Aa

Đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét thận trọng khi thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Sáu, 03/11/2023 - 13:19

Trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 3/11, nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục nêu ra những nội dung quan trọng cần được làm rõ và đề nghị cân nhắc thận trọng trước khi thông qua luật.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh (đoàn TP. Đà Nẵng) cho biết: “Tôi nhận thấy dự thảo luật lần này đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tại các kỳ họp trước. Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo luật trình tại kỳ họp lần này, tôi thấy còn nhiều nội dung nhiều phương án khác nhau chưa thống nhất như trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh đề nghị Quốc hội cần thận trọng xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thông qua dự án luật này và nêu một số điểm đáng chú ý:

Thứ nhất, Luật Đất đai là luật rất quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước. Tôi đề nghị cần khẳng định hiệu lực pháp lý cao hơn của Luật Đất đai và xem xét bổ sung một điều về áp dụng pháp luật như bản dự thảo lấy ý kiến nhân dân lần trước.

Theo Báo cáo kết quả rà soát thực hiện Nghị quyết 101 của Quốc hội, lĩnh vực đất đai phát hiện có 61 nội dung bất cập, vướng mắc. Việc bổ sung thêm một điều áp dụng pháp luật tại Luật Đất đai chính là giải pháp để giải quyết các xung đột pháp luật, vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất đai do lịch sử để lại và từ yêu cầu mới của thực tiễn. Khoản 2, khoản 3 của Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có quy định cụ thể, song trên thực tế vẫn còn có những cách hiểu khác nhau và cách áp dụng khác nhau. Tại kỳ họp lần này, dự kiến sẽ thông qua 3 luật là Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản và liệu rằng đã rà soát hết được các xung đột, mâu thuẫn hay chưa? Trong báo cáo đầy đủ số 678 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có giải trình, song tôi nhận thấy chưa thật sự thuyết phục.

Thứ hai, về quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh quy định tại khoản 5 Điều 65 của dự thảo: "Thành phố trực thuộc Trung ương không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà căn cứ vào quy hoạch đô thị để lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh". Tuy nhiên, hiện nay các thành phố trực thuộc Trung ương vẫn có đơn vị hành chính là cấp huyện, xã và các đơn vị hành chính này không thuộc đối tượng quy hoạch đô thị quy định ở khoản 1 Điều 18 Luật Quy hoạch đô thị.

Vì vậy, nếu không lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh sẽ không có căn cứ để lập quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất ở cấp huyện và xã. Do đó, đề nghị sửa đổi Điều 18 của Luật Quy hoạch đô thị cho thống nhất với Luật Đất đai và bổ sung quy định về lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, cấp xã trong quy hoạch đô thị ở những thành phố trực thuộc Trung ương.

nguyễn duy minh
ĐBQH Nguyễn Duy Minh (đoàn TP. Đà Nẵng). Ảnh: quochoi.vn

Thứ ba, về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 92. Thực tế hiện nay, việc thực hiện xây dựng các dự án, các công trình giao thông các mức, nhất là cầu vượt và hầm chui gây ảnh hưởng rất lớn đến nhà ở và hoạt động kinh doanh, cuộc sống của người dân tại các khu vực này. Tuy nhiên, việc xác định mức độ ảnh hưởng, giá trị thiệt hại và việc hỗ trợ đền bù cụ thể chưa có cơ sở pháp lý để có chính sách hỗ trợ đền bù, dẫn đến các trường hợp khiếu nại, khiếu kiện về đất đai kéo dài. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định bồi thường đối với trường hợp không thuộc diện thu hồi đất nhưng bị ảnh hưởng giảm giá trị sử dụng đất khi đầu tư xây dựng công trình dự án theo Điều 78 và Điều 79. Đồng thời, đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết điều này để làm cơ sở cho các địa phương thực hiện.

Thứ tư, về giao đất, cho thuê đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Theo mục 2.2 phần 4, Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII có chủ trương: "Cơ bản thực hiện hình thức thuê đất trả tiền hàng năm và quy định cụ thể các trường hợp trả tiền một lần phù hợp với tính chất sử dụng, mục đích sử dụng, đảm bảo nguồn thu ổn định, tránh thất thoát cho ngân sách nhà nước". Tuy nhiên, tại khoản 2 và khoản 3 của Điều 121 dự thảo tiếp cận quy định theo loại đất trả tiền hàng năm hay một lần chứ chưa tiếp cận theo tính chất và mục đích sử dụng đất. Thực tế, tại các địa phương sẽ có phát sinh trường hợp cần huy động nguồn thu nhằm bổ sung nguồn vốn đầu tư công có thể quyết định thu tiền sử dụng đất một lần.

Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư có nhu cầu được trả tiền thuê đất một lần để ổn định trong đầu tư, khai thác, sản xuất kinh doanh, nhất là trong việc thu hút các nhà đầu tư. Vì nếu nộp tiền thuê đất một lần các nhà đầu tư mới có cơ sở để huy động các nguồn lực và đầu tư cho các dự án.

