Aa

Gió miền Tây

Thứ Năm, 19/07/2018 - 06:00

Chúng ta thường nói nhiều về chất lượng cuộc sống. Chúng ta cả đời cứ hùng hục kiếm cách làm cho cái nhà ta ở to đẹp thêm, đồ vật nhiều thêm. Chúng ta mua sắm và mời bạn đến nhà, đến chơi nhà bạn. Rồi chúng ta cứ thấy nhà chật và bạn ít. Chúng ta cứ thấy thiếu. Chúng ta lại hùng hục kiếm tiền và mua sắm để nó đầy đủ. Đầy đủ cái gì chúng ta cũng không biết thật rõ.

Những con đường miền Tây Nam Bộ. Những căn nhà bên kênh rạch. Có khi muốn đi miền Tây chỉ để có một lúc ghé vào quán bất kỳ ven quốc lộ. Canh cá nấu chua, cá kho tộ. Bao giờ cũng thế. Bao giờ cũng cô gái con chủ quán ngoan đến lạ lùng. Bạn mình thường trêu "Út, Út....Zề Sài gòn (hay Cần Thơ) zới anh hông?". Bao giờ cũng có câu trả lời "Hổng dám đâu" (cười khanh khách) hoặc " Sợ má la..." (đỏ mặt). Ấy là bạn mình thôi, nó trẻ. Mình mà nói vậy, e bị cô bé gọi "má" ra xử thật.

Những con đường miền Tây trưa nắng gắt. Xe đò chạy ào ào, hớt hải, chộn rộn, tạt dừng đột ngột. Cái kiểu chạy cũng toát lên tính cách của trai miền Tây. Những quán võng dưới tán lá. Chủ quán nằm trong nhà mơ màng ngái ngủ, khách đến ra lấy cho ly nước đặt lên bàn rồi lại lẩn vào nhà. Để khách thành chủ lục lọi đồ uống thêm. Nằm lên võng là gió ru ngủ luôn, khi dậy thì đá trong cốc đã tan tràn ướt cả bàn.

Mỗi khi chiều xuống, nắng rơi rụng dần, gió nhiều thêm, đường miền Tây quang quẻ thêm, màu lá đậm thêm. Rồi tối hẳn, cả miền Tây mênh mang gió. Nhớ lần đầu đi Cà Mau, đến nơi thì đã khuya, bước xuống xe khách rùng mình thấy lạnh. Không gian đêm miền Tây như để người ta uống rượu dễ vào.

Đã mấy lần mình đến Đất Mũi? Từ cái thuở chưa có đường. Đất Mũi như bị cách ly khỏi nhịp sống đất liền. Thuyền cập vào cọc chống của ngôi nhà lá. Thường là vựa tôm vựa cá. Trèo lên là vào ngay giữa phòng ở của gia đình. Phòng ở người miền Tây chỉ khác gian tiếp khách là góc phòng có cái mùng và cái mền xếp gọn. Bạn có thể chào hỏi nói chuyện với chủ. Nhưng nếu thế, bạn hãy chấp nhận một tiếng sau phải say ngất cần câu với ông chủ nhà mà bạn chưa kịp hỏi tên. Hoặc bạn cứ chọn một cái võng, một cái góc nào đó nằm lăn ra ngủ. Dậy đi đâu thì đi. Khi đó tôi đã ngủ một giấc trên cái bàn bi da.

Nguồn ảnh: Trí thức trẻ

Nguồn ảnh: Trí thức trẻ

Đất Mũi thuở đó (và cả bây giờ phần nhiều vẫn vậy) ban đêm nhà không đóng cửa. Người từ xa đến thấy tiện thì ghé vào. Chui vào mùng ngủ chung, có thể với ông chủ, cũng có thể với một ông khách lỡ đường khác. Rồi một lúc lại có người ghé vào, ngồi lôi rượu ra uống. Uống một mình buồn thì lôi người trong mùng dậy rủ ngồi uống và nói chuyện. Tôi đã nghe một người từ sâu trong rừng đước ra làm giấy tờ gì đó ở xã kể suốt đêm chuyện đời mình. Rồi sáng ai đi việc đó, chẳng hỏi tên nhau, mà tường tận về đời người mới gặp đến từng chi tiết.

Rồi lúc nào đó chúng ta thấy cái thiếu là gió. Cái thiếu là nhà không đóng cửa để gió vào và người ghé vào. Chúng ta lại thèm đi miền Tây…

Ừ xa nữa đi thì lần nhậu đầu tiên của mình ở miền Tây là khi nào nhỉ? Ở nhà một Phó Giám đốc đài truyền hình. Ráp ngay cái Đài ấy. Bốn phía vách lá. Nền đất. Chủ khách ngồi trên chiếu giữa nền. Bếp cũng là ở đó, như là ở Tây Bắc vậy. Giữa nhà có chỗ đào xuống đổ ít nước. Đó là một thứ “tủ đựng cá”. Vài con cá lục cục dưới cái “tủ” nhỏ ấy. Quờ tay bắt mà chiên, nướng. Hết mồi lại quờ tay bắt tiếp. Say thì nằm ngủ. Trong lơ mơ nghe tiếng cá thỉnh thoảng quẫy ù ập bên tai.

Miền Tây luôn quen, luôn lạ, nhưng không làm lữ khách thấy mình là kẻ xa xôi.

Chúng ta thường nói nhiều về chất lượng cuộc sống. Chúng ta cả đời cứ hùng hục kiếm cách làm cho cái nhà ta ở to đẹp thêm, đồ vật nhiều thêm. Chúng ta mua sắm và mời bạn đến nhà, đến chơi nhà bạn. Rồi chúng ta cứ thấy nhà chật và bạn ít. Chúng ta cứ thấy thiếu. Chúng ta lại hùng hục kiếm tiền và mua sắm để nó đầy đủ. Đầy đủ cái gì chúng ta cũng không biết thật rõ.

Rồi lúc nào đó chúng ta thấy cái thiếu là gió. Cái thiếu là nhà không đóng cửa để gió vào và người ghé vào. Chúng ta lại thèm đi miền Tây…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top