Aa

Giảm lãi suất: Cẩn trọng kê đơn quá liều có thể “nhờn thuốc“

Thứ Ba, 03/10/2023 - 11:14

TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng, không nên tiếp tục hạ lãi suất. Việc kê toa quá liều không những làm "nhờn thuốc", mà còn có thể gây ra tác dụng phụ như lạm phát và tỷ giá.

Khó giảm thêm lãi suất

Trong tháng 8, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm mạnh. Theo tính toán của các chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), lãi suất huy động các kỳ hạn của nhóm ngân hàng quốc doanh giảm 30-50 điểm cơ bản trong tháng 8, trong khi nhóm ngân hàng tư nhân giảm nhiều hơn 50-100 điểm cơ bản.

Tính từ đầu năm, lãi suất huy động đã giảm 150-250 điểm cơ bản, tùy kỳ hạn và như vậy đã giảm sâu hơn mức giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

VDSC dự báo nhịp giảm mạnh của mặt bằng lãi suất trong tháng 8 sẽ kích hoạt tiếp đà giảm lãi suất cho vay, từ đó giúp tăng trưởng tín dụng cải thiện trong các tháng tới. Lãi suất huy động đã giảm mạnh, cùng với yếu tố lạm phát nguy cơ tăng trở lại, NHNN nhiều khả năng sẽ không giảm lãi suất điều hành trong quý 3.

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Maybank (MBKE) cũng dự báo NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất thay vì cắt giảm thêm do rủi ro về áp lực tỷ giá trong bối cảnh lợi suất trái phiếu Mỹ tăng. Ngoài ra, NHNN lo ngại việc phụ thuộc quá nhiều vào chính sách tiền tệ nới lỏng có thể dẫn tới nợ xấu cao hơn và bất ổn hệ thống ngân hàng trong dài hạn.

Khó giảm thêm lãi suất - Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, MBKE cho rằng NHNN vẫn sẽ hạ trần lãi suất huy động thêm 25 điểm cơ bản trước cuối năm. Việc cắt giảm lãi suất huy động nhằm mục đích giảm chi phí vốn của các ngân hàng để lãi suất cho vay có thể giảm bớt hơn nữa nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, việc áp lực tỷ giá tăng lên có thể khiến chính sách giảm lãi suất của NHNN phải đảo chiều, chuyển từ nới lỏng sang chặt chẽ hơn.

“Trong điều hành, NHNN phải tính toán việc tăng lãi suất để ổn định tỷ giá hoặc giảm lãi suất đề hỗ trợ doanh nghiệp đang rất khó khăn. Tuy nhiên, nếu tiếp tục giảm lãi suất thì áp lực tỷ giá tăng cao, lạm phát bùng lên, bất ổn trên thị trường ngoại hối và đối mặt với nguy cơ dòng vốn rút khỏi Việt Nam”, ông Hiếu nói.

Do đó, vị chuyên gia khuyến nghị NHNN không nên giảm thêm lãi suất điều hành, bởi có giảm thêm thì không ít doanh nghiệp cũng không tiếp cận được (hoặc không muốn vay) vì tình hình kinh doanh khá ảm đạm, càng vay có thể càng lỗ thêm.

TS Nguyễn Trí Hiếu - Ảnh: Báo Đầu tư

TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cũng cho rằng, không nên tiếp tục hạ lãi suất vì chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và thế giới không còn nhiều.

“Việc kê toa quá liều không những làm "nhờn thuốc", tức giảm lãi suất nữa không tác dụng đến tăng trưởng mà còn có thể gây ra tác dụng phụ như lạm phát và tỷ giá có thể là áp lực trong những tháng cuối năm”, ông Huân nói.

Theo ông Huân, chính sách tiền tệ hiện tại đã mang tính bão hòa. Ngoài ra, việc tiếp tục giảm lãi suất có thể không tác động nhiều đến nền kinh tế. Thay vào đó, nên tập trung cho chính sách tài khóa, thực hiện các chính sách về phía cầu hơn là phía cung. 

Trong thông báo mới phát đi, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng cho biết, dư địa chính sách tiền tệ hiện nay còn rất ít, chính vì thế trong thời gian tới khó có thể tiếp tục giảm lãi suất điều hành. 

