Aa

Giải pháp phát triển và xúc tiến đầu tư bất động sản du lịch nông nghiệp Việt Nam

Thứ Năm, 25/05/2023 - 14:44

Dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Trung tâm Phát triển BĐS REDCenter đã tổ chức Hội nghị Giải pháp phát triển & Xúc tiến đầu tư: Bất động sản Du lịch Nông Nghiệp Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên một sự kiện bàn về các giải pháp và xúc tiến đầu tư bất động sản du lịch nông nghiệp quy mô được diễn ra với mục tiêu có một chương trình hành động với các giải pháp kết nối nhằm tạo động lực, xung lực mới phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã nhấn mạnh: “Phát triển du lịch là trách  nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch”.

Hội nghị Giải pháp phát triển & Xúc tiến đầu tư: Bất động sản Du lịch Nông NghiệpViệt Nam được tổ chức với mục tiêu kêu gọi các nhà đầu tư bằng các nguồn lực tài chính, tư duy quản trị, nhân lực chất lượng cao… tham gia cải tạo các bất động sản nông nghiệp phục vụ phát triển Du lịch Nông nghiệp, Nông thôn tạo động lực, xung lực mới cho phát triển thị trường bất động sản.

Tham dự Hội nghị, về phía Cơ quan quản lý Nhà nước có:

Ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch - Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch; Ông Nguyễn Đạo Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành – Tổng Cục Du lịch; Ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng, Vụ Đất đai - Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT)

Về phía các chuyên gia, nhà khoa học:

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội; PGS.TS. Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương; TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế; TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch; PGS.TS. Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học KHXH và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Nguyễn Bá Long, Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và Phát triển nông thôn, Trường Đại học Lâm Nghiệp; PGS.TS. Nguyễn Minh Ngọc, Phụ trách khoa thẩm định giá và kinh doanh bất động sản, Trường Đại học Tài chính Marketing; PGS.TS. Đỗ Anh Tuấn, Khoa Quản lý tài nguyên, Trường Đại học Lâm Nghiệp; 

Cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Trung tâm Xúc tiến thương mại Du lịch của các địa phương: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Nghệ An, Sóc Trăng, Gia Lai, Đắc Lắk, Đắc Nông, Lâm Đồng, Quảng Trị, Phú Yên, Yên Bái, Lạng Sơn, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Định.

Về phía các Hiệp hội có:

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam; Ông Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam; Ông Văn Tiến Lực, Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản Quảng Trị; Ông Nguyễn Văn Kế, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Đắk Lắk; Ông Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Sóc Trăng; Bà Phạm Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc; Ông Đoàn Văn Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Hưng Yên; Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên; Ông Lê Văn Huấn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bắc Ninh

Đại diện BTC, về phía Hiệp hội Bất động sản Việt Nam có:

TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội, nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội; Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch thường trực thứ nhất, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng; Ông Đỗ Viết Chiến, Phó Chủ tịch thường trực thứ hai, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng; Nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam; Bà Nguyễn Thy Dung, Giám đốc Trung tâm Phát triển Bất động sản RED Center. Ngoài ra, Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện các doanh nghiệp bất động sản, du lịch, các doanh nghiệp đã, đang đầu tư, quản lý dịch vụ du lịch farmstay, homestay, sinh thái rừng, trang trại.

Bàn Chủ tọa Hội nghị

TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết Hội nghị tổ chức với mong muốn đồng hành cùng các doanh nghiệp Bất động sản và địa phương, các ngành nhằm đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản, trong đó có bất động sản nông - lâm - ngư nghiệp phục vụ ngành du lịch. Một trong các vấn đề quan trọng là: sự đồng bộ về luật, cơ chế chính sách đến quy hoạch và chương trình đầu tư phát triển, quản lý giữa các lĩnh vực: Du lịch - Bất động sản - Nông nghiệp - với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Vụ Lữ Hành, Tổng cục Du lịch cho biết: Phát triển du lịch nông thôn là một định hướng quan trọng trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam cũng như trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. 

