Aa

PGD Quang Trung Vietcombank CN Hà Nội thực hiện “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” theo Di chúc Bác Hồ

Thứ Hai, 11/11/2024 - 15:22

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài của Nhân dân Việt Nam, hội tụ tinh hoa và khí phách dân tộc, là tấm gương mẫu mực sáng ngời về đạo đức cách mạng. Người luôn đề cao và thực hiện Cần, Kiệm, Liêm, Chính, 75 năm đã trôi qua, nhưng tác phẩm “Cần Kiệm Liêm Chính” của Người vẫn giữ nguyên tính thời sự và có giá trị lý luận-thực tiễn sâu sắc, nhất là đối với thế hệ trẻ ngày nay.

Đôi nét về tác phẩm Cần, Kiệm, Liêm, Chính

Trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra quyết liệt, năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm "Cần, Kiệm, Liêm, Chính" gồm 4 bài báo với bút danh Lê Quyết Thắng đăng trên báo Cứu Quốc các số ra ngày 30/5, 31/5, 1/6 và 2/6/1949.

Mở đầu tác phẩm, Người khẳng định "Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của đời sống mới, nền tảng của Thi đua ái quốc". Người cũng làm thơ để kêu gọi:

"Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc

Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính

Thiếu một mùa thì không thành trời

Thiếu một phương thì không thành đất

Thiếu một đức thì không thành người".

Người đã chỉ rõ nghĩa của từng chữ:

- "Cần" theo Hồ Chí Minh là: "Cần tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai. Dao siêng mài thì sắc bén. Ruộng siêng làm cỏ thì lúa tốt. Điều đó rất dễ hiểu. Siêng học tập thì mau biết. Siêng nghĩ ngợi thì hay có sáng kiến. Siêng làm thì nhất định thành công. Siêng hoạt động thì sức khoẻ".

"Người siêng năng thì mau tiến bộ.

Cả nhà siêng năng thì chắc ấm no.

Cả làng siêng năng thì làng phồn thịnh.

Cả nước siêng năng thì nước mạnh giàu".

Trong bài báo Bác chỉ rõ: "Muốn cho chữ Cần có nhiều kết quả hơn, thì phải có kế hoạch cho mọi công việc. Nghĩa là phải tính toán cẩn thận, sắp đặt gọn gàng…Vì vậy, siêng năng và kế hoạch phải đi đôi với nhau. Kế hoạch lại đi đôi với phân công"; "Cần và chuyên phải đi đôi với nhau. Chuyên nghĩa là dẻo dai, bền bỉ". "Lười biếng là kẻ địch của chữ cần... Vì vậy, lười biếng cũng là kẻ địch của dân tộc. Do vậy, người lười biếng là có tội với đồng bào, với Tổ quốc".

- "Kiệm" theo Hồ Chí Minh là: Là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. CẦN với KIỆM, phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người." Trong bài báo Người đã chỉ rõ mối quan hệ giữa Cần và Kiệm. Đồng thời giải thích cách thức tiết kiệm bằng cách nào, và phân tích thêm: "Thời giờ cũng cần phải tiết kiệm như của cải. Của cải nếu hết, còn có thể làm thêm. Khi thời giờ đã qua rồi, không bao giờ kéo nó trở lại được. Có ai kéo lại ngày hôm qua được không?  Muốn tiết kiệm thời giờ, thì việc gì ta cũng phải làm cho nhanh chóng, mau lẹ. Không nên chậm rãi. Không nên "nay lần mai lữa".

Kết thúc bài báo, Người kết luận: "Kết quả CẦN cộng với kết quả KIỆM là: bộ đội sẽ đầy đủ, nhân dân sẽ ấm no, kháng chiến sẽ mau thắng lợi, kiến quốc sẽ mau thành công, nước ta sẽ mau giàu mạnh ngang hàng với các nước tiên tiến trên thế giới. Kết quả chữ CẦN chữ KIỆM to lớn như vậy đó. Cho nên người yêu nước thì phải thi đua thực hành tiết kiệm".

- "Liêm" theo Hồ Chí Minh là: "Liêm là trong sạch, không tham lam". Người chỉ rõ: "Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là BẤT LIÊM…". Người kết luận: "Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ".

