Aa

Giảm nợ xấu dưới 1% bằng phương pháp “dịch chuyển”

Thứ Tư, 17/02/2021 - 06:00

Để kéo tỷ lệ nợ xấu giảm xuống, ngân hàng có thể dịch chuyển nhóm nợ hoặc dịch chuyển cơ cấu nguồn thu về ngành ít chịu tác động của dịch bệnh.

Năm 2020, lợi nhuận của 2/3 số ngân hàng trong hệ thống tăng trưởng hai con số, nằm ngoài kỳ vọng trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy vậy, tình hình nợ xấu lại có biến động trái chiều. Dưới tác động của Thông tư 01/2020/TT-NHNN, một số ngân hàng có nợ xấu tăng mạnh nhưng cũng có thêm nhiều ngân hàng kiểm soát tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 1%.

Gần 10 ngân hàng báo giảm nợ xấu xuống dưới mốc 1%

Ngân hàng đang có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Nợ xấu của Techcombank đứng ở mức 0,5%, giảm mạnh so với mức 1,3% một năm trước đó. 

Trong năm 2020, ngân hàng này cho biết đã chủ động xử lý một số khoản nợ xấu. Chi phí dự phòng của năm 2020 tăng lên mức 2.600 tỷ đồng so với mức 917 tỷ đồng của năm 2019. Chi phí tín dụng được duy trì ở mức 1,1% cho cả năm 2020.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nghiêm Xuân Thành cho biết, đến cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng chỉ còn 0,6%/tổng dư nợ - mức thấp nhất trong lịch sử của ngân hàng này.

tình hình nợ xấu ngân hàng 2020

Năm 2020 cũng là năm quỹ dự phòng rủi ro của Vietcombank lên mức kỷ lục 19.344 tỷ đồng. Việc đẩy mạnh trích lập khiến tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất trong hệ thống ngân hàng gần 380%, tức là 100 đồng nợ xấu thì ngân hàng dự phòng gần 380 đồng.

Vietcombank cũng là ngân hàng có tỷ lệ bao nợ xấu cao nhất trong hệ thống. Ngoài mạnh tay trích lập dự phòng, ngân hàng đã chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng bán lẻ nhằm tăng hiệu quả kinh doanh do lãi suất cho bán lẻ cao hơn bán buôn mà rủi ro lại thấp hơn vì có tài sản thế chấp. Mặt khác, chính sách quản trị rủi ro tín dụng của Vietcombank khá thận trọng, giúp ngân hàng này giảm áp lực nợ xấu mới phát sinh. 

nợ xấu Vietcombank

Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) Lê Đức Thọ mới đây cho biết, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này đã giảm mạnh xuống dưới 1%. Trong năm 2020, VietinBank cũng đã tất toán toàn bộ nợ xấu tại VAMC. Ngoài ra, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cho vay và trái phiếu nội bảng cũng được cải thiện, tăng lên 130%.

Năm qua, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á (BacABank) đã kiểm soát nợ xấu dưới 1% khá thành công. Nợ xấu cuối năm 2020 của ngân hàng này là 0,79%.

Trong hệ thống, Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) cũng đã kéo tỷ lệ nợ xấu hạ từ 1,97% cuối năm 2019 xuống còn 0,83% cuối năm 2020. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) có tỷ lệ nợ xấu tính tới cuối năm 2020 là 0,6%. Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) có tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ là 0,93% và Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) có tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ là 0,92%.

Các ngân hàng đã giảm nợ xấu bằng cách nào?

Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, nợ xấu nội bảng năm 2021 sẽ không đổi so với năm 2020. Tổng nợ xấu và trái phiếu VAMC các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu của SSI sẽ giảm còn 1,98% vào năm 2021. Tỷ lệ này có thể cao hơn tại nhóm các ngân hàng nhỏ hơn trong hệ thống. Cơ sở nhận định trên là hệ thống ngân hàng đang ở vị thế tốt hơn so với chu kỳ tín dụng trước đây, khi hầu hết các ngân hàng đã giải quyết hết hoặc gần hết tài sản có vấn đề.

