TP.HCM: "Kẻ ngoại đạo" đổ bộ vào thị trường địa ốc
Thị trường địa ốc trong thời gian qua bắt đầu trở lại quỹ đạo phát triển. Nhiều báo cáo từ các công ty tư vấn thị trường cho thấy, không ít doanh nghiệp xưa nay chưa hề hoạt động trong lĩnh vực này đã bắt đầu lên kế hoạch phát triển mảng địa ốc.
Mới đây nhất, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Sài Gòn (SeaProdex Saigon) cho biết, từ năm tài chính này, Công ty tạm dừng kinh doanh lĩnh vực cốt lõi để chuyển dòng vốn đầu tư mạnh vào địa ốc. Phân khúc mà doanh nghiệp này đổ bộ là cho thuê mặt bằng, kho bãi, kinh doanh BĐS, đầu tư tài chính…
“Đầu tiên, SeaProdex Saigon sẽ phát triển dự án tại số 6 - Phạm Phú Thứ, quận Tân Bình. Ngoài ra, Công ty mua nhà và diện tích đất tương ứng của tầng trệt, lửng, lầu 5, 6, 8 tại Dự án số 49 - Pasteur và số 87 - Hàm Nghi (quận 1) để phát triển dự án cho thuê”, ông Vũ Đức Tâm, Tổng giám đốc SeaProdex Saigon cho biết.
Trong khi đó, thông tin Công ty TNHH Bình Tiên (Biti's) sẽ đầu tư phát triển dự án căn hộ để tận dụng quỹ đất lớn của mình ở khu Tây TP.HCM đang làm nóng thị trường địa ốc TP.HCM trong những ngày qua, bởi từ trước tới nay, doanh nghiệp này chỉ sản xuất giày dép.
Xem chi tiết tại đây.
Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM lên tiếng về công trình sai phép Thảo Điền Sapphire
Mới đây, ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết sẽ cưỡng chế, không cho tồn tại sai phép tại dự án Thảo Điền Sapphire. Ngoài ra, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cũng cho biết đã giao Thanh tra sở là đầu mối cung cấp thông tin vụ việc.
Liên quan đến những sai phạm tại dự án này, một lãnh đạo của Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, sau khi bị xử phạt lần một với mức phạt là 40 triệu đồng, Thanh tra Sở đã nhiều lần hướng dẫn, yêu cầu đi xin điều chỉnh giấy phép nhưng chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần TDS không thực hiện mà vẫn tiến hành xây dựng. Do vậy, đội thanh tra xây dựng địa bàn Quận 2 tiếp tục lập biên bản vi phạm hành chính lần 2.
Theo vị này, trong tuần này Thanh tra Sở sẽ làm việc với UBND Quận 2, UBND Phường Thảo Điền, Công ty Cổ phần TDS và đơn vị thi công để giải quyết vụ việc theo hướng yêu cầu Công ty Cổ phần TDS phải tự giác tháo dỡ phần xây dựng sai phép, nếu không thực hiện thì sẽ cương quyết cưỡng chế công trình vi phạm.
Xem chi tiết tại đây.
“Cơn sốt” đất nền hạ nhiệt, nhiều nhà đầu tư lao đao
Quay trở lại một số khu vực vốn là điểm nóng trong “cơn sốt” đất nền vừa qua, chúng tôi ghi nhận một không khí trầm lắng, và giá đất cũng bắt đầu giảm.
Tại khu vực đường Liên Phường, và đường Nguyễn Duy Trinh quận 9, đoạn gần đường Vành Đai 2, nơi tập trung nhiều dự án nhà phố, biệt thự như Villa Park, Lucasta, Mega Ruby, Mega Residence… cách đây khoảng 2 tháng được cò đất hét với giá 57 triệu đồng m2.
Tuy nhiên, tham khảo hiện nay giá đất tại khu vực này dao động ở mức 50-55 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Tại các khu vực này cũng không còn cảnh đông đúc nhân viên môi giới chào hàng như trước đây.
Theo đại diện công ty môi giới đất nền Hưng Lộc Phát ở đường Liên Phường, quận 9, giá đất chững lại là do thành phố sắp siết chặt việc tách thửa. Những khu đất phân lô manh mún có khả năng sẽ rớt giá mạnh, còn đất đã hoàn chỉnh pháp lý, hạ tầng hoàn thiện ít bị tác động hơn.
Giá đất không còn tăng nóng sốt như cách đây hai tháng, nhưng cũng khó giảm trở về mức trước cơn sốt, mà sẽ thiết lập mặt bằng giá mới. “Các chủ đất có vốn mạnh, đã được tách lô diện tích nhỏ sẽ tự tin “găm” đất chứ không giảm giá.
Ngược lại, giới đầu cơ sẽ gặp áp lực khi phải đóng tiền theo tiến độ nên sẽ buộc phải tung hàng. Khi đó, thị trường sẽ hình thành mặt bằng giá mới”, nhân viên môi giới nhận xét.
Xem chi tiết tại đây.
TP.HCM phát triển nhà ở xã hội: Thiếu quỹ đất và vốn
Nhu cầu về nhà ở của người dân TP.HCM rất lớn. Với chủ trương kêu gọi xã hội hóa đầu tư, các bộ ngành Trung ương cũng như TP đã có nhiều chính sách “mở” để khuyến khích các doanh nghiệp (DN) tham gia phát triển NƠXH.
Tuy nhiên, Sở Xây dựng TP.HCM cho hay, trong 5 năm qua, TP chỉ mới đáp ứng được 37% nhu cầu nhà ở đối với các đối tượng thu nhập thấp tại đô thị, công nhân lao động ở các khu công nghiệp so với kế hoạch đặt ra. Như vậy, vẫn còn thiếu số lượng rất lớn NƠXH mới đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng trên.
Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2017, tổ chức vào cuối tháng 5 vừa qua, các sở ngành TP đưa ra nguyên nhân nhằm lý giải cho việc chương trình NƠXH chậm phát triển là do ách tắc về quỹ đất và vốn.
Về quỹ đất xây dựng NƠXH, Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý NƠXH quy định, các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành quỹ đất 20% cho NƠXH. Đối với các đô thị, có thể bố trí riêng các khu NƠXH ngoài quỹ đất trên.
Riêng đối với công nhân khu công nghiệp, Chính phủ cũng quy định rõ, đối với các khu công nghiệp chưa sử dụng hết quỹ đất thì cho phép chuyển đổi quỹ đất công nghiệp sang thành đất ở, hình thành dự án riêng xây dựng nhà ở cho công nhân.
Tuy nhiên, thực tế diễn ra cho thấy, về quỹ đất, các chủ đầu tư thường chọn phương án nộp tiền hoặc chuyển giao quỹ nhà (sàn xây dựng), thay cho việc cam kết dành quỹ đất 20%.
Thậm chí, nhiều dự án dù có quy mô diện tích trên 10ha, nhưng chủ đầu tư vẫn vận dụng căn ke từng mét vuông tường bao, cây xanh, hoặc “lách” dự án vào khung dưới 10ha để khỏi thực hiện quy định này, khiến quỹ đất phát triển NƠXH ngày càng thu hẹp.
Xem chi tiết tại đây.
Dự án Somerset West Point Hanoi bị yêu cầu dừng hoạt động
Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thành phố Hà Nội vừa phối hợp với C66 (Bộ Công an) tổ chức kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy tại công trình “Tổ hợp khách sạn và căn hộ cho thuê Somerset West Point Hanoi tại số 2 đường Tây Hồ, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Công trình với quy mô gồm 25 tầng, 3 tầng hầm, trong đó, tầng hầm 1 bố trí phòng kỹ thuật và kho, tầng hầm 2 và 3 bố trí gara ô tô, khu vực kỹ thuật; tầng lửng bố trí khu cà phê; từ tầng 1 đến tầng 4 bố trí khu vực dịch vụ, bể bơi, vui chơi trẻ em; từ tầng 3 đến tầng 25 bố trí căn hộ cho thuê.
Quá trình kiểm tra đã phát hiện công trình còn tồn tại nhiều nội dung không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy để cấp văn bản nghiệm thu đưa vào sử dụng. Cụ thể như giao thông phục vụ chữa cháy, bố trí mặt bằng, lối thoát nạn, giải pháp ngăn cháy lan, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống thông gió, chống tụ khói.
Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra chủ đầu tư lại đã cho các đơn vị vào sinh hoạt, kinh doanh và làm việc trong tòa nhà, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ mất an toàn cho công trình, vi phạm quy định tại điều 17 Nghị định 79/2014/NĐ-CP.
Xem chi tiết tại đây.
Cận cảnh dự án Golden Hills nợ hơn 244 tỷ đồng
Mới đây, UBND TP. Đà Nẵng vừa có văn bản thống nhất theo đề xuất của Cục thuế TP. Đà Nẵng về việc công bố công khai các dự án bất động sản chưa nộp tiền sử dụng đất tính đến thời điểm 31.5.2017.
Trong đó, đáng chú ý nhất là việc Công ty Cổ phần Trung Nam (Trung Nam Group) có 2 dự án bị “bêu tên” với tổng số tiền nợ sử dụng đất gần 300 tỷ đồng.
Cụ thể, ở dự án Khu đô thị Golden Hills (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu và xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang), Trung Nam Group còn nợ hơn 244 tỷ đồng.
Đáng nói, Golden Hills được khởi công ngày 9.4.2011 và đã được giao dịch ra thị trường rầm rộ. Trong đó, một phần dự án này đã được hình thành, bàn giao cho cư dân vào ở. Một phần vẫn còn vướng giải tỏa vì chưa thống nhất giá đền bù với các hộ dân trong vùng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án Golden Hills do chính Trung Nam Group làm chủ đầu tư và được khởi công vào ngày 9.4.2011 gồm các khu A, B, C, D, E trên diện tích 342ha, với tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD.
Golden Hills được UBND TP. Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đầu tư số 322100045 ngày 25.3.2010. Hiện nay các nền đất tại dự án Golden Hills vẫn được rao bán trên thị trường.
Xem chi tiết tại đây.
Thanh tra việc chuyển đổi “đất vàng” ở TP.HCM
Thanh tra Chính phủ vừa công bố Quyết định thanh tra công tác quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với khu công nghệ, khu đô thị; việc chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại UBND TP.HCM.
Theo Quyết định Thanh tra số 1416/QĐ-TTCP do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn ký ngày 5/6/2017, Đoàn Thanh tra liên ngành do ông Lê Sỹ Bảy, Vụ trưởng Vụ I - Thanh tra Chính phủ làm Trưởng đoàn. Đoàn gồm 23 thành viên, là cán bộ của các cục, vụ của Thanh tra Chính phủ và chuyên viên, thanh tra viên chính của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thời gian thanh tra là 70 ngày làm việc kể từ ngày công bố Quyết định, không tính ngày lễ, ngày nghỉ theo quy định.
Thời kỳ thanh tra từ năm 2010 đến 31/12/2016, trong quá trình thanh tra nếu có nội dung liên quan đến trước và sau thời kỳ thanh tra, Đoàn Thanh tra có thể yêu cầu cung cấp tài liệu, hồ sơ để làm rõ.
Xem chi tiết tại đây.