Aa

Tiếng gà gáy

Thứ Năm, 12/07/2018 - 06:00

Đêm hôm ấy, bà Châu nằm trên giường chái nhà nông thôn. Bà nói cả đêm chẳng nghe thấy tiếng gà gáy. Biết là nhà này và vùng này nghèo lắm. Bà nghĩ ở lại, thì nhà "nó" lại phải nuôi khách một hai hôm. Bà lén cùng cô con gái ra khỏi nhà khi trời còn đêm, đi bộ hàng chục cây số ra Thị xã thì trời sáng, đón xe khách về Hà Nội.

Tiếng gà gáy khi trời chưa sáng giữa khu cao ốc làm tôi nhớ lại lời bà Châu hàng chục năm trước. Câu chuyện này khó kể ngắn, vì tình nghĩa rất dài.

Mé công viên Thủ Lệ trước kia có khu tập thể mái gianh, ông bà Châu và các cô con gái sống ở đó. Bà Châu bán hàng khô ở chợ Ngã Tư Sở, thường nhìn thấy một người con trai có nụ cười ngớ ngẩn hiền lành, lang thang trong bộ quần áo lính. Lúc đầu bị xua đuổi vì họ lo mất cắp, nhưng sau thấy anh hiền lành, người ta thôi. Anh sống được vì trở thành người sai vặt của cả chợ. Đêm thì ngủ ở chợ.

Thuở ấy, sau chiến tranh được ít năm, đói kém lắm. Bà Châu thế nào lại thương cậu mất trí, hỏi tên gì cũng cười, hỏi quê đâu cũng chỉ cười, không nhớ bất cứ cái gì. Bàn với ông Châu hay đem về nuôi ở nhà, chứ ở chợ thế này thế nào nó cũng ốm chết mất. Ngặt vì thuở bao cấp gạo theo sổ, cơm đâu để nuôi thêm một miệng ăn? Mà người mất trí thường ăn rất khoẻ. Ông Châu họp cả gia đình, nói: "Mỗi bữa ba ăn ít đi một bát, các con mỗi đứa nửa bát, để nuôi người làm phúc". Các cô con gái tán thành.

Đưa người mất trí về nuôi trong xóm nhà gianh không dễ. Hàng xóm phản đối, sợ "thằng ngớ ngẩn" nó làm cháy cả khu tập thể. Ông bà Châu phải "nhốt" anh ta trong nhà, nuôi bí mật một thời gian, để dần thuyết phục.

Sau bảy năm, cô con gái cả cứ dần dà qua những câu nói bất chợt của "anh ngố", những cái gật và lắc, xác định rằng anh chắc là thương binh bị mất trí nhớ, đã vô tình đi khỏi trại. Cô đi hỏi khắp các khu trại thương binh như thế, và rồi tìm ra có người theo hồ sơ tên Thúc, quê Thái Bình, thương binh tại trại ở Hà Nam, đã bỏ trại đi mất.

Từ đó tìm ra quê, ra gia đình người thương binh mất tích.

 

Một ngày vui, bà Châu và con gái đưa anh Thúc về quê trao lại cho gia đình. Anh thương binh không nhận ra cả bố mẹ, anh chị em. Mọi người xót xa bất lực. Nhưng rồi có người đi gọi cô người yêu chạy về. Trông thấy người yêu thời chưa đi lính, Thúc lần đầu tiên kêu lên rành rọt đúng tên người con gái! Cả nhà, cả xóm mừng mà ôm mặt khóc.

Đêm hôm ấy, bà Châu nằm trên giường chái nhà nông thôn. Bà nói cả đêm chẳng nghe thấy tiếng gà gáy. Biết là nhà này và vùng này nghèo lắm. Bà nghĩ ở lại, thì nhà "nó" lại phải nuôi khách một hai hôm. Bà lén cùng cô con gái ra khỏi nhà khi trời còn đêm, đi bộ hàng chục cây số ra Thị xã thì trời sáng, đón xe khách về Hà Nội.

Nuôi anh bảy năm, bà thương nhà bố mẹ anh nghèo, không nỡ để họ phải nuôi lại bà giả nghĩa lấy một ngày.

Cô người yêu đợi anh về ròng rã bằng ấy năm, cả chiến tranh và sau chiến tranh, trong một lần khám y tế biết mình không có khả năng sinh con. Cô cắn răng đi tìm cô bạn thân cùng chi đoàn, se duyên bạn với người yêu. Anh Thúc có vợ và có những đứa con. Người yêu cũ ở vậy, thường đến bế con cho họ. Nhà người thương binh nặng có tiếng trẻ con cũng nhờ có người con gái nuốt được nước mắt vào trong.

Nhà văn, đạo diễn Minh Chuyên (bên phải).

Nhà văn, đạo diễn Minh Chuyên (bên phải).

Nhà văn Minh Chuyên đã viết về chuyện này, nhưng không tìm ra được ông bà Châu. Tôi, đạo diễn Trịnh Lê Văn và các đồng nghiệp VTV đã lùng sục khắp Hà Nội và tìm ra họ ở cách nhà tôi và nhà Văn chỉ vài quãng đi trong ngõ lắt léo như ma quái trận đồ. Và chúng tôi đã làm chương trình truyền hình về họ. Ba lần phát lại chương trình, người xem vẫn yêu cầu phát nữa. Tôi nghĩ, có nhiều giọt nước mắt đã rơi khi xem chương trình.

Tiếng gà gáy canh năm giữa rừng bê tông khiến nhớ lại lời bà Châu. Thêm một lần thấm thía cách cảm nhận của người phụ nữ cả đời lăn lộn làm ăn nơi kẻ chợ. Đúng là thôn quê mà vắng tiếng gà thì lúc đó phải đói kém lắm.
Giờ đây, người ta có thể nuôi gà chỉ để có tiếng gà gáy cho vui nơi thành thị hiện đại.

Cuộc sống khác rồi. Duy tình nghĩa có mong được là vẫn đầy như thời đói kém?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top