Nông nghiệp thanh lịch - Du lịch trọng nông: Chìa khóa để phát triển du lịch nông nghiệp Việt Nam

Nông nghiệp thanh lịch - Du lịch trọng nông: Chìa khóa để phát triển du lịch nông nghiệp Việt Nam

Yên Trung
Yên Trung huongbt.ajc@gmail.com
Chủ Nhật, 21/05/2023 - 09:55

LTS: Từ nhu cầu thực tế và xu hướng tất yếu phải phát triển du lịch nông nghiệp để khơi dậy nguồn lực đất đai, khai thác đa giá trị không gian cảnh quan, văn hóa nông thôn, hiện đã có chính sách để thúc đẩy loại hình này.

Cụ thể, Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 nêu quan điểm, phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới. Phát triển du lịch nông thôn cần theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng vùng miền, gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo.

Mục tiêu đặt ra, đến năm 2025, mỗi tỉnh, thành phấn đấu có ít nhất 01 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương.

Chính sách đã trở thành trợ lực quan trọng trong việc “đánh thức” tiềm năng của du lịch nông nghiệp, nông thôn. Du lịch nông nghiệp, nông thôn đã được triển khai tại nhiều địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế du lịch, “khoác áo mới” cho khu vực nông thôn. Nhưng để đạt được những mục tiêu trên còn rất nhiều việc phải làm, trước mắt là thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, coi nông nghiệp là lợi thế cạnh tranh quốc tế. Đồng thời, cần xóa tan được “thành trì” phát triển tự phát, nhỏ lẻ; tháo gỡ các rào cản để thu hút đầu tư vào hạ tầng, bất động sản du lịch nông nghiệp một cách bài bản, có chiến lược. 

Thu hút đầu tư hiệu quả, đánh thức tiềm năng và định vị thương hiệu cho du lịch nông nghiệp, nông thôn là bài toán cần đặt ra và tìm lời giải để Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội phát huy sức mạnh từ nội lực, gia tăng vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế.

Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện, Reatimes triển khai tuyến bài: Đánh thức tiềm năng, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn bền vững, tạo nền tảng cạnh tranh quốc tế.

"Nông nghiệp thanh lịch, du lịch trọng nông" là chia sẻ của TS. Bùi Thị Lan Hương, người phụ nữ đã dành nửa cuộc đời mình cho sự nghiệp phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn Việt Nam. Người đã từng tự mình thực hiện các cuộc khảo sát quy mô lớn nhỏ từ sông Sài Gòn đến các miệt vườn khắp các tỉnh thành để tìm hiểu thông tin, nghiên cứu về du lịch nông nghiệp nông thôn ngay từ thuở chưa có nhiều người có ý niệm về những khái niệm này. 

Cùng “Đối thoại Reatimes” trao đổi và lắng nghe những chia sẻ của TS. Bùi Thị Lan Hương về câu chuyện phát triển du lịch nông nghiệp Việt Nam. 

SẴN SÀNG CẤT CÁNH

- Thưa TS., với kinh nghiệm 20 năm nghiên cứu, có thể nói là “ăn ngủ cùng du lịch nông nghiệp”, TS. có thể chia sẻ lý do gì khiến TS. theo đuổi lĩnh vực này lâu và tận tâm như thế? 

TS. Bùi Thị Lan Hương: Tôi bắt đầu manh nha tìm hiểu về loại hình du lịch sinh thái (khi đó chưa có khái niệm du lịch nông nghiệp nông thôn ở nước ta) từ khi còn là sinh viên, ngồi trên ghế nhà trường. Sau này, càng có nhiều cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu, tôi đã tìm thấy rất nhiều điều đáng nói ở lĩnh vực này. Nhà tôi nhìn thẳng ra sông Sài Gòn, một con sông rất đẹp nhưng tôi thấy quá tiếc vì rất nhiều người không thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp ấy của sông như tôi. Tôi luôn đau đáu với niềm trăn trở ấy.

