Vì đâu nên nỗi?
Dư âm cơn mưa lịch sử ở Sài Gòn ngày 26/9 vừa qua đến thời điểm hiện tại vẫn còn khiến nhiều người rùng mình mỗi khi nghĩ lại. Chỉ trong 1h30', trận mưa đã khiến hầu hết các tuyến đường thuộc Q.1, 3, 5, Tân Bình, Bình Thạnh và Phú Nhuận chìm trong biển nước, nước như thác đổ về, mạnh đến mức cuốn trôi cả xe máy của người dân đang đi đường. Ngay cả một số công trình giao thông được xem là hiện đại nhất Đông Nam Á như hầm Thủ Thiêm (rộng 33m, cao 9m, dài 1,4km - trong đó phần hầm dìm dài 390m được lắp đặt sâu dưới lòng sông -25m so mặt nước bên trên) vượt sông Sài Gòn cũng bị “thất thủ”. Hay như Phú Mỹ Hưng, một thời từng được ca tụng là đô thị kiểu mẫu cũng chung số phận.
Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM (viết tắt trung tâm chống ngập) cho rằng, trận mưa chiều 26/9 chỉ trong 1h30’ đã đạt vũ lượng mưa lên đến 204,3mm, vượt xa tần suất thiết kế hệ thống thoát nước hiện nay khiến hệ thống thoát nước của TP.HCM sau cơn mưa bị tê liệt hoàn toàn vì quá tải.
KTS Lê Đình Quang cho rằng, thực tế lâu nay, TP.HCM quá chú trọng vào giải pháp chống ngập tạo độ chênh cốt nền để thoát nước từ nơi cao xuống nơi thấp. Cách thức phổ biến hiện nay là “ngập đâu, nâng đó” - đường ngập thì nâng đường, hẻm ngập thì nâng hẻm, nhà ngập thì nâng nhà… cho nên, mới xảy ra hiện tượng: hết ngập ở khu này (nâng cao) thì phát sinh ngập ở khu khác (thấp hơn khu mới nâng).
Theo Báo cáo tại Hội thảo Quốc tế về hồ tại Hà Nội của GS. TSKH Trương Quang Học, quá trình đô thị hóa trong vòng 14 năm trở lại đây, tại TP. HCM đã làm biến mất 47 con kênh với tổng diện tích 16,4ha. Đặc biệt đã san lấp hồ Bình Tiên rộng 7,4ha (một trong những hồ chứa nước quan trọng nhất của thành phố). Chỉ trong vòng 8 năm từ 2002-2009, khả năng chứa nước của hệ thống hồ, ao, kênh, rạch và vùng ngập nước trong thành phố đã giảm gần 10 lần.
Theo TS. Phạm Sanh (Giảng viên ĐH GTVT), trận mưa chiều tối 26 và 27/9 khiến TP.HCM ngập nặng đã cho thấy sự sai lầm trong việc xây dựng hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố khi áp dụng các tiêu chuẩn, quy hoạch đã quá lạc hậu, lỗi thời, không còn phù hợp với tình hình thực tế và diễn biến mưa lũ phức tạp như thời gian gần đây.
Ngoài ra, tình trạng đầu tư chống ngập theo kiểu cục bộ, thiếu sự liên kết và kết nối đồng bộ giữa các khu vực với nhau, chưa tính toán đến kết nối đồng bộ, giải quyết ngập cho toàn khu vực xung quanh khiến TP.HCM nhiều năm qua, mặc dù đã “ngốn” hàng nghìn tỷ đồng cho các dự án chống ngập, nhưng ngập vẫn hoàn ngập.
Người mua nhà gánh thêm nỗi lo
Nhiều ý kiến trong giới kinh doanh BĐS cho rằng, cơn mưa lịch sử khiến TP.HCM bị ngập trên diện rộng trong mấy ngày qua đang làm dày thêm nỗi lo, trăn trở của người mua nhà và cả doanh nghiệp phát triển BĐS. Ngoài những nỗi lo lắng về vị trí chất lượng cảnh quan, môi trường sống, chất lượng không khí, cơ sở hạ tầng, giao thông... khách hàng ngày nay còn phải lo thêm vấn đề ngập nước.
Tại buổi công bố báo cáo thị trường BĐS TP. HCM quý III/2016, Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, ông Marc Townsend nhận được khá nhiều câu hỏi về hệ lụy của các cơn mưa gây ngập úng tác động như thế nào đến BĐS.
Chuyên gia này thừa nhận, mưa gây ngập trong mấy ngày qua chắc chắn có ảnh hưởng đến tâm lý người mua nhà. Vấn đề này sẽ được đưa vào danh sách khảo sát của khách hàng trước khi quyết định chọn mua bất động sản. Đa số các chung cư đều có tầng hầm và đây là vấn đề phải lưu ý.
Điều này đặt ra hàng loạt vấn đề về hạ tầng cũng như thách thức dành cho các chủ đầu tư về chất lượng và tiêu chuẩn của các tầng hầm cao ốc có đảm bảo không bị "chìm trong biển nước" hay không.
Các chuyên gia BĐS nhận định, trừ các quận 1, 3, 5, 6, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, thì BĐS tại những quận còn lại của TP.HCM chắc sẽ được người mua nhà chú ý nhiều hơn trong thời gian tới.
Đặc biệt các quận tại khu Đông như quận 2 và 9 do cốt nền cao sẽ thích hợp để phát triển các dự án BĐS quy mô lớn, hệ thống thoát nước ra sông Sài Gòn cũng được đầu tư nhiều. Riêng một số khu vực thuộc quận Thủ Đức cũng sẽ khiến khách hàng phân vân khi muốn mua nhà như tuyến đường Kha Vạn Cân, Hoàng Diệu 2... do luôn bị ngập nặng bởi triều và mưa lớn.
Những tuyến đường lớn tại quận Tân Bình như Đồng Đen, Âu Cơ và Luỹ Bán Bích cũng luôn trong tình trạng ngập rất nặng khi có mưa lớn kéo dài.
Đối với khu vực phía Nam, vùng này (gồm quận 7, huyện Nhà Bè và một phần quận 8, huyện Bình Chánh) sẽ không thích hợp để phát triển đô thị theo quy mô lớn.