Aa

Những đường thẳng song song…

Thứ Hai, 23/04/2018 - 06:00

Vì sao lại thế? Sao không thế này cũng chẳng là thế kia? Chẳng sao giăng gì cả! Nếu muốn tìm “sao” thì cứ ngửa mặt lên giời. Còn muốn tìm giải pháp thì tất cả đều phải nhìn lại mình. Nếu quan điểm về lợi ích của Người dân (cư dân của các khu chung cư cũ), Nhà nước (xã hội) và Doanh nghiệp cứ là những đường thẳng song song như hiện nay thì… chẳng bao giờ gặp nhau được cả.

Cách đây vài hôm, tôi có đến thăm nhà người bạn ở một khu tập thể thuộc danh mục công trình xuống cấp đến mức D, đặc biệt nguy hiểm (buộc phải di dời).

Trong cuộc rượu, tôi có chia sẻ nỗi lo lắng của mình về sự nguy hiểm đang rình rập với gia đình anh. Anh nói rằng: “Biết là nguy hiểm nhưng vẫn phải ở lại mà chiến đấu. Chúng nó cứ nghĩ là dân ở đây không biết gì à? Đất này là đất vàng! Thế mà chúng nó cứ thỏa thuận hệ số K chỉ 1.5, lại không tính phần cơi nới. Ngày xưa anh mua cũng bị tính phần này…”.

Cái “chúng nó” mà anh bạn tôi nói ở trên chắc là doanh nghiệp được giao cải tạo chung cư hoặc là chính quyền địa phương đến thỏa thuận, hoặc cả hai. Và cái mà anh bạn tôi muốn là phải được tái định cư tại chỗ, phải được đổi căn nhà hơn 30m2 sang một căn mới rộng gấp đôi, tính cả phần anh cơi nới làm “chuồng cọp”.

 Cải tạo các chung cư cũ đang là việc làm cấp thiết để đảm bảo cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, kế hoạch cải tạo chung cư cũ vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Cải tạo các chung cư cũ đang là việc làm cấp thiết để đảm bảo cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, kế hoạch cải tạo chung cư cũ vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Tôi có đùa anh, này nhé, anh đang có một con xe Camry đời ơ kìa, giờ người ta xin đổi lấy “cái rưỡi” đời “hai mười tám”, lại tặng thêm phụ kiện mà bác còn không ô kê thì muốn gì nữa?!

Đùa vậy! Nhưng tôi biết chẳng thể thuyết phục được bạn mình. Chỉ ước, giá kể những khu chung cư cũ đừng nằm ở những vị trí đất vàng thì công cuộc cải tạo sẽ dễ dàng hơn!

Hiến pháp đã hiến định quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân trước quyền bảo vệ tài sản. Nên việc quyết liệt xử lý, giải tỏa thực hiện cải tạo chung cư cũ kể cả chưa có sự đồng thuận của một bộ phận người dân vẫn là điều phải làm. Tất nhiên, điều đó phải được làm với tinh thần trong sáng và minh bạch.

Câu chuyện tôi kể trên hoàn toàn không điển hình. Nó giống với hầu hết tâm trạng của hàng vạn gia đình đang ở trong hàng ngàn khu chung cư cũ ở Hà Nội, TP.HCM và nhiều nơi khác đang trong diện phải cải tạo.

Không còn thời gian để bàn về mỹ quan đô thị nữa mà các khu chung cư cũ đang là mối hiểm họa, đe dọa trực tiếp tới tính mạng người dân. Nhưng chủ trương cải tạo, di dời mà Nhà nước đưa ra, hơn một thập kỷ nay vẫn dậm chân tại chỗ, công việc triển khai chưa được 1%, dù văn bản, nghị quyết đưa ra, có lẽ không còn được tính bằng cân, bằng lạng.

Vì sao lại thế? Sao không thế này cũng chẳng là thế kia? Chẳng sao giăng gì cả! Nếu muốn tìm “sao” thì cứ ngửa mặt lên giời. Còn muốn tìm giải pháp thì tất cả đều phải nhìn lại mình. Nếu quan điểm về lợi ích của Người dân (cư dân của các khu chung cư cũ), Nhà nước (xã hội) và Doanh nghiệp cứ là những đường thẳng song song như hiện nay thì… chẳng bao giờ gặp nhau được cả.

Đa phần người dân sống trong các khu chung cư cũ đều có mong muốn được tái định cư tại chỗ. Đó là mong ước chính đáng, không chỉ bởi quen thông, quen thổ mà còn vì sự mưu sinh. Nhưng cũng xin hãy đừng vì những mong muốn, đòi hỏi và nghi ngờ (e rằng có phần quá đáng) mà bắt tính mạng của cả gia đình và cộng đồng của mình sống trong nguy hiểm. Đừng trở thành “con tin” trong ngôi nhà có nguy cơ sập bất cứ lúc nào chỉ vì cái tư duy “củi mục bà để trong rương…”.

Tòa nhà chung cư mới được xây dựng thay thế cho các dãy nhà chung cư ọp ẹp cũ.

Tòa nhà chung cư mới được xây dựng thay thế cho các dãy nhà chung cư ọp ẹp cũ.

Trong tình cảnh hiện nay, khi ngân khố quốc gia không thể bỏ ra để xử lý vấn đề này thì sự tham gia vào cải tạo chung cư cũ của doanh nghiệp là giải pháp tất yếu. Vậy nhưng, đằng thẳng ra mà nói, với những bất cập và khó khăn hiện thời, không có một doanh nghiệp nào có hào hứng tham gia. Thế nên, dù theo nguyên lý, kinh doanh phải có lợi thì cũng xin các nhà doanh nghiệp quan tâm đến trách nhiệm xã hội của mình.

Gánh nặng đặt lên vai Nhà nước. Nếu nhà nước trung ương (Chính phủ và các bộ ngành) không có những quyết sách đột phá thì khó lòng mở lối cho cải tạo chung cư cũ. Vai trò của chính quyền địa phương càng quan trọng. Chỉ động viên, cổ vũ, chỉ đạo doanh nghiệp tham gia theo kiểu “bia kèm lạc” và dừng lại ở việc thuyết phục vận động, chờ đợi sự tự nguyện của người dân thì e vẫn là chưa đủ.

Với vai trò điều tiết, Nhà nước phải là đầu mối cân bằng lợi ích giữa các bên, phải là người giải tỏa những mâu thuẫn và nghi ngờ lợi ích.

Đang có một sự “nghi ngờ không hề nhẹ” về mối lợi từ chủ trương việc cải tạo chung cư cũ. Việc này rất cần được bạch hóa để người dân và xã hội hiểu rõ và ủng hộ.

Chính quyền biết lắng nghe dân, lo cho dân và sợ dân là điều rất tốt. Nhưng “sợ”phải đối mặt với một bộ phận người dân (né tránh trách nhiệm xử lý công việc) như trong trường hợp này thì rõ ràng là không đúng! Hiến pháp đã hiến định quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân trước quyền bảo vệ tài sản. Nên việc quyết liệt xử lý, giải tỏa thực hiện cải tạo chung cư cũ kể cả chưa có sự đồng thuận của một bộ phận người dân vẫn là điều phải làm. Tất nhiên, điều đó phải được làm với tinh thần trong sáng và minh bạch.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top