Gỡ khó cho dự án bất động sản ở TP Cần Thơ:  Rà soát là cần thiết nhưng cần phải nhanh hơn

Gỡ khó cho dự án bất động sản ở TP Cần Thơ: Rà soát là cần thiết nhưng cần phải nhanh hơn

Thứ Hai, 06/01/2025 - 06:27
Khẳng định công tác thanh tra, rà soát dự án bất động sản là cần thiết, nhưng các chuyên gia nhấn mạnh, công tác trên cần nhanh hơn, quyết liệt hơn để dự án không bị chậm triển khai quá lâu, dẫn tới “treo”, gây lãng phí…

Như Reatimes đã thông tin, hiện nay, nhiều dự án bất động sản ở TP Cần Thơ đang chậm triển khai nhiều năm do nằm trong diện bị cơ quan chức năng rà soát, có nhiều vướng mắc pháp lý chưa được tháo gỡ. Thực trạng này đang gây lãng phí nguồn đất đai, cơ hội đầu tư, ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân liên quan.

Trước đó, vào khoảng tháng 6/2023, UBND TP Cần Thơ vừa có quyết định Thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn TP. Theo đó, Tổ Công tác đặc biệt có 21 thành viên, trong đó ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ làm Tổ trưởng.

Tổ công đặc biệt này có nhiệm vụ rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn thành phố để báo cáo UBND TP chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ đối với các nội dung thuộc thẩm quyền; tổng hợp những khó khăn vượt thẩm quyền để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng và Bộ, ngành Trung ương xem xét, tháo gỡ.

Bên cạnh đó, Tổ công tác đặc biệt còn có nhiệm vụ hướng dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư, sản xuất - kinh doanh và các quy định liên quan. Nghiên cứu, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong giải quyết các thủ tục đầu tư; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định...

Bàn luận về vấn đề này, trao đổi với Reatimes, nhiều chuyên gia lĩnh vực kinh tế, bất động sản, pháp lý cùng chung nhận định, công tác thanh tra, rà soát đối với các dự án bất động sản là việc cần thiết. Qua công tác này sẽ phát hiện ra vi phạm sớm (nếu có), xử lý kịp thời, tránh gây hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, công tác thanh tra, rà soát cần được thực hiện theo kế hoạch và thời gian cụ thể. Đặc biệt, việc xử lý bất cập, vi phạm (nếu có) sau thanh tra cần được thực hiện nhanh, hạn chế tối đa việc dừng triển khai dự án, để dự án "treo" gây lãng phí, ảnh hưởng tới quyền lợi của Nhà nước, chủ đầu tư và người dân liên quan.

Gỡ khó cho dự án bất động sản ở TP Cần Thơ:  Rà soát là cần thiết nhưng cần phải nhanh hơn- Ảnh 1.

Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch.

Chuyên gia pháp lý - luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch - cho biết, từ chỉ đạo của Chính phủ, nhiều địa phương đã thực hiện thanh tra, rà soát dự án, nhằm tháo gỡ vướng mắc pháp lý. Ngoài ra, cũng có doanh nghiệp, nhà đầu tư đề xuất cơ quan vào thanh tra, kiểm tra. Đã có nhiều dự án được tháo gỡ vướng mắc tiếp tục được triển khai, nhưng vẫn còn rất nhiều dự án chưa tháo gỡ vướng mắc.

"Việc rà soát của cơ quan chức năng đã nhìn ra bất cập tại dự án, nhưng việc tháo gỡ bất cập lại gặp khó khăn, mất nhiều thời gian, bởi các quy định pháp luật còn chồng chéo, chưa kể còn có hàng loạt các vi phạm của chủ đầu tư, cơ quan phê duyệt dự án khó xử lý", luật sư Trần Tuấn Anh nêu và nhấn mạnh thêm: "Đối với các vi phạm đã rõ ràng, cần nhanh chóng xử lý".

Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế - PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - cho rằng, công tác thanh tra, rà soát dự án cần phải được thực hiện trong một thời gian nhất định. Việc thanh tra, rà soát kéo dài sẽ dẫn tới những thiệt hại cho cả doanh nghiệp và Nhà nước.

Gỡ khó cho dự án bất động sản ở TP Cần Thơ:  Rà soát là cần thiết nhưng cần phải nhanh hơn- Ảnh 2.

Cũng theo vị chuyên gia kinh tế này, cơ quan chức năng, đặc biệt là người đứng đầu các địa phương cần phải đặc biệt quan tâm, thúc đẩy, xử lý kết quả sau thanh tra, rà soát để sớm đưa dự án vào triển khai, hoạt động. "Công tác rà soát dự án phải chính xác, đúng pháp luật nhưng cũng cần nhanh. Sai ở đâu xử lý ở đó, trách nhiệm của chủ đầu tư hay của cơ quan quản lý Nhà nước cần phải rõ ràng và xử lý triệt để đúng theo pháp luật", PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Còn theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, tốc độ phát triển cũng như đô thị hóa tại nước ta đang phát triển rất mạnh, đó là nhờ vào việc chúng ta có một cơ chế chính sách vừa chặt chẽ, vừa cởi mở và thông thoáng. Từ đó cũng tạo ra những hành lang pháp lý rõ ràng, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, từ đó bộ mặt đô thị cũng trở nên hiện đại và ngày càng phát triển.

