Nâng cao hiệu quả phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam

Nâng cao hiệu quả phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam

Thứ Tư, 24/05/2023 - 08:15

LTS: Từ nhu cầu thực tế và xu hướng tất yếu phải phát triển du lịch nông nghiệp để khơi dậy nguồn lực đất đai, khai thác đa giá trị không gian cảnh quan, văn hóa nông thôn, hiện đã có chính sách để thúc đẩy loại hình này.

Cụ thể, Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 nêu quan điểm, phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới. Phát triển du lịch nông thôn cần theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng vùng miền, gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo.

Mục tiêu đặt ra, đến năm 2025, mỗi tỉnh, thành phấn đấu có ít nhất 01 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương.

Chính sách đã trở thành trợ lực quan trọng trong việc “đánh thức” tiềm năng của du lịch nông nghiệp, nông thôn. Du lịch nông nghiệp, nông thôn đã được triển khai tại nhiều địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế du lịch, “khoác áo mới” cho khu vực nông thôn. Nhưng để đạt được những mục tiêu trên còn rất nhiều việc phải làm, trước mắt là thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, coi nông nghiệp là lợi thế cạnh tranh quốc tế. Đồng thời, cần xóa tan được “thành trì” phát triển tự phát, nhỏ lẻ; tháo gỡ các rào cản để thu hút đầu tư vào hạ tầng, bất động sản du lịch nông nghiệp một cách bài bản, có chiến lược. 

Thu hút đầu tư hiệu quả, đánh thức tiềm năng và định vị thương hiệu cho du lịch nông nghiệp, nông thôn là bài toán cần đặt ra và tìm lời giải để Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội phát huy sức mạnh từ nội lực, gia tăng vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế.

Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện, Reatimes triển khai tuyến bài: Đánh thức tiềm năng, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn bền vững, tạo nền tảng cạnh tranh quốc tế.

“Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới là giải pháp rất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững”, TS. Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định với Đối thoại Reatimes.

TS. Ngô Trường Sơn cho rằng, để du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển tương xứng với tiềm năng, một trong những vấn đề quan trọng, tạo đột phá là giải quyết khó khăn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của các địa phương nhằm thu hút đầu tư vào phát triển du lịch nói chung và du lịch nông nghiệp, nông thôn nói riêng bằng những chính sách cụ thể, bài bản về đất đai, liên kết đầu tư, tiếp cận vốn...

******************

du lịch nông nghiệp

   Với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, du lịch nông thôn là một trong những điểm tạo đột phá. Xin ông cho biết, tại sao phát triển du lịch nông thôn là mục tiêu cần được đẩy mạnh?

TS. Ngô Trường Sơn: Sau hơn 12 năm, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực và chủ động của các địa phương, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được những thành tựu to lớn. Đến nay, cả nước đã có 6.014/8.211 xã (73,24%) đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 1.301 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 156 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu); 258 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 19 đơn vị cấp tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. 

Bên cạnh sự thay đổi mạnh mẽ về hạ tầng kinh tế xã hội, bộ mặt nông thôn liên tục đổi mới, kinh tế nông thôn cũng đã có những chuyển biến tích cực, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. 

Tuy nhiên, kinh tế nông thôn vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị còn yếu...

du lịch nông nghiệp

Bước sang giai đoạn 2021 - 2025, xây dựng nông thôn mới yêu cầu cần gắn với phát triển kinh tế nông thôn để khu vực nông thôn có sức sống mới hơn, diện mạo mới hơn. Trong đó, cần chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành sản phẩm tích hợp “đa giá trị”, sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ; phát triển công nghiệp vừa và nhỏ gắn với vai trò doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình, liên kết vùng nguyên liệu ổn định và bền vững; phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch gắn với bảo tồn làng nghề, thúc đẩy và kết nối không gian nông thôn và đô thị, đảm bảo môi trường sinh thái nông thôn sáng, xanh, sạch đẹp và an toàn. Do đó, phát triển sản phẩm OCOP, du lịch nông thôn là giải pháp được xác định quan trọng, phù hợp, vừa khai thác được tiềm năng, thế mạnh, vừa góp phần giữ gìn những nét văn hóa đặc sắc của các địa phương.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/2/2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh 11 nội dung thành phần, giai đoạn này sẽ có 6 chương trình chuyên đề (Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt cả 6 chương trình). Đặc biệt, lần đầu tiên đưa du lịch nông thôn trở thành một Chương trình để chỉ đạo thực hiện đồng bộ, mang tính hệ thống trên địa bàn cả nước gắn với xây dựng nông thôn mới.

