Giới đầu tư bất động sản đang đổ về đâu?
Khoảng cách đầu tư không còn là vấn đề quá bận tâm của các nhà đầu tư (NĐT) Tp.HCM hiện nay khi cho rằng, giá mềm, cơ hội tăng giá và nhu cầu thị trường mới là vấn đề trọng tâm khi quyết định “xuống tiền”.
Thực tế thị trường thời gian gần đây cho thấy, xu hướng dịch chuyển đầu tư về các tỉnh lân cận Tp.HCM là rõ nét trong giới đầu tư. Thay vì tìm kiếm cơ hội đầu tư nhà đất ở các quận, huyện ven trung tâm TP thì NĐT đã tìm kiếm các dự án xa ở tỉnh lẻ, với khoảng cách di chuyển mất 2-3 tiếng đồng hồ (tính từ trung tâm Tp.HCM).
Theo ghi nhận, không chỉ các dự án đã chính thức giới thiệu ra thị trường hút NĐT mà ngay cả các dự án chỉ mới “manh nha” thông tin, chưa cho đặt giữ chỗ cũng được NĐT săn đón, chờ đợi để giữ chỗ.
Vì sao BĐS tỉnh lẻ lại hút giới đầu tư, trong đó đa số là NĐT đến từ Tp.HCM, các chuyên gia trong ngành lý giải ngoài các nguyên nhân về sơ sở hạ tầng, giá trị gia tăng thì có 2 nguyên nhân cốt lõi khiến dòng tiền của NĐT “dạt” về tỉnh lẻ: Một là do không còn nhiều sự lựa chọn ở khu ven Sài Gòn và Hai là giá khởi điểm phù hợp với số đông.
Giải pháp thông minh cho thành phố thông minh
Theo chuyên gia thiết kế đô thị, TS.KTS Trần Minh Tùng, việc xây dựng đô thị thông minh là một hướng đi đúng đắn và tất yếu nhằm hướng đến sự phát triển bền vững của đô thị. Tuy nhiên, khái niệm đô thị thông minh nếu không được hiểu một cách đúng đắn và cặn kẽ để đưa ra những thiết chế phù hợp thì sẽ chỉ mang tính phong trào và gây lãng phí.
“Thế giới đang hướng đến phát triển đô thị thông minh và để giải quyết những vấn đề đô thị đang đặt ra thì Việt Nam cũng không thể không bắt nhịp cùng xu hướng đó. Tuy nhiên, dường như chúng ta đang biến nó thành một “trào lưu” xây dựng đô thị thay vì nhìn nhận và áp dụng một cách cặn kẽ. Tức là thấy bên kia họ “thông minh” thì mình cũng “thông minh” theo. Các tỉnh, thành phố đang bước vào một “cuộc đua” thông minh hóa và đôi khi bị loạn trong những cái gọi là thông minh. Khi chưa hiểu rõ bản chất của cụm từ đô thị thông minh và chưa có được những giải pháp phù hợp để áp dụng cho từng thành phố thì sẽ dẫn đến sự lãng phí rất lớn về nguồn lực và khó để có thể hình thành được đô thị thông minh thật sự”, KTS Trần Minh Tùng phân tích.
Theo vị chuyên gia này, thành phố thông minh phải được cấu thành từ 6 yếu tố. Trong đó con người là yếu tố trung tâm và chi phối các yếu tố khác, bao gồm kinh tế thông minh, quản trị thông minh, dịch chuyển thông minh, môi trường thông minh và cư trú thông minh.
Thanh Hóa đổi gần 20ha đất lấy 455m đường
Tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có tờ trình số 153/Tr-UBND ngày 03/12/2018 để thông qua Nghị quyết chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường Đại lộ Đông Tây đoạn từ sông Nhà Lê đến QL.47 TP. Thanh Hóa thực hiện theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BT. Chiều dài đoạn đường 455m với tổng vốn dự kiến khoảng trên 128.187 triệu đồng.
Dự án do Công ty Cổ phần Sông Mã đề xuất và được Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, phê duyệt.