- "Chính" theo Hồ Chí Minh là: "Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Ðiều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà".

CẦN, KIỆM, LIÊM, là gốc rễ của CHÍNH. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có ngành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải CHÍNH mới là người hoàn toàn.

CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH là tác phẩm rất có giá trị trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và phong trào thi đua yêu nước không chỉ lúc bấy giờ mà còn có ý nghĩa đặc biệt trong thực hiện "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" hiện nay. Chính vì ý nghĩa sâu sắc của tác phẩm nên trong Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn cách mạng mới thì "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" lại được Đảng ta xác định là 1 trong 5 chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên hiện nay.

Cán bộ nhân viên PGD Quang Trung học tập và làm theo Bác về "Cần, Kiệm, Liêm, Chính"

Trong thời gian qua, Đảng Bộ Vietcombank CN Hà Nội thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các chi bộ trong chi nhánh thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, biện pháp nhằm  thực hiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng Cần, Kiệm, Liêm, Chính và đã đạt được những kết quả tích cực. Đa số cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên trong Chi nhánh luôn thực hiện tốt các chuẩn mực đạo đức cách mạng và vận dụng vào quá trình học tập, làm việc cũng như trong cuộc sống góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ hoạt động của Chi nhánh.

A group of people sitting around a table  Description automatically generated

Một buổi họp kinh doanh của cán bộ PGD Quang Trung – VCB Hà Nội

Chuẩn mực " Cần" đã được cán bộ phòng giao dịch Quang Trung vận dụng trong việc tuân thủ giờ lao động, đi sớm, về muộn, tận tâm trong công tác phục vụ khách hàng, sắp xếp công việc một cách khoa học. Lãnh đạo phòng đều phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng cán bộ từ đầu năm hoặc khi có bất kì sự thay đổi nhân sự , có kế hoạch cho mọi công việc theo từng tuần, từng tháng, từng quý. Hàng tuần, lãnh đạo phòng đều triển khai họp với các nhóm cán bộ ,sát sao trong từng công việc, nhằm nắm thông tin cũng như hỗ trợ các công việc với đối tác, khách hàng.

Cán bộ phòng nêu gương Bác Hồ " Kiệm" trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đa số đã có ý thức tiết kiệm của cải, bảo quản công cụ lao động, tài sản của cơ quan, sử dụng đúng mục đích, bật các thiết bị điện khi sử dụng, kiểm tra và tắt các thiết bị trước khi ra về, tận dụng tối đa hiệu suất lao động trong giờ làm việc, tránh việc làm thêm ngoài giờ. Cán bộ sử dụng văn phòng phẩm, form file đúng, đủ, vận dụng các chương trình quà tặng khách để gia tăng doanh số sản phẩm.

Trong việc thực hiện chữ "Liêm, Chính" được thể hiện trong việc các cán bộ luôn học hỏi, tìm hiểu các chính sách, sản phẩm mới, cách làm mới để đạt được kết quả nhanh chóng, chính xác, tích cực tham gia các hoạt động phong trào của cơ quan, đoàn thể.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, để thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, người cách mạng phải luôn giữ vững nguyên tắc "dĩ công vi thượng", nghĩa là đặt việc công lên trên, lên trước việc tư. Người luôn giáo dục, nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải "chí công vô tư", nghĩa là phải biết hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích của cơ quan. Tại Phòng giao dịch Quang Trung, tất cả các cán bộ, đoàn viên, thanh niên đều thấm nhuần việc đặt lợi ích của Ngân hàng, của khách hàng lên hàng đầu. Việc chăm sóc, phục vụ khách hàng, đặc biệt là khách hàng VIP được lãnh đạo và toàn bộ cán bộ đều ưu tiên trước hết.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế: Còn có đoàn viên, thanh niên chưa hiểu được đầy đủ giá trị, ý nghĩa các chuẩn mực đạo đức Cần, Kiệm, Liêm, Chính và vận dụng trong cuộc sống hằng ngày, dẫn đến vẫn còn có lúc, có việc, có cá nhân chưa biết phân bổ thời gian hợp lý cho công việc, còn cán bộ chưa cần cù trong việc tự đọc, tự học quy trình, nghiệp vụ, công văn mới để nâng cao trình độ, phát triển bản thân.

