Năm 2021, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả được giao chỉ tiêu thu thuế xuất nhập khẩu (XNK) là 5.200 tỷ đồng (chiếm khoảng 40% số thu toàn Cục, trong đó phần lớn nguồn thu là từ than). Tuy nhiên, do những tác động từ dịch bệnh Covid-19 và chính sách, quy định mới, hoạt động XNK than qua cảng biển Cẩm Phả gặp không ít khó khăn.
Theo đó, tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả, than nhập khẩu và xuất khẩu là 2 mặt hàng có đóng góp chủ lực vào nguồn thu, chiếm 70 - 80% số thu ngân sách qua Chi cục. Để giữ chân và thu hút thêm nhiều doanh nghiệp mới, Chi cục đã tăng cường đổi mới toàn diện hoạt động hỗ trợ, tập trung vào công tác cải cách thủ tục hành chính, chủ động liên hệ, đối thoại và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp về mở tờ khai và nộp thuế tại địa bàn.
Đồng thời, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả dựa trên cơ sở rà soát tình hình thực tế, vướng mắc của từng doanh nghiệp cũng đã kịp thời báo cáo đề xuất nhiều phương án lên Cục Hải quan tỉnh. Trong đó tập trung đề nghị các cơ quan chức năng xem xét có cơ chế ưu tiên tiếp nhận, bố trí điểm neo đậu cho các phương tiện nhập cảnh vận chuyển hàng hóa XNK của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có mở tờ khai, nộp thuế tại địa phương.
Song song với đó, Chi cục đã tham mưu Cục Hải quan tỉnh tổ chức hội nghị gặp mặt hơn 30 doanh nghiệp có hoạt động XNK than để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động XNK qua cảng Cẩm Phả.
Qua đó, các doanh nghiệp đã nhanh chóng nắm bắt được những văn bản quy phạm pháp luật, các quy định mới cần lưu ý khi làm thủ tục XNK than. Từ cách làm thiết thực và bài bản, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu than ở tỉnh ngoài đã về chi cục làm tờ khai, lượng hàng hóa thông qua cảng Cẩm Phả đã tăng so với trước khi tổ chức hội nghị (tăng từ 67% lên 90% đối với mặt hàng than).
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp ngành xuất khẩu than cũng gặp không ít vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện văn bản số 2132/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan về tăng cường quản lý khoáng sản xuất khẩu. Theo đó, yêu cầu cơ quan hải quan các địa phương phải kiểm tra nguồn gốc, khai báo giấy phép, kiểm tra thực tế hàng hóa và lấy mẫu giám định.
Tuy nhiên, đặc thù khai thác than của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) được khai thác từ nhiều mỏ trên toàn quốc, sau đó được chuyển về các phân xưởng trực thuộc để phối trộn, sàng tuyển, chế biến nhằm đáp ứng yêu cầu của từng loại than thương phẩm (than cục, than cám, than bùn tuyển). Toàn bộ mặt hàng than trước khi xuất khẩu đều được doanh nghiệp thực hiện kiểm tra, giám định chất lượng tại phòng thí nghiệm Vilas và nộp cho cơ quan Hải quan khi làm thủ tục hải quan để chứng minh hàng hóa xuất khẩu đạt tiêu chuẩn, chất lượng.
Việc kiểm tra nguồn gốc khoáng sản theo hướng dẫn tại văn bản số 2132/TCHQ-GSQL đã dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình khai báo mã văn bản pháp quy, mã tên và mã phân loại trên tờ khai hải quan. Trong khi, về điều kiện xuất khẩu than và thủ tục nhập khẩu than, Bộ Công Thương đã đồng ý không yêu cầu doanh nghiệp phải xuất trình cho cơ quan Hải quan phiếu phân tích mẫu đạt tiêu chuẩn Vilas và hồ sơ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của mặt hàng than xuất khẩu.
Ông Ngô Xuân Hiệp - Chi cục Trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả cho biết, ngay sau khi Tổng cục Hải quan ban hành văn bản, đơn vị đã kịp thời làm việc với các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu than để các doanh nghiệp nắm bắt và thực hiện theo đúng quy định mới. Đồng thời, nhanh chóng báo cáo tình hình xuất khẩu than trong quá trình triển khai công văn để Cục Hải quan đề xuất Tổng cục xem xét cho phép không áp dụng quy định đối với mặt hàng than xuất khẩu và không thiết lập tiêu chí rủi ro, phân luồng đỏ đối với mặt hàng này.
Từ đó, trên cơ sở báo cáo và đề xuất của Cục Hải quan tỉnh, Tổng cục Hải quan đã có văn bản số 2864/TCHQ-GSQL đồng ý không áp dụng hướng dẫn tại văn bản số 2312/TCHQ-GSQL đối với mặt hàng than xuất khẩu.
Theo ông Lưu Viết Chiến - cán bộ XNK Phòng Điều khiển (Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả) cho biết, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả vào cuộc rất nhanh chóng. Vì nếu Tổng cục Hải quan không sớm cho phép các thủ tục xuất khẩu than được thực hiện theo quy định hiện hành thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp.
Đơn cử là trong 1 tháng thực hiện theo đúng hướng dẫn của văn bản số 2132/TCHQ-GSQL, Công ty có 13 tờ khai xuất khẩu than đều thuộc luồng đỏ nên Chi cục phải lấy mẫu giám định. Điều này đã làm phát sinh chi phí giám định và thời gian làm hàng tàu xuất khẩu do phải chờ tập kết đủ hàng trên các sà lan vận chuyển để kiểm tra thực tế hàng hóa, lấy mẫu.
Tính đến hết quý II/2021, kim ngạch than các loại xuất khẩu qua cảng Cẩm Phả đạt trên 100 triệu USD (tăng 115% so với cùng kỳ), thu Ngân sách Nhà nước gần 230 tỷ đồng (tăng 95% so với cùng kỳ), góp phần quan trọng trong việc bù đắp hụt thu từ than nhập khẩu.