Aa

Giảm 215.000 dân ra khỏi nội đô lịch sử: Mục tiêu đáng hoan nghênh nhưng có khả thi?

Thứ Tư, 24/03/2021 - 11:00

Hà Nội đã thực hiện giãn dân phố cổ từ cách đây 2 thập kỷ, nhưng đến nay, mục tiêu này vẫn nằm trên giấy. Đó là lý do khiến nhiều người băn khoăn về tính khả thi của việc giảm 215.000 dân ra khỏi nội đô lịch sử.

Lời tòa soạn: 

Ngày 22/3/2021, Hà Nội công bố các Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị (nội đô lịch sử) tại các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

Tổng diện tích đất theo quy hoạch khoảng 2.709,75ha. Quy mô dân số theo số liệu điều tra năm 2019 khoảng 887.000 người. Đáng chú ý, theo quy hoạch, dân số tới năm 2030 và 2050 chỉ còn 672.000 người, tức sẽ giảm khoảng 215.000 dân, một con số rất lớn.

Về quan điểm bảo tồn và phát triển, Quy hoạch tuân thủ theo đúng định hướng Quy hoạch chung Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011. Riêng đối với khu phố cổ Hà Nội được xếp hạng di tích quốc gia, khu vực hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt và các công trình di tích, tôn giáo, danh thắng..., ngoài tuân thủ quy định của Luật Quy hoạch đô thị và các nghị định có liên quan, việc quản lý, bảo tồn cần bám sát quy định của Luật Di sản văn hoá và các văn bản pháp luật có liên quan.

Là khu vực có giá trị về lịch sử và văn hóa nên câu chuyện bảo tồn khu vực phố cổ Hà Nội đã nhiều lần được đưa ra bàn luận và có các quyết sách trực tiếp liên quan đến việc giãn dân, bảo tồn các di tích, vùng thắng cảnh... 

Tuy nhiên để hiện thực hóa được các mục tiêu này là không dễ dàng. Hơn 2 thập kỷ qua, số người dân bám trụ tại các khu phố cổ không giảm đi mà còn tăng lên, dù các khu nhà tái định cư phục vụ cho việc giãn dân đều đã sẵn sàng. 

Việc giãn dân khỏi nội đô lịch sử nói chung và các khu phố cổ nói riêng có ý nghĩa như thế nào, cách thức triển khai ra sao, tính hiệu quả và khả thi đến đâu? 

Để trả lời những câu hỏi này, trên tinh thần khảo sát, nghiên cứu, Reatimes khởi đăng tuyến bài: "Giảm 215.000 dân ra khỏi nội đô lịch sử: Mục tiêu có khả thi?"

Trân trọng giới thiệu tới độc giả! 

HAI THẬP KỶ GIÃN DÂN 

Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử công bố mới đây được đánh giá là bước tiến lớn trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị tại Hà Nội, giúp Thủ đô phát triển bền vững. Một trong những nội dung đáng chú ý trong quy hoạch phân khu này là: Giãn dân, giảm 215.000 người ra khỏi nội đô lịch sử và bảo tồn, phát triển khu phố cổ, phố cũ. 

Tuy nhiên, không chờ đến bây giờ người dân phố cổ, phố cũ nói riêng và khu vực nội đô lịch sử (theo quy hoạch) nói chung mới biết đến việc giãn dân. Thực tế, cách đây hơn hai thập kỷ, vào năm 1998, Hà Nội đã bắt đầu thực hiện đề án Giãn dân phố cổ với mục tiêu giãn khoảng 27.000 dân ra khỏi nội đô, dự kiến sẽ hoàn thành năm 2020. Cùng với việc giảm mật độ dân cư tại các khu phố cổ, Hà Nội cũng tính đến việc triển khai đồng bộ các chủ trương di dời trường đại học, bệnh viện, trụ sở bộ, ngành… ra khỏi khu vực nội đô lịch sử.

Nhưng đến thời điểm hiện tại, tiến độ di dời nhà máy, cơ sở bộ, ngành vẫn rất chậm nếu không nói là chưa thực hiện được, còn việc giãn dân thì gần như thất bại hoàn toàn khi dân số chỉ tăng lên chứ không giảm đi. Bộ mặt kiến trúc và không gian văn hóa, lịch sử phố cổ, phố cũ đã bị tác động rất lớn khi Thành phố không giải quyết được mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn. 

Dù đã xây dựng một khu nhà ở phục vụ cho việc giãn dân tại Khu đô thị Việt Hưng tại quận Long Biên, với diện tích hơn 11ha, gồm 16 tòa nhà cao 8 - 9 tầng, một tòa nhà hỗn hợp làm khu trung tâm thương mại, dịch vụ, công trình công cộng cao 15 tầng và các công trình phúc lợi xã hội như trường học, trạm y tế, không gian sinh hoạt cộng đồng, tuyến phố đi bộ… nhưng đến hiện tại, các tòa nhà vẫn không có người ở, còn người dân vẫn đang bám lấy phố cổ, chen chúc trong những khu nhà siêu nhỏ, những con ngõ siêu hẹp, chấp nhận không gian sống chật chội, nhếch nhác, điều kiện sinh hoạt khổ sở. 

