồ sơ điện tử được thực hiện theo phương thức mật khẩu một lần (OTP) hoặc chữ ký điện tử (CA) đối với doanh nghiệp.
Đây là sản phẩm thứ 9 của EVNICT giành được danh hiệu Sao Khuê. Trước đó, các sản phẩm: Phần mềm thu thập và đo đếm dữ liệu (EVNHES); Hệ phần mềm quản lý khách hàng dùng điện (CMIS); Phần mềm viễn thông công cộng (T3S); Phần mềm thị trường điện; Phần mềm hệ thống quản lý hóa đơn điện tử và Hệ thống thông tin quản lý kỹ thuật lưới điện; Hệ thống phần mềm Quản lý kỹ thuật nhà máy điện; Phần mềm Quản lý đầu tư xây dựng (IMIS) cũng đã từng đạt danh hiệu Sao Khuê trong những năm qua.
Hiện nay, EVN đang cung cấp điện trực tiếp qua điện lưới Quốc gia hoặc các nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ như điện mặt trời, điện gió với tổng số trên 28 triệu khách hàng trên cả nước. Bình quân mỗi một năm EVN tiếp nhận và xử lý thông tin đối với trên 1 triệu khách hàng mới đăng ký sử dụng dịch vụ điện năng.
Việc đẩy mạnh xây dựng, triển khai giải pháp thực hiện hợp đồng điện tử và phương thức điện tử trong cung cấp dịch vụ điện là bước tiến phù hợp, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc phát triển thương mại điện tử để minh bạch, đa dạng hoá trong giao tiếp với khách hàng, hỗ trợ rút ngắn quá trình cung cấp dịch vụ, nâng cao năng suất lao động, giúp tiết kiệm chi phí kinh doanh, đơn giản và thuận tiện trong quản lý, giám sát việc triển khai giải quyết yêu cầu khách hàng tại các đơn vị điện lực nhằm đảm bảo việc thực thi và cung cấp dịch vụ đúng như các cam kết của Tập đoàn.
Từ cuối năm 2019, EVN cũng đã triển khai kết nối và cung cấp 100% các dịch vụ điện trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Việc triển khai dịch vụ điện theo phương thức điện tử kết hợp Cổng Dịch vụ công Quốc gia giúp cho mọi thông tin và dịch vụ điện đều minh bạch, rõ ràng, có cơ chế giám sát, kiểm tra thường xuyên.
Nhờ đẩy mạnh việc cung ứng các dịch vụ điện trực tuyến, trong giai đoạn cao điểm phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, tỷ lệ tiền điện thanh toán không dùng tiền mặt đạt 81,96%. Kể từ tháng 2/2020 khi dịch Covid-19 chưa bùng phát đến tháng 4/2020, yêu cầu cung cấp các dịch vụ điện tiếp nhận qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia tăng 8,2 lần, tỷ lệ giao dịch trực tuyến qua internet cũng tăng 4,5 lần.
Những bước tiến mạnh mẽ của EVN trong việc áp dụng các phương thức giao dịch điện tử trong nhiều năm qua đã được người dân và cộng đồng ghi nhận. Ngày 6/9/2019, EVN cùng một số đơn vị của ngành Điện đã được nhận giải thưởng Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc Việt Nam 2019 của Hội Truyền thông số Việt Nam. Trong nhiều năm qua, EVN đã chủ động tham gia chuyển đổi số một cách toàn diện với quyết tâm cao để góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng và sớm đạt được mục tiêu đề ra./.