Song SSI cũng lưu ý rằng, một số rủi ro tín dụng vẫn có thể bị trì hoãn trong ghi nhận do các biện pháp hỗ trợ từ Thông tư 01. Nợ xấu còn tiềm ẩn từ khoản nợ được cơ cấu lại theo Thông tư 01 cũng là vấn đề mà giới chuyên môn khuyến nghị các ngân hàng đặc biệt lưu tâm trong thời gian tới. Trước tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, các chuyên gia kiến nghị, nên cho phép các TCTD thực hiện Thông tư kéo dài ít nhất đến hết tháng 6/2021 hoặc kéo dài đến đầu năm sau.

Khi nền kinh tế có sự phục hồi, doanh nghiệp hoạt động tốt và có khả năng trả nợ ngân hàng cao hơn. Rủi ro nợ xấu giảm nhưng rõ ràng số lượng nợ cơ cấu lại vẫn tương đối cao. Chưa kể tình hình giải quyết nợ xấu của các ngân hàng chưa đồng đều. Nhiều ngân hàng xử lý rất tốt, nhưng cũng có một số ngân hàng vẫn đang vật lộn với nợ xấu. 

Tuy nhiên, hiện việc thanh lý tài sản đảm bảo trong xử lý nợ xấu không phải dễ dàng bán được. Nhiều khoản nợ xấu được rao bán hàng chục lần, với mức giá giảm hàng trăm tỷ đồng so với giá khởi điểm, mà vẫn không bán được. Vì vậy tới đây, các ngân hàng nên đa dạng hóa giải pháp xử lý nợ xấu.

Nhìn từ trường hợp của Vietcombank, để hạn chế nợ xấu mới phát sinh, các ngân hàng đẩy mạnh dịch chuyển cơ cấu lợi nhuận sang dịch vụ và hoạt động kinh doanh khác thay vì tập trung nhiều vào mảng tín dụng. Song song với đó, các ngân hàng phải tăng hoạt động kiểm soát rủi ro, quản trị rủi ro đối với danh mục tín dụng đang có và sẽ có trong thời gian tới. Một hướng đi có thể đẩy nhanh xử lý nợ xấu được giới chuyên gia đề cập tới đó là sớm vận hành sàn giao dịch mua bán nợ xấu. Tại Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển của VAMC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu VAMC phải hoàn thiện việc thành lập, đưa vào vận hành Sàn giao dịch nợ giai đoạn 2021 - 2025. 

Giảm nợ xấu, kỳ vọng tăng lợi nhuận?

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc Môi giới của CTCK Mirae Asset, với thông tin dự thảo sửa đổi Thông tư 01/2020 với việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, các ngân hàng có thể giảm chi phí dự phòng qua việc trích tối thiểu 70% theo quy định hiện hành, đồng nghĩa với việc con số nợ xấu sẽ tăng. Tuy nhiên, tính nợ xấu cần cân đo theo nhiều khía cạnh. Thứ nhất, con số tuyệt đối nợ xấu sẽ tăng, nhưng do tăng trưởng tín dụng vẫn sẽ tăng cùng với tỷ lệ bao phủ nợ xấu đẩy lên, thì tỷ lệ nợ xấu tính lại sẽ tăng không đáng kể. Đó là chưa kể sức khỏe tài chính hiện tại của ngành ngân hàng tốt hơn bao giờ hết.

Thứ hai, con số dư nợ tính ảnh hưởng theo Thông tư 01 (bao gồm các doanh nghiệp có dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19) không phải toàn bộ đều là nợ xấu. Bởi nợ xấu thực sự chỉ khi doanh nghiệp không còn khả năng hoạt động sinh ra dòng tiền và trả nợ. Ví dụ như trường hợp của HVN, doanh nghiệp này bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nhưng vẫn còn khả năng tạo ra dòng tiền. Do đó, không thể tính toàn bộ khoản nợ của HVN vào diện nợ xấu.

