Aa

GS Đặng Hùng Võ: "Tại sao khi đến Nhật Bản, Hàn Quốc, khách Trung Quốc "móc hầu bao" chi rất lớn?"

Thứ Ba, 24/04/2018 - 06:01

Theo giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thay vì cứ phàn nàn, lên án hoặc kỳ thị du khách Trung Quốc thì hãy tìm cách quản lý để phát triển du lịch, dường như chúng ta vẫn còn đang lúng túng với thị trường này.

Theo thông tin từ Tổng cục thống kê, trong tháng 3/2018 lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 1,3 triệu lượt khách, tính chung trong quý I/2018, ước đạt 4,2 triệu lượt khách, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Với tốc độ này thì mục tiêu đạt 16 - 17 triệu lượt khách quốc tế năm 2018 là khả thi. Trong số này, khách đến từ thị trường Trung Quốc vẫn đứng đầu với 1,4 triệu lượt, gấp 1,5 lần so với khách đến từ thị trường Hàn Quốc. Đây là con số kỷ lục và tăng 42,9% so với năm 2017. Tính trung bình cứ 10 người khách quốc tế đến Việt Nam thì có 3 khách là người Trung Quốc. Khách Trung Quốc vào Việt Nam có tác động rất lớn đến ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung như TS. Nguyễn Minh Phong nhận định: “Khách vào Việt Nam, không ngành này thì ngành khác cũng được hưởng lợi”.

Vậy khách Trung Quốc vào Việt Nam tác động thế nào đến lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Reatimes đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

PV: Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam trong năm 2016 có gần 2,7 triệu khách Trung Quốc đến nước ta. Đến năm 2017, khách Trung Quốc tới Việt Nam đạt trên 4 triệu lượt, chiếm khoảng 30% tổng lượng khách quốc tế đến nước ta. Sự “bùng nổ” của lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam trong thời gian qua có tác động gì đến phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, thưa ông? 

GS.TSKH Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng khách Trung Quốc tăng trường mạnh, du lịch nghỉ dưỡng càng hưởng lợi. Khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng thì nhu cầu về nơi lưu trú cũng tăng theo, đó là chất “kích thích” để có thể phát triển nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải có cơ chế quản lý chặt chẽ, kiện toàn tất cả hệ thống và có biện pháp mạnh mẽ để xử lý các bất cập như tình trạng nhiều nhà đầu tư Trung Quốc núp bóng để đầu tư vào các dự án bất động sản Việt Nam, một số hành vi vô ý thức của khách Trung Quốc làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch nghỉ dưỡng văn minh của ta như vứt rác bừa bãi tại các bãi biển, nói to, gây gổ… không biết có phải xuất phát từ phong tục tập quán của người Trung Quốc hay không nhưng người ta nói năng có vẻ hơi to tiếng? Cùng với đó, ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường cũng không được họ chú trọng. Ngoài Quảng Ninh, hiện tại họ còn đến cả Khánh Hòa, Phú Quốc, Kiên Giang, Đà Nẵng. Khách Trung Quốc đến đông như vậy gây nhiều khó khăn trong việc tổ chức hướng dẫn và cung cấp dịch vụ.

Bên cạnh đó, Trung Quốc ở gần Việt Nam cho nên mối quan hệ theo tư duy tiểu ngạch vẫn còn ngự trị, vì không phải chính quy nên sẽ gây bất lợi cho chúng ta, chẳng hạn vấn đề cửa hàng chỉ phục vụ cho người Trung Quốc, giao dịch bằng tiền Trung Quốc qua mạng, hướng dẫn viên chui, xuyên tạc lịch sử Việt Nam… Tất cả những điều đó đều phải được quản lý chặt chẽ, ban hành luật du lịch để chấn chỉnh.

PV: Ông có nhắc đến việc nhiều nhà đầu tư Trung Quốc núp bóng để đầu tư vào các dự án bất động sản, xin ông phân tích rõ hơn vấn đề này? 

GS Đặng Hùng Võ: Xu hướng phổ biến chung của giới nhà giàu, đại gia Trung Quốc hiện nay là đều muốn tìm một cơ sở khác để đầu tư ở nước ngoài. Không chỉ ở Việt Nam, xu hướng này của các nhà đầu tư Trung Quốc diễn ra tại rất nhiều quốc gia trên thế giới. Điều này trước hết xuất phát từ việc người Trung Quốc muốn có nhiều giải pháp trong cuộc sống. Chẳng hạn như sau này khi có một thay đổi phức tạp ở trong nước thì họ có thể dễ dàng ra đi kinh doanh ở nước ngoài.

Nguyên nhân nữa là do người Trung Quốc vốn rất thích kinh doanh. Tất cả những quốc gia có thị trường bất động sản mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài thì họ đều có xu hướng muốn tham gia vào thị trường. Có thể nói máu kinh doanh bất động sản của người Trung Quốc rất mạnh, họ làm mọi cách để thu lợi.