Cụ thể, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã xác định phát triển du lịch nông thôn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, sinh kế bền vững cho người dân, đồng thời tạo cơ hội cho cộng đồng nông thôn giữ gìn di sản, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thiên nhiên và môi trường sống bền vững.

Đại diện Vụ Lữ Hành, Tổng cục Du lịch phát biểu tại Hội nghị

Hay tại quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chính phủ cũng đưa ra mục tiêu mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 01 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề. 

Dù đã có nhiều chính sách xác định vai trò của du lịch nông nghiệp và việc cần thiết phải phát triển loại hình kinh doanh này. Tuy nhiên, suốt thời gian qua, du lịch nông nghiệp vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng và kỳ vọng vốn có. 

Vì vậy, để khai thác và phát triển du lịch nông thôn ngày càng mạnh mẽ nhưng vẫn đảm bảo sự bền vững, đồng thời bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và môi trường sinh thái, du lịch nông thôn cần quan tâm tới các định hướng sau:

Thứ nhất, tập trung phát triển du lịch tại các địa bàn có điều kiện thuận lợi, khai thác thế mạnh nổi trội của khu vực nông thôn, tránh tình trạng phát triển theo phong trào; ưu tiên đầu tư phát triển các điểm du lịch nông thôn đồng bộ và hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch trong sự kết nối được với các tuyến điểm du lịch trên địa bàn, trong vùng và với các trung tâm du lịch và thị trường nguồn khách. 

Quang cảnh Hội nghị

Thứ hai, phát triển hệ thống sản phẩm du lịch nông thôn có chất lượng, sáng tạo, khác biệt về văn hóa, cảnh quan sinh thái dựa trên lợi thế của từng địa phương, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Ưu tiên phát triển các dòng sản phẩm nghỉ dưỡng nông thôn, chăm sóc sức khỏe, đa dạng tính trải nghiệm, các sản phẩm mới… Nâng cao chất lượng của đội ngũ lao động du lịch nông thôn, cải thiện kỹ năng phục vụ, quản trị, năng lực tự chủ và thích ứng với yêu cầu mới về chuyển đổi số và định hướng thị trường để đáp ứng nhu cầu phát triển và hướng tới nhu cầu riêng biệt của các nhóm khách mục tiêu. 

Thứ ba, phát triển sản phẩm du lịch nông thôn gắn với các thị trường mục tiêu, trong đó có thị trường khách du lịch nội địa. Hiện nay, nhiều điểm du lịch nông thôn có dịch vụ nghỉ dưỡng chất lượng cao, có sự kết nối với các trung tâm đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM… luôn duy trì được lượng khách cao, doanh thu tốt, trong đó phần lớn là khách du lịch nội địa. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường để thu hút khách du lịch về nông thôn.

Thứ tư, hướng tới tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch tại khu vực nông thôn, hướng tới thị trường khách có khả năng chi tiêu cao. Chú trọng khai thác chuỗi giá trị du lịch trên cơ sở liên kết với các ngành nghề, dịch vụ liên quan của khu vực nông thôn nhằm cung cấp đa dạng trải nghiệm cho du khách. 

“Với những cơ hội, tiềm năng, định hướng như trên, tôi tin tưởng rằng du lịch nông thôn sẽ có những bước phát triển quan trọng, tạo ra những điểm đến, những sản phẩm du lịch nông thôn chất lượng, có bản sắc riêng phù hợp với thị trường mục tiêu đồng thời đóng góp tích cực, đem lại lợi ích trực tiếp cho người dân khu vực nông thôn, xây dựng một diện mạo nông thôn văn minh, thân thiện”, đại diện Vụ Lữ Hành, Tổng cục Du lịch nhận định. 