Cùng với Chương trình OCOP, Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ) là một trong hai chương trình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

Cùng với đó, Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn 2045 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã khẳng định: Phát triển du lịch nông thôn được xác định là một trong những giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, góp phần phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn và nông dân; đồng thời nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng, bền vững của du lịch nông nghiệp, nông thôn.

du lịch nông nghiệp

Như vậy, phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới là giải pháp rất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

-  Về tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn của Việt Nam, ông có nhận định gì?

TS. Ngô Trường Sơn: Việt Nam là một quốc gia có rất nhiều tiềm năng về du lịch nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là sự đa dạng về tiềm năng du lịch, từ điều kiện tự nhiên, đến giá trị văn hóa và sản xuất nông nghiệp gắn với đặc trưng của vùng miền, địa phương.

Cụ thể, với diện tích trải dài, điều kiện tự nhiên đa dạng, mỗi vùng miền, địa phương của Việt Nam đều thể hiện đặc sắc riêng, tạo nên một giá trị sinh thái, cảnh quan quý giá cho phát triển du lịch nông thôn. Bên cạnh đó, Việt Nam có một nền văn minh nông nghiệp lâu đời, với tổ chức cộng đồng cơ bản là xóm làng, do vậy các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản và làng nghề của chúng ta đặc biệt phong phú, hình thành một hệ thống các sản vật rất đa dạng và đặc trưng. 

Ngoài ra, sự đa dạng về dân tộc, lịch sử văn hóa đã rạo nên hệ thống các giá trị văn hóa đa dạng như: (1) nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị với nếp sống, sinh hoạt của người Việt (hệ thống các đình, chùa cổ; các lễ hội…), gắn với các danh nhân, anh hùng dân tộc (hệ thống các khu di tích lịch sử cách mạng, nhà lưu niệm…); (2) các lễ hội, phong tục tập quán, nghệ thuật trình diễn, văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống… của 54 dân tộc anh em; (3) gần 2.000 làng nghề, trong đó gần 900 làng nghề truyền thống ở các địa phương, gắn với các giá trị về sản xuất, đời sống của người dân nông thôn. 

Đây chính là các nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển các hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn. Hội tụ các yếu tố cần thiết, cần được chú trọng để phát triển du lịch nông thôn, đó là: Sự đa dạng, tính đặc sắc và cơ hội nâng cao giá trị để tạo ra những sản phẩm du lịch nông thôn đặc sắc, mang đặc trưng, thế mạnh của mỗi địa phương.

du lịch nông nghiệp

- Trên thực tế, việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam đã mang lại những hiệu quả như thế nào cho kinh tế nông thôn tại các địa phương? Ông cảm nhận ra sao về sự đổi thay cũng như sức sống của những địa phương đang phát triển du lịch nông thôn và đời sống người nông dân? 

TS. Ngô Trường Sơn: Trong những năm qua, hoạt động du lịch nông thôn đã được hình thành trên cơ sở khai thác giá trị đặc sắc, mang đậm dấu ấn của văn hóa, sinh thái vùng miền. Nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp độc đáo, chất lượng đã được khai thác đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách. Du lịch nông nghiệp, nông thôn đã có sự phát triển mạnh mẽ, nhiều mô hình du lịch nông thôn đã hình thành ở nhiều địa phương, phát huy hiệu quả, trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của du khách, dựa trên thế mạnh, đặc sắc của mỗi địa phương (về sản phẩm nông nghiệp, cảnh quan, văn hoá lịch sử, ẩm thực...). 

