Aa

Gói 120.000 tỉ đồng mới giải ngân được hơn 1%

Thứ Năm, 14/12/2023 - 13:59

Trước việc giải ngân chậm chạp của gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng, TS Nguyễn Minh Phong đề xuất nên có một quỹ mới gắn với đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, xuất phát từ ngân sách.

Mới chỉ giải ngân 140 tỉ của gói 120.000 tỉ

Báo cáo của Bộ Xây dựng mới đây chỉ rõ, thị trường bất động sản đang mất cân đối và cơ cấu hàng hóa chưa phù hợp với thị trường. Hiện tượng dễ nhận thấy là thiếu nghiêm trọng nhà giá thấp, nhà ở xã hội, còn phân khúc trung, cao cấp chiếm phần lớn nguồn cung. Cơ cấu nhà ở phân khúc bình dân giảm từ mức 20% năm 2019 xuống dưới 5% hiện nay.

Bộ Xây dựng cho biết, trong 10 tháng năm 2023 có 10 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được khởi công xây dựng trên cả nước, cung ứng ra thị trường 19.853 căn hộ.

Đối với việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, tính đến hết tháng 10 mới chỉ có 20 tỉnh, thành phố phê duyệt danh mục 52 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đủ điều kiện vay vốn ưu đãi. Theo đó, nhu cầu vay vốn rơi vào khoảng 25.800 tỉ đồng.

Chậm giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ cho nhà ở xã hội - Ảnh: Thanh Niên

Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, gói tín dụng 120.000 tỷ mới chỉ giải ngân được hơn 140 tỷ, tương đương với hơn 1%.

Theo đó, có 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) đăng ký tham gia gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với mỗi ngân hàng đăng ký 30.000 tỷ đồng. Ngoài ra còn có TPBank đăng ký tham gia với số tiền là 5.000 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước đưa ra nguyên nhân của việc giải ngân chậm là do mới chỉ 23 tỉnh, thành phố công bố, gửi danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại lại chung cư cũ. Nhiều địa phương còn lại mới chỉ trong quá trình tổng hợp danh mục dự án cũng như nhu cầu của chủ đầu tư, chưa công bố nên các ngân hàng thương mại chưa thể thẩm định dự án, cho vay vốn.

Còn về phía khách hàng, báo cáo cũng cho hay một số chủ đầu tư đã được tổ chức tín dụng hướng dẫn các thủ tục vay vốn. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư chưa đáp ứng được các điều kiện vay vốn của ngân hàng theo quy định.

Còn đối với khách hàng mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà công nhân..., nhiều người thu nhập sụt giảm do tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, họ ưu tiên việc duy trì các nhu cầu trong cuộc sống và chưa xem xét đến việc mua nhà ở giai đoạn hiện nay.

Thực tế, việc gói tín dụng 120.000 tỷ đồng triển khai chậm chạp không ngoài dự đoán của giới chuyên gia. Nguyên nhân chủ yếu tập trung ở mức lãi suất còn khá cao, thời gian ưu đãi ngắn, chưa kể những “gian nan” về mặt thủ tục hành chính trong triển khai các dự án nhà ở xã hội. Chưa kể, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập của nhiều người lao động bị ảnh hưởng thì họ cũng đắn đó khi vay mua nhà với áp lực trả nợ lớn.

Thủ tục phức tạp làm nản lòng các nhà đầu tư nhà ở xã hội - Ảnh: VGP

Ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 chia sẻ, thủ tục hành chính đối với nhà ở xã hội rất phức tạp, từ khâu chấp thuận chủ trương, lựa chọn nhà đầu tư, định giá đất, giao đất, phê duyệt 1/500, mở bán… mất rất nhiều thời gian. Trung bình để hoàn thiện thủ tục một dự án kéo dài tới 5-7 năm.

“Chưa kể những năm qua tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến “không dám làm”, khiến thủ tục đã chậm lại càng chậm thêm”, ông Quê nói.

Cần thiết kế gói tín dụng từ ngân sách

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cũng tán đồng với các nội dung của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời ông cũng nêu thêm một số “điểm nghẽn” khiến gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ không phát huy được hiệu quả như mong muốn.

Cụ thể, ông Phong cho biết, gói 120.000 tỷ cho vay mua nhà ở xã hội với lãi suất thấp hơn 1,5-2% so với suất bình thường. Mức lãi suất này không đủ hấp dẫn đối với người vay. Ngoài ra, cũng vì điều kiện này nên nhiều người có nhu cầu vay mua nhà lại khá lo ngại rủi ro về lãi suất thả nổi cũng như các điều kiện khác.

“Nếu giữ nguyên các điều kiện như gói này thì rất khó để có giải pháp cải thiện trong thời gian tới”, ông Phong nói.

Theo ông Phong, cần tăng cường nguồn cung nhà ở xã hội, đồng thời nên có một gói vay tương tự như gói 30.000 tỷ như giai đoạn trước đây, với lãi suất thấp trong thời gian lâu dài.

“Gói 120.000 tỷ có thể chỉ là biện pháp “chữa cháy” trong bối cảnh Chính phủ không có nhiều tiền, nên nhiều vấn đề khó khăn. Nên có một quỹ mới gắn với đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội. Gói này phải từ ngân sách nhà nước và các nguồn khác nữa chứ không riêng từ ngân hàng thương mại”, ông Phong nêu.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong - ảnh: Reatimes

Các chuyên gia cũng đồng tình rằng, nguồn vốn dành cho gói tín dụng 120.000 tỉ là do các ngân hàng thương mại tự cân đối, nên cũng không thể cho vay “dễ dãi” và phải tuân thủ những điều kiện nhất định.

Trong kiến nghị mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) tiếp tục đề xuất Ngân hàng Nhà nước mở rộng hơn diện được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Cụ thể, người mua nhà, chủ đầu tư các dự án nhà thương mại có mức giá bán không quá 3 tỷ đồng/căn, đồng thời ưu tiên cho người mua căn nhà đầu tiên.

Song song với đó, hiệp hội này cũng đề nghị nhanh chóng thúc đẩy các giải pháp “phi tín dụng” như tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ… để tăng nguồn cung sản phẩm nhà ở có đủ điều kiện vay gói 120.000 tỷ đồng.

Phía Ngân hàng Nhà nước cho rằng, để tăng tốc gói tín dụng này, ngoài sự nỗ lực của ngành ngân hàng, Bộ Xây dựng cần tổng hợp, thông báo danh mục các dự án đủ điều kiện, tạo thuận lợi cho các ngân hàng thương mại tra xem xét, cho vay vốn như nhiệm vụ được Chính phủ giao.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top