Kinh tế trang trại cần chính sách hỗ trợ để khuyến khích phát triển

Phát biểu tại Hội nghị, Ths. Nguyễn Văn Chung, Chuyên viên cao cấp - Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay cả nước có 18.945 trang trại đạt tiêu chí quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong đó có 3.471 trang trại trồng trọt, 11.807 trang trại chăn nuôi, 129 trang trại lâm nghiệp, 1.586 trang trại nuôi thủy sản, 1.952 trang trại tổng hợp.

Các trang trại hiện nay đang phát triển theo hướng tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất tập trung, quy mô lớn (bình quân diện tích đất là 3,52 ha/trang trại); giá trị vốn đầu tư và vốn sản xuất kinh doanh năm 2022 là 2.430,4 triệu đồng/trang trại.

Việc tổ chức sản xuất trong trang trại đã chuyển đổi theo hướng ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, ứng dụng tin học, chuyển đổi số, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu và tập trung sản xuất, kinh doanh những cây, con đặc thù có giá trị kinh tế cao; sản phẩm sản xuất theo hướng chất lượng an toàn, sản xuất hữu cơ.

Ths. Nguyễn Văn Chung

Nhiều trang trại đã thực hiện liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị để ổn định tiêu thụ sản phẩm sản xuất ra đồng thời bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con nông dân (có 2.285 trang trại có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm).
Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, nhiều trang trại đã tổ chức kết hợp các hoạt động du lịch và phi nông nghiệp để hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, ông Chung nhấn mạnh, hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại nằm tản mạn ở nhiều văn bản nên gặp khó khăn trong việc triển khai và tiếp cận chính sách hỗ trợ trang trại. Một số hoạt động phi nông nghiệp kết hợp phát sinh như: Sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm; lắp đặt hệ thống điện mặt trời phục vụ sản xuất; phát triển du lịch nhưng chưa có quy định cụ thể cho việc xây dựng các công trình phục vụ sản xuất kinh doanh trên đất nông nghiệp và cho phép các trang trại được chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp dẫn đến việc nhiều trang trại “lách luật” xây dựng các công trình “tạm bợ” vừa mất mỹ quan vừa hạn chế hiệu quả sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Chung cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại; ngày 22/8/2022 có văn bản xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đến nay, dự thảo Nghị định đã được Bộ Tư pháp thẩm định và đang hoàn thiện để trình Chính phủ.

Theo đó, chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển kinh tế trang trại được phân thành 03 nhóm:

Một là, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật hiện hành mà trang trại được hưởng, liên quan đến: Đất đai; thuế; tín dụng; khoa học, công nghệ và môi trường; xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, thương mại điện tử; liên kết theo chuỗi sản xuất nông nghiệp; khuyến nông; hỗ trợ mua máy, thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình, đề án, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp khác nếu tại các văn bản quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ có đối tượng là chủ trang trại, trang trại hoặc cá nhân phù hợp nếu tại các văn bản quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ có đối tượng là chủ trang trại, trang trại hoặc cá nhân phù hợp.

Hai là, các chính sách hỗ trợ riêng theo Nghị định gồm: Hỗ trợ chủ trang trại có trang trại có hoạt động tập trung đất nông nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất; hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững; hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn; hỗ trợ chứng nhận hoặc chứng nhận lại tiêu chuẩn sản xuất chất lượng an toàn, hỗ trợ về mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ kết hợp hoạt động du lịch; hỗ trợ sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực của địa phương.

Ba là, hỗ trợ quy hoạch chi tiết và đầu tư công trình kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, nước; hạ tầng logistic; hạ tầng tập kết nguyên vật liệu; hạ tầng sản xuất cây, con giống tập trung; hạ tầng phục vụ sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp; hạ tầng phục vụ quan trắc môi trường, chuyển đổi số để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung cho các trang trại.

Chưa thiết lập được thị trường bất động sản du lịch nông nghiệp

Trình bày tham luận về mô hình kinh tế du lịch nông nghiệp từ góc nhìn kinh doanh bất động sản, PGS.TS. Nguyễn Minh Ngọc, Phụ trách khoa thẩm định giá và kinh doanh bất động sản, Trường Đại học Tài chính Marketing nhấn mạnh mối quan hệ giữa nông nghiệp và kinh doanh bất động sản ở góc độ quan hệ tài sản, quan hệ của chủ thể trong kinh doanh bất động sản và các mô hình liên kết. 