Theo đề nghị của UBND tỉnh Thanh Hóa phương án tài chính đối với nhà đầu tư dự án BT này được thanh toán bằng quỹ đất theo quy định để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các khu dân cư, tại 3 khu đất trên địa bàn TP Thanh Hóa với tổng diện tích 19,36ha.
Khu đất mà tỉnh Thanh Hóa đối ứng cho Công ty Cổ phần Sông Mã xây dựng đoạn đường Đại lộ Đông Tây đề là những khu đất có vị trí đắc địa, được coi là "đất vàng" ở thời điểm hiện tại của địa phương.
Dự án được đầu tư với tổng vốn 128 tỷ đồng, đổi lại được 19,36ha đất. Tính trên lý thuyết thì mỗi m2 đất tại các khu vực đất vàng trên chỉ được cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa xác định với giá 660.000 đồng/m2.
Năm của các thương vụ M&A bất động sản
Hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản đang tăng trưởng mạnh mẽ tại Châu Á Thái Bình Dương, là minh chứng cho thấy các nhà đầu tư không ngần ngại rót vốn vào lĩnh vực này.
Thị trường bất động sản Việt Nam năm 2018 mở đầu với việc ông lớn Nomura Real Development mua lại 24% cổ phần của Sun Wah - tòa nhà văn phòng hạng A thuộc khu vực trung tâm TP.HCM. Riêng về phân khúc nhà ở, vào tháng 3/2018, CapitaLand cũng đã công bố mua lại khu đất 0,9 ha tại quận Tây Hồ, Hà Nội có giá trị khoảng 685 tỷ VNĐ (tương đương 29,78 triệu USD).
Không lâu sau đó, trong Q3/2018, CapitaLand tiếp tục thâu tóm khu đất rộng 6 ha tại phường Bình Trưng Đông, quận 2, TP.HCM có giá trị 1,38 nghìn tỷ VNĐ (tương đương 60 triệu USD). Dự án này sẽ cung cấp cho thị trường hơn 100 đơn vị nhà ở, dự kiến hoàn thành vào năm 2021.
Năm 2019, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục thể hiện sự quan tâm và cam kết mạnh mẽ cho thị trường bất động sản Việt Nam. Quá trình phê duyệt kéo dài có thể ảnh hưởng đến những dự án phát triển mới do đó việc tìm nguồn cung ‘sạch’ và minh bạch sẵn sàng để đầu tư sẽ là một thách thức cho các nhà phát triển và đầu tư trong năm tới.
Bất động sản Hà Nội: Cuộc chuyển dịch ra ven đô
Dự báo về thị trường bất động sản Hà Nội 2019, ông Nguyễn Văn Hai (Tổng giám đốc P.Land) cho rằng: “Thị trường bất động sản cao cấp sẽ tiếp tục đi xuống do cầu giảm. Bất động sản hạng trung có tầm tiền dưới 2 tỷ đồng sẽ tiếp tục giao dịch tốt do đáp ứng nhu cầu thực. Đặc biệt, 2019 sẽ là năm lên ngôi của bất động sản gần khu công nghiệp”.
Theo ông Hai, thị trường bất động sản Hà Nội đã chứng kiến sự chuyển dịch tích cực theo định hướng của Chính phủ và thành phố, đó là phát triển các khu đô thị vệ tinh tạo ra làn sóng bất động sản chuyển dịch từ nội đô ra vùng ven đô. Hàng loạt các dự án, hoạt động giao dịch lớn bắt đầu bùng nổ tại các khu vực ngoại thành, xa trung tâm theo hướng những trục chính.
Đất nền ven đô với tính pháp lý đảm bảo, tiến độ thi công tốt cùng mức giá khởi điểm hợp lý sẽ là dòng sản phẩm mang lại tỷ suất sinh lời cao. Tuy nhiên, như tôi đã phân tích ở trên, do quỹ đất hạn chế nên chủ yếu sẽ chỉ diễn ra việc mua đi bán lại trong phân khúc này.