Aa

Khu vực tư nhân yếu dần, vực dậy bằng cách nào?

Minh Hằng
Minh Hằng hangminh0807@gmail.com
Chủ Nhật, 21/04/2024 - 06:00

Theo các chuyên gia, quý I/2024, tốc độ tăng trưởng của khu vực tư nhân còn khiêm tốn, trong khi đây được xem là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong tương lai. Do đó, cần tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phục hồi và kiến tạo để đầu tư tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn.

Khu vực tư nhân trong nước đang suy yếu

Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, tốc độ tăng GDP quý I/2024 đạt 5,66% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong 4 năm trở lại đây (năm 2020 tăng 3,21%; năm 2021 tăng 4,85%; năm 2022 tăng 5,12%; năm 2023 tăng 3,41%).

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý I/2024 theo giá hiện hành ước đạt 613,9 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ 2023 tăng 3,7%). Trong đó, vốn khu vực ngoài Nhà nước ước đạt 340,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 55,5% tổng vốn đầu tư và tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đó là vốn khu vực Nhà nước ước đạt 162,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 26,5% và tăng 4,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 110,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 18% và tăng 8,9%.

Những kết quả tích cực này đã cho thấy kinh tế nước ta đang trong xu hướng phục hồi thời kỳ hậu Covid-19 và thể hiện sức chống chịu tốt trước những bất ổn về địa chính trị thời gian qua. Tuy nhiên, trong bức tranh tổng thể nền kinh tế đã có phần khởi sắc thì vẫn tồn tại những gam màu tối, cho thấy chúng ta còn những khó khăn cần tiếp tục được khắc phục. 

Cụ thể, ước tính 3 tháng đầu năm có 73.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 53.400 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 15.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 5.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Tính trung bình, mỗi tháng có gần 24.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Ở chiều ngược lại, 3 tháng đầu năm chỉ có 59.900 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động. Bình quân một tháng chỉ có gần 20.000 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động.

Tại Báo cáo chuyên đề gần nhất của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng đánh giá, tình hình và triển vọng kinh tế năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong tổng số 2.734 doanh nghiệp tham gia khảo sát của Ban IV, vẫn có 69,1% đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về triển vọng kinh tế năm 2024.

"Doanh nghiệp kiệt sức là sự thật, đặc biệt sau hai năm Covid-19 và hai năm phải đối mặt với những bất ổn của kinh tế vĩ mô toàn cầu. Nếu không được vun đắp kịp thời, sức lực của doanh nghiệp sẽ cạn kiệt... Do đó, năm 2024 là thời điểm cần tiếp tục khoan thư sức dân, sức doanh nghiệp hơn bao giờ hết để nuôi dưỡng niềm tin và năng lực phục hồi của doanh nghiệp cũng như tổng thể nền kinh tế", báo cáo nêu. 

Ban IV cho biết, hiện có 05 khó khăn chính mà doanh nghiệp đang gặp phải bao gồm: Khó khăn về đơn hàng; khó khăn về dòng tiền; khó khăn về tiếp cận vốn vay; khó khăn trong thực hiện các thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật; và nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế.

Khu vực tư nhân yếu dần, vực dậy bằng cách nào?- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu (GP.INVEST), Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam

Đơn cử, từ góc độ của các doanh nghiệp ngành xây dựng và bất động sản, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu (GP.INVEST), Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, mặc dù trong quý I, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28% do Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công cho năm 2024, tuy nhiên mức tăng trưởng xây dựng không phân bổ đều cho toàn ngành xây dựng. Vì vậy, các công ty xây dựng ở quy mô vừa và nhỏ vẫn gặp rất nhiều khó khăn do đầu tư tư nhân không nhiều.

Còn đối với thị trường bất động sản, dù đã bắt đầu ghi nhận những tín hiệu phục hồi nhưng thủ tục pháp lý của các dự án vẫn gặp nhiều vướng mắc. Minh chứng là quý I, tại TP.HCM chỉ có một dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư hay trên toàn quốc chỉ có 30 dự án ra hàng.

Cùng với đó, các doanh nghiệp vẫn gặp những khó khăn, vướng mắc trong vấn đề nguồn vốn, đặc biệt là lãi suất cho vay vẫn cao, doanh nghiệp gặp khó trong điều kiện vay vốn, câu chuyện phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản hay chuyển nhóm nợ từ ngân hàng này sang ngân hàng khác…

"Đáng chú ý, những vấn đề về thủ tục cụ thể của từng dự án, từng doanh nghiệp lại được thực hiện ở cấp tỉnh, thành phố, địa phương và sự chuyển biến ở cấp địa phương không phải chỗ nào cũng quyết liệt và nhanh chóng như Thủ tướng mong muốn. Vì vậy, vẫn còn những ách tắc cũng như số dự án được khơi thông thực sự còn hạn chế", ông Nguyễn Quốc Hiệp thông tin.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, mức tăng trưởng trong quý I đã có sự phục hồi tích cực song vẫn còn thấp so với giai đoạn trước dịch Covid-19, đặc biệt ở khu vực kinh tế tư nhân vốn đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế. 