PGS.TS. Nguyễn Minh Ngọc

Về quan hệ tài sản, đất đai là tư liệu sản xuất chính của nông nghiệp. Tài sản gắn liền với đất đai nông nghiệp gồm: Công trình tạm, cây lâu năm. Theo ông Ngọc, người nông dân thường bị động, thiếu thông tin, thiếu độ nhạy kinh doanh, thiếu hỗ trợ (yếu thế), quản lý tài chính kém. Họ là đối tác “bất đắc dĩ” trong quản lý, khai thác vận hành du lịch nông nghiệp. Họ có nhiều va đập xã hội về văn hoá, lối sống, kiến trúc, chức năng, được nhận nhiều giá trị gia tăng từ mô hình này nhưng cũng hứng chịu tệ nạn và bất ổn.

Bên cạnh đó, PGS.TS. Nguyễn Minh Ngọc nhận định, du lịch và bất động sản có mối quan hệ hữu cơ. Những giá trị vùng bất động sản là tài nguyên cho du lịch bao gồm cảnh quan, văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, khí hậu. Du lịch tác động theo hướng tăng hoặc giảm giá trị vùng bất động sản. Người hiểu về du lịch có thể đầu tư bất động sản tốt, ngược lại thì không. Dịch vụ du lịch khi kết hợp với bất động sản sẽ tạo thành bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. 

Trên cơ sở đó, PGS.TS. Nguyễn Minh Ngọc cho rằng, mối quan hệ giữa bất động sản nông nghiệp du lịch là mối quan hệ biện chứng. Mô hình này tối ưu khi dựa trên nền tảng là chuyên môn kinh doanh bất động sản, kết hợp sự đột phá, sáng tạo trong đầu tư du lịch và chuyên môn sâu về nông nghiệp. 

Tuy nhiên, hiện nay, nhà nông - người làm du lịch - người làm bất động sản chưa kết hợp với nhau. Tại Việt Nam chưa có bất kỳ nghiên cứu căn bản nào có đủ phạm vi, chiều sâu để ứng dụng về bất động sản du lịch nông nghiệp, chưa có tổ chức nào đứng ra để quy tụ với cách làm thực chất. Do đó, chưa thiết lập được thị trường bất động sản du lịch nông nghiệp. 

Mô hình kinh tế Nông nghiệp - Du lịch là đích đến của Kinh doanh bất động sản nhưng cũng là công cụ, cách thức phát triển của kinh doanh bất động sản. Do đó, các nguồn lực cần được sắp xếp đúng, hài hoà, ở đúng thời điểm của chính sách và/hoặc thời điểm thị trường bất động sản và cần vận dụng tối đa tài nguyên nhân văn và tài nguyên tự nhiên, vận dụng sáng tạo chính sách và tri thức xã hội, tạo chuỗi giá trị trong từng mô hình để kinh doanh ở thị trường nội địa và thế giới. 

Việt Nam cần định vị thương hiệu quốc gia về du lịch nông nghiệp

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Thanh Tùng – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Du lịch Nông nghiệp – Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Việt Nam là nước có hai lợi thế rất lớn trong việc phát triển du lịch nghiệp.

Ông Phạm Thanh Tùng – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Du lịch Nông nghiệp

Thứ nhất là Việt Nam có nền nông nghiệp lâu đời. Ở nước ta, lực lượng nông nghiệp rất đông đúc với tính cách chịu thương, chịu khó và có nhiều kinh nghiệm canh tác. Khí hậu Việt nam cũng rất thuận lợi cho việc phát triển nhiều giống cây trồng, vật nuôi. 

Thứ hai, Việt Nam là quốc gia có vị trí nằm ở trung tâm Đông Nam Á;  là cầu nối giao thông đường bộ của Campuchia, Lào ra biển đông; loại hình giao thông hàng không và đường biển cũng có nhiều thuận lợi. 

