Aa

Giáo dục tư tưởng cách mạng đối với cán bộ ngân hàng trong bối cảnh chuyển đổi số

Thứ Ba, 12/11/2024 - 09:44

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, các ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có ngành ngân hàng, đều phải đối mặt với những thay đổi sâu rộng. Ngành ngân hàng Việt Nam không nằm ngoài xu thế này, và điều quan trọng là các cán bộ trong ngành phải được giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng cách mạng vững vàng để không chỉ thích ứng mà còn phát huy vai trò tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số.

Tầm quan trọng của giáo dục tư tưởng cách mạng đối với cán bộ ngân hàng

Giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng cho cán bộ ngân hàng thực chất là sự chuẩn bị chủ thể cách mạng cho hiện tại và tương lai; phải được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, chiến lược của Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội do Đảng lãnh đạo. Công tác tư tưởng của tổ chức cơ sở đảng là các hoạt động truyền bá tư tưởng; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước nhằm tạo sự thống nhất tư tưởng tổ chức đảng, sự đồng thuận trong nhân dân; cổ vũ, động viên tinh thần sáng tạo cách mạng của nhân dân; đấu tranh chống các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng, góp phần nền văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tổ chức cơ sở đảng.

Tư tưởng cách mạng là nền tảng giúp cán bộ giữ vững bản lĩnh chính trị, nhận thức rõ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng, từ đó không ngừng cống hiến cho sự nghiệp phát triển đất nước. Đối với cán bộ ngành ngân hàng, việc giáo dục tư tưởng cách mạng giúp họ nhận thức sâu sắc về vai trò của ngành ngân hàng trong nền kinh tế quốc dân và giúp họ đối diện, vượt qua những thách thức trong thời đại chuyển đổi số.

Chuyển đổi số trong ngành ngân hàng không chỉ là việc áp dụng công nghệ thông tin để tối ưu hóa các dịch vụ mà còn là cơ hội để thay đổi phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả công việc, và đặc biệt là mang lại những sản phẩm, dịch vụ tài chính tiện ích cho người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, quá trình này cũng đặt ra không ít thách thức về bảo mật thông tin, quản lý dữ liệu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giữ vững niềm tin của khách hàng.

Vì vậy, giáo dục tư tưởng cách mạng sẽ giúp cán bộ ngành ngân hàng có một nền tảng vững vàng về đạo đức nghề nghiệp, ý thức chính trị và lòng yêu nước, từ đó họ có thể đưa ra những quyết định đúng đắn trong quá trình làm việc, giữ vững được bản lĩnh, không bị cám dỗ bởi những yếu tố tiêu cực trong môi trường làm việc hiện đại.

Thực trạng công tác giáo dục tư tưởng cách mạng đối với cán bộ ngân hàng

Những năm vừa qua, thực hiện Quyết định số 2933-QĐ/ĐUK gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), kết luận 21-KL/TW Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Chỉ thị số 05-CT/TW, Kết luận số 01-KL/TW của Bộ chính trị, các cấp ủy đảng tại các đơn vị đã cụ thể hóa thành các văn bản, quy định để đánh giá, cổ vũ, phát huy vai trò gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong, lề lối của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, gắn với việc tu dưỡng, rèn luyện của cá nhân. 

Các cơ sở đảng tại các ngân hàng chú trọng công tác xây dựng Đảng về đạo đức, góp phần nâng cao chất lượng cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bám sát nội dung hướng dẫn của Đảng ủy Khối, các đơn vị đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chuẩn mực đạo đức sát với tình hình thực tế của đơn vị, triển khai, tuyên truyền tới từng cán bộ nhân viên. Đồng thời, nhiều ngân hàng đã ban hành các chương trình thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

C:\Users\thanghn.bht\Downloads\a.jpg

Ảnh: Vietcombank Vinh và Vietcombank Bắc Hà Tĩnh hưởng ứng Chương trình hiến máu tình nguyện "Trao giọt hồng, trao yêu thương"

Tuy nhiên, hiện nay, dưới sự tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự chống phá của các thế lực thù địch, sự phát triển của các phương tiện truyền thông, nhất là sự bùng nổ thông tin từ mạng xã hội, với nhiều luồng tư tưởng khác nhau, đan xen giữa tích cực và tiêu cực sẽ tác động không nhỏ đến ý thức chính trị, tư tưởng của cán bộ, tiềm ẩn nguy cơ phai nhạt lý tưởng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chuyển đổi số mang lại một không gian thông tin, văn hoá vô cùng sống động, đa dạng và cả yếu tố phức tạp "thông tin bổ dưỡng nhiều, thông tin độc hại cũng không ít". 

