Aa

Giảm rủi ro cho doanh nghiệp mới thúc được đầu tư tư nhân

Thứ Tư, 24/04/2024 - 13:49

Rủi ro và chi phí gia tăng đang đứng hàng đầu bảng các khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cần được hỗ trợ tháo gỡ.

Doanh nghiệp rất thực dụng, kể cả việc nhận hỗ trợ

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thẳng thắn chia sẻ thực tế "rất thực dụng" khi nhận được câu hỏi doanh nghiệp cần hỗ trợ thế nào. "Doanh nghiệp cần hỗ trợ, nhưng họ rất thực tế và thực dụng. Các doanh nghiệp đang đặt vấn đề với chúng tôi là cần bảng so sánh sự khác nhau giữa Luật Đất đai hiện hành và Luật Đất đai 2024, chứ không cần các diễn đàn tổ chức triển khai thi hành luật hoành tráng", bà Thủy làm rõ tính thực tế trong nhu cầu của doanh nghiệp.

Kể từ năm ngoái, danh mục các nguyên nhân gây khó hoạt động sản xuất, kinh doanh có sự khác biệt khá rõ so với giai đoạn dịch bệnh. Khó khăn về đơn hàng, sự cạnh tranh khốc liệt ngay tại thị trường nội địa, khả năng tiếp cận vốn và rủi ro trong kinh doanh đang nổi lên hàng đầu, cho dù các vấn đề về thiếu nguyên vật liệu, nguồn nhân lực, hay chính sách pháp luật vẫn nằm trong top 10 các yếu tố tác động lớn tới doanh nghiệp.

Đặc biệt, rủi ro pháp lý nổi lên trên diện rộng, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nguyên nhân một phần là doanh nghiệp không nắm thông tin đầy đủ, chưa hiểu rõ, nên dễ làm sai, nhưng cũng xuất phát từ sự phức tạp của các quy định, việc thực thi khác nhau ở các địa phương, đơn vị khác nhau về cùng một vấn đề…

"Khi chúng tôi gửi văn bản đi hỏi, nhận được trả lời dài vài trang, nhưng cuối cùng chốt vẫn là thực hiện theo quy định của pháp luật. Các cơ quan thực thi còn chưa rõ, thì doanh nghiệp sẽ làm thế nào", bà Thủy đặt vấn đề trực diện với ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến pháp luật (Bộ Tư pháp).

Trước đó, ông Quốc đã đặt đi đặt lại câu hỏi "doanh nghiệp cần hỗ trợ gì" khi xin ý kiến góp ý của các hiệp hội doanh nghiệp cho kế hoạch triển khai các hoạt động pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong năm 2024.

Giảm rủi ro cho doanh nghiệp mới thúc được đầu tư tư nhân- Ảnh 1.

Danh mục các nguyên nhân gây khó hoạt động sản xuất, kinh doanh có sự khác biệt khá rõ so với giai đoạn dịch bệnh

Trong kế hoạch mà Cục Phổ biến pháp luật đang dự thảo, các đầu việc kín bưng từ nay tới cuối năm, từ hoạt động thường xuyên như rà soát, quản lý, cập nhật các bản án, quyết định, văn bản trả lời, tư vấn pháp luật của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đến việc tổ chức các diễn đàn chuyên đề pháp lý đối thoại chuyên sâu, lấy ý kiến về một số dự thảo hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…, hay các hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật…

Tuy nhiên, ông Quốc chưa thực sự yên tâm với các kế hoạch này. Cho đến giờ, theo ông Quốc, khi Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa 2021-2025 đã đi vào giai đoạn cuối, nhiều doanh nghiệp không biết đến Trang thông tin Hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp của Bộ Tư pháp. Thậm chí, mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ pháp lý đã lên tới cả ngàn người, đều là chuyên gia ở nhiều ngành, lĩnh vực, nhưng không thấy doanh nghiệp nào sử dụng, dù được hỗ trợ chi phí.

“Tôi không thấy có hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí này từ doanh nghiệp. Nếu cơ quan quản lý nhà nước chỉ hỗ trợ doanh nghiệp những thông tin mà họ có thể tìm được trên Internet hay trả lời chung chung, thì có lẽ chương trình này không cần nữa”, ông Quốc cũng thẳng thắn không kém khi trao đổi với đại diện các hiệp hội doanh nghiệp.