Thêm nữa, thị trường bất động sản du lịch, trong đó phân khúc khách sạn cao cấp và nghỉ dưỡng ngày càng có sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư Trung Quốc.

Ảnh: Công thông tin điện tử TP Móng Cái

Nguồn ảnh: Cổng thông tin điện tử TP. Móng Cái

Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh một vấn đề đáng chú ý của việc người Trung Quốc đầu tư vào bất động sản Việt Nam là yếu tố an ninh quốc phòng. Giống như trước đây họ thuê rừng hàng chục năm, mỗi người thuê một ít, cuối cùng thành cả một cánh rừng rất lớn của người Trung Quốc.

Song, tôi cho rằng, không phải tất cả các dự án đầu tư của nhà đầu tư Trung Quốc đều “có ý gì” về an ninh quốc phòng. Có nhiều nhà đầu tư chính quy thì ta nên trân trọng, còn ta nên có cơ chế xử phạt mạnh với những nhà đầu tư mà không phải nhà đầu tư.

PV: Ông có nhận định gì khi hầu hết các dự án nhà đầu tư Trung Quốc nhắm đến đều nằm ở những vị trí đắc địa gần sân bay, cảng biển...?  
 GS.TSKH Đặng Hùng Võ: Đây là yếu tố nhiều người nói đến, có những câu chuyện rất giật mình ví dụ trước đây đã có câu chuyện thuê rừng, điều này phụ thuộc vào người quản lý ở Việt Nam, trước khi phê duyệt một dự án nào đó thì phải tính trước, chứ không thể đặt ra giả thiết là nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư ở vị trí nhạy cảm, nhạy cảm hay không là do ta duyệt.


Trung Quốc vốn là một nước đã tính toán rất kỹ trong mọi chính sách và trong một xu hướng là đều gắn với chủ trương Trung Quốc lãnh đạo thế giới. Do đó, để lãnh đạo thế giới, họ phải tính được những tầm nhìn rất xa, họ phải chế ngự được những kết nối kinh tế quan trọng trong khu vực. Chẳng hạn như trong chiến lược phát triển về phía Nam của Trung Quốc, họ phải tính toán được. Tôi nghĩ thay vì cứ phàn nàn, lên án hoặc kỳ thị du khách Trung Quốc thì hãy tìm cách quản lý để phát triển du lịch. Đừng nghĩ rằng cứ phải ngăn chặn, như thế là sai lầm mà một du khách đến ta cần phải trân trọng vì sẽ mang lại nguồn lợi cho đất nước ta.

PV: Như ông vừa nhận định, thay vì cứ phàn nàn, lên án hoặc kỳ thị du khách Trung Quốc thì hãy tìm cách quản lý để phát triển du lịch. Nhưng dường như chúng ta còn quá lúng túng trước làn sóng du khách đặc biệt này?

GS.TSKH Đặng Hùng Võ: Mọi du khách luôn được chào đón tại Việt Nam. Đối với ngành du lịch, Trung Quốc là một trong những thị trường quan trọng, chiếm tỉ trọng cao, chúng ta không nên kỳ thị với bất cứ du khách nào. Du lịch không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa các quốc gia.

Làm sao để mỗi khách du lịch Trung Quốc có thể chi trả thật nhiều tiền khi đi du lịch Việt Nam chứ không phải chỉ là tham gia những tour giá rẻ như vừa qua. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy, loại bỏ tư tưởng làm du lịch theo kiểu manh mún, thiếu chuyên nghiệp. 
Tôi cho rằng lượng khách Trung Quốc tăng lên thì tốt, nhưng bất cập ở đâu là do hệ thống quản lý của ta, ta phải kiện toàn, nâng cấp hệ thống, tổ chức, chứ không phải nhìn thấy sự phát triển để lo lắng, suy nghĩ rồi ngăn chặn không cho khách Trung Quốc tới. Đó là quan điểm hoàn toàn sai lầm. Khách Trung Quốc tăng là điều đáng mừng, đáng may mắn và ta nên có những biện pháp để quản lý chặt chẽ và xử lý những bất cập. Ở đâu cũng vậy, khi công cụ quản lý kém thì sẽ phát sinh những vấn đề tiêu cực. Thay vì chỉ đổ lỗi cho du khách thì hãy nâng tầm quản lý và chấn chỉnh tất cả những bất cập của ngành du lịch hiện tại. Dường như chúng ta vẫn còn đang lúng túng với thị trường này.
PV: Vậy, theo ông, thời gian tới ngành du lịch Việt Nam cần ứng xử thế nào để khai thác hiệu quả tiềm năng từ thị trường khách Trung Quốc? 