Sau khi ra trường, tôi càng tìm hiểu và nghiên cứu nhiều hơn về du lịch sinh thái sông với hy vọng có thể tổ chức được các tour du lịch sinh thái trên sông Sài Gòn. Rồi từ khái niệm du lịch sinh thái sông đến khái niệm du lịch nông thôn, tôi mới nhận ra rằng, đây chính là cái mà mình muốn tìm hiểu về nó nên đã quyết tâm theo đuổi công việc này suốt gần 20 năm qua. 

Du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam rất tiềm năng. Trải qua mấy thập kỷ, du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch phát triển không ngừng nghỉ từ lúc bắt đầu xuất hiện cho đến nay. Tài nguyên du lịch nông nghiệp bao hàm cả hai yếu tố tự nhiên và nhân văn. Sự tương tác giữa chủ thể và khách thể du lịch là khá rõ rệt nên dư địa phát triển còn rất lớn. 

Có thể thấy, du lịch nông nghiệp Việt Nam thực tế đã có những bước tiến dài, bên cạnh việc mang lại những lợi ích kinh tế lớn, còn góp phần giới thiệu những đặc trưng văn hóa từng vùng, miền của quốc gia ra thế giới, qua đó xây dựng hình ảnh, vị thế cho quốc gia, dân tộc. Du lịch nông nghiệp đang dần trở thành một xu hướng mới, một phân khúc sản phẩm mới bên cạnh các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch thể thao biển, du lịch văn hóa tâm linh, khám phá… 

Cùng với đó, hoạt động du lịch gắn với tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức về bảo vệ thiên nhiên, môi trường và trải nghiệm cuộc sống gắn bó với tự nhiên với sản xuất nông nghiệp, nhất là ở những địa bàn nông thôn thuần túy gắn với bản sắc văn hóa bản địa ngày càng trở nên hấp dẫn và đây cũng là nhiệm vụ cấp thiết. Do đó, du lịch nông nghiệp được dự báo sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ và có thêm nhiều động lực phát triển trong thời gian tới.

- Vậy thì, yếu tố nào sẽ khiến du lịch nông nghiệp Việt Nam trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng đủ sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, thưa TS.? 

TS. Bùi Thị Lan Hương: Đó là sự hội tụ của ba yếu tố con người, văn hóa và thiên nhiên. Nếu để ý kỹ, ba yếu tố này đều được chứa đựng trong mọi không gian và sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đây là điểm khác biệt đặc trưng mà các sản phẩm du lịch khác không có, hoặc có nhưng không đầy đủ.

- Nhiều tiềm năng là vậy nhưng dường như du lịch nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự bứt phá. Theo bà, du lịch nông nghiệp Việt Nam hiện nay đang phát triển đến đâu? 

TS. Bùi Thị Lan Hương: Du lịch nông nghiệp ở nước ta hiện đã trải qua 8 giai đoạn phát triển
Giai đoạn 1: Khởi đầu từ nhu cầu về với thiên nhiên của khách du lịch

Giai đoạn 2: Chủ thể không gian sản xuất nông nghiệp tổ chức đón tiếp du khách để thu thêm lợi nhuận.

Giai đoạn 3: Ngành du lịch xem không gian sản xuất nông nghiệp là nguồn tài nguyên du lịch cần khai thác để phục vụ du khách, có những hoạt động liên kết, đầu tư vào du lịch nông nghiệp (ở Việt Nam giai đoạn này bùng phát các khu du lịch sinh thái ở nông thôn).

Giai đoạn 4: Nhà nước và các bộ ngành liên quan vào cuộc để cân bằng lợi ích và phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn bền vững. 

Giai đoạn 5: Sự trở lại mạnh mẽ hơn nhu cầu về với thiên nhiên của khách du lịch từ sau dịch COVID – 19. Đồng thời là sự mong muốn trở về với nông thôn của một bộ phận dân cư thành thị. Hình thành một lớp nông dân thị thành mới bao gồm tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ, gia đình trẻ, người hưu trí, doanh nhân… muốn có điều kiện hưởng thú điền viên, yêu thích triết lý sống “Bán nông, Bán X”.