Nhân sự ngành ngân hàng chủ yếu tuổi đời còn trẻ, thói quen sử dụng mạng xã hội thường xuyên, thậm chí lạm dụng, phụ thuộc không gian mạng cũng làm tăng nguy cơ về sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, làm xói mòn giá trị đạo đức truyền thống dân tộc; mất nhiều thời gian cho những giá trị "ảo", không để tâm đến những "giá trị thực tế"… Một bộ phận không nhỏ cán bộ chạy theo lối sống hưởng thụ, ích kỷ, sống không có lý tưởng và niềm tin cách mạng. Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, không ít trường hợp cán bộ ngành ngân hàng vi phạm đạo đức nghề nghiệp, gian lận, lợi dụng, chiếm đoạt tài sản của ngân hàng và khách hàng.

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do nhiều cán bộ còn thờ ơ với việc học tập, rèn luyện tư tưởng cách mạng. Việc chạy đua KPI ở các ngân hàng khiến nhiều cán bộ, đảng viên chưa dành thời gian cho công tác học tập, rèn luyện tư tưởng chính trị. Một số cấp ủy nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng của việc triển khai, quán triệt nghị quyết của Đảng; coi nhẹ việc quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên tham gia học tập. Đội ngũ công tác xây dựng đảng ở một số cấp ủy còn thiếu về số lượng, hạn chế về nghiệp vụ. Việc biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình về xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức, lối sống, rèn luyện tư tưởng cách mạng của cán bộ, đảng viên chưa được quan tâm đúng mực.

Thực trạng đó đặt ra những yêu cầu, bài toán mới đối với cả các tổ chức cơ sở đảng ngành ngân hàng trong việc giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên, trang bị cho cán bộ, đảng viên một "bộ công cụ" để trở thành những "công dân số", tự tin, an toàn và vững vàng bước đi trong không gian số.

Tư tưởng cách mạng trong bối cảnh chuyển đổi số: Những yêu cầu mới đối với cán bộ ngành ngân hàng

Chuyển đổi số trong ngành ngân hàng mang lại nhiều cơ hội lớn, nhưng cũng đẩy mạnh yêu cầu đối với các cán bộ, nhân viên ngân hàng. Trong bối cảnh này, giáo dục tư tưởng cách mạng cần tập trung vào những nội dung sau:

Bảo vệ lợi ích quốc gia và an ninh tài chính: trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa và số hóa, cán bộ ngành ngân hàng phải nhận thức rõ về trách nhiệm bảo vệ an ninh, an toàn tài chính của đất nước. Họ phải có bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp vững vàng để không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tiêu cực, sẵn sàng đối mặt với những chiêu trò tấn công mạng, gian lận tài chính và những rủi ro khác trong môi trường số.

Phát huy tinh thần sáng tạo, đổi mới: để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, cán bộ ngân hàng cần được khuyến khích phát huy tinh thần sáng tạo, đổi mới, học hỏi và làm chủ các công nghệ mới. Giáo dục tư tưởng cách mạng sẽ giúp họ xác định rõ vai trò của mình trong việc phát triển nền kinh tế quốc dân, nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng và giúp đất nước hội nhập quốc tế.

Tăng cường đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội: trong môi trường làm việc hiện đại, với sự cạnh tranh gay gắt và yêu cầu về hiệu quả công việc cao, việc giữ vững đạo đức nghề nghiệp là điều vô cùng quan trọng. Cán bộ ngành ngân hàng cần được giáo dục để nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phục vụ lợi ích chung, bảo vệ quyền lợi của khách hàng và cộng đồng, và đồng thời duy trì sự trung thực, liêm chính trong công việc.

Giải pháp thực hiện giáo dục tư tưởng cách mạng cho cán bộ ngân hàng

Để triển khai giáo dục tư tưởng cách mạng cho cán bộ ngành ngân hàng hiệu quả, cần thực hiện một số giải pháp đồng bộ, cụ thể:

Tích cực triển khai Quy định số 12-QĐ/ĐUK ngày 01 tháng 11 năm 2024 của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên Khối doanh nghiệp Trung ương trong giai đoạn mới.

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chính trị: các đơn vị trong ngành ngân hàng cần tổ chức các chương trình giáo dục chính trị, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số, về an ninh tài chính và phát triển ngân hàng trong thời đại số. Các hoạt động này cần được tổ chức thường xuyên, liên tục và cập nhật kịp thời các thông tin, kiến thức mới.

Triển khai nghiêm túc, đồng bộ Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Phối hợp với Đoàn Thanh niên quán triệt sâu sắc hơn nữa chủ trương của Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò của thế hệ trẻ theo tinh thần Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24-3-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015-2030". Trước những diễn biến của thời đại ngày nay, cần chú trọng nội dung giáo dục cán bộ về bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống; tăng cường giáo dục cho cán bộ nắm vững tính cách mạng, khoa học những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc; về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; về truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần quốc tế trong sáng của cán bộ.

