Aa

Góc phố của những gương mặt

Chủ Nhật, 03/12/2017 - 07:00

Thành phố đã hơn nghìn năm tuổi thì hẳn là có những tập quán lâu đời của dân phố. Tầng lớp thế gia vọng tộc kín cổng cao tường thường ít khi xuất hiện ngoài đường trong những sinh hoạt phố phường. Tầng lớp tiểu thương đã có chợ búa làm nơi tụ họp buôn bán. Các tầng lớp khác như công nhân, viên chức, học sinh… hết thảy đều làm việc trong nhà. Ngoài phố chỉ còn lại một tầng lớp làm những việc không chính danh dù rằng rất bền vững chuyên cần. Bà bán xôi, cô bán bánh cuốn, anh sửa xe, thợ chữa khóa…

Hà Nội đầu những năm 90 của thế kỷ trước (Ảnh: Hans-Peter Grumpe )

Hà Nội đầu những năm 90 của thế kỷ trước (Ảnh: Hans-Peter Grumpe )

Hà Nội những năm đầu tiếp quản 1954, tất cả ngành nghề, công việc được sắp xếp lại theo trật tự mới hướng đến tập thể hoá. Đại khái sản xuất nhỏ lẻ phải vào hợp tác xã thủ công nghiệp. Buôn bán nhỏ lẻ phải vào sạp hàng trong chợ cũng là những hợp tác xã mua bán.

Trường sở tư nhân cũng dần vào hệ thống giáo dục Nhà nước. Duy chỉ có những người buôn bán nhỏ, thợ thuyền sửa chữa vặt ngồi ở các góc phố là vẫn như trước. Họ là những người lao động lỡ cỡ không thể xếp vào hạng nào được. Tay nghề và vốn liếng cũng không đủ để vào bất cứ một tập thể nào.

Bán thúng xôi, con ốc luộc, cái bánh chưng bánh dày là hoạt động thương mại. Nhưng sản phẩm ấy lại do chính bàn tay lao động của họ làm ra. Sửa cái xe đạp, vài đồ gỗ trong nhà vẫn buộc phải ra đầu phố đón khách. Không có nhà máy xí nghiệp nào chuyên môn làm công việc chữa những thứ lặt vặt ấy.

Những năm chiến tranh kéo dài sang thời kì bao cấp suy tàn, góc phố Hà Nội là nơi tập trung những nghề ngỗng vặt vãnh một cách rầm rộ nhất. Những góc phố đông người qua lại thế nào cũng có vài hàng nước chè với chiếc điếu cày rít vang nhả khói mù mịt. Bên cạnh nó là những hàng quà bánh giờ nào thức ấy. Sáng sớm có thúng xôi, mẹt bánh cuốn, rổ khoai sắn luộc. Gần trưa là hàng ốc luộc, hoa quả, gánh dưa cà muối, rau cỏ phục vụ bữa trưa của dân phố. Sang chiều là các gánh hàng rong thập cẩm tào phớ, kẹo kéo, dầu cháo quẩy nghỉ chân tranh thủ bán hàng. Tối đến là vài hàng ngô khoai nướng, bánh bao, bánh khúc…

Người ta chọn góc phố như một tập quán lâu đời để tụ họp bán mua. Đơn giản vì nơi ấy đón được khách từ bốn hướng đi qua. Đó cũng là nơi những người thợ sửa xe đạp lựa chọn cho công việc của mình. Chẳng ai lại vác chiếc bơm với hòm đồ nghề ra ngồi ở giữa phố. Những năm đói khổ chẳng hiểu sao thành phố lại có nhiều thợ chữa khóa đến thế? Những thứ có thể mất trộm chỉ là quần áo cũ và nồi niêu bát đĩa. Hình ảnh đau lòng nhất lúc ấy có lẽ là cái chạn bát bán ở cửa hàng mậu dịch. Nó được thiết kế có hai khoen sắt dùng để khóa cánh cửa chính đựng thức ăn. 