Khu nhà ở giãn dân tại Khu đô thị Việt Hưng vẫn ngóng cư dân về ở nhiều năm qua. Ảnh: Dũng Minh
Khu nhà ở giãn dân tại Khu đô thị Việt Hưng vẫn ngóng cư dân về ở nhiều năm qua. Ảnh: Dũng Minh.

Phía sau mặt tiền đắt giá nơi “đất vàng”, “đất kim cương” phố cổ lại là những câu chuyện dài, một mảng đối lập “cười ra nước mắt” chưa được giải quyết. 

Những con ngõ sâu hun hút như những địa đạo tối đen dẫn đến một “cuộc sống khác” đối lập hoàn toàn với dáng vẻ nhộn nhịp tấp nập của phố cổ. Nếu không tận mắt chứng kiến, thật khó để hình dung ở một nơi được cho là trung tâm “đắt đỏ” nhất của Thủ đô lại có những không gian sống không thể nào tệ hơn, mà nếu gọi đó là nhà thì phải cho vào trong ngoặc kép. 

Tay cầm chai nước vừa mua, ông Chu Văn Cao (73 tuổi) lò dò đi vào con ngõ tối đen có địa chỉ ở 63 Thuốc Bắc. Con ngõ rộng chưa đầy 1m, hai bên là mảng tường tróc lở, hoen ố, xuống cấp. Sâu trong con ngõ tối tăm, quanh năm không thấy ánh sáng mặt trời này là những “căn nhà” chồng xếp lên nhau của 18 hộ dân (nay còn khoảng 10 hộ còn bám trụ).

“Nhà” của ông Cao thuộc hàng bé nhất với diện tích chỉ vỏn vẹn 2m2, chiều cao chưa đầy 1,4m, không khác gì một hầm địa đạo nổi trên mặt đất, được dẫn lên bởi một chiếc cầu thang nhỏ hẹp. Bên trong có một chiếc đèn bàn luôn bật, một chồng sách báo và các vật dụng cần thiết. Toàn bộ tường gạch đã cũ mèm, nhiều đoạn đã tróc lở, ngả màu, "chiếc hộp” này là chốn đi về của hai bố con ông Cao gần 30 năm nay. 

“Trời nắng thì trong này nóng không khác gì cái lò. Trời mưa thì lại thấm dột, ẩm ướt. Vào nhà phải cúi đầu. Ngủ phải nằm nghiêng, dậy phải khom lưng. Thay quần áo thì phải nằm ra sàn. Không có tí ánh sáng nào ở trong này nên ban ngày cũng phải bật đèn”, ông Cao miêu tả về cuộc sống trong “căn nhà” đặc biệt của mình. 

Cuộc sống của người dân phố cổ
"Ngôi nhà" chỉ vỏn vẹn 2m2 của ông Cao.

Nếu được xếp kỷ lục, có lẽ “nhà” của bố con ông Cao sẽ đứng hạng nhất, không chỉ về diện tích mà còn cả sự thiếu thốn đủ bề. Các hộ khác cũng không ngoại lệ, nhiều hộ 3 - 4 người cũng phải sống trong không gian chỉ khoảng 6 - 8m2 hàng chục năm qua. Nhưng dường như họ đã quá quen thuộc với cuộc sống tối tăm, chật hẹp này, nói đúng hơn là không có cách nào khác ngoài việc tự thích nghi với hoàn cảnh. Tuy nhiên, khi sự xuống cấp của các dãy nhà này ngày càng trầm trọng, cái họ phải đối mặt không chỉ là sự chật vật, khổ sở vì không gian bí bách mà còn là những mối nguy tiềm ẩn về sự an toàn tính mạng. 

Sống ở phố cổ đã gần cả đời người, đến nay nhìn lại những sự đổi thay theo dòng chảy của quá trình phát triển đô thị, ông cụ tuổi đã ngoài 70 phân trần: “Ngày xưa dân số ít lắm. Bây giờ quá nhiều. Người dân ở các nơi đổ về. Nhà cửa phố xá mọc lên như nấm. Hôm trước vẫn thấy còn đất trống hôm sau đã xây nhà rồi. Vì nhiều nơi làm quá, thành ra thấy nó nhanh. Nhưng phát triển gần như tự phát. Nhà nào có nhiều tiền thì làm nhanh, làm to. Mạnh ai nấy làm. Như tôi đây cựa mình còn không được thì nói đâu đến làm nhà. Ngoài kia phát triển hiện đại văn minh, trong này thì dường như không phát triển, nói đúng hơn là đi “giật lùi”. Không ai bỏ tiền ra để xây trong này cả. Còn chúng tôi, kinh tế đã thấp thì lấy tiền đâu ra mà cải tạo chỗ ở cho thoải mái hơn.