Tăng cường giáo dục cho cán bộ hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam và những ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường; xây dựng ý thức công dân, chấp hành pháp luật, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giá trị nhân văn cao đẹp của con người Việt Nam..., làm cho cán bộ có nhận thức đúng đắn, sâu sắc về những vấn đề lý luận, thực tiễn xã hội đặt ra, củng cố niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Tăng cường đào tạo chuyên môn gắn với đạo đức nghề nghiệp: quán triệt việc thực hiện Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng do Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ký ban hành ngày 25/02/2019. Ngoài việc đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, cần chú trọng bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ ngành ngân hàng. Các khóa đào tạo này không chỉ cung cấp kiến thức về công nghệ, mà còn rèn luyện phẩm chất, bản lĩnh chính trị, giúp họ có đủ năng lực đối mặt với các vấn đề nảy sinh trong quá trình chuyển đổi số.

Khuyến khích sáng tạo và đổi mới trong công việc: để cán bộ ngân hàng không chỉ là người tiếp nhận thay đổi mà còn là người dẫn dắt, sáng tạo trong quá trình chuyển đổi số, cần tạo ra môi trường làm việc khuyến khích tư duy sáng tạo, cải tiến quy trình công việc và phát triển các dịch vụ ngân hàng số tiên tiến.

Giáo dục tư tưởng cách mạng đối với cán bộ ngân hàng trong bối cảnh chuyển đổi số- Ảnh 2.

Cán bộ Vietcombank hỗ trợ khách hàng cập nhật sinh trắc học

Xây dựng hình mẫu điển hình trong ngành ngân hàng: các cán bộ cần được học hỏi từ những tấm gương điển hình, những cá nhân xuất sắc trong ngành ngân hàng, để từ đó hình thành nên một đội ngũ có tinh thần trách nhiệm, năng động và sáng tạo.

Gắn bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ với các phong trào thực tiễn: các hoạt động uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội..

Giáo dục tư tưởng cách mạng đối với cán bộ ngân hàng trong bối cảnh chuyển đổi số- Ảnh 3.

Cán bộ Vietcombank tham gia giải chạy gây quỹ tình nghĩa "Vững tương lai"

Các cấp ủy đảng cần phát huy vai trò của cán bộ trong tự học tập, tự tu dưỡng đạo đức, lối sống, hình thành cho cán bộ nhu cầu, động cơ phấn đấu, rèn luyện đúng đắn, làm cho mỗi người có ý thức làm chủ, ham học hỏi, cầu tiến bộ, vươn lên tự khẳng định mình. Cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để cán bộ phấn đấu, rèn luyện; đồng thời phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả, định hướng phấn đấu cho cán bộ. Bên cạnh đó, cần quan tâm đáp ứng những nhu cầu chính đáng của cán bộ về vật chất, tinh thần; giao nhiệm vụ phù hợp với sở trường, năng khiếu đặc điểm tâm, sinh lý của họ sẽ tạo điều kiện tốt để cán bộ rèn luyện đạo đức, lối sống.

Chọn lọc những nội dung phù hợp với đặc điểm tình hình của Đảng bộ, Chi bộ và nhiệm vụ công tác chuyên môn để truyền đạt, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống cho cán bộ; nội dung truyền đạt luôn mang tính thời sự, phản ánh thực tiễn cuộc sống, gắn với các đợt sinh hoạt chính trị do Đảng ủy cấp trên phát động, như: các phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc; tích cực tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Giáo dục cho cán bộ việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, "rèn tác phong chính quy, luyện ứng xử văn hóa" với phương châm "hành động quyết liệt, siết chặt kỷ cương, thủ trưởng nêu gương, tập thể đoàn kết".

Đa dạng hóa phương thức tuyên truyền, ứng dụng công nghệ vào công tác đào tạo, học tập tư tưởng cách mạng.

Tăng cường công tác kiểm tra quá trình và kết quả rèn luyện, học tập tư tưởng cách mạng của cán bộ.

Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, giáo dục tư tưởng cách mạng cho cán bộ ngành ngân hàng là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng một đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và đạo đức nghề nghiệp, đồng thời có thể nắm bắt và khai thác hiệu quả các cơ hội do chuyển đổi số mang lại. Việc giáo dục tư tưởng cách mạng không chỉ giúp cán bộ ngân hàng giữ vững lý tưởng, niềm tin vào Đảng, mà còn giúp họ đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển ngành ngân hàng, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh trong kỷ nguyên số./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top