Lời tòa soạn:
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, UBND TP. Hà Nội đã ấp ủ ý tưởng về việc quy hoạch chi tiết các khu đô thị ven sông, nhằm đưa sông Hồng trở thành trung tâm của các khu đô thị hiện đại. Thế nhưng sau nhiều năm, ý tưởng trên chưa thể thực hiện mà vẫn chỉ dừng ở mức đề xuất.
Hiện nay, dải đất ngoài bãi sông Hồng kéo dài từ huyện Phúc Thọ đến Thanh Trì có hàng chục nghìn hộ dân sinh sống khá tạm bợ, phát sinh nhiều vấn đề bất cập mà một phần nguyên nhân là do chậm triển khai quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Thực trạng quy hoạch “lơ lửng” cũng khiến người dân ở đây luôn trong tình trạng thấp thỏm “đi không được, ở không xong”.
Đồng thời, việc quy hoạch khi chưa được phê duyệt đã kéo theo nhiều khó khăn, hệ lụy trong quản lý tài nguyên đất như tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình không phép, một số tổ chức, cá nhân “ôm” hàng chục héc-ta đất rồi cho thuê trái thẩm quyền, sử dụng sai mục đích… Trong khi đó, Hà Nội lại đang loay hoay phát triển trong một chiếc áo quá chật, ngổn ngang về quy hoạch và thiếu nguồn lực đất đai.
Thông tin về chủ trương Hà Nội triển khai xây dựng quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000, dự kiến phê duyệt trong tháng 6/2021 thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân cả nước. Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết từ năm 1954 đến nay, đã 7 lần điều chỉnh quy hoạch Thủ đô, tất cả đều nói đến quy hoạch sông Hồng nhưng lần này mới thành hiện thực và nhấn mạnh yếu tố quan trọng về việc thay đổi cách tiếp cận trong quy hoạch.
Thay vì quay lưng lại với sông Hồng như trước đây, Hà Nội sẽ quay mặt ra sông Hồng để kiến tạo các không gian giá trị của trục không gian hành lang xanh, khai thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để khơi dậy nguồn lực này một cách hiệu quả như kỳ vọng, Hà Nội cần giải quyết những bài toán lớn về câu chuyện quy hoạch, khai thác, sử dụng quỹ đất khổng lồ như thế nào để minh bạch và không bị lợi dụng chính sách để trục lợi?
Trên tinh thần khảo sát, nghiên cứu, Reatimes khởi đăng tuyến bài: "Quy hoạch đô thị sông Hồng: Minh bạch để khơi dậy nguồn lực".
Xin trân trọng giới thiệu tới độc giả bài viết của TS. Nguyễn Minh Phong: Động lực mới phát triển kinh tế Thủ đô.
Động lực phát triển kinh tế của Hà Nội không chỉ đến từ điều kiện tự nhiên và vị thế Thủ đô (với 1% diện tích đất đai và 8,5% dân số; 82% trường đại học và 80% số phòng nghiên cứu khoa học trọng điểm; 65% đội ngũ trí thức và nhà khoa học; khoảng 30% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động và 2/5 khu công nghiệp công nghệ cao của cả nước), mà còn đến từ việc xây dựng, triển khai Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (gọi tắt là Quy hoạch đô thị sông Hồng) và các quy hoạch chất lượng cao tương tự liên quan đến toàn bộ sông Hồng, sông Đuống, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, xung quanh Hồ Tây và các vùng không gian tương tự.
Nói cách khác, việc xây dựng và triển khai Quy hoạch là một trong những chìa khóa cho việc mở cửa khai thông và phối hợp hiệu quả các dòng vốn hàng chục, hàng trăm tỷ USD từ cả trong và ngoài nước (nhất là từ Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Ý…) cho phát triển kinh tế, tạo hợp lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế Thủ đô cả vĩ mô và vi mô, hiện tại và tương lai…
ĐỘNG LỰC TỪ ĐA LỢI ÍCH DO QUY HOẠCH CHẤT LƯỢNG CAO
Không có quy hoạch sẽ không có định hướng đúng đắn cho đầu tư và quản lý sự phát triển của vùng, khu vực trên địa phương. Tuy nhiên, quy hoạch cần có chất lượng cao để định hướng dòng vốn vào đúng chỗ và công trình đầu tư không bị đội vốn, sử dụng được dài lâu, khai thác hết công năng, có sức lan tỏa và không làm lãng phí các nguồn lực xã hội.
