Thế nhưng, quyết định này lại khiến các ngân hàng nhỏ phải tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài để bù đắp cho nguồn tiền gửi ngắn hạn bị các ngân hàng có uy tín hút mất.
Điều kiện thuận lợi để giảm lãi suất huy động
NHNN vừa có quyết định hạ trần lãi suất huy động đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, từ mức 5,5% xuống còn 5%/năm, kỳ hạn dưới 1 tháng và không kỳ hạn từ 1% xuống 0,8%/năm kể từ ngày 19/11/2019. Đây là lần đầu tiên lãi suất huy động được điều chỉnh giảm sau khi duy trì sự ổn định từ tháng 3/2014 đến nay.
Việc hạ trần lãi suất huy động được kỳ vọng là một trong những giải pháp để các ngân hàng thương mại có điều kiện hạ mặt bằng lãi suất cho vay. Đây cũng được xem là một động thái nhằm nới lỏng chính sách tiền tệ của NHNN. Quyết định này được xem là phù hợp với xu hướng chung mà ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đang thực hiện nhằm giữ cho nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng.
Đi đầu trong xu hướng đảo ngược chính sách tiền tệ là Mỹ. Trong năm 2018, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã có tới bốn lần tăng lãi suất để thu hẹp cung tiền nhằm tránh cho nền kinh tế tăng trưởng quá nóng và có thể dẫn tới bong bóng giá trị của các loại tài sản như bất động sản hay chứng khoán. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy một năm sau, tháng 7/2019 Fed đã có lần cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008 - 2009. Và gần đây nhất, Fed đã thực hiện lần cắt giảm thứ ba trong năm 2019.
Động thái của Fed được xem là “ngọn đuốc” châm ngòi cho chính sách nới lỏng tiền tệ trên phạm vi toàn cầu nhằm tăng cung tiền và hạ thấp giá trị của đồng nội tệ để kích thích xuất khẩu. Do vậy, quyết định của NHNN là hoàn toàn phù hợp với diễn biến chung của thị trường tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, đây mới chỉ được xem là điều kiện cần. Điều kiện đủ là các yếu tố nội tại của nền kinh tế trong nước. Theo đó, lạm phát bình quân trong 10 tháng của năm 2019 hiện chỉ ở mức 2,48% và dự kiến sẽ chỉ vào khoảng 3% cho cả năm 2019, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4% mà Quốc hội giao cho Chính phủ thực hiện. Trong năm 2020, Quốc hội tiếp tục đề ra mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân cả năm ở mức 4%, tương đương với con số của năm 2019. Chính vì vậy việc trần lãi suất huy động được giảm xuống mức 5% vẫn đủ để đảm bảo mức lãi suất thực dương của người gửi tiền tiết kiệm. Do đó, quyết định hạ trần lãi suất huy động của NHNN là hoàn toàn phù hợp với cả diễn biến trong nước và quốc tế.
Nhưng ngân hàng nhỏ lại lo lắng
Các ngân hàng có quy mô nhỏ, tổng tài sản dưới 100.000 tỷ đồng và hiện chiếm đa số trong tổng số 35 ngân hàng thương mại, thì đã bất ngờ tăng lãi suất huy động đối với các khoản tiền gửi trên sáu tháng.
Ngay sau quyết định của NHNN, các ngân hàng lập tức phải điều chỉnh bảng lãi suất huy động của mình. Mặc dù vậy, quyết định này của NHNN đã buộc các ngân hàng phải có những điều chỉnh về mặt chiến lược trong việc huy động vốn.
Bên cạnh các khoản tiền gửi kỳ hạn dưới sáu tháng có lãi suất huy động tối đa chỉ còn 5%/năm theo quy định, các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên lãi suất đang có những khác biệt đáng kể giữa các nhóm ngân hàng.