Vốn đầu tư từ khu vực tư nhân dù đã có sự tăng trưởng ở mức 4,2%, cao hơn mức tăng bình quân các năm là 2,7%, đặc biệt quý I năm ngoái chỉ tăng 1,3%. Song, mức tăng này chỉ bằng một nửa so với trước dịch Covid-19 (bình quân tăng 8 - 8,5%).

Khu vực tư nhân yếu dần, vực dậy bằng cách nào?- Ảnh 2.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia

Do đó, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, cần phải kiến tạo để khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn nữa bởi đây là khu vực có vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế nước ta với 3 lý do. 

Thứ nhất, thời gian qua, khu vực kinh tế ngoài nhà nước, trong đó có kinh tế tư nhân đã đóng góp khoảng 50% GDP của cả nước, chiếm một nửa quy mô nền kinh tế. Đặc biệt trong đó, kinh tế tư nhân chiếm 46% GDP. Thứ hai, khu vực kinh tế tư nhân đã tạo ra 85% công ăn, việc làm. Và thứ ba, khu vực này đóng cho ngân sách nhà nước từ 18,5 - 19% và đóng góp khoảng 25% vào xuất khẩu. Riêng về vốn đầu tư của khu vực này chiếm 58 - 59% tổng lượng vốn đầu tư toàn xã hội.

"Như vậy, nếu khu vực này có vốn tăng thấp thì chứng tỏ một điều rằng nguồn vốn của chúng ta vẫn đang bị ách tắc", TS. Cấn Văn Lực đánh giá.

Đồng quan điểm, TS. Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, tốc độ tăng của đầu tư tư nhân còn khiêm tốn, vì vậy phục hồi khu vực kinh tế tư nhân là vấn đề hết sức quan trọng với nền kinh tế. 

Ông Tuấn cho biết: "Nếu như doanh nghiệp không tiếp cận được sự hỗ trợ về đất đai, về nguồn vốn, về lao động… thì cũng không có nguồn lực để duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đây chính là điểm nghẽn của pháp luật trong việc phát triển doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng. Hiện Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để thúc đẩy đầu tư tư nhân và vấn đề quan trọng là cần có giải pháp quyết liệt hơn để tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp".

Khu vực tư nhân yếu dần, vực dậy bằng cách nào?- Ảnh 3.
Khu vực tư nhân yếu dần, vực dậy bằng cách nào?- Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Cần có gói tín dụng riêng cho những ngành hàng có thế mạnh và tiềm năng phát triển lớn

Để thúc đẩy khu vực tư nhân phục hồi và phát triển mạnh mẽ, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, điều quan trọng là Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phải tạo cơ chế thông thoáng hơn cho doanh nghiệp. Về thể chế, cần sớm có những hướng dẫn cho các luật mới ban hành, đồng thời phải có những thể chế cho các mô hình kinh doanh mới như kinh tế số, kinh tế xanh.

Cần hiểu rằng, kinh tế tư nhân là bao gồm rất nhiều doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh. Vì vậy, ông Lực cho rằng, bản thân doanh nghiệp, các hộ kinh doanh cũng phải nỗ lực cố gắng hơn nữa, quan trọng hơn cả là phải có là niềm tin và sự lạc quan. Cùng với đó, doanh nghiệp phải quyết liệt hơn trong việc tái cơ cấu, nắm bắt xu hướng mới: Xanh hóa, số hóa và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, trong thời gian tới, Việt Nam cần có sự đột phá hơn trong câu chuyện liên quan đến thái độ, chất lượng của cán bộ.

"Điều này chúng ta đã nói nhiều trong vòng 2 - 3 năm qua nhưng chưa có nhiều đột phá. Tôi cũng đã có kiến nghị luật hóa câu chuyện liên quan đến bảo vệ cán bộ, dám nói, dám làm, đặc biệt vì đổi mới sáng tạo, vì sự phát triển chung, từ đó cán bộ công chức sẽ yên tâm hơn để thực thi công vụ ", TS. Cấn Văn Lực cho biết.

Từ việc theo sát cộng đồng doanh nghiệp, TS. Đậu Anh Tuấn cho rằng, dòng vốn là quan trọng nhất đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, những ách tắc về mặt pháp lý đã khiến cho dự án bất động sản không thể triển khai, dòng tiền của doanh nghiệp chưa được tối ưu; hay chính sách hoàn thuế cho một số ngành nghề như gỗ, điện tử còn khó khăn khiến doanh nghiệp bị đọng vốn hàng trăm, nghìn tỷ đồng. Chính vì vậy, giải quyết bài toán về pháp lý, hoàn thuế sẽ gỡ về vốn cho doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân

Khu vực tư nhân yếu dần, vực dậy bằng cách nào?- Ảnh 5.