“Nếu tận dụng được hai lợi thế này thì du lịch nông nghiệp tại Việt Nam sẽ được đẩy mạnh và đem lại nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội”, ông Tùng nói. 

Cụ thể, khi du lịch nông nghiệp Việt Nam được phát triển xứng tầm sẽ góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho người dân, tăng thu nhập cho các nông hộ. Từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Đặc biệt, phát triển du lịch nông nghiệp đúng nghĩa sẽ còn giữ gìn, bảo tồn các di sản, phát triển văn hoá truyền thống của các dân tộc Việt Nam. 

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp cũng là giúp Việt nam đón đầu xu hướng chuyển dịch du lịch của thế giới; tạo ra các sản pẩm du lịch khác biệt cho Việt Nam gia tăng khả năng cạnh tranh; thúc đẩy phát triển các ngành liên quan đến du lịch và nông nghiệp như vận tải hàng hoá, tiêu dùng, giáo dục…

Vì vậy, Việt Nam cần định vị thương hiệu quốc gia về du lịch nông nghiệp. Chỉ khi có sự đồng nhất giữa các cấp cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân thì Việt Nam mới có thể phát triển mô hình du lịch nông nghiệp bền vững.

Cần hoàn thiện khung pháp luật cho phát triển bất động sản kết hợp du lịch nông nghiệp Việt Nam

Theo PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Nhà nước cần nhanh chóng rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý về thị trường bất động sản nói chung và phân khúc thị trường bất động sản du lịch nông nghiệp nói riêng đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. 

Khi hoàn thiện, sửa đổi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản… cần bổ sung một số điều tạo cơ sở pháp lý nền tảng cho bất động sản du lịch nông nghiệp vận hành, phát triển thông suốt, đồng bộ, lành mạnh, sau đó cụ thể hóa hơn bằng các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành.

Theo đó, đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung vào Điều 3 phần giải thích từ ngữ một điều khoản quy định hiểu như thế nào là đất du lịch nông nghiệp?

Theo PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, đây là loại đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, nhưng không phải là sản xuất nông nghiệp thuần túy mà là sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch, vừa tạo ra các nông sản hàng hóa vừa phục vụ nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng, lưu trú, khám phá; trải nghiệm của khách nội địa và quốc tế. 

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến

Ngoài ra, cần bổ sung quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất sử dụng vào mục đích du lịch nông nghiệp; quy định về quyền và nghĩa vụ cụ thể của các tổ chức, cá nhân đầu tư vào phát triển bất động sản du lịch nông nghiệp, hình thức tiếp cận đất đai và những ưu đãi về thuế, tín dụng… để thu hút đầu tư, phát triển phân khúc bất động sản này.

Cần định danh tường minh đất du lịch nông nghiệp nằm trong nhóm đất nông nghiệp hay nhóm đất phi nông nghiệp. Nó là loại đất sử dụng đa mục đích, trong đó mục đích sử dụng vào hoạt động là chủ yếu hay mục đích sử dụng vào nông nghiệp là chủ yêu.

Cùng với đó là bổ sung quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất vào mục đích du lịch nông nghiệp; về các loại hình dịch vụ hỗ trợ, đồng hành, chuyển giao công nghệ khoa học, kỹ thuật; cung cấp chuyên gia, kỹ năng, kiến thức, vốn; giúp chủ đầu tư về thị trường đầu ra; thu hút lượng khách du lịch; hợp tác quốc tế; thành lập hệ thống, mạng lưới … trong phát triển du lịch nông nghiệp.

Bổ sung quy định về cơ chế phối kết hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý đất du lịch nông nghiệp v.v.

Đối với Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 cần xác định rõ vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh trong quản lý phân khúc thị trường bất động sản du lịch nông nghiệp.