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay cả nước có khoảng gần 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động. Nhiều địa phương đã hình thành được các thương hiệu du lịch điểm đến nổi tiếng, thu hút được sự quan tâm và trải nghiệm của người dân như: Du lịch trải nghiệm mùa lúa chín ở Yên Bái; du lịch trải nghiệm Hà Giang; du lịch nông nghiệp Mộc Châu; du lịch trải nghiệm làng hoa ở Đồng Tháp…

Xét trên góc độ xây dựng nông thôn mới, chúng ta thấy rằng du lịch nông thôn đã, đang và sẽ góp phần rất quan trọng cho sự phát triển của nông thôn, trên nhiều khía cạnh. 

Về khía cạnh kinh tế, du lịch nông thôn đã thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế mới ở nông thôn, thêm nguồn sinh kế; tạo ra việc làm, đem lại thu nhập ổn định, cải thiện đời sống của bà con nông dân, giúp người dân gắn bó với quê hương hơn. Du lịch tạo ra các nguồn thu đa dạng cho hộ nông dân bên cạnh hoạt động sản xuất nông nghiệp thuần túy.

Bên cạnh đó, phát triển du lịch nông thôn đã tác động đến ý thức xây dựng môi trường cảnh quan văn minh, sạch sẽ; bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc (khôi phục lễ hội, khai thác ẩm thực, trang phục, nghệ thuật truyền thống) nhằm tạo điểm khác biệt để thu hút khách du lịch. Nhờ đó, cảnh quan, môi trường, đời sống văn hóa tinh thần của nhiều khu vực nông thôn được thay đổi đáng kể, trở thành những “vùng quê đáng sống”. 

Ngoài ra, du lịch nông thôn còn thúc đẩy sản xuất, duy trì ngành nghề truyền thống, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, lễ hội tại địa phương, góp phần giao lưu văn hóa giữa các vùng, các địa phương và giữa các quốc gia.

du lịch nông nghiệp

-    Hiệu quả rõ rệt, nhưng liệu còn những hạn chế và rào cản nào khiến cho bức tranh du lịch nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng?

TS. Ngô Trường Sơn: Bên cạnh những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, du lịch nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. 

Công tác quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn còn thiếu trọng tâm, chưa phù hợp với tiềm năng lợi thế, đặc trưng của nhiều địa phương. Điều đó dẫn đến nhiều mô hình du lịch nông thôn còn tự phát, manh mún, quy mô nhỏ và trùng lặp, chưa khai thác được thế mạnh về điều kiện tự nhiên, văn hóa và tài nguyên nông nghiệp của địa phương. 

Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa đặc sắc, chưa gắn với đặc thù và sản phẩm đặc sản của từng địa phương, còn mang tính tự phát và mùa vụ; chưa phát huy được giá trị cốt lõi của bản sắc văn hóa truyền thống, sự tinh tế, sự khác biệt và dấu ấn đặc trưng vùng, miền trong các sản phẩm du lịch nông nghiệp. Phần lớn hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách mang tính tự cung, tự cấp, do các hộ gia đình tự sản xuất nên không có thương hiệu; mẫu mã, bao bì chưa hấp dẫn khách du lịch; hoạt động trưng bày, trình diễn quy trình sản xuất, hướng dẫn làm các loại sản phẩm trên chưa được khai thác nhiều. 

Ngoài ra, hoạt động kết nối, liên kết điểm, tuyến du lịch còn hạn chế, đặc biệt là sự kết nối liên tỉnh, liên vùng,… Nhiều điểm du lịch gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện, xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp cũng như thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Hoạt động quảng bá, xúc tiến cho du lịch nông nghiệp, nông thôn cũng chưa được đầu tư đúng mức, chưa chuyên nghiệp và chưa bài bản, hệ thống, đúng đối tượng.

du lịch nông nghiệp

-    Để thực hiện phát triển du lịch nông thôn bền vững, đóng góp hiệu quả và đồng bộ vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, đồng thời trở thành loại hình kinh tế du lịch quan trọng, xứng tầm ở một số nước dồi dào tiềm năng về nông nghiệp như Việt Nam, theo ông, đâu là những giải pháp cần ưu tiên thực hiện? 

