Aa

Giao thông nông thôn: Chìa khóa cho sự phát triển

Chủ Nhật, 10/03/2019 - 21:00

Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nông thôn là một chủ trương rất đúng đắn. Câu hỏi hiện nay là: Trong quá trình triển khai chúng ta có còn thiếu sót nào không?

Thật khó để các địa phương xây dựng nông thôn mới với những con đường đã xuống cấp như trên. (nguồn: Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Quảng Bình)

Thật khó để các địa phương xây dựng nông thôn mới với những con đường đã xuống cấp như trên. (nguồn: Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Quảng Bình)

Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của hệ thống giao thông trong mọi mặt của đời sống xã hội. Với các địa phương nông thôn, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, việc có được một hệ thống giao thông đảm bảo được sự lưu chuyển của con người và hàng hóa lại càng thêm quan trọng. Đây là một trong những điều kiện cơ bản để những khu vực này phát triển kinh tế - xã hội, qua đó góp phần xóa bỏ đói nghèo, và cải thiện tiếp cận đến các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân khu vực nông thôn, đặc biệt là những hộ gia đình còn khó khăn, và hộ nghèo.

Mặc dù chủ trương là như vậy, nhưng vấn đề hiện nay đang làm đau đầu chính quyền nhiều địa phương là làm thế nào để thiết kế được một hệ thống giao thông thỏa mãn nhu cầu của người dân trong bối cảnh ngân sách đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn còn hạn hẹp?

Theo Đề án Phát triển Giao thông bền vững của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) thì các khía cạnh chung mà các nhà quy hoạch phải hướng tới là an toàn, tiện lợi, năng suất cao, và phát thải thấp. Trên cở sở này, chúng ta có thể tự xây dựng ý tưởng phát triển hệ thống giao thông hợp lý cho các khu vực nông thôn.

Mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,18 tỷ người chết và bị thương do tai nạn giao thông, trong đó có đến 60% là ở Châu Á. Ngoài việc thắt chặt các quy định hay tăng cường truyền thông phổ biến pháp luật cho người dân, cả chính quyền lẫn các nhà thầu cũng nên tìm cách nâng cao quy mô, chất lượng của hệ thống đường xá trong khi xây dựng và đưa vào sử dụng.

Đưa công nghệ vào việc vận hành giao thông chắc chắn sẽ tăng độ an toàn cho hệ thống. Các giải pháp phần mềm được các trung tâm điều hành giao thông sử dụng ở thành phố hoàn toàn có thể được đưa về vùng nông thôn. Đơn cử như việc cứ đến mỗi mùa thu hoạch, các vùng sản xuất đặc sản như Thanh Hà (Hải Dương), Đoan Hùng (Phú Thọ)… thường xuyên xảy ra hiện tượng tắc đường và tai nạn. Chúng ta có thể sử dụng hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ để điều tiết và phân luồng giao thông một cách hợp lý hơn.

Châu Á chiếm đến 19% lượng phát thải khi CO2 trên toàn cầu, và đến năm 2031 con số này được dự đoán sẽ tăng lên đến 31%. Nguồn phát thải khí CO2 lớn nhất lại chính là từ các phương tiện giao thông. Vì vậy, nếu muốn hạn chế và thích ứng biến đổi khí hậu, việc cấp bách phải làm là thay đổi nền tảng của hệ thống giao thông.

Với nông thôn, cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là tiếp cận theo hướng “càng ít càng tốt” - thiết kế một hệ thống giao thông sao cho người dân di chuyển càng ít càng tốt, ví dụ như xây dựng một cây cầu để không phải đi vòng nữa, hay phát triển hệ thống kết nối đường liên thôn thẳng với trường học, bệnh viện... Mấu chốt ở đây là đưa tất cả vào một hệ quy hoạch thống nhất và liên kết với không chỉ vùng, miền trong một quốc gia mà còn cả các nước trong khu vực nhằm đem lại những hiệu quả thiết thực - trong vòng 10 năm nữa, các nỗ lực khuyến khích giao lưu thương mại sẽ đem lại hơn 13 nghìn tỷ cho Châu Á theo ước tính của ADB.