Luật Kinh doanh bất động sản cần bổ sung quy định về loại hình kinh doanh bất động sản du lịch nông nghiệp, trong đó làm rõ nội hàm, bản chất và các mô hình, sản phẩm của loại hình bất động sản này. Đối tượng, điều kiện, phạm vi được kinh doanh loại hình bất động sản này là ai, chủ sử dụng đất là nông dân, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp hay tổ chức kinh tế trong nước, nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể được tham gia?

Ngoài ra, Luật Kinh doanh Bất động sản cần tạo ra “sân chơi”, “luật chơi” bình đẳng, công khai, minh bạch cho mọi thành phần kinh tế; đảm bảo quyền tự do kinh doanh trong phân khúc thị trường bất động sản du lịch nông nghiệp; khuyến khích đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp mới để kích thích nguồn lực, thu hút đầu tư, khơi thông, tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản pháp lý. 

Đặc biệt, Nhà nước cần quy định chặt chẽ về điều kiện, năng lực của tổ chức, cá nhân (nhà đầu tư) tham gia vào loại hình bất động sản này, mục đích sử dụng, điều kiện tiếp cận, quản lý vận hành, thanh - kiểm tra… tránh tình trạng “biến tướng”, lợi dụng mục đích kinh doanh du lịch nông nghiệp để mua, thu gom đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; sau đó tìm mọi cách “chạy chọt”, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, “phân lô bán nền” nhằm trục lợi, kiếm lời.

Đối với Luật Du lịch năm 2017, cần sửa đổi, bổ sung quy định để tích hợp giữa quy hoạch du lịch với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp; với quy hoạch phát triển nông nghiệp nhằm gắn kết phát triển loại hình bất động sản du lịch nông nghiệp. 

Mặt khác, cần phải giải mã, định danh cụ thể, rõ ràng khái niệm du lịch, nông nghiệp. Bổ sung quy định tại Điều 18 của Luật Du lịch năm 2017 về tài nguyên du lịch loại hình du lịch nông nghiệp “Du lịch nông nghiệp, nông thôn đang trở thành một ngành kinh tế tích hợp, đưa sản vật nông nghiệp, đặc trưng nông thôn, trở thành tài nguyên phục vụ du lịch”.

Bổ sung quy định tại Điều 19 của Luật Du lịch năm 2017 về hoạt động du lịch nông nghiệp trong loại hình du lịch cộng đồng.

Tiềm năng và cơ sở pháp lý của du lịch sinh thái dưới tán rừng

PGS.TS. Đỗ Anh Tuấn, GVCC Khoa Quản lý tài nguyên rừng, Đại học Lâm nghiệp nhìn nhận, du lịch sinh thái là xu thế phát triển của thế giới. Tại Việt Nam, du lịch sinh thái biển và rừng cũng đang phát triển và có những mô hình cao cấp. 

PGS.TS. Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh, du lịch sinh thái là một loại hình du lịch có trách nhiệm với tự nhiên, bảo tồn môi trường và góp phần cải thiện sinh kế của cộng đồng địa phương. Bên cạnh đó, du lịch sinh thái góp phần tạo ra và nâng cao giá trị “xanh” của rừng. 

“Tổng diện tích rừng của nước ta là hơn 14 triệu héc-ta, tạo ra tiềm năng vô cùng lớn cho du lịch sinh thái rừng. Có hai yếu tố quan trọng để phát triển du lịch sinh thái rừng là thiên nhiên và sự đa dạng, đặc thù của văn hóa, con người trong cộng đồng, các công trình kiến trúc đặc biệt”, PGS.TS. Đỗ Anh Tuấn cho hay. 

PGS.TS. Đỗ Anh Tuấn

Về cơ sở pháp lý cho du lịch sinh thái rừng, PGS.TS. Đỗ Anh Tuấn cho biết, Luật Đất đai 2013 quy định, tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư tại nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất rừng sản xuất được kết hợp kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái - môi trường dưới tán rừng. 

