Aa

Gốm Việt bên sông Hồng

Thứ Tư, 18/03/2020 - 06:30

Một ngày đi dọc bờ sông Hồng, không chỉ có dòng sông, bến nước, chợ gốm mà bạn còn có thể tìm lại những mảnh gốm men rạn, bếp lò cũ, đình cũ… Những mảnh vỡ như biết nói chuyện ký ức và độc thoại với chính người xem.

Bạn hãy sang sông, bên này bờ, làng Bát Tràng chỉ cách con sông nhỏ Bắc Hưng Hải là tới làng gốm Kim Lan. Nơi đây, làng nghề cổ có riêng một bảo tàng gốm, có mô hình tái dựng những chiếc lò gốm thủ công xa xưa, với những ngôi nhà một tầng cũ kỹ, với những chum chóe, mảnh vỡ của gốm biết nói về quá khứ, dù chỉ một cái bếp lò được xác định từ thời Lý (1009 - 1225), mấy viên ngói ta không phủ rêu, một bát chiết yêu mấy mảnh ngói vỡ… 

Trong bảo tàng ký ức gốm, gốm đánh thức người xem ngoảnh lại làng Kim Lan xưa, đó là nơi còn lưu giữ, phục chế được những mảnh gốm gạch sớm nhất ghi chú từ thế kỷ 1 - 2 SCN (sau công nguyên). Ở Kim Lan còn có nhiều cửa hàng gốm phục chế gốm giả cổ, là nơi có những chất liệu gốm có dòng men celadon của bóng dáng cổ xưa.

Xuôi dòng sông Hồng là làng gốm cổ Kim Lan. (Ảnh: HVH)
Lò gốm cổ xưa được tái hiện trong bảo tàng gốm làng Kim Lan. (Ảnh: HVH)
Hình ảnh làng gốm Kim Lan xưa cũng được tái hiện trong bảo tàng. (Ảnh: HVH)

Lần này, dừng chân ở làng gốm cổ Kim Lan, tôi chạnh nhớ đến cái bát đựng nước ở làng cổ Thất Vi, Nội Mông (Mông Cổ); nhớ cái chén xanh xanh vùng cổ kính Dương Sóc, Quảng Tây (Trung Quốc); nhớ cái chóe tinh xảo đựng gạo ở làng Shirakawa-go, bên con sông trắng băng ở Nhật Bản mùa đông buốt giá. Chỉ là một mảnh gốm vỡ, bỗng nhiên đánh thức bao nhiêu nỗi niềm làng cổ ngủ quên trong mỗi ngày qua.

Tôi đã đi ngàn dặm xa, bỗng một ngày bất chợt nhận ra, ngay dưới chân mình bên dòng sông Cái còn có bao nhiêu thứ đẹp đẽ, ẩn khuất mà mình chưa biết để ý, khám phá; bao nhiêu ngôi nhà cổ, làng cổ bên cạnh người, mà chân chưa đi hết. Nhà cổ mang hồn Việt bình dị, xưa, ẩn náu chất nền nã của kinh đô Thăng Long, dễ mấy ai dừng lại thật lâu mà nín thở thú nhận. Ngộ ra mình đã sai, sao không thể bước sớm hơn tới nơi này?

Những mảnh gốm của làng Kim Lan như một dòng chảy vào hồi ức gốm Việt, và bên kia vùng Bắc Hưng Hải là gốm Bát Tràng. Những người đắm say gốm không thể không ghé qua ngôi nhà cổ Thuận An Đường của làng Bát Tràng, nơi cách làng Kim Lan không bao xa. Nhà một tầng còn giữ được hồn cốt men rạn đàn, có đến ngàn năm tuổi. Đến đây nhìn ở góc độ nào cũng xưa và quá vãng, văn hóa gốm chan đầy không gian sống.

Tôi có gặp chủ nhân ngôi nhà cổ Thuận An Đường là nghệ nhân gốm Tô Thanh Sơn. Ông đã dành hết thời gian tuổi thanh xuân của mình chỉ cho đất và gốm. Ông Sơn mê men rạn đàn, men gốm cổ celadon. Ông sáng tạo từ cái chén đến cái bình đựng hoa, cái chân đèn dầu, đến những chum, những chóe. Góc sân có tượng gốm, con cóc đen xù xì, màu men nào cũng từ bàn tay nghệ nhân vỗ về tạo nên. Hình như với mỗi sản phẩm, ông đều dồn hết tình yêu, sự trân trọng vào đất và giữ lại trong ngôi nhà cổ để mời bạn bè thưởng lãm sản phẩm sáng tạo của mình. Chính ông cũng là người làm đồ thờ bằng gốm cho khu Thái Miếu ở tận Lam Kinh, tỉnh Thanh Hóa.