Mặt khác, khoản 2 Điều 121 dự thảo quy định về các trường hợp nộp tiền sử dụng đất một lần là các trường hợp đầu tư ít sinh lời, chậm thu hồi vốn như đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối, nhà lưu trú công nhân là chưa hợp lý, gây khó khăn cho nông dân và nhà đầu tư.

“Vì vậy, đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hàng năm và quy định cụ thể các trường hợp trả tiền một lần phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng đất, đảm bảo nguồn thu ổn định, tránh thất thoát ngân sách nhà nước theo các tiêu chí cụ thể và giao quyền quyết định thu tiền đất một lần cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhằm tăng tính chủ động, linh hoạt, kịp thời trong giải quyết các trường hợp cụ thể, đặc biệt đối với các dự án thu hút đầu tư”, ông Minh nêu quan điểm.

đỗ thị việt hà
ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang). Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) cho ý kiến về nguyên tắc lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất các cấp tại khoản 9 Điều 60 và quy định về cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa tại khoản 7 Điều 45, đồng thời nêu rõ: “Theo dõi quá trình xây dựng dự thảo luật được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, kỳ họp thứ 5 và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 này, rua nghiên cứu Báo cáo số 589 của Chính phủ về một số nội dung đối với dự thảo luật, báo cáo số 678 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật, dài 413 trang. Qua nghiên cứu dự thảo luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này cho thấy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu cơ bản tối đa. Có giải trình, ý kiến của các đại biểu Quốc hội, nhất là đã nêu được rõ nhiều vấn đề và cũng giải trình được nhiều vấn đề mà các đại biểu đã nêu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật trình tại kỳ họp này.

Với tính chất của Luật Đất đai có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khó, phức tạp, tác động lớn đến đời sống nhân dân và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Nội dung của Luật Đất đai có liên quan chặt chẽ đến nhiều luật khác, nhất là các luật đang trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Do vậy, tôi cho rằng dự thảo luật cần được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, thận trọng, đảm bảo chất lượng tốt nhất. Song cũng rất cần phải được xem xét thông qua kịp thời để đảm bảo hoàn thiện thể chế pháp luật về đất đai cũng như các lĩnh vực có liên quan và nhất là đáp ứng được yêu cầu rất cấp thiết của thực tiễn”.

ma thị thúy
ĐBQH Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang). Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) sau khi cho ý kiến vào Điều 28 (về nhận quyền sử dụng đất), Điều 34 (về quyền và nghĩa vụ nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê, trả tiền hàng năm), Khoản 7 Điều 45 (về quy định điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng, cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất), Điều 215 (về đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng, cơ sở lưu trữ tro cốt), cũng bày tỏ: “Đề nghị Ban soạn thảo, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Đất đai hiện nay mặc dù cũng đã hết sức khẩn trương và quyết liệt hoàn thiện nhưng do đây là dự án luật hết sức quan trọng, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau, thiết kế 2 phương án hoặc 3 phương án và luật cũng có ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của hầu hết cá nhân, tổ chức trong xã hội, công tác quản lý nhà nước từ Trung ương đến cơ sở và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, tôi đề nghị Quốc hội cân nhắc cần dành thêm thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật một cách thấu đáo và hiệu quả nhất”.

đại biểu quốc hội nguyễn trường giang
ĐBQH Nguyễn Trường Giang tranh luận trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) trong phần tranh luận cũng nêu rõ: “Liên quan đến thời điểm thông qua luật. Cũng có một số đại biểu cho rằng đây rất cấp bách, tôi cho rằng đúng. Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo luật và báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến nhận định của Ban Thường vụ Quốc hội “Theo đó, cho đến nay nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu. Trong quá trình rà soát, tiếp tục phát sinh các vấn đề chính sách mới còn ý kiến khác nhau do phạm vi của Luật Đất đai rất quan trọng, liên quan mật thiết chặt chẽ với nhiều quy định tại các luật khác”. Với nhận định như thế này và với dự thảo luật rất nhiều phương án trình ra Quốc hội, rất nhiều đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu, tôi cho rằng cần phải rất thận trọng. Nếu như chúng ta sửa đổi không nghiên cứu một cách thấu đáo sẽ dẫn đến những vướng mắc khác sau khi luật có hiệu lực”.

Cũng trong phiên thảo luận sáng nay, nhiều đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến vào nhiều nhóm vấn đề khác nhau, trong đó có vấn đề nội dung về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đảm bảo phù hợp; Quy định thu hồi đất; Phương pháp thặng dư khi thu hồi đất; Làm rõ các trường hợp thu hồi đất; Mở rộng đối tượng cho thuê đất không qua đấu giá; Tái định cư khi thu hồi đất; Hoàn thiện quy định về trường hợp thực hiện quyền sử dụng đất có điều kiện… Với một loạt những vấn đề cần tiếp tục được thảo luận, làm rõ hơn, do đó nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị thận trọng xem xét khi thông qua dự án luật.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top