Aa

Hà Nội: Cảnh báo môi giới nhà trọ lừa đảo tân sinh viên

Thứ Sáu, 30/08/2019 - 16:04

Các đối tượng tranh thủ kiếm ăn bằng chiêu thức cho thuê nhà rồi lừa đảo thu phí và “mang con bỏ chợ”các sinh viên ngoại tỉnh hay những người không có kinh nghiệm.

Ngon ngọt lừa đặt cọc…

Thuê nhà trọ là vấn đề nan giải đối những người ở tỉnh lẻ đổ về Hà Nội làm việc và học tập. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng xấu đã thực hiện các hành vi lừa đảo thu tiền đặt cọc rồi dẫn khách tới những nhà không ưng ý, sau đó dọa người đến thuê nhà khi họ muốn lấy lại tiền.

Chia sẻ với PV, N.M.Đ. - tân sinh viên trường đại học Bách khoa cho biết, trong quá trình đi tìm nhà trọ, em thấy tờ rơi dán khắp khu vực các cổng trường Đại học Bách Khoa, Kinh tế quốc dân, Xây dựng thông báo có phòng trọ cho thuê giá từ 1 triệu đồng tới 5 triệu đồng và số điện thoại liên hệ.

Căn nhà trong một con ngõ ở phố Lê Thanh Nghị, quận Hoàng Mai, Hà Nội dán tờ khắp nơi thông báo có nhiều phòng cho thuê với các mức giá khác nhau 

Sau khi gọi điện hỏi thăm, Đ. được hướng dẫn tới gặp chủ nhà cho thuê trọ tại số 6, ngõ 224, phố Lê Thanh Nghị, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Chủ cho thuê tiếp đón khá đon đả và giới thiệu mình tên là Tô Thị Nguyệt, quê Thanh Hóa và đang sở hữu rất nhiều phòng trọ từ phòng trống tới đầy đủ đồ đạc với giá giao động 1- 5 triệu đồng, thoải mái cho mọi người lựa chọn.

Khi Đ. ngỏ ý muốn thuê phòng có giá từ 2 đến 2,5 triệu đồng/tháng, chủ nhà đồng ý và nói luôn: “Chị cho em xem ảnh phòng trước nhé, đảm bảo phòng đẹp, sạch sẽ, lại còn khép kín, em sẽ ưng ngay. Nhà chị cho thuê lâu năm rồi, lại vệ sinh hàng tuần nên phòng miễn chê luôn, nhìn là tít mắt rồi ý. Nếu chắc chắn thì đặt cọc trước 300.000 đồng rồi chị dẫn đi xem nhà. Nhưng lượng người đến hỏi thuê thì nhiều nên ưng thì quyết luôn, chị không có thời gian cho người chỉ đến xem”.

Để chứng minh lời mình nói, người phụ nữ này đã cho Đ. xem hình ảnh và còn đưa ra lời đảm bảo còn mấy phòng giá đó. Do không có kinh nghiệm, lại thấy lời người phụ nữ này khá nghiêm túc và phòng thì ưng nên Đ. đã tin tưởng và đặt cọc tiền.

“Sau đó, em được dẫn tới xem một phòng ngay cạnh đó khá sạch sẽ, khoảng 17m2 và có vệ sinh khép kín, nhưng em thấy lạ vì phòng có người ở thì người phụ nữ tên là Nguyệt nói do muộn rồi phải đi đón con, chỉ có thời gian xem phòng tương tự, nếu em ưng thì đóng 1 triệu đặt cọc rồi mai tới sớm chị dẫn tới phòng và chuyển tới ở luôn”, Đ. kể lại.

Chủ nhà này dán tờ rơi cho thuê nhà ở khắp mọi nơi nhằm lừa đảo được nhiều "con mồi"

Dù không quá tin tưởng, nhưng do cần phòng ở gấp nên Đ. đã đóng thêm cho người phụ nữ này 700.000 đồng và hẹn ngày hôm sau tới xem và chuyển một ít đồ đạc tới.

Việc thuê nhà tưởng chừng tốt đẹp vì Đ. may mắn tìm ngay được phòng ưng ý sau một tuần lang thang khắp các ngõ ngách, nhưng Đ. đâu có ngờ câu chuyện kinh khủng đến mức khiến Đ. hoảng loạn đang chờ Đ. ở phía sau.

… rồi dọa đánh để “cướp tiền”

3 ngày sau, Đ. tới cùng với một người bạn, nhưng thay vì vui vẻ như hôm đặt tiền cọc, lúc này chị Nguyệt tỏ ra khó chịu và mặt vô cùng cau có. Người phụ nữ này dẫn Đ. tới một phòng trọ rất “kinh khủng”, cũng là phòng khép kín nhưng tường cáu bẩn, vòi nước bị hỏng, nước chảy chậm, không có gương. Đ. thấy lạ liền hỏi: “Sao không giống như phòng cũ đã xem và thỏa thuận” thì nhận được câu trả lời dửng dưng: “Không ưng à, có phòng còn chê. Không ưng phòng này thì chị cho số điện thoại của 3 phòng nữa ngay cạnh đây, em tới sẽ có người mở cửa cho”.