Đối với nhóm dư thừa thanh khoản, gồm các ngân hàng gốc quốc doanh và một số ngân hàng thương mại lớn, lãi suất huy động giảm đối với cả những khoản tiền gửi kỳ hạn trên 6 tháng, mặc dù mức giảm là không đồng đều giữa các kỳ hạn.
Các ngân hàng có thanh khoản ở mức vừa phải, gồm các ngân hàng có quy mô vừa, thì giữ nguyên lãi suất huy động ở các kỳ hạn trên 6 tháng như trước khi có quyết định của NHNN.
Trong khi đó, các ngân hàng có quy mô nhỏ, tổng tài sản dưới 100.000 tỷ đồng và hiện chiếm đa số trong tổng số 35 ngân hàng thương mại, đã bất ngờ tăng lãi suất huy động đối với các khoản tiền gửi trên 6 tháng, mặc dù mức độ tăng giữa các kỳ hạn và giữa các ngân hàng là có sự khác nhau.
Tại sao lại có sự khác nhau như vậy? Việc lãi suất là như nhau giữa các ngân hàng đối với các khoản tiền gửi dưới 6 tháng sẽ khiến cho người gửi tiền có xu hướng chọn các ngân hàng có uy tín hơn. Do vậy, huy động của các ngân hàng nhỏ, uy tín thấp có thể sẽ sụt giảm. Sự dịch chuyển này là hoàn toàn dễ hiểu bởi các khoản tiền gửi dưới 6 tháng hiện vẫn chiếm tỷ trọng khoảng 30 - 40% trong cơ cấu tiền gửi của các ngân hàng. Do vậy, để bù đắp cho sự sụt giảm này, các ngân hàng nhỏ phải tăng lãi suất ở các kỳ hạn trên 6 tháng nhằm thu hút người gửi tiền dịch chuyển từ các ngân hàng lớn hơn.
Coi chừng tác dụng ngược
Diễn biến trên, nếu xảy ra ở một mức độ đủ lớn và trong một thời gian dài, thì ngay cả các ngân hàng lớn hơn, mặc dù dư thừa thanh khoản, cũng sẽ phải điều chỉnh tăng lãi suất huy động nhằm giữ thị phần của mình.
Như vậy, trong khi lãi suất các kỳ hạn ngắn giảm thì lãi suất các kỳ hạn dài lại có thể có xu hướng tăng lên. Quá trình này, nếu duy trì trong một thời gian dài, sẽ khiến cho tổng chi phí huy động của các ngân hàng tăng lên. Nguyên nhân là do nhu cầu gửi tiền của khách hàng hiện nay đang ngày càng có xu hướng dịch chuyển từ ngắn hạn sang dài hạn hơn. Trước đây các khoản tiền gửi dưới sáu tháng thường chiếm tới 60 - 70%, nhưng hiện nay ước tính chỉ còn khoảng 30 - 40%.
Để giữ cho mặt bằng lãi suất không tăng ngược trở lại như phân tích ở trên thì buộc NHNN phải có thêm các giải pháp nhằm giữ cho thanh khoản của toàn hệ thống luôn trong trạng thái dư thừa. Khi đó, mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng sẽ duy trì ở mức thấp để tránh gây áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường 1 (thị trường giữa ngân hàng và cư dân, tổ chức kinh tế). Việc NHNN kéo dài thời gian áp dụng Basel 2 từ năm 2020 sang năm 2023, như quy định mới đây tại Thông tư số 22/2019 thay thế cho Thông tư số 36/2014, cũng được xem là một giải pháp để tránh việc các ngân hàng nhỏ phải chạy đua huy động nguồn vốn cấp 2 như đã từng diễn ra trong năm 2019. Bên cạnh đó, NHNN cũng có thể tính tới việc có thêm các lần hạ các loại lãi suất điều hành chủ chốt hiện nay như lãi suất trên thị trường mở (OMO), lãi suất phát hành tín phiếu... Có như vậy thì các doanh nghiệp mới có cơ hội tiếp cận được với nguồn vốn giá rẻ hơn.