Aa

Gói hỗ trợ kinh tế lần 2 sẽ ra sao?

Thứ Ba, 18/08/2020 - 06:28

Hàm mục tiêu của chính sách mới sẽ là đa mục tiêu, chấp nhận bội chi nhưng ở mức độ trong 1 năm hay 2 năm để không ảnh hưởng kinh tế vĩ mô và giá trị đồng nội tệ, không gây áp lực cho xuất nhập khẩu.

Trong khi gói hỗ trợ lần 1 còn chưa ngấm và có những cấu phần tiếp cận còn hạn chế, "làn sóng" COVID-19 thứ 2 lại ập đến, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống người lao động lại thêm khó khăn, thử thách.

Gói kích thích kinh tế mới được các chuyên gia đề xuất cần sớm được xây dựng.
Gói kích thích kinh tế mới được các chuyên gia đề xuất cần sớm được xây dựng.

Một số chuyên gia đã đề xuất cần tính toán đến "gói hỗ trợ lần 2" trên cơ sở tổng kết đầy đủ những kết quả cũng như hạn chế của gói hỗ trợ giai đoạn vừa qua để rút ra những điều chỉnh cần thiết.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng khẳng định, Việt Nam vẫn còn dư địa để đưa ra các gói hỗ trợ. Theo vị chuyên gia, tổng chung các gói hỗ trợ mà Việt Nam đã và đang triển khai từ ngày đầu dịch COVID-19 bùng phát tới nay tương đương khoảng 2,8% GDP. Trong khi đó, nhìn ra thế giới, mức hỗ trợ này cao hơn rất nhiều.

Cụ thể, gói hỗ trợ của các nước thuộc khối G7 chiếm hơn 10% GDP; các nước khối ASEAN có mức từ 6 - 7% GDP… Như vậy, có thể nói Việt Nam vẫn còn dư địa để hỗ trợ trong bối cảnh nợ công hiện giảm còn 54%, thấp hơn trần nợ công cho phép (65%).

Số doanh nghiệp đăng ký tạm dừng kinh doanh trong 7 tháng đầu năm tăng 41,5%. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong đó, đặc biệt thất nghiệp ở nhóm thanh niên từ 15 - 54 tuổi, chiếm 30,7% tổng số thất nghiệp.

Trên thực tế, ở giai đoạn trước, có hai gói hỗ trợ chính: một về tài khóa như giãn, giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất quy mô 180.000 tỷ đồng, và một gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiệu quả của các gói này được đánh giá là “chỉ ở mức vừa phải” chưa tạo được nhiều ý nghĩa. Đơn cử gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng chỉ có khoảng 400 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân giãn đóng BHXH và 2.500 tỷ đồng chi trả bảo hiểm thất nghiệp. Con số này chứng tỏ số doanh nghiệp có thể "chạm tay" tới gói hỗ trợ an sinh còn rất khiêm tốn.

Gói tài khóa quy mô 180.000 tỷ đồng cũng chưa giải ngân được nhiều do thời hạn giãn, hoãn thuế, phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp quá ngắn và kèm theo nhiều thủ tục.

Do đó, TS. Nguyễn Đức Kiên đề xuất, có thể huy động nợ công để đưa vào kích thích nền kinh tế. Vấn đề ở đây, chúng ta đặt mục tiêu phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe người dân, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm sốc và tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi năm sau.

“Chính vì vậy, nếu bơm tiền ra thông qua nợ công, cần tính toán kỹ cho dự án nào, ngành nào thực sự đang cần, và có tính lan tỏa, giải quyết nhiều lao động”, chuyên gia lưu ý.

Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhấn mạnh, hàm mục tiêu đặt ra cho chính sách mới nếu có sẽ là đa mục tiêu, chấp nhận bội chi nhưng ở mức độ trong 1 năm hay 2 năm để không ảnh hưởng kinh tế vĩ mô và giá trị đồng nội tệ. Không gây áp lực cho xuất nhập khẩu nhưng lại hỗ trợ cho doanh nghiệp có tính thanh khoản tạo ra dòng tiền, đồng thời lại hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống trong thời kỳ khó khăn.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về nguyên tắc, chính sách lần 2 phải bao quát toàn diện các đối tượng, phải đủ lớn, đủ mạnh để tác động ngay, kích thích tăng trưởng kinh tế.

“Các chính sách đều phải gắn đến quản lý cơ cấu các ngành, lĩnh vực, phải gắn với tái cơ cấu và những lĩnh vực liên quan. Gói hỗ trợ phải đảm bảo đa mục tiêu chứ không chỉ kích thích tăng trưởng kinh tế", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các biện pháp phải hỗ trợ các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động duy trì sản xuất, kinh doanh và khuyến khích quay trở lại hoạt động, tránh việc cắt giảm hơn nữa số lao động đang làm việc. Đồng thời, cần hỗ trợ các doanh nghiệp lớn đang gặp khó khăn về sự thiếu hụt dòng tiền do chi phí cố định và chi phí duy trì hoạt động lớn trong khi doanh thu bị sụt giảm nghiêm trọng.

“Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đưa ra 2 kịch bản cho nền kinh tế, với kịch bản một là trường hợp hết tháng 8, Việt Nam cơ bản dập được dịch lần 2 cộng với tốc độ đẩy nhanh sản xuất vaccine trên thế giới, nhiều nước sẽ mở cửa thương mại, nền kinh tế quý IV của Việt Nam sẽ tương đối thuận lợi.

Tuy nhiên, nếu quý IV các nước vẫn chưa mở cửa thì kinh tế trong nước vẫn sẽ gặp khó khăn. Với hướng chỉ đạo điều hành của Chính phủ hiện nay, Tổ Tư vấn nhận định kinh tế cả năm sẽ đạt tăng trưởng dương”,

TS. Nguyễn Đức Kiên

Cụ thể, việc gia hạn các chính sách đã và đang thực hiện được đề xuất kéo dài đến hết tháng 12/2020. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch tiếp tục phức tạp, có thể nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài một số chính sách sang năm 2021.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục gia hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân hộ gia đình, cá nhân kinh doanh và tiền thuê đất đến hết năm 2020.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng cần gia hạn thời gian thực hiện các chính sách về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng tại Thông tư số 01 của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, kéo dài thời gian hỗ trợ đối với khách hàng phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến hết 31/12/2020 và sửa đổi Thông tư theo hướng giúp các doanh nghiệp gặp khó khăn dễ dàng tiếp cận được chính sách.

Bên cạnh đó, Bộ đề xuất cần có thêm các hình thức như phiếu chiết khấu, phiếu mua hàng hoặc Chính phủ mua hàng phân phối cho người dân chịu ảnh hưởng bởi việc giãn cách xã hội, hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng đang nhận bảo trợ xã hội để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người dân hoặc mở rộng đối tượng là toàn bộ người dân căn cứ và diễn biến dịch bệnh để kích cầu tiêu dùng nội địa.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top