Aa

GS.TS Hoàng Văn Cường nói thẳng về những điểm “cốt tử” trong dự thảo sửa đổi Luật Đất đai

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Hai, 06/11/2023 - 06:09

GS. Hoàng Văn Cường: "Tại sao lại giới hạn các dự án do Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư mới là các dự án phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng?".

Luật phải có các tiêu chí xác định, tránh sự "sơ cứng" của cán bộ và bộ máy thực thi

Đây là kỳ họp thứ 3 liên tiếp, Quốc hội khóa XV thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự kiến thông qua vào cuối kỳ họp thứ 6 này. Tuy nhiên, trong phiên thảo luận ngày 3/11 vừa qua, vẫn còn tới hơn 100 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu và tranh luận, nhiều nội dung được các đại biểu đề nghị quy định rõ hơn, tránh những “khoảng mờ” gây khó khăn cho cả cán bộ và cơ quan công quyền trong quá trình triển khai thi hành, áp dụng vào thực tế.

Chia sẻ với Reatimes, GS.TS Hoàng Văn Cường (đại biểu đoàn Hà Nội) đánh giá cao cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và nhân dân, đưa ra một bản giải trình trên 400 trang, trong đó nhiều vấn đề nêu 2-3 phương án lựa chọn, nhiều vấn đề còn tiếp tục đề nghị Chính phủ làm rõ. Điều này phản ánh sự làm việc nghiêm túc, cầu thị của cơ quan soạn thảo và thẩm tra, song cũng cho thấy nhiều vấn đề ban soạn thảo cũng còn băn khoăn, thì làm sao các đại biểu Quốc hội có thể yên tâm bấm nút thông qua.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết vì thời gian thảo luận tại nghị trường không đủ nên ông đã gửi các ý kiến tới Quốc hội, trao đổi sâu về vấn đề thu hồi đất hay tự thỏa thuận, mặc dù ban soạn thảo không đưa ra nhiều phương án, nhưng người dân và doanh nghiệp đều quan tâm.

Cụ thể, Điều 79 dự thảo luật trình kỳ họp thứ 5 đã liệt kê 30 khoản thuộc diện thu hồi đất; Dự thảo lần này bổ sung thêm 1 khoản là 31. Mặc dù vậy, ban soạn thảo vẫn thấy chưa yên tâm, vì có thể còn những trường hợp cần thu hồi chưa liệt kê vào luật nên đã bổ sung thêm qui định dự phòng là: trường hợp cần thiết phải thu hồi đất phát sinh nhưng chưa có trong dự thảo luật thì trình Quốc hội sửa đổi luật theo trình tự thủ tục rút gọn.

Đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích: “Rõ ràng rằng, với cách liệt kê như dự thảo hiện nay, chưa ban hành chúng ta đã dự báo trước là thiếu và chắc chắn sẽ thiếu vì trong thời đại 4.0, mọi thứ đang thay đổi hàng ngày, hàng giờ và luôn xuất hiện những vấn đề mới chưa ai có thể lường trước được. Khi đó những trường hợp chưa được liệt kê qui định trong luật lại trở thành một rào pháp lý, phải ngồi chờ Chính phủ trình sang Quốc hội xin sửa luật. Sửa hôm nay xong, ngày mai phát sinh cái mới lại phải xin sửa tiếp. Vì vậy, tôi đề nghị luật không nên qui định theo kiểu liệt kê mà phải đưa ra các tiêu tiêu chí xác định để trên cơ sở đó công tác thực thi pháp luật sẽ lựa chọn áp dụng.

Khi đã thống nhất các tiêu chí lựa chọn, thì sẽ khác phục được 3 vấn đề: Một là không sợ thiếu các trường hợp như liệt kê hiện nay; Hai là không tranh luận tại sao trường hợp này thu hồi trường hợp kia không thu hồi; Ba là sẽ luôn thích ứng với điều kiện phát triển của mỗi địa phương, kịp thời vận dụng khi phát sinh các trường hợp mới, phát huy vai trò năng động, sáng tạo của cơ quan thực thi pháp luật, không biến cán bộ và bộ máy thực thi pháp luật trở lên sơ cứng, máy móc thậm chí buộc phải vô cảm như hiện nay”.

Đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá, điều đáng mừng là trong dự thảo đã đưa ra một tiêu chí để xác định ác dự án thu hồi đất là các dự án thực hiện các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh mà được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuạn, quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời cũng đặt vấn đề: Tại sao lại giới hạn các dự án do Quốc hội và Thủ tướng chính phủ chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư mới là các dự án phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng?

“Tôi cho rằng, tất cả các dự án thực hiện các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh đều là các dự án phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vì mục đích chung của quốc gia, công cộng. Việc qui định dự án đó do Quốc hội hay Thủ tướng Chính phủ quyết định hay các cơ quan có thẩm quyền của bộ, ngành, địa phương quyết định là dựa vào phân loại theo nhóm dự án nhóm A, B, C theo tiêu chí Vốn và Lĩnh vực đầu tư, không phải các dự án thuộc cấp bộ, tỉnh phê duyệt là dự án không vì lợi ích quốc gia, công cộng”, ông Cường lập luận.

luật đất đai sửa đổi
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục dành thời gian thảo luận và thận trọng xem xét khi thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn 

Đảm bảo quyền lợi của người dân thuộc diện phải thu hồi đất

Nghị quyết 18 đã đề ra yêu cầu rất nhân văn là khi nhà nước thu hồi đất, chính sách bồi thường không chỉ trả tiền cho người có đất bị thu hồi là đủ, mà phải có các chính sách hỗ trợ, tái định cư, đảm bảo cho người dân có chỗ ở và sinh kế bằng hoặc tốt hơn nơi cũ. 

Đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích: “Nếu thu hồi đất làm người dân phải di dời chỗ ở thì điạ điểm nơi tái định cư phải lựa chọn gần nhất với nơi phải di dời để người phải di dời nơi ở nhưng không bị thay đổi nhiều về các yếu tố xã hội. Khi quy hoạch và xây dựng phương án thu hồi đất phải tính đến mặt bằng để tái định cư cho người dân tại chỗ. Nếu không thể tái định cư tại chỗ thì phải dành mặt bằng xây dựng nhà ở có điều kiện thuận lợi nhất dành cho dự án xây dựng khu tái định cư. Tránh tình trạng các địa phương thường dành mặt bằng có vị trí thuận lợi nhất cho đấu giá thu tiền, mặt bằng cho tái định cư thường có vị trí kém thuận lợi. 

Nếu phải xây dựng một khu tái định cư ở khu vực nông thôn thì tiêu chuẩn đầu tư hạ tầng cho khu tái định cư phải theo tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới nâng cao và tiêu chuẩn của hạ tầng khu dân cư đô thị cao hơn cấp độ đô thị nơi người dân phải di dời. Nếu chỗ ở bị thu hồi có giá trị thấp hơn giá chỗ ở tiêu chuẩn nơi tái định cư, thì người dân được nhận chỗ ở mới tốt hơn nhưng không phải bù thêm tiền. 

Khi thu hồi đất, người dân mất việc làm thì chính sách bồi thường phải hỗ trợ để có việc làm mới, có thu nhập tương đương hoặc cao hơn thu nhập từ đất bị thu hồi. Nếu thu hồi đất nông nghiệp để phát triển công nghiệp hay đô thị, chính sách bồi thường phải hướng đến các đối tượng có thể chuyển đổi nghề nghiệp để hỗ trợ đào tạo nghề để tạo việc làm mới trong khu công nghiệp hoặc làm các công việc dịch vụ đô thị. 

Trong quy hoạch và xây dựng phương án thu hồi đất phải quy hoạch diện tích đất dịch vụ để để xây nhà cho thuê hoặc làm nơi bán hàng, kinh doanh dịch vụ để người bị mất đất có việc làm và thu nhập. Đối với người đã quá tuổi lao động, không thể chuyển đổi nghề nghiệp, chính sách bồi thường phải hình thành quĩ bằng tiền đóng vào quĩ bảo hiểm để được nhận tiền hàng tháng không thấp hơn thu nhập từ đất bị thu hồi. 

