Aa

Giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024: "Cần thông tin danh mục minh bạch để tăng hiệu quả chính sách"

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Sáu, 05/01/2024 - 05:45

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, kích cầu tiêu dùng, chính sách giảm 2% thuế VAT đã được Chính phủ tiếp tục áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2024.

Giảm nguồn thu ngắn hạn để "nuôi dưỡng" nguồn thu dài hạn

Ngày 28/12/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội.

Cụ thể, thuế giá trị gia tăng sẽ giảm 2% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ gồm: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin…

Việc giảm thuế VAT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Riêng mặt hàng than được giảm thuế VAT ở khâu khai thác bán ra còn các khâu khác không được giảm.

Đối với cơ sở kinh doanh tính thuế VAT theo phương pháp khấu trừ thì được áp dụng mức thuế suất thuế VAT 8% đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế. Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế VAT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu, được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT.

Giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024: "Cần thông tin danh mục minh bạch để tăng hiệu quả chính sách"- Ảnh 1.

Từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024, thuế giá trị gia tăng sẽ giảm 2% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%. (Ảnh: Vietnanet)

Bộ Tài chính ước tính, việc thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 dự kiến sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 25.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là khi giảm thuế giá trị gia tăng sẽ tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu.

Chia sẻ với Reatimes về điều này, chuyên gia kinh tế, TS. Huỳnh Thanh Điền cũng cho rằng, giảm thuế VAT 2% có thể làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn nhưng sẽ "nuôi dưỡng" nguồn thu cho dài hạn. Bởi khi thuế suất được giảm 2%, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí, người dân sẽ gia tăng nhu cầu tiêu dùng. Từ đó, dòng tiền trong nền kinh tế sẽ được lưu thông, đẩy mạnh tiến trình hồi phục của nền kinh tế.

TS. Huỳnh Thanh Điền phân tích, trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, việc tăng chi giảm thu là hợp lý. Ngược lại, nếu lúc này chăm chăm vào các khoản thu sẽ chỉ làm nền kinh tế suy giảm mạnh hơn.

"Một nền kinh tế đang ‘lâm bệnh’ và muốn hồi phục, Nhà nước cần bơm tiền ra đúng nơi, đúng thời điểm để hỗ trợ thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, việc giảm thuế giá trị gia tăng ở thời điểm hiện tại là điều quan trọng hàng đầu", ông Điền nhấn mạnh.

"Một nền kinh tế đang 'lâm bệnh' và muốn hồi phục, Nhà nước cần bơm tiền ra đúng nơi, đúng thời điểm để hỗ trợ thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, việc giảm thuế giá trị gia tăng ở thời điểm hiện tại là điều quan trọng hàng đầu".

Chuyên gia kinh tế, TS. Huỳnh Thanh Điền

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Minh Phong cũng đánh giá việc kéo dài thời gian giảm thuế VAT 2% thêm 6 tháng đầu năm 2024 là cần thiết để thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước. Khi tổng cầu tăng sẽ kéo theo tổng cung tăng do doanh nghiệp tiêu thụ được hàng hoá sản xuất ra. Từ đó, đẩy nhanh quá trình hồi phục của nền kinh tế. Đồng thời, chính sách cũng góp phần tạo sự an tâm cho người tiêu dùng, cho thấy sự quan tâm, đồng hành hỗ trợ của Nhà nước trong bối cảnh khó khăn.

Theo vị chuyên gia, trong năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đã đề ra giải pháp giảm thuế VAT 2% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất VAT 10% từ ngày 01/2/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Năm 2023, trước khó khăn của nền kinh tế, Quốc hội tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Như vậy, việc tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024 là đang thể hiện sự nhất quán của xu hướng nới lỏng chính sách điều hành để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hậu Covid-19 của Chính phủ.

Công bố thông tin rộng rãi để tăng hiệu quả chính sách

Dựa trên kinh nghiệm của những lần giảm thuế VAT trong năm 2022, 2023, giới chuyên gia cho rằng, để thực hiện chính sách giảm thuế lần này thực sự hiệu quả, Chính phủ cần đảm bảo thông tin về việc giảm thuế và các quy định liên quan được công bố rõ ràng giúp doanh nghiệp và người dân hiểu, dễ dàng thực hiện.

Theo ghi nhận của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hồi tháng 10/2023, các doanh nghiệp đã gặp khá nhiều vướng mắc khi áp dụng chính sách giảm 2% thuế VAT, chủ yếu xuất phát từ việc phân loại hàng hóa nào phải chịu thuế 10%, hàng hóa nào được giảm thuế xuống 8%.

Mặc dù, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022 và Nghị định 44/2023 nhằm hướng dẫn việc thực hiện, nhưng trên thực tế việc phân loại hàng hóa, dịch vụ áp dụng các mức thuế suất vẫn còn nhiều lúng túng.

Giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024: "Cần thông tin danh mục minh bạch để tăng hiệu quả chính sách"- Ảnh 2.

TS. Nguyễn Minh Phong

Nhiều trường hợp doanh nghiệp tra cứu phụ lục của Nghị định 15 và 44 nhưng không dám khẳng định hàng hóa, dịch vụ của mình thuộc diện thuế suất 10% hay 8%. Một số doanh nghiệp đi hỏi cơ quan thuế, cơ quan hải quan nhưng các cơ quan này cũng không dám khẳng định cho doanh nghiệp vì sợ sai.

"Vì vậy, việc đảm bảo thông tin về giảm thuế và các quy định liên quan được công bố rõ ràng là rất cần thiết. Cụ thể, về phía cơ quan thuế, cần có những hướng dẫn cụ thể, đảm bảo hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp khi thực hiện. Đồng thời, quản lý thuế và kiểm tra thuế cần được cải thiện để đảm bảo tính công bằng và tránh tình trạng lạm dụng, tránh tình trạng không đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng cần hỗ trợ. Ngoài ra, cũng là cần theo dõi và đánh giá kết quả của chính sách giảm thuế để nhằm điều chỉnh và cải thiện hiệu quả trong những lần tiếp theo", TS. Nguyễn Minh Phong nên quan điểm.

Cũng theo chuyên gia, để dễ hơn trong việc áp dụng thực hiện giảm thuế VAT 2%, có thể cân nhắc giảm cho tất cả đối tượng, kể cả nhóm viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản…

Thậm chí, nhóm kinh doanh bất động sản cần phải được ưu tiên giảm thuế giá trị gia tăng đầu tiên bởi đây là một trong những nhóm ngành suy giảm nghiêm trọng trong năm vừa qua. Khả năng bước sang năm 2024, những khó khăn vẫn còn tiếp diễn do pháp lý cần thời gian nhất định để hoàn thiện và dòng vốn vẫn chưa thực sự được tháo gỡ.

"Hơn hết, thuế VAT là thuế gián thu và tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh từ quá trình sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng và được nộp vào ngân sách Nhà nước theo mức độ tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ. Như vậy, giảm VAT cho bất động sản là đang trực tiếp giảm giá nhà cho người dân, chứ không phải giảm cho doanh nghiệp. Khi giá nhà giảm, người dân có nhu cầu mua sẽ quyết tâm mua hơn", ông Phong nhấn mạnh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top