Aa

Giận mà thương...

Chủ Nhật, 19/04/2020 - 14:00

Thương được cái sai của mình, cái yếu kém của mình thì mới có thể mở lòng với những khiếm khuyết nơi người.

Buồn phiền cũng là một trong những cảm thọ, như giận, như ghét, như thương. Và những cảm thọ thì cũng vô thường. Như đám mây ngang qua bầu trời. Chúng không phải là bầu trời. Như những ngọn sóng trên đại dương. Nhưng, chúng không phải là biển cả.

Cảm xúc là cảm xúc. Nó không phải là Ta.

Tôi vốn dĩ cũng có nhiều khi nóng giận, hay lo âu... Tôi thường phải tự nhắc mình như vậy. Cố nhiên, chúng ta mang thân người với đầy đủ hình hài và thọ mạng, sẽ đều mang theo những tập khí sâu dày. Mình được thừa hưởng từ những hạt giống của tiền kiếp, thừa hưởng từ nếp sống của tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những ảnh hưởng của xã hội. Có những đức hạnh, cũng có những điểm yếu. Có những khéo léo, cũng có những vụng về sẽ đồng hành cùng chúng ta trong suốt cuộc đời.

Thấy như vốn có, thấy để mà thấy.

Vạn sự vô thường. Chiếc áo hôm nay không thể vừa cho một ta của ngày sau... (Ảnh: Sưu tầm)

Bởi những cái thấy ấy là cần thiết, chỉ cần ta hiểu rằng, nó có thể đúng với mình, đúng trong hiện tại nhưng rồi sẽ thay đổi. Chiếc áo hôm nay không thể vừa cho một ta của ngày sau.

Tôi thường chia sẻ với mọi người, tu không phải là để không buồn, không giận, không sai. Mỗi người một nghiệp, mỗi người một căn cơ. Người có hạt giống Phật lớn mạnh thì có thể kiếp này họ tu và sẽ sớm đạt được đến cái hiểu biết lớn, cái thấy thấu đáo và sự giác ngộ cũng khác với người nặng nề nghiệp nợ.

Tuy nhiên, điều đáng quý không phải ai trước, ai sau. Đáng quý là ở việc ta đã trân trọng hạt giống của thiện lương, của niềm mong cầu một hạnh phúc biết bao dung, biết sống có từ, có bi như một người con của Phật.

Trên đường đời của mỗi người, có ai đó trong chúng ta khác về điều kiện, hoàn cảnh, khác sở trường sở đoản của cá nhân. Có thể ở một khúc quanh nào đó, người ta sẽ mắc phải sai lầm, sẽ có tâm hành nông nổi vì phiền giận hoặc yếu đuối trước cám dỗ của danh vọng và tiền tài.

Nhưng đó là chuyện rất đỗi bình thường. Cuộc đời đầy rẫy những phức tạp. Chính vậy nên Tất Đạt Đa mới phải rời bỏ ngai vàng, bỏ gia đình để đi tìm một con đường “thấy khổ” để mà từ đó chuyển hóa và đạt đến hiểu biết, vững chãi. Con đường ấy, kẻ mới đi sẽ còn trầy trật, vấp váp, sẽ còn những chuyện hồ đồ.. Nhưng không sao cả. Tu phước – tu huệ, dù tu cách nào cũng như trăm sông chung một hướng ra biển rộng. Tu cách nào cũng là để đạt đến sự vững chãi, để độ cho mình và giúp được cho đời thêm an. Tôi muốn viết những dòng này vừa để sẻ chia với những ai còn vướng nhiều nghiệp nợ, vừa để tự động viên bản thân mình.

Vấp váp một chút, còn vụng về hoặc nông nổi là điều mà chúng ta cần mở lòng, với mình thì ôm ấp sách tấn và nương nơi hải đảo tự thân, với “chánh niệm – là Bụt”, thấy và hiểu và thương để chuyển hóa phiền não, chuyển hóa cách hành xử và đối đãi. Với người, thì nâng đỡ, bao dung nếu có thể. Hoặc giả nếu chưa đủ duyên ấy thì cũng hãy dành một tâm niệm thấu cảm và hiền thiện mà lắng xuống, để cho lòng thương dài rộng hơn.

Mẹ của tôi không biết niệm chú, không biết nhiều kinh sách. Nhưng ở nơi mẹ, tôi học được lòng thiết tha, học được đức kiên trì, vững chãi. (Ảnh: Sưu tầm)

Mình sống, để thương, để hạnh phúc. Cái thương ấy, cái vững chãi của mình phải lớn hơn sự so đo hay phán xét chứ. Cái nết hiền thiện từ bi nơi mình, phải lớn hơn sự chấp nhất khinh khi và ngã mạn chứ?

Phải thương được cái sai của mình, cái yếu kém của mình thì mới có thể mở lòng với những khiếm khuyết nơi người.

Có người, một đời chẻ củi, nấu nước như tổ Huệ Năng nhưng đã được chọn là người được truyền y bát, tượng trưng cho sự đạt đạo. Tổ chỉ loanh quanh trong bếp. Ngày ngày chăm chú an vui với công việc nấu cơm giã gạo, nhưng nhờ “căn trí” mà Huệ đã tự nhiên khai mở.Có những người, một đời rau dưa nơi quê nghèo mà hiền như lúa và lành như đất. Những người phụ nữ nơi thôn quê, như mẹ của tôi, bà không biết niệm chú, không biết nhiều kinh sách. Thỉnh chuông bà cũng chỉ niệm một câu A Di Đà Phật chứ không phải là văn thỉnh Đại Hồng Chung gì cả. Nhưng ở nơi mẹ, tôi học được lòng thiết tha, học được đức kiên trì, vững chãi. Mẹ tin vào sự phù hộ che chở của tổ tiên, của đức Phật. Vì tin vào lời dạy của Phật, giữ lòng kính trọng những điều tốt đẹp nơi nếp sống từ tiên tổ trao truyền mà một đời mẹ cần mẫn tần tảo, nhắc dạy con cháu ăn ở hiền lành.

Số phận an bài, nhưng cuộc đời rất đẹp. (Ảnh: Sưu tầm)

Cho nên, nếu như có ai đó từng làm những việc còn vụng dại, có ai đó từng trầy trật với tập khí chưa tốt của mình - Như mây ngang trời, như sóng trên đại dương, tất cả cần được ta dừng lại, quan sát và bằng tâm chân thật mà phản tỉnh chân thành, cầu thị và sám hối. Điều cốt lõi là phản tỉnh và thực sự cầu thị, chân thật đối diện với chính mình để nhìn lại, để biết nhận ra cái gì mình làm chưa hay, chưa tốt, chưa thiện, chưa hiền. Có như vậy, sự sám hối mới có hiệu quả và ta mới có thể chuyển hóa chúng.

Số phận an bài, nhưng cuộc đời rất đẹp. Bởi vì mọi sự là vô thường và mai là một ngày mới. Chúng ta vẫn có hôm nay, bây giờ và ở đây để nhìn lại, để dừng lại, để học hiểu và thương, để thay đổi góc nhìn và chăm sóc nâng đỡ những cảm xúc tiêu cực, những suy nghĩ cực đoan làm thân tâm ta mệt nhoài.

Người phụ nữ Việt Nam có những điều vô cùng dễ thương: “Bởi giận rồi cũng chỉ để thương thêm”...

Ngày mai được làm ra từ hôm nay. Chúng ta vẫn sẽ có cơ hội để hạnh phúc hơn, vững vàng hơn và thưởng thức sự sống này trọn vẹn hơn ngay từ giây phút này! 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top