Khách du lịch đến từ nhiều nguồn, trong đó có cả nguồn bạn bè, người thân, người hâm mộ theo dõi trên các trang mạng… Hình thành một thuật ngữ mới “lập farm”, “làm farm”, “nhà có farm”… “Farm” đã trở thành một tiêu chuẩn sống mới, truyền cảm hứng mạnh mẽ đến các phạm trù thực phẩm, giải trí và giá trị bản thân.

Giai đoạn 6: Các farm du lịch tự phát hình thành nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch, kéo theo nhiều vấn đề vi phạm quản lý nhà nước.

Giai đoạn 7: Du lịch Farm đã tạo hiệu ứng lớn, dẫn khách về với những không gian du lịch nông nghiệp vùng sâu, vùng xa. Có thể nói, đây mới là thời điểm xuất phát của thị trường du lịch thay thế ở Việt Nam. Phương tiện di chuyển tốt, hạ tầng giao thông thuận lợi, thành quả của quá trình xây dựng nông thôn mới đã tạo cho các vùng nông thôn một diện mạo mới, cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống đồng bộ, hiện đại hơn, phục vụ du khách tốt hơn. Chương trình phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới như là một bệ đỡ nền tảng cho du lịch nông nghiệp, nông thôn các địa phương phát triển. Sau hai năm đại dịch, du lịch đợt lễ Giỗ tổ vua Hùng và 30/4 - 1/5 vừa qua ngành du lịch thắng lớn là một minh chứng hùng hồn nhất. 

Giai đoạn 8: Du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam không mới, nếu không muốn nói đi trước cả thế giới. Nhưng việc xác lập tính lý luận để đưa vào khung pháp lý vận hành thì chưa đầy đủ. Do vậy, nhà nước và các bộ ngành liên quan phải xác lập các khung pháp lý quy định để du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam phát triển đúng hướng. 

- Đã trải qua tới 8 giai đoạn, chắc hẳn ngành nông nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng “cất cánh” cùng du lịch, thưa TS.?
TS. Bùi Thị Lan Hương: Trên thế giới, du lịch nông nghiệp (tên gọi thông dụng là Agritourism) là một nhánh con của du lịch thay thế (Alternative Tourism), xuất hiện ở các quốc gia Âu – Mỹ từ những năm 1980, là một loại hình du lịch dựa trên nền tảng sản xuất nông nghiệp, lấy không gian sản xuất nông nghiệp làm tài nguyên khai thác các hoạt động du lịch để phục vụ du khách.

Nhưng nhiều người trong chúng ta cũng có thể quên: du lịch nông nghiệp ở nước ta đã có từ lâu, từ những năm 1970, địa danh Cầu Ngang, Lái Thiêu (Bình Dương) từng được mệnh danh là thủ phủ của du lịch nhà vườn hay du lịch vườn cây ăn trái. 

Tuy nhiên, nếu như du lịch nông nghiệp thế giới đã đi 4 giai đoạn phát triển, với sự xuất hiện lần lượt của 4 nhân vật: Du khách – Nông dân – Du lịch – Nông nghiệp, thì ở Việt Nam của chúng ta, theo góc nhìn nhận của tôi, thì lại là: Nông nghiệp – Du khách – Nông dân – Du lịch. 

Thời gian qua, chúng ta chứng kiến sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành Nông nghiệp, sự tham gia của nông dân, nhất là thành quả của quá trình 10 năm xây dựng nông thôn mới, đã tạo cho các vùng nông thôn một diện mạo mới, cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống đồng bộ, hiện đại, tiền đề phục vụ du khách tốt hơn. Chúng ta có Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 150/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 922/QĐ-TTg về phê duyệt chương trình phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới… là những bệ đỡ nền tảng cho du lịch nông nghiệp, nông thôn các địa phương phát triển. 