Một bước quan trọng trong quá trình đưa nông sản vào chuỗi giá trị gia tăng là giúp bà con có thể dễ dàng chuyên chở nông sản. (Nguồn: tainangviet.vn)

Một bước quan trọng trong quá trình đưa nông sản vào chuỗi giá trị gia tăng là giúp bà con có thể dễ dàng chuyên chở nông sản. (Nguồn: tainangviet.vn)

Trên phương diện này, một vấn đề có thể tính đến là xây dựng các trung tâm trung chuyển nông sản tại địa phương. Mô hình nông nghiệp ở Việt Nam vẫn còn gắn liền với các hộ nông dân nhỏ lẻ. Những khó khăn trong việc tập trung sản phẩm của những hộ gia đình này đã và đang khiến nông sản Việt Nam “thua thiệt” trước những đối thủ cạnh tranh ngay trên sân nhà. Nhiều địa phương thậm chí còn thiếu một khu đất dành riêng cho xe tải để bốc dỡ nông sản, từ đó gây kéo dài khâu vận chuyển, làm giảm chất lượng và giá thành sản phẩm. Các hợp tác xã và tổ nhóm khác tại địa phương phải đứng ra đảm nhận vai trò xây dựng cơ sở hạ tầng theo cơ chế tập trung, đi đôi với kiểm tra chất lượng, và trung chuyển nông sản.

Mặt khác, cũng phải loại bỏ dần những phương tiện đã cũ, không thân thiện với môi trường ra khỏi lưu thông. Ở vùng nông thôn Việt Nam vẫn còn rất nhiều phương tiện rơi vào nhóm này. Tuy nhiên, đây là một vấn đề và có liên quan trực tiếp đến sinh kế của người dân, do vậy chính quyền phải có biện pháp hỗ trợ tài chính giúp họ chuyển đổi dần sang những loại phương tiện mới. Ở một mức cao tập trung cao hơn, đó là đưa được hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là xe buýt, về nông thôn.

Theo số liệu ước tính thì khu vực Châu Á Thái Bình Dương nói riêng phải đầu tư ít nhất 2,5 nghìn tỷ USD cho việc cải tiến hệ thống giao thông. Với số tiền lớn như vậy, cộng với nguồn nhân lực và máy móc cần thiết, chúng ta phải huy động được các nguồn lực khác nhau trong nền kinh tế, đặc biệt là khu vực tư nhân, để cùng giải quyết vấn đề.

Nhân dân đóng vai trò tối quan trọng trong giám sát quá trình xây dựng hệ thống giao thông nông thôn. (Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam)

Nhân dân đóng vai trò tối quan trọng trong giám sát quá trình xây dựng hệ thống giao thông nông thôn. (Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam)

Trên thực tế, mô hình công - tư kết hợp và BOT gần đây đã bộc lộ một số vấn đề, trong đó nghiêm trọng nhất là việc chưa huy động được nguồn lực của người dân địa phương - nguyện vọng, sáng kiến, tài sản, quỹ đất... vào trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng. Vượt qua trở ngại này không phải là chuyện dễ dàng, và trong một số dự án sẽ xảy ra tranh chấp giữa các bên. Nhưng cần xác định đây là điều phải làm nếu chúng ta muốn tạo được sự thay đổi thật sự trong nâng cấp và phát triển hệ thống giao thông nông thôn.

Ở một phương diện khác, dường như còn thiếu sự điều phối chặt chẽ giữa các cấp bộ ngành, bởi không chỉ cần Bộ Giao thông Vận tải mà còn là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y Tế, Bộ Công Thương, làm giảm hiệu quả chức năng tư vấn và cung cấp kỹ năng cần thiết cho địa phương. Trong khi đó, người dân là người hiểu rõ hơn ai hết tình hình địa phương và nhu cầu của mình, nhưng cái mà họ thiếu là kiến thức, kinh nghiệm để đóng góp thiết thực cho việc tìm ra giải pháp. Để tránh những trường hợp phát triển không đồng bộ, lãng phí, thất thu… chúng ta phải phổ biến thông tin rộng rãi với người dân để họ thực hiện tốt chức năng giám sát của mình.

Kết quả của việc nâng cao chất lượng giao thông nông thôn có thể thấy ngay trong những thay đổi trong cuộc sống của nhân dân địa phương. Những người nông dân sẽ đưa được nông sản của họ đến những thị trường trong nước và quốc tế, con cháu họ được tiếp cận với dịch vụ giáo dục tốt hơn, các công trình phúc lợi xã hội dễ dàng tiếp cận hơn. Ngoài việc cải thiện điều kiện sống và làm việc, những thay đổi này sẽ góp phần thay đổi nhận thức của người nông dân, hướng tới những mục tiêu phát triển nông thôn mới.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top