Yêu cầu cấp bách là giảm rủi ro, giảm chi phí

Rõ ràng, nhu cầu phải thay đổi cách hỗ trợ doanh nghiệp là có, nhưng thay đổi thế nào không phải dễ trả lời và cũng không giới hạn ở cơ quan hỗ trợ pháp lý. Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cảm nhận rõ khó khăn này.

“Có lẽ cần bàn đến những nguyên tắc trong thực thi khi mà hệ thống pháp luật còn chưa rõ ràng, còn có cách hiểu khác nhau để giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp, cũng để giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Quan điểm của tôi là, nên cho phép doanh nghiệp áp dụng cách hiểu có lợi nhất cho hoạt động của doanh nghiệp”, ông Hiếu đặt vấn đề khi được hỏi về cách nào thúc đẩy đầu tư của khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Ngay cả mục tiêu cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh trong năm nay, ông Hiếu đề nghị đặt mục tiêu giảm rủi ro, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Chia sẻ quan điểm này, TS. Đặng Đức Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, doanh nghiệp luôn ở thế bất lợi nếu phải chọn cách áp dụng. Các nỗ lực cải cách thể chế, hệ thống luật pháp được ghi nhận tích cực, nhưng việc thực thi lại phụ thuộc nhiều vào hệ thống văn bản dưới luật, như các nghị định, thông tư.

“Theo dõi thời gian qua, chúng tôi thấy có khá nhiều văn bản đang tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, cả chi phí tuân thủ và rủi ro do chồng chéo, thiếu thống nhất. Vì trong trường hợp này, có xu hướng doanh nghiêp bị áp dụng theo hướng bất lợi, nhất là khi phải làm việc với các cơ quan thanh tra, kiểm tra”, ông Đặng Đức Anh thừa nhận.

Thực tế, nếu không nhìn thấy cơ hội thị trường, cũng như chưa chắc chắn với khả năng kiểm soát rủi ro, kiểm soát chi phí kinh doanh, thì doanh nghiệp sẽ không sẵn sàng đầu tư. Sự suy giảm của dòng vốn đầu tư nhân trong năm 2023, cũng như sự hồi phục còn rất chậm trong quý I/2024 thể hiện rõ mối tương quan này, khi bất ổn liên quan đến căng thẳng địa chính trị khu vực và toàn cầu khiến sự phục hồi của các đối tác thương mại chính của Việt Nam trở nên khó chắc chắn.

Tình hình trở nên khó kiểm soát hơn khi chi phí kinh doanh có xu hướng tăng, do tỷ giá biến động, giá dầu có xu hướng tăng, chi phí nguyên vật liệu, logistics tăng, dư địa giảm lãi suất không còn nhiều và cả kế hoạch tăng lương vào tháng 7 tới đây…

Đặc biệt, giới chuyên gia tiếp tục phải nhắc lại những nguồn lực của doanh nghiệp đang bị lãng phí do ách tắc trong thực thi các quy định, thậm chí là các giải pháp tháo gỡ. Nhiều đầu việc trong Nghị quyết 02/2024/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 tiếp tục được nhắc lại, như việc tháo gỡ ách tắc về dòng tiền cho doanh nghiệp do chậm hoàn thuế giá trị gia tăng, thúc đẩy các giải pháp cắt giảm chi phí logistics, thúc đẩy đầu tư công tạo tác động lan tỏa mạnh mẽ với đầu tư của khu vực tư nhân…

“Đây là lý do chúng tôi rất trông đợi vào việc thực hiện tốt các giải pháp của Nghị quyết 02/2024/NQ-CP”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh. Thậm chí, ông Lực cũng đặt yêu cầu mới trong phối hợp chính sách giữa cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí, giảm rủi ro cho doanh nghiệp để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, dù mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng đã được Chính phủ xác định ngay từ đầu năm.

“Dù đã nói nhiều, nhưng tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng, cách tốt nhất để kích cầu đầu tư tư nhân là cải thiện môi trường kinh doanh. Trong các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, năm nay, chủ lực vẫn là chính sách tài khóa, còn bổ trợ là chính sách tiền tệ”, ông Lực tiếp tục khuyến nghị.