Cho nên, có thể nói, về mặt chủ trương, đường lối, ngành nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đã sẵn sàng; thị trường khách du lịch thay thế ở Việt Nam đã bắt đầu hình thành, nhất là từ sau dịch Covid – 19, phong trào lập Farm, làm Farm, du lịch Farmstay… phát triển mạnh mẽ, đã tạo nên một hiệu ứng lớn, lan tỏa lối sống xanh, thân thiện với môi trường, gần gũi với thiên nhiên, đã dẫn đường, đưa lối du khách về với những không gian nông nghiệp, những bản làng vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh… 

Nhưng chúng ta cũng còn thiếu rất nhiều: Nông dân thiếu kinh nghiệm, kỹ năng kinh doanh du lịch; sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của ngành du lịch và nhất là rất cần một môi trường pháp lý hoàn hảo để du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển.

CẨN TRỌNG TRƯỚC PHÁT TRIỂN LỆCH LẠC, QUÁ ĐÀ

- Có thể nói rằng, người nông dân là chủ thể chính trong chuỗi phát triển du lịch nông nghiệp. Nhưng chúng ta đã biết, người nông dân vốn không phải là đối tượng am hiểu nhiều về du lịch và cũng là đối tượng dễ bị tổn thương trước nhiều biến động. Vậy họ sẽ phải đối diện với những thách thức và nguy cơ gì khi tham gia chuỗi phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn, thưa TS.?

TS. Bùi Thị Lan Hương: Khi tham gia liên kết với các doanh nghiệp ngành du lịch trong chuỗi hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn, người nông dân vừa là người đưa tư liệu sản xuất, đất đai, sản phẩm nông nghiệp của mình vào tham gia du lịch vừa là người trực tiếp phục vụ du khách ở thị trường dùng cuối, nhưng họ lại ở vị trí ban đầu của chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp, nông thôn. Do đó, dễ dàng thấy, người nông dân dễ rơi vào thế bị động, lệ thuộc và thiệt thòi hơn trong chiếc bánh thu nhập. Do đó, các hợp tác xã du lịch nông nghiệp, nông thôn có vai trò rất lớn trong việc phân phối lại chiếc bánh thu nhập du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao vị thế của người nông dân và gia tăng giá trị sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn. 

- Liệu có hay không sự phát triển quá đà của du lịch và mang tới những “tác dụng phụ” với ngành nông nghiệp và người nông dân, thưa TS.?

TS. Bùi Thị Lan Hương: Câu hỏi này làm tôi nhớ tới phương châm làm du lịch của nông dân Củ Chi: “Không làm một mình – Không bỏ vườn cây – Không cò mồi khách”. Tôn chỉ không bỏ vườn cây đã nói lên phần nào rằng sự quá đà, nghiêng về du lịch là có thể sẽ xảy ra. Nhưng tại sao những người nông dân Củ Chi khi mới khởi sự làm du lịch đã nhắc nhở mình câu đó? Tôi nghĩ vì họ chắc rằng: Thứ nhất, nông nghiệp là nghề chính, du lịch là nghề thứ hai. Thứ hai, lợi ích từ du lịch mang lại không chỉ là thu nhập, là đồng tiền, mà còn nhiều thứ khác, mà những thứ đó chỉ có tồn tại khi họ còn được sống và làm nông nghiệp trên quê hương của mình.

Nếu du lịch quá đà thì vế nông nghiệp, nông thôn mất cân bằng, lúc đó sẽ không còn là du lịch nông nghiệp, nông thôn nữa mà trở thành một loại hình du lịch khác như là du lịch tự nhiên hay du lịch sinh thái…, theo cách mà trước đây ngành du lịch gọi tên cho các khu du lịch ở vùng nông thôn.

CÂU HỎI CÒN BỎ NGỎ VỀ ĐỘI NGŨ NÔNG DÂN KẾ THỪA

- TS. vừa đề cập đến quan niệm nông nghiệp là nghề chính, du lịch là nghề thứ hai. Vậy giữa hai yếu tố “nông nghiệp” và “du lịch”, ngành nông nghiệp phải chuẩn bị gì và ngành du lịch phải chuẩn bị gì để du lịch nông nghiệp Việt Nam có thể phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng? 