GS.TSKH Đặng Hùng Võ: Trong thời gian tới, những bất cập trong hoạt động kinh doanh lữ hành, quản lý điểm đến, hướng dẫn viên... cần được chấn chỉnh. Tổng cục Du lịch nên nâng cao năng lực của các công ty du lịch Việt Nam, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch cho du khách nước ngoài, trong đó có thị trường du khách Trung Quốc, đáp ứng được số lượng và chất lượng. Cùng với đó, cần đào tạo lại cán bộ, lựa chọn những cán bộ có đủ năng lực về lĩnh vực du lịch để quản lý, kiến tạo môi trường du lịch bền vững.

Chúng ta phải xem xét lại năng lực, điều hành quản lý làm sao để phát huy được thế mạnh của du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam. Trong đó phải tạo ra sự đồng bộ, phải có những chương trình, phối hợp của các ban ngành để tạo sự bứt phá cho du lịch nghỉ dưỡng. 
Phải chuẩn bị sẵn sàng chiến lược, kế hoạch hành động để đón thị trường Trung Quốc. Chúng ta tìm hiểu xem họ muốn gì, có nhu cầu như thế nào. Làm sao để mỗi khách du lịch Trung Quốc có thể chi trả thật nhiều tiền khi đi du lịch Việt Nam chứ không phải chỉ là tham gia những tour giá rẻ như vừa qua. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy, loại bỏ tư tưởng làm du lịch theo kiểu manh mún, thiếu chuyên nghiệp. Ở nhiều nơi đang xảy ra tình trạng làm ra sản phẩm du lịch không phù hợp để phục vụ các khách hàng mục tiêu tại địa phương đó.

Tại sao khi đến các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước Châu Âu, khách Trung Quốc vẫn “móc” hầu bao chi tiêu rất lớn ở các trung tâm thương mại? Tôi cho rằng, các địa phương cần chọn thế mạnh phù hợp để sản xuất ra những sản phẩm khách du lịch cần. Tức là phải có những đơn vị nghiên cứu nhu cầu của khách Trung Quốc để đưa ra sản phẩm cụ thể. Ở Thái Lan họ làm rất tốt điều này. Họ có các chương trình riêng cho từng đối tượng khách. Ví dụ gần đây họ có chương trình “Du lịch cho người Hồi giáo” rất thành công và ấn tượng. Tôi nghĩ Việt Nam có thể tham khảo cách làm này.

Nếu phát hiện trường hợp nào làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, môi trường du lịch Việt Nam thì kiên quyết thu hồi giấy phép đối với công ty kinh doanh lữ hành quốc tế để làm sao các khách đi, đến Việt Nam được sử dụng dịch vụ theo đúng kinh phí mà họ đã bỏ ra chứ không thể để diễn ra tình trạng mua thêm điểm đến, mua thêm dịch vụ không có trong chương trình Tour, ép khách phải sử dụng rồi từ đó ăn chênh lệch.

Kiện toàn bộ máy quản lý, người quản lý, cách thức quản lý, chọn những người cán bộ giỏi trong lĩnh vực du lịch để quản lý, có như vậy thì du lịch Việt Nam mới phát triển được.

Tiếp nữa là phải tăng cường công tác quản lý thị trường đối với các cửa hàng chuyên phục vụ khách du lịch Trung Quốc. Nếu phát hiện các cửa hàng bán bằng đồng ngoại tệ Trung Quốc thì phải kiên quyết xử lý. Tổng cục Du lịch nên đề nghị với các chính quyền địa phương thành lập lực lượng phản ứng nhanh để giải quyết, xử lý kịp thời những vấn đề vướng mắc trong quá trình phục vụ cho khách du lịch Trung Quốc.

Những trường hợp nào sai phạm thì kiên quyết xử lý ngay để thiết lập môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh đảm bảo văn minh an toàn để phục vụ cho khách du lịch. Ta cần phải có chính sách mạnh tay, đưa vào khung pháp luật thì mới tạo ra được môi trường du lịch hấp dẫn.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
 

Việt Nam hiện nay là một nước có tiềm năng du lịch rất cao với nhiều cảnh quan đẹp tầm cỡ quốc tế. Có thể khẳng định điều này trong hoàn cảnh nước ta có nhiều di sản ăn hóa vật thể và phi vật thể, nhiều di sản tự nhiên có giá trị du lịch cao như vịnh Hạ Long, nhiều hang động đẹp như Phong Nha, Sơn Đoòng, Bích Động,... cùng nhiều di tích lịch sử quan trọng. Bên cạnh đó bản sắc văn hóa Việt cũng như các dân tộc thiểu số cũng có nhiều đặc sắc, trong đó có các sinh hoạt văn hóa truyền thống, văn hóa ẩm thực khá đặc sắc. Về cảnh đẹp, vùng biển miền Trung có nhiều danh thắng nổi tiếng. Đây chính là tiềm năng du lịch sẽ tạo triển vọng lớn để phát triển các bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng gắn với các tuyến du lịch độc đáo. Đặc biệt là có nhiều dự án nghỉ dưỡng, căn hộ khách sạn được đánh giá cao về chất lượng cũng như khả năng sinh lời cao.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top