Phó thống đốc cho rằng lãi suất có quan hệ biện chứng với tỷ giá, nếu lãi suất giảm thấp thì khả năng tỷ giá sẽ lại bùng lên. Chính vì thế, phải tìm được điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá.

Ngân hàng Nhà nước hút tiền về

Trong diễn biến gần đây, NHNN đã rút ra khỏi hệ thống 20.000 tỉ đồng trong phiên giao dịch 26/9.Trước đó, liên tiếp trong 3 phiên 21/9, 22/9 và 25/9, Nhà điều hành đã chào thầu thành công tổng cộng 30.000 tỷ đồng tín phiếu 28 ngày (10.000 tỷ/phiên) và không phát sinh nghiệp vụ trên thị trường mở; qua đó rút khỏi hệ thống ngân hàng lượng tiền tương ứng. 

Như vậy, trong 4 phiên giao dịch vừa qua, NHNN đã hút ròng tổng cộng gần 50.000 tỷ ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu.

Trong báo cáo của mình, VDSC nhận thấy một sự đồng thuận của các nhà quan sát về việc lãi suất ở mức cao của FED sẽ duy trì thêm một thời gian dài cho đến hết năm 2024. Điều này sẽ điều hướng các hoạt động giao dịch tiền tệ và tài sản trong các tháng cuối năm 2023.

Với mức chênh lệch lãi suất USD-VND trên thị trường liên ngân hàng hiện đang ở mức 4-5 điểm % đối với các kỳ hạn dưới 1 tháng, nhóm phân tích cho rằng, kỳ vọng mới nhất về chính sách tiền tệ của Fed sẽ tiếp tục khiến cho hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất (carry trade) được tăng cường.

"Vì vậy, hành động phát hành tín phiếu của NHNN ngay sau khi có kết quả cuộc họp của Fed cũng là một động thái để giảm bớt ảnh hưởng của hoạt động này đối với áp lực tỷ giá", VDSC đánh giá.

Trong thời gian tới, nhóm phân tích cho rằng NHNN có thể tiếp tục hoạt động phát hành tín phiếu nhưng điều này không đồng nghĩa với việc đảo chiều trong chính sách tiền tệ bởi hoạt động điều tiết cung tiền mang tính thời điểm và linh hoạt. Đồng thời, hiệu quả của can thiệp lên áp lực tỷ giá cũng còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt quan trọng nhất là xu hướng của chỉ số đồng USD.

TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM - ảnh: NCCC

TS Nguyễn Hữu Huân đánh giá, việc NHNN phát hành tín phiếu để hút tiền về vừa qua là động thái là hợp lý để ngăn ngừa tình trạng đầu cơ tỷ giá cũng như hút bớt tiền về, tạm ngưng việc giảm lãi suất để duy trì sự chênh lệch lãi suất đủ hấp dẫn và giảm bớt áp lực lên tỷ giá.

TS Huân đề nghị cần thực hiện các giải pháp mạnh hơn về giảm thuế VAT, bởi vì mức 2% chưa thực sự hấp dẫn (mức giảm có thể 50% hoặc 100% như giảm thuế trước bạ ô tô thì sẽ tác động đến hành vi tiêu dùng); tập trung giải ngân vốn đầu tư công để gia tăng tổng cầu cũng như các chính sách về giảm thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân để khuyến khích tiêu dùng. 

Đối với chính sách tiền tệ, ông Huân cho rằng nên tập trung các gói hỗ trợ lãi suất, kết hợp giữa tiền tệ và tài khóa. Ngoài ra, cần đưa ra những quy định cụ thể cho các gói này để nó thực sự đến được tay doanh nghiệp và người dân. 

Chuyên gia này cũng cho rằng, cần có các biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Một số phương án có thể tính đến là tăng tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo, linh hoạt hơn trong việc chứng minh dòng tiền của doanh nghiệp; kết hợp giữa cho vay thế chấp và tín chấp... để tăng tỷ lệ và hạn mức cho vay nhưng vẫn đảm bảo được quản lý rủi ro tín dụng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top