TS. Bùi Thị Lan Hương: Tôi cho rằng, nông nghiệp phải thanh lịch, du lịch phải trọng nông. Cụ thể, nông nghiệp phải thanh lịch nghĩa là phải thay đổi quan điểm làm nông là chân lấm tay bùn. Có thể nghĩ làm nông là một nghệ thuật, nông dân là một nghệ nhân. Suy nghĩ để đưa yếu tố văn hóa phục vụ khách du lịch vào sản xuất. Bởi khi làm du lịch là đang kinh doanh trong môi trường văn hóa.

Người nông dân không ngừng sáng tạo, học hỏi để làm nên những giá trị mới mang đến cho du khách. Nhưng trên hết phải là lòng tự hào, tình yêu quê hương xứ sở và thấy được hạnh phúc khi được làm du lịch trên chính cơ nghiệp của mình. Họ cũng cần được đào tạo nghiệp vụ du lịch để tối thiểu cũng phải biết du khách họ thích gì, ghét gì, sợ gì; tạo thói quen quà tặng, quà tặng tự chế tác, cái thứ nhất tặng cái thứ hai bán. Đăng ký và kèm bảng mô tả giới thiệu điểm tham quan du lịch nông nghiệp, nông thôn của nhà mình để đưa vào danh sách điểm tham quan tiềm năng…

Du lịch phải trọng nông nghĩa là xem không gian du lịch nông nghiệp là dư địa mới ngành du lịch cần đầu tư, quan tâm phát triển để giữ chân du khách ở lại lâu hơn, nhiều điểm tham quan hơn. Thiết kế sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của nông dân, sản xuất nông nghiệp và sự phát triển bền vững của nông thôn.

Hiện nay, nhiều hướng dẫn viên còn khá xa lạ với ý nghĩa mà du lịch nông nghiệp, nông thôn mang đến cho nông thôn và du lịch. Chỉ cần mỗi người mỗi lần thuyết minh nói thêm một sản phẩm, nhắc thêm một địa danh, sẽ phát đi nhiều tín hiệu nhận biết du lịch nông nghiệp, nông thôn cho du khách. Cũng không cần chờ đợi khi nào có điểm tham quan ổn định mới dẫn du khách đến, hãy hướng dẫn khách đến những nơi điểm tham quan mới mà địa phương đề xuất để giới thiệu với họ, cho họ một ghi nhớ trên bản đồ du lịch của họ trong tương lai.

- Khi nói về du lịch nông nghiệp nông thôn Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng việc chúng ta có tới hơn 60% dân số ở nông thôn và miền núi là điểm mạnh, là tiền đề để phát triển du lịch nông thôn. Nhưng liệu rằng, chính điều này có trở thành điểm yếu trong thu hút khách du lịch nội địa đến các vùng du lịch nông nghiệp nông thôn không, thưa TS.? 

TS. Bùi Thị Lan Hương: Chúng ta đều biết rằng, du lịch nông nghiệp, nông thôn là loại hình du lịch nhắm đến phân khúc thị trường du khách muốn khám phá, tìm kiếm sự mới mẻ hoặc tìm về với cảm giác sống giữa thiên nhiên, vùng nông thôn. Nước ta là nước nông nghiệp, đa số người dân sống ở vùng nông thôn, mà nguồn khách du lịch nông thôn trong nước thì chủ yếu đến từ các khu đô thị lớn. Trước năm 2021, tôi cũng từng quan niệm như vậy. Đây là một trở ngại để phát triển thị trường khách du lịch nông nghiệp, nông thôn nội địa. Và điều này đã được thực tế chứng minh đúng là như thế. Nhiều khu du lịch sinh thái ở các địa phương phải đóng cửa vì không có khách. 