Những người hoạt động lâu năm trên một góc phố hình thành ra “chân dung” của cả một giai đoạn phố. Họ là cư dân của những con phố loanh quanh trong bán kính chỉ độ trăm mét. Dân phố có thể biết ngày hôm nay vắng mặt những ai. Ai vừa mới ra ngồi thay cho ai vừa bỏ chỗ. Chỉ đường cho bạn đến thăm nhà ở đầu phố thường bảo: “Cứ đến đấy, nhà tôi ở trong ngõ, bảo bà bán cà muối dịch quang gánh ra mà dắt xe vào”. Hoặc đơn giản hơn: “Hỏi ông già chữa xe đạp có cái bơm xanh, ông ấy sẽ chỉ cho vào tận nơi!”.

Hà Nội từng êm đềm bình thản chia nhau những tháng năm gian khổ mà không hề có một xáo động trật tự nào. Khác với bây giờ, rất đông người nhưng thực ra rất vắng là bởi gần như không ai còn quen biết ai trong cái biển người ấy nữa.

Hàng chục năm liền như thế đã có những gia đình hai, ba thế hệ thay nhau ra ngồi góc phố. Quán nước cô Hà hôm nay chính là quán nước của bà Ngọc mẹ cô ấy ngày trước. Lạ ở chỗ hàng quán và thợ thuyền ngồi sát cạnh nhau nhưng mỗi người có bí quyết giữ khách riêng. Khách quen cũng hiếm khi sang hàng bên cạnh. Ra đầu phố uống nước chè mà thấy hôm nay bà chủ quán quen nghỉ hàng thì lại lang thang sang đầu phố khác để ngồi ở hàng quen khác. 

Sang thập kỉ 1990 còn nở rộ những chợ lao động (chợ người) họp lúc sáng sớm ở các góc đường ven nội đô. Góc Giảng Võ - Cát Linh, góc Bạch Mai - Đại Cồ Việt, góc Lò Đúc - Ô Đống Mác, góc Thanh Niên - Yên Phụ. Chủ thầu tuyển lao động hoặc đôi khi là người dân có nhu cầu công việc giản đơn khuân vác dọn dẹp thường ra đấy tìm. Và thêm vài góc phố có đám thợ mộc trong vùng Thạch Thất kéo ra làm nghề sửa chữa lặt vặt đồ gỗ trong nhà. Hà Nội êm đềm bình thản chia nhau những tháng năm gian khổ ấy không hề có một xáo động trật tự nào. 

Nhà văn Đỗ Phấn

Nhà văn Đỗ Phấn

Những góc phố dần mất đi “chân dung” của mình khoảng hai chục năm nay. Dân số tăng gấp bội và đường sá vẫn như xưa, không còn chỗ cho những người bám vỉa hè góc phố mà sống. Chính quyền cũng ra tay dọn dẹp và cái đích đầu tiên người ta nhắm tới là các góc phố bộn bề lấn chiếm. Vài góc phố nội thành vẫn có những người bán quà sáng ngồi cố định nhưng đều phải dọn dẹp trước 7 giờ.

Hình ảnh quen thuộc góc phố bây giờ là người và xe chen chúc ùn tắc. Vài con đường trọng điểm trong phố thường có bóng lực lượng tự quản áo xanh cầm gậy chỉ huy trật tự giao thông. Rất đông người nhưng thực ra rất vắng là bởi gần như không ai còn quen biết ai trong cái biển người ấy nữa.

Thành phố ngày một xây dựng hiện đại lên ngỡ rằng con người có thể chung sống gần gũi với nhau mà không phải. Những góc phố ngày một trở nên xa lạ. Không ký ức và cũng không có giao tiếp gì ngoài việc ngắm cái đèn tín hiệu giao thông lập lòe xanh đỏ. Buồn vui hờn giận hay hân hoan tất bật cũng chỉ trong vòng vài chục giây đồng hồ chờ cho cái đèn xanh bật lên là hết.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top