TS. Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

"Muốn doanh nghiệp tiếp cận được dòng vốn thì câu chuyện không đơn giản chỉ là hạ lãi suất, doanh nghiệp vay vốn ngân hàng mà quan trọng là làm sao giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm được chí phí, giải phóng được dòng tiền đang bị tồn đọng nhằm thuận lợi hơn trong quá trình hoạt động", ông Tuấn nêu quan điểm.

Ngoài ra, Phó Tổng Thư ký VCCI cho rằng, cần có gói tín dụng dành riêng cho những ngành hàng có thế mạnh và tiềm năng phát triển như lĩnh vực sản xuất, nông, lâm sản… để có sức lan tỏa cho nền kinh tế, từ đó tạo công ăn việc làm cũng như năng lực cạnh tranh trong dài hạn. Tránh để nguồn vốn chỉ chảy tập trung vào những ngành hàng mang tính rủi ro, đầu cơ lớn.

Bên cạnh đó, điều mà rất nhiều doanh nghiệp cảm nhận được khi thực hiện thủ tục hành chính ở các địa phương, đó là đang có tâm lý đình trệ, tâm lý chờ đợi khá phổ biến. Vì vậy, cần thúc đẩy tạo lập một không khí mới, không khí thực thi tốt hơn nữa ở nhiều cấp.

"Nếu chúng ta có đủ quyết liệt, đủ nỗ lực thì sẽ thực hiện được tốt. Nếu vẫn có tâm lý chần chừ, e ngại, sợ sai thì có thể mức độ chuyển biến sẽ chưa nhiều mặc dù chúng ta có nhiều đạo luật tốt", ông Tuấn cho hay.

Đưa ra những cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai, ông Đậu Anh Tuấn nhìn nhận, có một số động lực lớn giúp cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh.

Thứ nhất là doanh nghiệp Việt Nam đang có cơ hội lớn trên thị trường quốc tế. Trong những năm gần đây, kinh tế Việt Nam đang tăng tốc và cũng thành công trong xuất khẩu các hàng hóa, từ hàng hóa chế biến chế tạo cho đến các hàng hóa nông nghiệp… Việc Việt Nam nâng cấp quan hệ với hàng loạt các quốc gia rồi từ Hoa Kỳ, Trung Quốc và gần đây nhất là nâng cấp quan hệ ngoại đối với Nhật Bản và Úc sẽ là một còn cơ hội cực kỳ lớn để cho doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với các thị trường quốc tế.

Khu vực tư nhân yếu dần, vực dậy bằng cách nào?- Ảnh 6.

Ảnh minh họa: Báo Chính phủ

Thứ hai là hạ tầng trong nước cũng đang được phát triển rất mạnh mẽ. Trong 2-3 năm gần đây, Việt Nam đã có sự tăng tốc đầu tư công, đặc biệt là đầu tư vào hạ tầng như là đường cao tốc, sân bay… Hạ tầng hoàn thiện sẽ thúc đẩy sự phát triển về giao thương, thương mại dịch vụ, du lịch…

Thứ ba là sự thay đổi tích cực về mặt thể chế. Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã xây dựng, sửa đổi và thông qua nhiều đạo luật như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Giao dịch điện tử…

"Tinh thần của các đạo luật này là khắc phục những khó khăn bất cập, thủ tục hành chính thuận lợi hơn, nhanh chóng hơn, phân cấp nhiều hơn nhằm giúp doanh nghiệp và nhà đầu tư dễ dàng hơn. Chính vì vây, trong năm 2024, tôi có niềm tin rằng doanh nghiệp đang có nhiều cơ hội và sẽ có nhiều cú hích lớn cho nền kinh tế", ông Đậu Anh Tuấn bày tỏ hy vọng.

Cuối cùng, trong con mắt của nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang có thế mạnh lớn về nguồn nhân lực trẻ với trình độ cao.

Với chính sách mở cửa rộng rãi mà Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện rất mạnh mẽ trong thời gian vừa qua sẽ tạo cơ sở cho Việt Nam có vị thế, cơ hội và tiềm năng lớn để thu hút dòng vốn FDI.

"Cần phải nhìn nhận rằng, Chính phủ và Quốc hội đã rốt ráo trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế. Đây là cách thức để tạo lập nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong năm 2024 và trong tương lai. Tuy nhiên, có khai thác được hay không thì còn phụ thuôc vào mức độ thích ứng nhanh của doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng tôi tin rằng, doanh nghiệp Việt Nam luôn có điểm mạnh về khả năng thích ứng nhanh nhạy", TS. Đậu Anh Tuấn bày tỏ hy vọng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top