Tuy nhiên, sau năm 2021, sau dịch Covid -19, với làn sóng người dân thành thị rủ nhau về sống ở thôn quê, lập vườn, lập trại hưởng thú điền viên, cùng với sự trợ giúp của công nghệ thông tin, mạng xã hội, người dân ở nông thôn được chứng kiến những khung cảnh khác, góc nhìn khác về nông thôn, cũng là nông thôn như mình, “nhưng mà nó lạ lắm”, vậy là đến xem thôi. Vậy là người vùng nông thôn này đến du lịch ở vùng nông thôn khác, để học hỏi, tìm tòi, khám phá, chiêm nghiệm, so sánh, góp phần kích hoạt phong trào làm đẹp không gian sống, áp dụng sản xuất nông nghiệp xanh. Do vậy, các mô hình du lịch điền viên, du lịch nông trại, farmstay đã góp phần tạo nên hiệu ứng lan tỏa lối sống xanh, góp phần hình thành một thị trường du khách du lịch nông nghiệp, nông thôn mới.

- Có thể nói, chưa bao giờ du lịch nông nghiệp nông thôn lại được quan tâm chú trọng như hiện nay. Bộ NN&PTNT đang rất sốt sắng vào cuộc với hàng loạt quyết sách và hành động cụ thể. Theo TS., các bước làm cụ thể phải triển khai như thế nào để đạt được mục tiêu mỗi địa phương có ít nhất một điểm du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với sản phẩm đặc trưng? 

TS. Bùi Thị Lan Hương: Theo Quyết định số 922/QĐ-TTg, thì địa phương ở đây được hiểu là đơn vị cấp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương. Để đạt được mục tiêu trên, tôi thiết nghĩ các tỉnh trong từng vùng sinh thái cần ngồi lại với nhau lựa chọn và thống nhất sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc trưng nhất của tỉnh mình. Từ đó, hình thành nên bản đồ du lịch nông nghiệp nông thôn của 63 tỉnh, thành Việt Nam. 

Mỗi tỉnh đều có thế mạnh riêng về vùng đất, sản vật và con người, sản phẩm chủ đạo đó sẽ là định hướng, tâm, trục cho các không gian du lịch nông nghiệp, nông thôn trong tỉnh tỏa sáng. Mỗi đơn vị cấp huyện nên thiết lập hệ thống mạng lưới du lịch nông nghiệp, nông thôn ở địa phương theo định hướng và tiềm năng phù hợp. Tổ chức cho các chủ thể sản xuất nông nghiệp đăng ký, khảo sát và lập danh sách các điểm tham quan, du lịch nông nghiệp, nông thôn tiềm năng là những bước đầu tiên mà huyện nào cũng phải có.

- Chính sách đã cụ thể, cách làm cũng đã có, chúng ta cũng đã nhìn thấy nhiều thành quả trên hành trình phát triển du lịch nông nghiệp. Tính đến thời điểm này, còn điều gì khiến TS. trăn trở khi nghĩ về du lịch nông nghiệp Việt Nam? 

TS. Bùi Thị Lan Hương: Đó là đội ngũ nông dân kế thừa, những người chủ không gian du lịch nông nghiệp trong tương lai. Bởi, nông dân và người dân nông thôn là những người giữ vai trò chủ đạo của không gian du lịch nông nghiệp, nông thôn. Một khi vùng du lịch nông nghiệp, nông thôn đã được định hình, địa danh du lịch nông nghiệp, nông thôn đã được gọi tên, xứ sở du lịch nông nghiệp, nông thôn đã được biết đến, nhưng du lịch nông nghiệp, nông thôn không còn đội ngũ kế thừa, không còn những người tâm huyết, không còn người làm du lịch nữa, thì du lịch nông nghiệp, nông thôn đi về đâu? Điều này đã được minh chứng rất rõ ở khu du lịch Cầu Ngang, Lái Thiêu, Bình Dương và nhiều nơi khác nữa. Chính vì vậy, việc phát triển nguồn lực du lịch nông nghiệp, nông thôn, để có đội ngũ kế thừa; ban hành khung pháp lý về bất động sản du lịch nông nghiệp; quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn là rất cần thiết và cấp bách.

- Xin trân trọng cảm ơn TS., chúc TS. sẽ có thêm nhiều đóng góp vào sự nghiệp phát triển du lịch nông nghiệp Việt Nam! 

 
05/25/2023 09:55
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top