Thứ ba, tính nợ xấu cũng xác định theo tài sản đảm bảo. Trong đó, đa phần các khoản nợ đều có tài sản đảm bảo là bất động sản. Vì vậy, nếu có phát sinh nợ xấu thêm thì ngân hàng có khả năng thanh lý được tài sản này để thu nợ về, nhất là khi thị trường bất động sản vẫn đang tốt.

“Theo quan sát, về bản chất, tình trạng nợ xấu hiện tại khác xa so với khủng hoảng giai đoạn năm 2009 - 2012. Trước đây, tín dụng bơm ồ ạt tạo bong bóng tài sản nợ xấu do tài sản đảm bảo vỡ giá trị và doanh nghiệp không còn khả năng hoạt động. Còn đến nay, Covid-19 chỉ ảnh hưởng nhất thời tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, sau khi tính toán kỹ lưỡng sẽ nhận thấy, con số nợ xấu tuyệt đối có thể vẫn tăng, nhưng xét tổng thể các khía cạnh thì rủi ro sẽ không quá lớn”, ông Tuấn cho hay.

Một vấn đề nữa, Thông tư 01 quy định rất rõ về việc cơ cấu các nhóm nợ, trong đó có khoanh vùng số nợ chịu tác động trực tiếp bởi dịch bệnh. Và trong những quý gần đây, các ngân hàng cũng đã đảo được các nhóm nợ tùy vào mức độ và nguồn lực trích lập dự phòng. Đồng thời, một số doanh nghiệp chịu tác động cũng đã khởi động trở lại hậu đại dịch, có nguồn thu và trả lãi. Do đó, năm 2021 sẽ mở ra thời kỳ tăng trưởng mới cho ngành ngân hàng phục hồi, cùng với hạ tầng - bất động sản - vật liệu xây dựng,...

Mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, NHNN đang nghiên cứu sửa đổi Thông tư 01/2020 theo hướng để nhiều doanh nghiệp có thể được hỗ trợ hơn trong tình hình mới. Hiện các ngân hàng đã nỗ lực trong việc cắt giảm chi phí, lương nhân viên để tập trung hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch.

Phó Thống đốc cũng cho hay, việc sửa Thông tư 01 sẽ theo hướng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vay vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể phục hồi nhanh chóng. Nhưng bên cạnh đó cũng phải quan tâm đến an toàn tài chính của các TCTD, kể cả trong ngắn hạn cũng như sự an toàn và lành mạnh của nền tài chính quốc gia trong trung hạn.

Vì vậy, Thông tư 01 sẽ được xác định một cách hợp lý trong vấn đề cơ cấu lại các khoản nợ, thời điểm, thời gian, đối tượng và trong đó cũng xác định những khoản trích lập dự phòng để đảm bảo an toàn cho các tổ chức tín dụng nhưng cũng bảo đảm các khoản trích lập này phù hợp với năng lực tài chính của tổ chức tín dụng.

TS Nguyễn Trí Hiếu

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, việc thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN sửa đổi sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của các ngân hàng. Khi những khoản nợ tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khó có thể thu hồi được sớm, buộc ngân hàng phải tăng trích dự phòng bao nợ xấu.

Ở góc nhìn lạc quan hơn, SSI Research ước tính, lãi thuần của ngân hàng trong năm 2021 sẽ cao hơn 15% so với năm 2020; tín dụng tăng 12 - 13% so với cùng kỳ. Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) tại nhiều ngân hàng sẽ được cải thiện. NIM trung bình năm 2021 sẽ tăng 10 điểm cơ bản lên 3,56%. Bên cạnh đó, thu nhập ngoài lãi năm 2021 cũng tiếp tục tăng khoảng 8,7% so với với năm 2020, do thu nhập thuần từ phí phục hồi bù đắp cho sụt giảm thu nhập từ kinh doanh ngoại hối và trái phiếu Chính phủ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top