Cán bộ nhân viên PGD Quang Trung quyết tâm ưu điểm, khắc phục hạn chế

Cán bộ nhân viên PGD Quang Trung quyết tâm phát huy những ưu điểm đạt được, khắc phục những hạn chế trong thời gian tới, để tiếp tục vận dụng những ý nghĩa, giá trị trong tác phẩm "Cần, Kiệm, Liêm, Chính" của Chủ tịch Hồ Chí Minh cần thực hiện tốt một số yêu cầu sau:

Một là, tiếp tục học tập và làm theo Bác về các chuẩn mực đạo đức cách mạng "Cần, Kiệm, Liêm, Chính" trong đó:

Học tập và làm theo chữ "Cần" của Bác, ngày nay cần: Cần cù, siêng năng, chăm chỉ, chịu khó, tự lực, tự cường, nâng cao trình độ tư duy, sự chủ động, nhạy bén nắm bắt thông tin, đánh giá tình hình, đề xuất phương hướng, giải pháp, tổ chức thực hiện; sự năng động, sáng tạo trong xử lý các tình huống thực tiễn.

Học tập và làm theo chữ "Kiệm" của Bác, ngày nay cần: Tiết kiệm lời nói, với các tập thể và cá nhân, phải "nói ít, làm nhiều, chủ yếu là hành động", "nói thì phải làm", "nói ít, bắt đầu bằng hành động"… cán bộ, đoàn viên, thanh niên nên thực hành tiết kiệm trong sinh hoạt, chi tiêu hàng ngày, ưu tiên sử dụng các phương tiện công cộng nhằm góp phần giảm thiểu chi phí; có ý thức tái sử dụng các nguyên vật liệu, hạn chế chất thải ra làm ô nhiễm môi trường. Tích cực xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, có hành động tích cực nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay. Cần tránh lãng phí thời gian vào những việc không cần thiết như nói chuyện phiếm trên zalo, facebook, mà tập trung thời gian cho công việc học tập, nghiên cứu, chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện sức khỏe, kỹ năng sống…". Tránh quán xá, thức thâu đêm cho những việc không cần thiết, lười thể dục thể thao.

Học tập và làm theo chữ "Liêm" của Bác, áp dụng vào thời điểm hiện nay cần: lối sống trong sạch, không tham tiền của và không để cho lợi ích cá nhân chi phối các hành động và quyết định. Hồ Chí Minh coi liêm khiết là một yếu tố thiết yếu để duy trì sự trong sạch và uy tín của cán bộ, đảng viên.

Học tập và làm theo chữ "Chính" của Bác, ngày nay cần: Vừa phải thẳng thắn, chính trực, làm điều thiện, tránh điều ác; hơn nữa, còn phải công tâm, khách quan, dân chủ, gần gũi đồng nghiệp, tự phê bình và phê bình chân thực, thẳng thắn. Chính trực yêu cầu sự trung thực trong giao tiếp, quyết định và hành động. Nó đảm bảo rằng mọi hành động đều dựa trên các nguyên tắc và giá trị đúng đắn.

Hai là, từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải có ý thức tự tu dưỡng đạo đức cách mạng suốt đời. Hồ Chí Minh dạy: "Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong". Hồ Chí Minh đòi hỏi người thanh niên cách mạng, dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải giữ vững phẩm chất, đạo đức cách mạng. Mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên cần thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy tắc ứng xử, các chuẩn mực đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ gắn với triển khai thi đua hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Từ bỏ thói xấu của bản thân, chống chủ nghĩa cá nhân, rèn luyện "cần, kiệm, liêm, chính" sẽ gặp không ít khó khăn, nhưng thay vì vội vã bỏ cuộc, cán bộ, đoàn viên,thanh niên hãy ôn lại, nhớ lại những câu chuyện về Bác, về cách ứng xử, cách sống của Bác, để ta có thêm động lực tinh thần rèn luyện đức và tài, phấn đấu vì một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" như những gì mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong đợi./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top