Tham khảo, kế thừa những điểm phù hợp từ các đề án, dự án quy hoạch liên quan đến sông Hồng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước trước đó (nhất là của Hà Lan, Hàn Quốc), Quy hoạch đô thị sông Hồng được kỳ vọng sẽ có chất lượng cao.
Đặc biệt, chất lượng và lợi ích của Quy hoạch đô thị sông Hồng được bảo đảm trước hết bởi Nhà nước làm chủ đầu tư và được xây dựng theo nguyên tắc thuận thiên, lấy phòng chống lũ và chỉnh trị sông Hồng làm mục tiêu hàng đầu, đưa sông Hồng vào giữa thành phố, không chất tải công trình, mà tích hợp cả quy hoạch đê điều, phòng chống lũ và nhấn mạnh yếu tố văn hóa đặc sắc của sông Hồng, tạo không gian hài hòa để phát triển cả hai bên dòng sông như là trục vành đai xanh, cải thiện cảnh quan đô thị và môi trường sống của cộng đồng dân cư trong khu vực và trên địa bàn Thủ đô.
Lợi ích cơ hội khác có thể thấy được là phong thủy của Thủ đô sẽ đẹp hơn, bởi thành phố sẽ hướng ra sông. Việc hình thành con đường ven sông sẽ là điểm đột phá giúp cải thiện, nâng tầm cảnh quan không gian và phát triển đô thị mới, văn minh, hiện đại hơn.
Hơn nữa, lợi ích của Quy hoạch đô thị sông Hồng còn là tăng được cả quy mô dân cư và quỹ đất kinh tế. Với phạm vi Quy hoạch dự kiến trải dài 40km hai bên bờ sông (từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở), tổng diện tích khoảng 11.000ha (trong đó sông Hồng chiếm 33% tổng diện tích), đất bãi sông chiếm khoảng 50% tổng diện tích và 1.190ha còn lại là khu vực đã xây dựng, khu dân cư…), thuộc 55 phường, xã và 13 quận, huyện, dân số 280.000 - 320.000 người (hiện trạng hơn 228.000 người), Quy hoạch đô thị sông Hồng sẽ không chỉ tạo không gian cư trú thêm cho hàng trăm nghìn dân, mà còn mở rộng thêm gần 6.500ha đất kinh tế. Điều này đồng nghĩa với hàng loạt dự án mới sẽ được hình thành, triển khai, tạo thêm cơ hội đầu tư cho hàng chục nghìn doanh nghiệp và tạo việc làm, sinh kế cho hàng triệu người dân.
Một lợi ích khác cần nhấn mạnh là tác động lan tỏa bởi làm tăng tính liên kết vùng của Quy hoạch đô thị sông Hồng. Trong phạm vi Quy hoạch đô thị sông Hồng hiện có hơn 100 công trình di tích lịch sử, đa dạng về loại hình và có nhiều di tích đã xếp hạng, lại nằm kề cận khu phố cổ, khu phố cũ, các công trình tôn giáo tín ngưỡng, di tích lịch sử văn hoá, hệ thống không gian xanh, mặt nước sông hồ… thuận lợi về giao thông thủy vận tải hàng hóa, phát triển du lịch, kết nối với cả vùng.
Đặc biệt, cái lợi từ Quy hoạch đô thị sông Hồng sẽ tăng trội nếu thành phố khuyến khích và đòi hỏi cao, yêu cầu tạo ra cuộc cách mạng trong kiến trúc Thủ đô. Các dự án trong Quy hoạch đô thị sông Hồng cần được định hướng giảm mật độ xây dựng, thiết kế kiến trúc hiện đại, đa chức năng, công năng và trực tiếp hay gián tiếp góp phần mở rộng, tận dụng hiệu quả không gian kinh tế đô thị cả trên bề mặt, dưới ngầm cũng như trên cao khoảng không đất và nước.