Sự phát triển thiếu kiểm soát thì những người ở “đáy” xã hội phải hứng chịu hết. Từ trong đây, đi qua con ngõ tối tăm kia đã khác nhau hoàn toàn. Sự phát triển thiếu cân đối, thiếu khoa học đã dẫn đến chênh lệch ngày càng lớn”, ông Cao nói. 

Cuộc sống của người dân phố cổ
Ông Cao đã quen thuộc với cuộc sống "không thể cựa mình" trong ngõ hẻm phố cổ.

Khi được hỏi về chính sách của Nhà nước, đặc biệt liên quan đến vấn đề giãn dân phố cổ đã được nhắc đến nhiều năm nay, ông Cao cho biết: “Cái đó là chính sách lớn của Nhà nước, nghe nói lâu rồi nhưng làm thì chưa thấy. Nói trên đài phát thanh thì rất hay nhưng thực tế thì… Đôi khi người ta chỉ làm tượng trưng thôi”. 

Trăn trở là thế, nhưng khi đề cập đến việc nếu được đề nghị di dời phố cổ ra khu đô thị Việt Hưng (khu đô thị được xây dựng để giãn dân phố cổ) chẳng hạn, thì ông Cao lại nói rằng: “Bao giờ người ta đi hết thì tôi mới đi chứ không xung phong đi trước. Ở đây cái gì cũng tiện. Không khí phố xá cũng khác. Nên của tôi có một chút con con thế này thôi cũng là vô giá. Ra ngoài kia không biết sẽ thế nào. Nên phải chờ người ta “lội qua sông” xem “nông sâu” thế nào đã, lỡ đang đi bị sụt xuống thì sao?".

Không phải chỉ ông Cao, nhiều người dân phố cổ khác cũng đang cố bám víu lấy sự "tiện lợi", lấy "không khí phố xá" dù phải sống trong những không gian chật hẹp và khốn khổ. Không ai khác, họ đang mắc kẹt trong câu chuyện quy hoạch phát triển và bảo tồn. Và đúng như ông Cao nói, hậu quả của sự phát triển quá tải, thiếu kiểm soát, không ai khác, chính họ - những người dân đang bị bỏ lại phía sau quá trình phát triển phải gánh chịu. Kể cả việc thiếu hụt không gian sống, hay những cảnh ngập úng, tắc đường...

Và rồi, sự quá tải về dân số đã dẫn đến sự “phình to” về hạ tầng ở phố cổ, phố cũ. Ngập úng là câu chuyện đã nhìn thấy, còn tắc đường thì xảy ra triền miên. Phố cổ bây giờ không khác gì “phố khổ”. Sống ở trung tâm dù tiện trăm bề nhưng bất tiện cũng trăm bề. Nhiều người đã bán nhà chuyển đi nơi khác, nhưng đa phần người dân vẫn đang cố bám trụ lại, chen chúc trong những căn nhà siêu nhỏ và những con ngõ siêu hẹp, phần vì còn luyến tiếc sự hào nhoáng của phố xưa, phần vì không còn cách nào khác. 

ngõ nhỏ phố cổ

Người dân vẫn bám trụ trong những con ngõ tối tăm, chật chội.
Người dân vẫn bám trụ trong những con ngõ tối tăm, chật chội.

GIÃN DÂN: KHÔNG CHỈ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ CHỖ Ở

Khu phố cổ, phố cũ Hà Nội hiện có khoảng hơn 4.300 biển số nhà; mỗi số nhà lại có rất nhiều gia đình sinh sống, chen chúc nhiều thế hệ. Có số nhà có tới 53 hộ gia đình với 200 khẩu. 

Theo các chuyên gia, việc giãn dân khu vực này hơn hai thập kỷ vẫn giậm chân tại chỗ bởi việc giãn dân không chỉ là thay đổi chỗ ở mà còn là bài toán an sinh xã hội, bài toán sinh kế và văn hóa. Do đó, việc phải giải quyết bài toán an cư cho 215.000 người dân nội đô lịch sử trong 10 năm tới là không dễ dàng, nhất là với cộng đồng dân cư gắn với nét văn hóa đặc trưng lâu đời của Hà Nội. 

Các chuyên gia kinh tế và văn hóa đều cho rằng, điều cốt lõi để thực hiện giãn dân thành công đó là phải giải quyết được bài toán lợi ích giữa người dân và với việc bảo tồn di sản. Việc khuyến khích di dân phố cổ bằng chính sách nửa vời như trong quá khứ sẽ không nhận được sự đồng thuận của người dân, không đạt được mục tiêu của dự án.

“Cơ chế chính sách muốn đưa vào thực tiễn, phát huy được hiệu quả thì phải gắn liền với người dân, phải tiếp cận được tâm tư nguyện vọng của người dân. Giãn dân phố cổ không chỉ cần tạo cho người dân chỗ ở mà còn phải tạo ra không gian sống cho họ, phải có không gian xanh, có trung tâm thương mại... Và đặc biệt, phải tạo điều kiện phát triển kinh tế, giúp họ có thu nhập cao hơn so với thu nhập trong khu phố cổ”, TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm cho hay. 

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top