UBND cấp tỉnh quyết định cho tổ chức kinh tế thuê đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thuộc khu vực được kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái, môi trường dưới tán rừng. 

Luật Lâm nghiệp và các văn bản dưới luật cũng đã quy định hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, trừ những phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; Sản xuất nông lâm ngư nghiệp kết hợp nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập, kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng sản xuất. 
Nghị định 156/201/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục xây dựng thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; quản lý xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong các loại hình rừng đặc dụng phòng hộ và sản xuất

Các mô hình du lịch sinh thái rừng ở Việt Nam rất đa dạng, bao gồm nghỉ dưỡng cảnh quan, sinh thái tâm linh, văn hóa và lịch sử; khám phá mạo hiểm, thể thao, giáo dục môi trường. 

“Tiềm năng lớn, cơ sở pháp lý đã có. Hiện nay, những người đi trước về du lịch sinh thái rừng đang là những đại gia nước ngoài chứ chưa phải Việt Nam. Do đó, thời gian tới cần có chính sách làm sao để thúc đẩy gia tăng giá trị kinh tế trong nước từ du lịch sinh thái rừng”, PGS.TS. Đỗ Anh Tuấn nói. 

Du lịch nông nghiệp ở nước ta hiện đã trải qua 8 giai đoạn phát triển

Giai đoạn 1: Khởi đầu từ nhu cầu về với thiên nhiên của khách du lịch

Giai đoạn 2: Chủ thể không gian sản xuất nông nghiệp tổ chức đón tiếp du khách để thu thêm lợi nhuận.

Giai đoạn 3: Ngành du lịch xem không gian sản xuất nông nghiệp là nguồn tài nguyên du lịch cần khai thác để phục vụ du khách, có những hoạt động liên kết, đầu tư vào du lịch nông nghiệp (ở Việt Nam giai đoạn này bùng phát các khu du lịch sinh thái ở nông thôn).

Giai đoạn 4: Nhà nước và các bộ ngành liên quan vào cuộc để cân bằng lợi ích và phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn bền vững. 

TS. Bùi Thị Lan Hương

Giai đoạn 5: Sự trở lại mạnh mẽ hơn nhu cầu về với thiên nhiên của khách du lịch từ sau dịch COVID – 19. Đồng thời là sự mong muốn trở về với nông thôn của một bộ phận dân cư thành thị. Hình thành một lớp nông dân thị thành mới bao gồm tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ, gia đình trẻ, người hưu trí, doanh nhân… muốn có điều kiện hưởng thú điền viên, yêu thích triết lý sống “Bán nông, Bán X”.

Khách du lịch đến từ nhiều nguồn, trong đó có cả nguồn bạn bè, người thân, người hâm mộ theo dõi trên các trang mạng… Hình thành một thuật ngữ mới “lập farm”, “làm farm”, “nhà có farm”… “Farm” đã trở thành một tiêu chuẩn sống mới, truyền cảm hứng mạnh mẽ đến các phạm trù thực phẩm, giải trí và giá trị bản thân.

Giai đoạn 6: Các farm du lịch tự phát hình thành nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch, kéo theo nhiều vấn đề vi phạm quản lý nhà nước.

Giai đoạn 7: Du lịch Farm đã tạo hiệu ứng lớn, dẫn khách về với những không gian du lịch nông nghiệp vùng sâu, vùng xa. Có thể nói, đây mới là thời điểm xuất phát của thị trường du lịch thay thế ở Việt Nam. Phương tiện di chuyển tốt, hạ tầng giao thông thuận lợi, thành quả của quá trình xây dựng nông thôn mới đã tạo cho các vùng nông thôn một diện mạo mới, cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống đồng bộ, hiện đại hơn, phục vụ du khách tốt hơn. Chương trình phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới như là một bệ đỡ nền tảng cho du lịch nông nghiệp, nông thôn các địa phương phát triển. Sau hai năm đại dịch, du lịch đợt lễ Giỗ tổ vua Hùng và 30/4 - 1/5 vừa qua ngành du lịch thắng lớn là một minh chứng hùng hồn nhất.

