Tôi có thói quen cứ hay nghĩ lan man về một vấn đề gì đó mà mình không dứt ra được khỏi sự lo lắng. Một trong những vấn đề cứ hay trở đi trở lại, là làng quê trong thời đại công nghiệp rồi đây sẽ thế nào? Điều tưởng như trái ngược, vô lý nhưng lại đang là hiện thực: Bức bối nhất với nông thôn hiện nay chính là không gian sinh tồn. Rõ ràng nó đang bị thu hẹp hàng ngày, bị nhiễm bẩn và nhiễm độc trầm trọng hàng ngày.
Lý do của nó rất dễ thấy. Đó là do đô thị phát triển thiếu quy hoạch, thiếu tầm nhìn, đang góp phần tàn phá sự cân bằng sinh thái. Đó là lòng tham, lợi ích nhóm đang gặm dần nông thôn, lấy đi những gì phải mất hàng triệu năm mới có được và đẩy người nông dân ra vỉa hè, khiến họ đánh mất căn cước, căn tính của họ. Đó là tầm nhìn ngắn hạn, ăn xổi ở thì về mặt phát triển. Đó còn là do nông thôn bị bỏ rơi về mặt quy hoạch…
Chúng ta chắc chắn phải công nghiệp hóa thì mới mong giầu có. Đó là thực tế phát triển. Nhưng thực tế này còn quan trọng hơn: Hàng triệu héc ta đất trồng, hàng triệu héc ta mặt nước không chỉ để trồng trọt, chăn thả, nuôi thủy sản, mà còn là môi sinh cho sự sống. Vì thế không thể chuyển đổi mục đích sử dụng bằng mọi giá và không chỉ cứ chuyển đổi là xong. Khi hàng triệu héc ta ấy bị nhiễm độc, mất khả năng canh tác, nuôi trồng, cũng có nghĩa là nó tạo ra sự chết của một phần thiên nhiên. Bạn đã nghe lời cảnh báo kinh hoàng này bao giờ chưa?
Khi thiên nhiên, vì nhiều lý do gắn với sinh nhai, gắn với tầm nhìn, gắn với lòng tham… mà bị bức tử, nó sẽ kéo theo vô vàn điều rùng rợn. Một trong số đó chính là sự nổi giận của trời đất, với tư cách người Mẹ nguyên thủy, người khởi tạo và che chở cho sự sống của muôn loài. Nếu không cẩn trọng, không tính toán hết nhẽ, có thể chúng ta đang đem vàng đổi lấy ngói vỡ. Tôi thì lo sợ rằng, đồ phế thải sẽ nuốt sống nông thôn, biến hàng triệu nông dân thành con tin của công nghiệp tiêu dùng quá đà.
Vậy thì chúng ta sẽ phải làm gì? Giữa phát triển và nhất định sẽ gây ô nhiễm với việc giữ môi sinh trong lành, chúng ta không thể chỉ lựa chọn một. Cái hóc búa của lời giải bài toán tăng trưởng kinh tế nằm ở nút thắt này. Đó là sự nghiệt ngã mang tính số phận. Vẫn phải phát triển và vẫn phải bảo vệ môi trường. Nói cho cùng, với một đất nước mà đến giờ vẫn còn hơn 70% là nông dân (tôi thì nghĩ con số này cao hơn, kể cả chỉ là thuần túy mang tính thống kê qua quan sát bên ngoài), thì diện mạo đất nước thay đổi, chính là thay đổi của nông thôn.
Trước mắt mỗi người là một bài toán vô cùng khó. Tìm ra lời giải của nó, trách nhiệm trước hết thuộc về những bộ óc ưu tú. Là một người cầm bút nương theo cảm xúc và tin vào trực giác, tôi chỉ có thể nói thế này: Làm gì thì làm, nhất định không thể chấp nhận một nông thôn đang ngày ngày đầy ngập các loại rác thải. Rõ ràng là chưa khi nào rác công nghiệp nguy hiểm với nông thôn như hiện nay. Nơi nơi tràn ngập túi nilon, đồ nhựa, dầu máy thải, các loại hóa chất…
Chúng đang đầu độc đất đai của chúng ta. Chúng biến quá trình canh tác, nuôi trồng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Nó chính là nguyên nhân khiến cho các loại bệnh nan y ngày càng nhiều khiến chất lượng sống bị kéo thấp và có nguy cơ biến quá trình tăng trưởng thành một thứ “gánh nặng”! Cuộc sống của mỗi người, của cộng đồng là vô cùng quan trọng, nhưng sự sống luôn là thứ quan trọng hơn, vì nó còn của cả các thế hệ tương lai. Xin đừng tham bát mà bỏ mâm.