Cho số xong bà Nguyệt bắt D. tự tìm đến phòng trọ, nhưng khi đến nơi thì toàn nhà cũ, không khác gì ổ chuột và không ở được. Sốc nhất là khi quay lại chủ nhà để hỏi thì Đ. nhận được một loạt ngôn từ vô văn hóa và coi khinh rằng:

"Dân tỉnh lẻ nghèo, rẻ rách lên thuê trọ có chỗ ở là tốt lắm rồi còn chê ỏng eo; Không thuê thì biến để cho người khác đến thuê, mất thời gian của bà, mấy hôm nay làm bà nhận dám cho người khác thuê…”, Đ. bức xúc chia sẻ.

Chưa hết, khi đưa ra giấy đặt cọc và yêu cầu chủ nhà dẫn tới một phòng như đã thỏa thuận nếu không thì trả lại tiền thì người đàn ông ở cùng nhà với bà Nguyệt liền giật lấy tờ giấy viết nhận tiền rồi xé nát, trợn mắt quát tháo, còn dọa hành hung và cho biết là mình quen biết công an.

“Lúc đó, người đàn ông và người phụ nữ đó rất đáng sợ, họ chửi bới rất tục tĩu, vô văn hóa mà nhiều từ em chưa được nghe bao giờ. Họ chỉ chỉ trực xông ra đánh người. Hai đứa em rất sợ nên chạy luôn. Giờ nghĩ lại, nếu lúc đó bọn em vẫn ở đó thì sẽ xảy ra tai nạn khủng khiếp gì nữa”, Đ. sợ hãi nói.

Con ngõ vào ngôi nhà trọ lừa đảo

Khi chia sẻ lại với PV, N.M.Đ. vẫn trong trạng thái run sợ và chưa hết boàng hoàng với những gì đã xảy ra. Chàng tân sinh viên "chân ướt chân ráo" xuống Hà Nội nhập học lần đầu tiên với mơ ước tìm được một chỗ ở thích hợp để an tâm học hành thì lại bị dọa đánh và “cướp tiền” một cách trắng trợn giữa ban ngày.

Khách hàng có thể khởi kiện

Liên quan tới vấn đề lừa đảo trên, PV đã liên hệ với công an phường Đồng Tâm phụ trách khu vực này và công an cho biết sẽ phối hợp để ngăn chặn tình trạng lừa đảo trên nhằm bảo vệ khách đến thuê trọ.

Theo anh Nguyễn Tiến Dũng, giảng viên khoa Pháp luật Kinh tế, trường Đại học luật Hà Nội, những nạn nhân như Đ. lần đầu mới lên Hà Nội thực tế không phải ít. Những chiêu trò của các đối tượng lừa các tân sinh viên thậm chí còn rất tinh vi. Họ sẵn sàng bỏ thời gian để đi dán các tờ rơi cho thuê phòng ở khắp mọi nơi với nội dung “chính chủ, không môi giới; phòng đảm bảo và không tiếp môi giới” để tạo sự tin tưởng.

Khi đến địa chỉ ghi trên tờ rơi, các tân sinh viên thuê sẽ được giới thiệu những căn phòng đẹp, rộng, thoáng cùng hàng loạt yếu tố thuận lợi như giá rẻ, giá điện, giá nước mềm, chổ để xe an toàn… Tuy nhiên, khi khách đồng ý thuê phòng, các đối tượng này sẽ đưa cho hợp đồng yêu cầu khách đặt cọc với số tiền khá cao.

Không chỉ thế, các đối tượng này còn tỏ ra rất chuyên nghiệp với giấy nhận đặt cọc cùng các khoản thỏa thuận nhưng đến khi đến nhận phòng thì lại dẫn tới những căn phòng xấu xí, ẩm mốc và xuống cấp hoặc cho số điện thoại tự tìm tới các phòng có sẵn nhưng thực chất là lừa đảo.

Khi thấy phòng không đạt như yêu cầu ban đầu và không đồng ý thuê phòng thì bà Nguyệt liền thay đổi thái độ, đổ lỗi cho khách hàng chê bai không nhận phòng, khách phá vỡ cam kết giữa hai bên. Khách muốn lấy lại tiền thì thể hiện ngay bản chất côn đồ, chợ búa chửi bới rồi dọa đánh người đến thuê nhà và cướp tiền trắng tiền đặt cọc của khách.

Theo quy định tại Điều 121 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì thỏa thuận về đặt cọc là một giao dịch dân sự, do đó, việc đặt cọc chỉ có hiệu lực khi có đủ các điều kiện về chủ thể ký kết, về nội dung và hình thức hợp đồng, hợp đồng phải được lập thành văn bản có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính.

Theo mục 1 của Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về tranh chấp hợp đồng dân sự có đặt cọc như sau:

Theo quy định tại Điều 122 và Điều 124 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì thoả thuận về đặt cọc là một giao dịch dân sự. Do đó, việc đặt cọc chỉ có hiệu lực khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2005 và phải được lập thành văn bản (có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính).

Nếu bên bán không thực hiện đúng thỏa thuận giữa các bên thì người bị hại có quyền yêu cầu họ thực hiện. Nếu họ vẫn cố tình không thực hiện thì người bị hại có thể gửi đơn đến tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, theo quy định tại Điều 164 Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top