Một góc nhà của nghệ nhân Tô Thanh Sơn tại làng Bát Tràng. (Ảnh: HVH)

Gốm phục chế cổ của nghệ nhân Tô Thanh Sơn. (Ảnh: HVH)

Tranh gốm làng Bát Tràng. (Ảnh: HVH)

Là một nghệ nhân trong bộ tứ danh tiếng của làng Bát Tràng, người có đôi bàn tay vàng, có tâm hồn đẹp, tạo nên những sản phẩm gốm để đời, bên cạnh thú say mê gốm, ông Sơn cũng có một xưởng sản xuất bát đĩa, ấm chén phục vụ cuộc sống tiêu dùng. Để lấy ngắn nuôi ước mơ thì không phải ai cũng làm được. Ngay mỗi ngôi nhà trên phố gốm Bát Tràng luôn luôn được trưng bày những sản phẩm mới nhất. Dòng gốm mà người Nhật, Trung Quốc, Singapore đặt hàng cũng có. Có nhà chuyên sản xuất sản phẩm gốm “gu” kiểu châu Âu, có nhà chuyên sản xuất “gu” kiểu Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng có nhà mang sản phẩm văn hóa vùng miền.

Gốm Bát Tràng thu hút khách du lịch ở nhiều sản phẩm đa dạng. Những con thú trong 12 con giáp được bày ngay cổng nhà, những con thú gốm này khiến nhiều du khách Ấn Độ say mê với việc bày biện gốm ở góc sân, chiếu nghỉ cầu thang, trong ngôi nhà của chính mình. Lữ khách người Phần Lan chỉ dành một ngày để mua sắm gốm và ngồi nặn gốm cũng thích lắm. Bạn nói: “Thật thú vị khi ở Việt Nam được ngồi nặn gốm và xem làm gốm. Thật tuyệt!”.

Nếu không ngồi nặn gốm, bạn ngược sống lên phía Bắc sông Hồng, nơi có đình Chèm cổ kính nhất nước Nam thờ Đức Thánh Chèm, tức Lý Ông Trọng - nhà ngoại giao đầu tiên của Việt Nam. Đình Chèm còn lưu giữ sắc phong từ thời Đồng Khánh, thời Duy Tân, thời Khải Định, nơi có hương án nhà Tiền, phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng. Trong cung cấm nơi đây còn có hai pho tượng đúc bằng gỗ quý thời Lý Thiên Vương và tượng Bạch Tĩnh Cung niên đại 1887. Nếu đến vào những ngày Sóc (ngày mùng 1 Âm lịch) sẽ gặp người làng dâng lễ như một nghi thức của lễ hội.

Không gian cổ xưa tại đình Chèm. (Ảnh: HVH)
Cổng đình Chèm nhìn ra sông Hồng. (Ảnh: HVH)
Nghi lễ của đình Chèm vẫn giữ được nét truyền thống xa xưa. (Ảnh: HVH)

Ở nơi cửa đình còn tái hiện những nghi lễ cổ xưa để bà con nhân dân vừa đi lễ vừa xem hội. Trước mặt đình Chèm là dòng sông Hồng và những khóm tre xanh mướt chạy dài ven đê, tre cũng đứng đón khách muôn phương. Ở chợ Chèm có nhiều đặc sản địa phương như chè kho, giò tai, giò lụa ngon nức tiếng. Bánh dày Quán Gánh cũng có mặt ở đây. Hoa thì bạt ngàn từ phía chợ Đăm chuyển về,  rực rỡ vào buổi sớm mai trên đường về làng Chèm Kẻ Vẽ.

Nơi sông Hồng (Hà Nội), ngược lên có đình cổ làng Chèm, Kẻ Vẽ, xuôi xuống có làng gốm Kim Lan, Bát Tràng, đâu đó vẫn còn rặng tre ngà, trưa lại kẽo kẹt và yếm tre còn xao xác dưới chân. Nơi đây bạn đến rồi sẽ ấn tượng sâu đậm về gốm Việt và nhiều lần muốn quay trở lại.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top