Nếu chính sách bồi thường tái định cư khi thu hồi đất làm được như thế, thì người dân bị thu hồi đất sẽ có cuộc sống ổn định và tốt hơn so với người chỉ nhận được cục tiền khi thỏa thuận, mà thực chất là bán đất cho doanh nghiệp, khi tiêu hết tiền, nhiều gia đình đã rơi vào khủng hoảng, để lại nhiều hệ lụy xã hội”. 

Vị đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh, cần phải luật hoá tất cả những yêu cầu này trong chính sách bồi thường cho người dân bị thu hồi đất để xây dựng công trình giao thông, an ninh quốc phòng hay phát triển kinh tế đều phải được hưởng quyền lợi như nhau. Chúng ta không thể để người dân phải thu hồi đất vì lợi ích quốc gia công cộng lại bị thiệt thòi hơn người dân tự thỏa thuận giao đất cho doanh nghiệp. 

Ngược lại, để người dân và doanh nghiệp tự thỏa thuận, thực chất là người dân bán đất cho nhà đầu tư chỉ nhận tiền, không có phương án, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tao việc làm sau khi mất đất. Khi tiêu hết tiền không có việc làm, không có sinh kế thì những hậu quả xã hội nảy sinh, gây ra những tranh chấp mâu thuẫn trong gia đình, bất ổn trong xã hội.

“Tôi rất tâm đắc với phát biểu của Bộ trưởng Lê Minh Hoan là "Chừng nào thu hồi đất còn tư duy mua bán thì còn thất bại". Bên cạnh đó, không phải người dân nào cũng có đủ năng lực để đàm phán, thoả thuận với nhà đầu tư, nên dễ bị nhóm người thông đồng với nhà đầu tư dẫn dắt theo hướng bất lợi.

Đất thu hồi, giao cho nhà đầu tư đều phải thông qua đấu giá, hoặc đấu thầu để lựa chọn người người sử dụng đất có hiệu quả nhất. Giá trị tăng lên do chuyển mục đích sử dụng đất từ đất (ví dụ thu hồi đất nông nghiệp để phát triển đô thị) sẽ được phản ánh trong giá trúng đấu giá hoặc đấu thầu. Nhà nước sẽ thu được giá trị địa tô tăng lên. Đó là nguồn lực để bồi thường thoả đáng cho người có đất bị thu hồi, kể cả những dự án thu hồi đất cho mục đích quốc phòng, an ninh và giao thông công cộng. Trong khi, nếu để người dân và doanh nghiệp tự thỏa thuận là giá đất nông nghiệp, sau khi đã thỏa thuận thu gom xong, nhà đầu tư chuyển đổi mục đích thành đất ở thì phần lớn giá trị địa tô do thay đổi mục đích sử dụng đất rơi vào túi cá nhân.

Như vậy, Nhà nước thu hồi đất và thực hiện bồi thường, tái định cư sẽ thực hiện đúng yêu cầu của Nghị quyết 18 là người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ và đảm bảo hài hoà lợi ích giữa nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư”, ông Cường bày tỏ.

Với những phân tích như trên, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội theo đúng quy hoạch sử dụng đất thì Nhà nước thu hồi đất, có sự tham gia của người dân vào xây dựng phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư thoả đáng, với sự đồng thuận của đa số người dân sẽ mang lại lợi ích ổn định lâu dài cho người dân và mang lại tác động xã hội tốt hơn việc để cho người dân và doanh nghiệp tự thoả thuận.

Vì vậy, đại biểu đề nghị, các dự án đầu tư thực hiện quy hoạch, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt chủ trương hoặc chấp thuận đầu tư đều là dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Cơ quan có thẩm quyền của nhà nước với sự tham gia của người dân xây dựng phương án thu hồi, bồi thường, tái định cư. Khi có đại đa số người dân (đại đa số được hiểu là có trên 75% người dân và người có trên 75% diện tích đất thu hồi) đồng tình thì nhà nước ra quyết định thu hồi. Sau khi có quyết định thu hồi, đất đã được giải phóng mặt bằng và quy hoạch hạ tầng sẽ thực hiện đấu giá để chọn người sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top