Đặc biệt, ông Lực chờ đợi các giải pháp quyết liệt, trực diện để hồi phục thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán.

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

Không nên tập trung hạ lãi suất với hy vọng tiêy dùng và đầu tư sẽ tăng lên.

- Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á

Chính phủ nên tập trung vào các yếu tố chính sách mà Chính phủ có thể làm được, trong đó tập trung vào các yếu tố nội địa như đẩy mạnh hiệu quả đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đầu tư công là yếu tố mà Chính phủ có khả năng kiểm soát tốt hơn các yếu tố khác như tiêu dùng hay đầu tư tư nhân. Các biện pháp cải cách chính sách để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn cũng nằm trong tay Chính phủ. Tôi đồng tình với ý kiến là không gian chính sách tiền tệ khá hẹp rồi, cần kết hợp với chính sách tài khóa.

Cụ thể, sử dụng chính sách tài khóa tác động đến kinh tế thực, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, tạo ra nhu cầu về đầu tư về tín dụng. Khi chính sách tài khóa hiệu quả, sẽ tạo ra sự sôi động trên nền kinh tế thực, trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, từ đó tạo ra nhu cầu về đầu tư, tín dụng của doanh nghiệp. Tăng trưởng tín dụng khi đó sẽ mạnh hơn, thay vì chỉ tập trung hạ lãi suất với hy vọng khi lãi suất giảm, thì tiêu dùng và đầu tư sẽ tăng lên.

Tôi cũng cho rằng, việc thúc đẩy đầu tư công cần đặt trong nhu cầu phát triển xanh, là cơ hội để đưa công nghệ, mô hình phát thải thấp, định hướng xanh vào các dự án hạ tầng giao thông, thủy lợi…, với hai đích đến là thúc đẩy đầu tư công và phát triển bền vững…

Đề nghị kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2025.

- TS. Đặng Đức Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Đề nghị ngay trong kỳ họp vào tháng 5 tới, Quốc hội quyết định kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng 2% và một số giải pháp giảm thuế, phí, với thời hạn đến hết năm 2025. Chúng ta không nên tiếp tục cách làm chính sách kiểu ăn đong, cứ 6 tháng lại gia hạn. Cách hỗ trợ này làm doanh nghiệp khá rủi ro, tốn kém trong hoạch định kế hoạch kinh doanh.

Cùng với đó, trong thời gian chờ đợi sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, đề nghị Quốc hội có nghị quyết tăng giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế và nâng trần giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc. Mức này đã quá lỗi thời. Đây cũng là giải pháp để kích cầu tiêu dùng, từ đó kích thích tổng cầu của nền kinh tế…

Doanh nghiệp vẫn mất nhiều thời gian để đợi hoàn thuế.

- Ông Dương Phong Hòa, Phó viện trưởng Viện Đổi mới công nghệ sáng tạo (Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam)

Sau giai đoạn Covid-19, chúng tôi có một nhóm hiệp hội thường xuyên gặp nhau để trao đổi, nếu vướng ở đâu, sẽ cùng nhau đề xuất với bộ đó, như vấn đề của Bộ Công thương thì gặp Bộ Công thương, vấn đề của nhiều bộ thì gặp Chính phủ… Gần đây, Chính phủ có các cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và chúng tôi cũng được mời tham gia, có ý kiến thường xuyên.

Hiện tại, Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam nhận được nhiều ý kiến của hội viên về khó khăn trong xuất nhập khẩu tại chỗ. Cụ thể, khi doanh nghiệp xuất khẩu tại chỗ phải nộp thuế xuất khẩu cho sản phẩm đầu ra, doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm tại chỗ cũng phải nộp thuế nhập khẩu cho sản phẩm đầu vào. Như vậy, một đối tượng hàng hóa cả 2 doanh nghiệp đều phải nộp thuế. Song doanh nghiệp phải huy động số tiền lớn để đóng thuế và mất nhiều thời gian để hoàn thành các thủ tục nộp và hoàn thuế sau đó.

Chúng tôi đã kiến nghị vấn đề này từ tháng 6/2023 đến giờ…


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top