Giai đoạn 8: Du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam không mới, nếu không muốn nói đi trước cả thế giới. Nhưng việc xác lập tính lý luận để đưa vào khung pháp lý vận hành thì chưa đầy đủ. Do vậy, nhà nước và các bộ ngành liên quan phải xác lập các khung pháp lý quy định để du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam phát triển đúng hướng.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch - Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch khẳng định, việc tổ chức Hội nghị "Giải pháp phát triển và Xúc tiến đầu tư Bất động sản du lịch nông nghiệp Việt Nam" rất đúng “điểm rơi” khi quá trình hoàn thiện, sửa đổi các luật đang được đẩy mạnh. 

Sau hàng loạt các tham luận, có rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, doanh nhân chưa trình bày được ý kiến, BTC sẽ tiếp thu bằng nhiều hình thức khác nhau. 

Sau Hội nghị này sẽ còn nhiều hội nghị khác tương tự để thúc đẩy phát triển bất động sản du lịch nông nghiệp Việt Nam. 

Ông Phạm Văn Thủy đánh giá rất cao về chất lượng các tham luận, tạo ra định hướng để BTC có những hoạch định tiếp theo trong thời gian tới. 

Ông Thủy nhấn mạnh, nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã tồn tại rất lâu nhưng nông nghiệp, du lịch và bất động sản thì chưa được gắn kết và phổ biến rộng rãi để nhiều người hiểu rõ hơn. 

Thông qua Hội nghị, khái niệm về bất động sản du lịch nông nghiệp sẽ được phổ biến hơn, các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp cũng hiểu sâu, hiểu rõ hơn để phát triển có định hướng. Trong thời gian tới, cần làm rõ hơn yếu tố bất động sản gắn trong du lịch, nông nghiệp để sửa đổi, hoàn thiện luật pháp nhằm phát huy giá trị đất nông nghiệp, ngoài sản xuất thuần túy còn có thể khai thác các dịch vụ trải nghiệm, nghỉ dưỡng, du lịch…

Du lịch nông thôn không chỉ cần bất động sản mà cần gắn với các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, tạo ra các gói sản phẩm du lịch đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của khách du lịch. Khi tạo ra các sản phẩm du lịch ở vùng nông nghiệp, nông thôn, thu hút được khách du lịch trong nước và quốc tế thì mới tạo ra giá trị kinh tế cao, đặc biệt là nguồn thu ngoại tệ. 

Ngoài ra cũng cần làm rõ, giá trị bất động sản nâng lên như thế nào khi gắn với phát triển du lịch nông nghiệp. 

Lợi thế của Việt Nam là nông nghiệp, có 85% diện tích phục vụ nông nghiệp, điều này cũng tạo ra lợi thế cho ngành du lịch, phát triển theo hướng đa dạng và bền vững hơn. 

Hiện nay Việt Nam có hơn 1.500 điểm du lịch nông thôn. Để thúc đẩy thị trường bất động sản du lịch nông nghiệp, cần tuyên truyền, quảng bá nhiều hơn, để nâng cao nhận thức của người dân và các nhà đầu tư. Cần sự vào cuộc từ Trung ương đến địa phương để thu hút các nhà đầu tư. Khi có sự tham gia của đông đảo nhà đầu tư, thì giá trị đất đai cũng được tăng lên. 

Hơn hết, cần xây dựng, hoạch định chính sách bài bản để phát triển bền vững về sau. 

TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kết luận: “Thay mặt Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, tôi xin tiếp thu tất cả các ý kiến của các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là chỉ đạo của Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch… về các khuyến nghị, các giải pháp thúc đẩy ngành du lịch nông nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ".

Đơn vị tổ chức: 
Trung tâm phát triển Bất động sản (RED Center)
Địa chỉ: Tầng 5, Tòa NƠ 2, Chung cư GoldSeason, 47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội
Liên hệ: 098 333 5526 - Hotline: 098 339 5526

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top