Đối với các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng qua nhiều năm chưa triển khai thì chúng ta phải xác định nguyên nhân là chủ quan hay khách quan. Nếu là chủ quan thì cần phải xử lý theo quy định của pháp luật. nếu là khách quan thì các cơ quan chức năng, chính quyền sở tại cần vào cuộc, tập trung để giải quyết.

"Có những trường hợp thực tiễn nó đi trước luật, dẫn đến nhiều doanh nghiệp hiện nay đang vướng ở các cơ chế, chính sách, và các cấp chính quyền sở tại chưa đủ tầm để giải quyết thì cần phải kiến nghị lên Trung ương, Quốc hội…", ông Điệp nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông Điệp, đối với một số dự án đã được chấp thuận chủ trương từ nhiều năm nhưng vẫn chưa triển khai do việc rà soát là hết sức bình thường. Tuy nhiên, phải có thời gian rà soát cụ thể chứ không phải kéo dài, bởi lẽ doanh nghiệp thiệt hại quá lớn. "Để một ngày cũng đã thiệt hại chứ đừng nói đến nhiều tháng hay nhiều năm", ông Điệp nói.

Gỡ khó cho dự án bất động sản ở TP Cần Thơ:  Rà soát là cần thiết nhưng cần phải nhanh hơn- Ảnh 3.


Chuyên gia bất động sản này cũng cho rằng, đối với chính sách từ giai đoạn trước, hiện nay luật nhà ở, kinh doanh bất động sản, đất đai mới được sửa đổi …. đã có hiệu lực. Đối với những dự án đã kéo dài nhiều năm nếu luật mới phù hợp và tạo gỡ được vướng mắc doanh nghiệp thì cũng nên áp dụng.

Đối với các dự án đã được mời gọi nhà đầu tư, đã chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng vương mắc pháp lý thì cần phải xem xét cả trách nhiệm của chính quyền sở tại, bởi lẽ chính quyền địa phương đã kêu gọi đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư cũng như quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 mà còn để xảy ra tình trạng vướng mắc pháp lý thì rõ ràng là cần phải xem xét lại.

Mới đây (26/12/2024), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo, đôn đốc việc rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, văn bản có liên quan thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, nghị quyết của Quốc hội về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, nghị quyết của Quốc hội đã thể hiện các nhóm chính sách xử lý nhiều vấn đề đất đai. Mỗi nhóm chính sách gắn với phương án, giải pháp xử lý đối với dự án, nhóm dự án cụ thể. Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai quy trình xây dựng dự thảo nghị định theo trình tự thủ tục.

Gỡ khó cho dự án bất động sản ở TP Cần Thơ:  Rà soát là cần thiết nhưng cần phải nhanh hơn- Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy (Ảnh: VGP).

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã báo cáo những vấn đề đặt ra khi xây dựng dự thảo nghị định của Chính phủ về xác định giá đất đối với một số dự án ký tắt khi thực hiện theo hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) của TPHCM.

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo tỉnh Long An, Khánh Hòa, Đà Nẵng báo cáo về tình hình xử lý vướng mắc, khó khăn thuộc thẩm quyền của địa phương, như: Điều chỉnh quy hoạch; điều chỉnh chủ trương đầu tư; lập, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; giao đất, cho thuê đất,… theo tinh thần "dễ làm trước, khó giải quyết sau".

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lưu ý các địa phương không cần chờ nghị quyết của Quốc hội, hay nghị định mà chủ động rà soát lại các dự án, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các nội dung thuộc thẩm quyền của địa phương.

Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường… đã trao đổi về những "nút thắt" mà địa phương đang cần bộ, ngành, cơ quan Trung ương hỗ trợ để xử lý dứt điểm.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án phải "nhanh hơn, quyết liệt hơn, trách nhiệm hơn"; góp phần khơi thông các nguồn lực, đưa các tài sản vào lưu thông, tránh thất thoát, lãng phí, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Gỡ khó cho dự án bất động sản ở TP Cần Thơ:  Rà soát là cần thiết nhưng cần phải nhanh hơn- Ảnh 5.

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập tổ soạn thảo nghị định có sự tham gia của bộ, ngành, địa phương liên quan, bảo đảm khi Nghị định được ban hành phải xử lý được vướng mắc, khó khăn thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Những nội dung trong nghị quyết của Quốc hội phải được thể chế thành quy trình, quy phạm, tổ chức thực hiện chi tiết, rõ ràng, không có văn bản hướng dẫn dưới nghị định.

Quá trình thực hiện nghị định của Chính phủ cần có sự phối hợp của các cơ quan tư pháp, tố tụng, ủy ban kiểm tra, tỉnh ủy, thành ủy. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nêu rõ, trong quá trình tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền, các địa phương có thể yêu cầu các bộ, ngành hướng dẫn, hỗ trợ.

Đồng thời, các địa phương trên cả nước cần tiếp tục rà soát, phân loại, báo cáo cấp thẩm quyền các dự án, đất đai có tình trạng tương tự như các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án đã được tháo gỡ theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ… để đề xuất giải pháp xử lý tiếp theo.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top