UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định phê duyệt phân bổ chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2019 của chương trình cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo Nghị định 100/2015 của Chính phủ.
Trên cơ sở đề nghị của Ngân hàng Chính sách Xã hội – Chi nhánh TP.HCM, UBND Thành phố phê duyệt quỹ vốn cho vay mua nhà ở xã hội trong năm 2019 cho các quận, huyện là 10 tỷ đồng.
Cụ thể: Quận 12 được phân bổ 2 tỷ đồng; quận 3 được 1,1 tỷ đồng; các quận 10, quận Bình Tân và huyện Hóc Môn mỗi địa phương được 1 tỷ đồng; quận 7 có 800 triệu đồng; huyện Nhà Bè có 700 triệu đồng; quận Tân Bình là 500 triệu đồng; quận 8 có 400 triệu đồng; huyện Bình Chánh là 300 triệu đồng; thấp nhất là quận 5 chỉ có 200 triệu đồng.
Ngân hàng Chính sách Xã hội – Chi nhánh TP.HCM chịu trách nhiệm triển khai và cân đối nguồn vốn; đôn đốc, kiểm tra giám sát các phòng giao dịch để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.
Trước đó, ngày 1/4/2019 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 355/QĐ-TTg quy định về mức lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ trong năm 2019 là 4,8%/năm. Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.
Theo khảo sát trên địa bàn TP.HCM, trong vòng bán kính 10km từ trung tâm thành phố rất hiếm dự án nhà ở có căn hộ giá dưới 1,8 tỷ đồng. Nếu có chỉ là căn hộ cũ hoặc dự án ở xa, đi lại không thuận tiện, tốn thời gian. Còn lại rẻ nhất cũng phải 2,6 - 3 tỷ đồng/căn, cao cấp hơn đi kèm với nhiều tiện ích phải từ 3,5 - 6 tỷ đồng/căn.
Tuy nhiên, để mua được một căn hộ mới ở thời điểm này không dễ bởi thị trường bất động sản TP.HCM từ đầu năm đến nay khan hiếm dự án mới chào bán.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nhiều dự án nhà ở bị ách tắc thời gian qua dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung dự án, thiếu nguồn cung sản phẩm, nhất là thiếu loại căn hộ nhà ở thương mại có giá bán vừa túi tiền và nhà ở xã hội.
Tình trạng mất cân bằng cung - cầu do nguồn cung quá ít trong lúc nhu cầu quá cao làm cho giá nhà bị đẩy lên cao, dễ xuất hiện tình trạng đầu cơ, đầu tư lướt sóng.
Theo Báo cáo của Công ty Cổ phần DKRA Việt Nam cho thấy, hiện trạng người trẻ gặp khó khăn trong việc mua nhà đến từ hai nguyên nhân chính là nguồn cung nhà ở vừa túi tiền sụt giảm, trong khi đó thu nhập tuy có tăng nhưng không theo kịp mức tăng giá bất động sản hiện tại.
Chỉ trong vòng 5 năm qua, giá phân khúc căn hộ đã tăng 50 - 60%. Giá căn hộ hạng B năm 2015 trung bình khoảng 21 triệu đồng/m2 nay tăng lên 36 triệu đồng/m2. Căn hộ hạng C năm 2015 giá khoảng 16 triệu đồng/m2 nay đã lên 25 triệu đồng/m2. Ở phân khúc đất nền, mức tăng giá trong vòng 5 năm qua đã hơn 100%, có những khu vực tăng hơn 200%.
Trái lại, nguồn cung căn hộ và đất nền vừa túi tiền sụt giảm liên tục. Trong đó, căn hộ hạng C là phân khúc dễ tiếp cận nhất với người trẻ nhưng thị trường ngày càng khan hiếm. Như năm 2016, căn hộ hạng C chiếm xấp xỉ 30%; đến năm 2018 còn khoảng 17%. Cá biệt, trong quý II/2019 không có căn hộ hạng C nào được mở bán.
Để người dân tiếp cận được nhà ở, ông Phạm Lâm - Tổng Giám đốc DKRA Việt Nam, cho rằng chính sách nhà ở xã hội hiện tại cần có những cải tiến về quy trình, thủ tục, giấy tờ. Đồng thời cần có những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích chủ đầu tư tham gia nhiều hơn vào phân khúc này.