Aa

Giảng đường 110 tuổi dựng từ trăm cột gỗ quý, mang văn hoá đặc sắc của một dân tộc thiểu số, suýt bị giặc đốt phá vẫn vẹn nguyên

Thứ Sáu, 09/05/2025 - 16:30

Giảng đường này nằm trong khuôn viên của một trong những ngôi chùa cổ kính nhất miền Tây được xây từ năm 1973.

Trải qua năm tháng và trào lưu bê tông hoá, nhiều giảng đường (Sala) tại miền Tây đã bị dỡ bỏ, thay thế bằng dãy Sala kiên cố hiện đại. Tuy nhiên, tại Bạc Liêu vẫn giữ được một ngôi Sala hoàn toàn bằng gỗ quý. Đó là Sala nằm tại ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, chùa Buppharam – hay còn gọi là chùa Chót.

Đây cũng là một trong những ngôi chùa Khmer cổ kính nhất miền Tây Nam Bộ, được thành lập từ năm 1573. Ngôi Sala bằng gỗ quý nằm trong ngôi chùa này, được xây dựng từ năm 1915 và vẫn giữ nguyên vẹn sau hơn một thế kỷ tồn tại.

Giảng đường 110 tuổi dựng từ trăm cột gỗ quý, mang văn hoá đặc sắc của một dân tộc thiểu số, suýt bị giặc đốt phá vẫn vẹn nguyên- Ảnh 1.

Giảng đường nằm trong quần thể ngôi chùa Chót. Ảnh: Internet

Giảng đường Sala có kích thước dài 21m, rộng 10m, cao hơn 10m, được thiết kế theo kiểu nhà sàn truyền thống của người Khmer. Công trình được nâng đỡ bởi hàng trăm cột gỗ quý như căm xe, thao lao, bên. Đây là loài vật đặc trưng trong kiến trúc của chùa Khmer. Tất cả tượng gỗ đều được đặt mua ở Campuchia chở về Bạc Liêu bằng đường biển.

Các cột gỗ được đặt trên khối xi măng hình chữ nhật, sàn Sala được làm từ các ván gỗ ghép lại, tạo nên sự vững chắc và bền bỉ cho công trình.

Giảng đường 110 tuổi dựng từ trăm cột gỗ quý, mang văn hoá đặc sắc của một dân tộc thiểu số, suýt bị giặc đốt phá vẫn vẹn nguyên- Ảnh 2.

Ngôi Sala hoàn toàn bằng gỗ. Ảnh: Internet

Một trong những điểm nổi bật của Sala là các đầu cột ở bốn góc được trang trí hình tượng chim thần Krut – loài vật linh thiêng trong văn hóa Khmer. Các nghệ nhân xưa đã điêu khắc hình tượng này bằng gỗ với kỹ thuật chạm trổ tinh xảo, tạo nên giá trị thẩm mỹ cao về mặt nghệ thuật. Chim thần Krut trong tư thế vươn lên đỡ lấy diềm mái, tạo sự chuyển tiếp hài hòa giữa phương đứng của các cột và phương ngang của mái.

Một dấu tích đặc biệt cũng ít người được biết trên cột ở tầng trên giảng đường. Đó là vết sém to bằng hai bàn tay, dấu ấn của một lần suýt bị giặc đốt giảng đường.

Giảng đường 110 tuổi dựng từ trăm cột gỗ quý, mang văn hoá đặc sắc của một dân tộc thiểu số, suýt bị giặc đốt phá vẫn vẹn nguyên- Ảnh 3.

Dấu tích suýt bị giặc đốt của giảng đường. Ảnh: Internet

Theo thông tin từ báo VnExpress, năm 1945, giặc Pháp dẫn theo lính xông vào chùa đốt giảng đường vì nghi ngờ nơi đây chứa Việt Minh. Một cán bộ Việt Minh là người Khmer kêu gọi bà con ngăn cản, dập tắt nhóm lửa. Sau đó, giặc rút lui, ngôi sala được giữ.

Ngôi Sala gồm ba gian, với gian giữa được bố trí bệ thờ Phật Thích Ca quay mặt về hướng Đông để ban phước lành. Gian bên trái bệ thờ được xây cao hơn một bậc, là nơi các sư sãi thuyết pháp và tổ chức các nghi lễ Phật giáo như cúng tứ sự, trai tăng. Phật giáo Nam tông Khmer chỉ thờ duy nhất Phật Thích Ca Mâu Ni, nên điện thờ được đặc biệt tôn trí trang nghiêm và uy nghi.

Giảng đường 110 tuổi dựng từ trăm cột gỗ quý, mang văn hoá đặc sắc của một dân tộc thiểu số, suýt bị giặc đốt phá vẫn vẹn nguyên- Ảnh 4.

Những cột gỗ điêu khắc mang văn hoá Khmer. Ảnh: Internet

Phía dưới căn Sala được tận dụng làm nơi đặt ghe Ngo – loại ghe truyền thống của người Khmer, biểu tượng văn hóa đặc trưng của cộng đồng này. Ngoài ra, các góc cạnh mái chùa có treo chuông gió, khi có gió nhẹ thổi qua tạo nên âm thanh ngân vang, mang lại cảm giác thanh thản cho người nghe.

Trải qua 110 năm, ngôi Sala vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên vẹn, nhờ vào sự bảo quản và trùng tu cẩn thận của các thế hệ trụ trì và cộng đồng Phật tử. Thượng tọa Tăng Sa Vong, trụ trì chùa Buppharam, cho biết ngôi Sala chưa từng được trùng tu lớn, chỉ thay thế một số bộ phận bị hư hỏng theo thời gian.

Với giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc độc đáo, Sala trăm cột gỗ trăm tuổi tại chùa Buppharam là một di sản quý báu của cộng đồng Khmer Nam Bộ, cần được bảo tồn và phát huy để các thế hệ mai sau hiểu và trân trọng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top