Sự tập trung chuỗi các dự án có tính liên kết cao sẽ góp phần hình thành và lan tỏa phát triển các loại hình kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ, các dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao. Đồng thời, góp phần gia tăng màu xanh cho thành phố từ các công viên giải trí kết hợp khu nông nghiệp công nghệ cao, cung ứng nông sản sạch; hài hòa các công trình kiến trúc với cây xanh và mặt nước sông, hồ để phát triển du lịch đô thị - sinh thái và cải thiện chất lượng không khí…
Với những lợi ích toàn diện, đa chiều trên, chắc chắn làn sóng đầu tư mới sẽ bùng nổ sau khi Quy hoạch đô thị sông Hồng được thông qua…
HIỆN THỰC HÓA ĐỘNG LỰC TỪ TRIỂN KHAI TỐT QUY HOẠCH
Một Quy hoạch đô thị sông Hồng tốt, chất lượng cao là cần thiết và cực kỳ quan trọng, song nó tự thân không thể tự động trở thành động lực cho phát triển kinh tế, nếu thiếu cơ chế triển khai tốt và hiệu quả. Để hiện thực hóa những động lực tiềm năng và lợi ích từ Quy hoạch đô thị sông Hồng, thành phố cần chú ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, việc triển khai Quy hoạch đô thị sông Hồng cần bám sát nguyên tắc công khai, minh bạch, kết hợp nguyên tắc thị trường (nhất là trong đấu giá quyền sử dụng đất, phát triển hệ thống thương mại, dịch vụ và khu đô thị cao cấp kết hợp với du lịch sinh thái), đồng thời có sự kiểm soát xây dựng sát sao, chặt chẽ của Nhà nước sau Quy hoạch đô thị sông Hồng gắn với chức năng sử dụng theo quy hoạch.
Thứ hai, các cơ quan chức năng cần chủ động công khai thông tin và tuyên truyền mạnh mẽ, tổ chức xúc tiến đầu tư rộng rãi, chuyên nghiệp trên tất cả các loại hình báo chí, truyền thông, mạng xã hội; đặc biệt là thông tin về các dự án quy hoạch, điều kiện đấu giá và mục tiêu, công năng, tiêu chuẩn xây dựng trên các lô đất Quy hoạch đô thị sông Hồng; xây dựng cơ chế quản lý đầu tư các dự án quan trọng tạo điểm nhấn trong quy hoạch.
Thứ ba, các cơ quan chức năng cần chủ động khai thác và linh hoạt thiết kế thêm những cơ chế tài chính mới, đặc thù theo phân cấp quản lý để triển khai và quản lý Quy hoạch đô thị sông Hồng cũng như các dự án tương tự phù hợp với tinh thần Luật Thủ đô và Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế tài chính đặc thù và cơ chế quản lý Chính quyền đô thị của Thủ đô.
Thứ tư, cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ, phòng tránh tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình không phép, cho thuê đất trái thẩm quyền, sử dụng sai mục đích theo Quy hoạch đô thị sông Hồng; xử lý kịp thời các biểu hiện lệch lạc, tiêu cực, bất cập hoặc lạm dụng, gắn với lợi ích nhóm và tham nhũng chính sách. Đặc biệt, cần giữ nghiêm kỷ luật công vụ, kiên quyết ngăn chặn mọi sai phạm ngay từ đầu, không để lặp lại tình trạng “bảo kê”, dung túng và cưỡng chế “cắt ngọn”, xử lý chạy theo kiểu “sự đã rồi”, gây phức tạp và lãng phí tài sản, đầu tư xã hội.
Thứ năm, thành phố cũng cần có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, kiện toàn bộ máy lãnh đạo các cấp, nhất là lãnh đạo chủ chốt có chuyên môn và uy tín cao, có sức trẻ, khát vọng, hoài bão và quyết tâm cống hiến lớn, giàu tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo và phản biện, được lắng nghe, tôn trọng và cống hiến, vì sự nghiệp phát triển chung của Thủ đô.
Thứ sáu, để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư ở trong nước và nước ngoài, thành phố cần tiếp tục quyết liệt triển khai cải cách các thủ tục hành chính; triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về tài chính - tín dụng, công nghệ, xúc tiến đầu tư và thông tin thị trường, cũng như về quản trị kinh doanh, tăng cường chuyển đổi số, phát triển các mô hình kinh doanh phi tiếp xúc truyền thống, hội họp trực tuyến, điều hành từ xa, thương mại điện tử thích ứng với bối cảnh mới vừa phòng chống dịch bệnh, vừa ổn định kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh theo mục tiêu và tinh thần giải pháp trong các chương trình công tác lớn của thành phố vừa được các cấp thẩm quyền thông qua./.