Khi nội đô Hà Nội ngày càng trở nên chật chội, quỹ đất sạch ngày càng khan hiếm thì ngoại ô nhanh chóng trở thành điểm đến mới của các nhà phát triển bất động sản. Rất nhiều dự án biệt thự, nhà liền kề bắt đầu "sinh sôi nảy nở" trên các khu đất trước đó chỉ toàn hoang vắng.
Có thể điểm mặt kể tên các dự án nhà biệt thự, liền kề như Văn Quán Riverside, The Mansions, An Vượng Villas, An Khang Villa, An Phú Shop Villa ở Hà Đông; Lâm Viên Villas,… ở Gia Lâm, The Eden Rose ở Thanh Trì.
Huyện Hoài Đức còn được giới môi giới ví như là “thiên đường” của nhà biệt thự, liền kề khi hàng loạt các dự án mọc lên như nấm sau mưa như An Thịnh I, Kim Chung – Di Trạch, Bảo Sơn, Geleximco, Nam An Khánh… Ngay trên con đường Lê Trọng Tấn (Hoài Đức, Hà Nội) đã có tới 4 dự án nhà biệt thự, liền kề.
Ông Đỗ Tuấn Cường, nguyên Giám đốc Sàn giao dịch BĐS Atlantich cho biết: "Một số dự án biệt thự, nhà liền kề được xây dựng vào đúng thời điểm thị trường bất động sản đóng băng. Đến thời điểm thị trường phục hồi, từ năm 2015, các dự án này bắt đầu được xây dựng lại và rất nhiều dự án mới tiếp tục xuất hiện".
Ông Cường cũng cho biết thêm: “Việc dịch chuyển ra ngoại thành của các nhà đầu tư là quy luật tất yếu. Nhưng thời gian gần đây, quá nhiều dự án biệt thự nhà liền kề xuất hiện đẩy lượng cung mạnh hơn nhu cầu thực tế”.
Đánh giá về lượng giao dịch trên thị trường thứ cấp đối với phân khúc nhà biệt thự, liền kề ven đô, ông La Văn Lăng, Giám đốc Công ty CP Vietfor Land cho hay, một năm trở lại đây, nhà đầu tư thứ cấp không mặn mà với các dự án thuộc phân khúc này.
Theo ông Lăng phân tích, “Tùy thuộc vào các dự án mà nhà đầu tư thứ cấp đánh giá tỷ suất lợi nhuận khác nhau. Ở những dự án nằm ở trục đường chính, giao thông thuận lợi như dự án nhà biệt thự, liền kề ở khu vực Xuân Phương (Nam Từ Liêm), giá nhà liền kề tăng đột biến, khoảng 65 triệu đồng/m2. Tỷ suất lợi nhuận đạt tới 25 - 50%. Hoặc tương tự dự án thuộc quận Thanh Trì, tỷ suất lợi nhuận dao động từ 10 - 15%. Tuy nhiên, đây là những dự án may mắn vì nằm ở vị trí thuận lợi, đúng thời điểm các con đường đang xây dựng được hoàn thành, nhu cầu mua của dân lớn.
Trong khi đó, một số dự án nhà biệt thự, liền kề không hút người mua. Tính thanh khoản rất chậm, tỷ suất lợi nhuận chỉ đạt 1 - 2%. Thời gian thanh khoản kéo dài, trung bình 1 - 2 năm”.
Một số dự án nhà biệt thự, liền kề không hút người mua. Tính thanh khoản rất chậm, tỷ suất lợi nhuận chỉ đạt 1-2%. Thời gian thanh khoản kéo dài, trung bình 1-2 năm.
Ông La Văn Lăng, Giám đốc Công ty CP Vietfor Land.
Lý giải về sự chững lại của những dự án nhà biệt thự, liền kề, ông Lăng khẳng định, quá nhiều dự án mọc lên mà sức mua của người dân vẫn còn thấp. “Dù nhu cầu của người dân hướng đến nhà mặt đất vẫn rất cao nhưng giá của nhà biệt thự và liền kề chưa phù hợp với tài chính của nhiều người dân. Bên cạnh đó, một số dự án chưa đáp ứng được đầy đủ cơ sở hạ tầng như thiếu trường học, thiếu trung tâm thương mại”.
Cùng nhận định với ông Lăng, ông Đỗ Tuấn Cường cho rằng, giá nhà biệt thự, liền kề vẫn còn vượt sức thanh toán của người dân. “Khách hàng tiêu thụ chủ yếu là người có tiền, nhu cầu ở thực sự. Đối với nhà đầu tư thứ cấp, phân khúc nhà biệt thự, liền kề giá cao, khả năng thanh khoản thấp. Trong khi đó, tình trạng “bội thực” dự án khiến nhà đầu tư lo lắng về khả năng tiêu thụ cũng như tỷ suất sinh lời.
Khi những tòa chung cư giá rẻ được xây dựng xen kẽ, hoặc xuất hiện các tiện tích như trường học, đường, trung tâm thương mại thì sức tiêu thụ tại các dự án này mới bắt đầu được đẩy nhanh. Thực tế trước đây, dân đầu tư và môi giới gọi con đường Lê Trọng Tấn là khu đất ma bởi nhà rất nhiều nhưng người ở thì không. Nhưng thực tế, số lượng dự án được nhà đầu tư thứ cấp quan tâm còn rất ít”, ông Cường chia sẻ.