TS. Ngô Trường Sơn: Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm tổ chức phát triển du lịch nông thôn bài bản, đồng bộ, phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững. Để thực hiện mục tiêu đó, trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung vào nhiều giải pháp.

du lịch nông nghiệp

Thứ nhất, chú trọng công tác quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn: Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn cần phù hợp với quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia, đồng thời cần dựa trên cơ sở tài nguyên nông nghiệp, nông thôn, giá trị cảnh quan, làng nghề, ẩm thực, văn hóa đa dạng. Xác định các tiềm năng về giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống, văn hóa cộng đồng là điều kiện và tiền đề để cơ cấu lại du lịch nông nghiệp, nông thôn, phát triển sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Thứ hai, xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng vùng miền, gắn với đổi mới và sáng tạo. Hình thành các điểm đến về du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với từng vùng, miền với các sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo, khác biệt, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách. 

Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt là lấy cộng đồng làm trung tâm, cơ sở để phát triển sản phẩm du lịch. Chú trọng công tác đào tạo về du lịch gắn với bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề, ẩm thực, trang phục truyền thống và hoạt động nông nghiệp, các mô hình sản xuất sản phẩm đặc sản, truyền thống… để phục vụ khách du lịch thông qua các trải nghiệm thực tế.

Thứ tư, tăng cường kết nối các điểm đến, hạn chế sự phát triển đơn lẻ trong hoạt động du lịch. Hỗ trợ các cộng đồng du lịch kết nối, hình thành các tour, tuyến đa dạng và có sức hấp dẫn giữa các cộng đồng du lịch với nhau và giữa du lịch nông nghiệp, nông thôn với các điểm du lịch nổi tiếng, du lịch lữ hành.

Thứ năm, quan tâm đến hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh các hoạt động xúc tiến khách du lịch lữ hành, du lịch nông nghiệp, nông thôn cũng cần trở thành một điểm nhấn, đặc biệt ở cấp quốc gia, cấp địa phương. Hoạt động quảng bá cần gắn với các giá trị cảm xúc, đặc trưng về sản phẩm du lịch của mỗi điểm đến, kết nối với các trung tâm du lịch lớn nhằm lan tỏa những điểm đến ở nông thôn, đặc biệt là đối với khách du lịch quốc tế.

Thứ sáu, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ cụ thể, dựa trên điều kiện và yêu cầu của từng địa phương, từng loại hình du lịch. Đặc biệt là lồng ghép các chính sách hỗ trợ về phát triển hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, văn hóa, môi trường,… trong xây dựng nông thôn mới để phát triển du lịch nông thôn. 

du lịch nông nghiệp

- Ngoài ra, về vấn đề thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và phát triển hạ tầng nông thôn, thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, ông có nhìn nhận ra sao và theo ông cần những trợ lực gì?

TS. Ngô Trường Sơn: Thực tế, thời gian qua, chúng ta chưa có chính sách cụ thể, bài bản để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân cho phát triển du lịch nông thôn, đặc biệt là các chính sách về đất đai, liên kết đầu tư, tiếp cận vốn… Các hoạt động hỗ trợ cho phát triển du lịch nông thôn chưa nhiều và chưa được đầu tư đúng mức, chủ yếu là các hoạt động hỗ trợ quy mô nhỏ, chưa tạo ra những điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn có tính đột phá.

Chính vì vậy, một trong những vấn đề quan trọng đó là tập trung tháo gỡ các khó khăn về cơ chế, chính sách, đặc biệt là chính sách đất đai.

Ngày 18/5/2023 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, trong đó Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định các loại đất nông nghiệp và khu vực đất được quy hoạch cho mục đích nông nghiệp kết hợp với hoạt động du lịch.

Tôi cho rằng đây là một chủ trương rất kịp thời, nhằm giải quyết khó khăn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của các địa phương nhằm thu hút đầu tư vào phát triển du lịch nói chung và du lịch nông nghiệp, nông thôn nói riêng. 

du lịch nông nghiệp

Vấn đề thứ hai đó là đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Các địa phương cần ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm kết nối giữa các điểm đến, các trung tâm du lịch nhằm thúc đẩy và tạo sự lan tỏa của du lịch nông nghiệp, nông thôn, đồng thời tạo môi trường, động lực để thu hút các doanh nghiệp đầu tư./.

-    Trân trọng cảm ơn ông!

 
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top