1. Những ngày tháng Tám, thời tiết Hà Nội mưa nắng bất thường. Dường như câu ca “Hà Nội mùa Thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ…” đầy lãng mạn của một bài hát nào đó nói về mùa Thu Hà Nội giờ như không còn đúng vào lúc này.
Người Hà Nội đã và đang vật vã hứng chịu những ngày nắng nóng kéo dài với nhiệt độ 38-39 độ, thậm chí vào buổi trưa, ngoài đường có lúc lên đến gần 60 độ?!. Rồi những cơn mưa vần vũ xối xả chợt đến dẫu chỉ kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ, cũng đủ đề làm ngập lụt nhiều tuyến đường, phố tại khu vực vành đai 3 cho đến trung tâm phố cổ, phố cũ của thành phố này.
Ngay cả đại lộ Thăng Long và những khu đô thị nghìn tỷ nằm trên tuyến giao thông hoành tráng bậc nhất miền Bắc như Khu đô thị Bắc An Khánh hay Thiên đường Bảo Sơn… cũng phải chịu cảnh ngập lụt kéo dài. Sự thay đổi bất thường của thời tiết, cùng với sự gia tăng đột biến về dân số, về số lượng ô tô, xe máy cá nhân và các tòa nhà cao tầng hiện đại… đã làm cho toan tính của các nhà quy hoạch và quản trị đô thị vào thế lúng túng, bị động, mất kiểm soát.
Chưa khi nào môi trường sống của Hà Nội lại ô nhiễm như bây giờ!
74 năm đã đi qua, kể từ khi cuộc Cách mạng Tháng 8 vĩ đại thành công và Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập bất hủ khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945), Hà Nội - trái tim của cả nước đã không ngừng phát triển cả về lượng và chất.
Với diện tích hơn 3.345km2, dân số hơn 7 triệu người, Hà Nội hiện là một trong 17 thành phố lớn nhất trên thế giới. Sau hơn 30 năm đổi mới, trong đó có 10 năm mở rộng địa giới hành chính (2008), bên cạnh những thành tựu to lớn về kinh tế và phát triển đô thị theo hướng văn minh hiện đại, Hà Nội đã và đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức.
Sự phát triển nhanh, thậm chí có phần nóng vội đã đem đến cho Thành phố một hình ảnh tương phản sâu sắc giữa hình thái kiến trúc của đô thị trung tâm cũ với phần mở rộng các khu đô thị mới, đường phố mới.
Vốn là đô thị của cây xanh - mặt nước, nhưng hiện tại, rất nhiều ao, hồ mặt nước đã bị san lấp; nhiều đoạn sông, mương bị cống hóa để lấy mặt bằng xây dựng đáp ứng nhu cầu của đô thị hóa. Những sông Sét, sông Lừ, sông Kim Ngưu, sông Tô Lịch… đang là những dòng sông chết, trở thành những cái cống hở thoát nước bẩn của Thành phố. Không gian xanh, không gian công cộng bị thu hẹp để phục vụ cho các kế hoạch phát triển.
Nhiều chuyên gia đã cảnh báo, sự thiếu hụt diện tích cây xanh, mặt nước ở Hà Nội đã và đang đem đến hậu quả ngày càng xấu đối với sức khỏe con người và môi trường sống, trong khi tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ xây dựng cao gây ra hiệu ứng nhà kính, hiệu ứng bê tông, hiệu ứng đảo nhiệt và biến đổi khí hậu đang diễn ra rất phức tạp.
Hiện nay, tỷ lệ cây xanh tính theo đầu người ở Hà Nội chưa đến 2m2 (trong khi đó ở Singapore: 30m2, Seoul: 41m2 hay Berlin: 50m2). Theo Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỷ lệ cây xanh trung bình cũng mới chỉ đạt 10 - 15m2/người (tiêu chuẩn mà Liên Hợp Quốc đề ra là 39m2/người).
Tại một hội thảo quốc tế về môi trường tổ chức tại Tokyo, các nhà khoa học Nhật Bản đã tính toán, diện tích cây xanh, mặt nước trong đô thị nếu đạt 20 đến 50% đất đô thị sẽ giúp giảm nhiệt độ từ 3,3 đến 3,9 độ C. Khi diện tích che phủ của cây xanh (thảm thực vật) được tăng thêm 23% thì hiệu quả của bóng mát và bay hơi sẽ làm giảm 17% đến 50% năng lượng cần thiết cho hệ thống điều hòa không khí và giảm đến 40 - 50% cường độ bức xạ mặt trời. Còn cây xanh hai bên hè phố sẽ làm giảm 30 - 60% lượng bụi có trong không khí…
Vậy đến bao giờ môi trường sống của Hà Nội sẽ được như thế!
2. Những ngày Thu tháng 8 lịch sử, đi dạo lòng vòng quanh thành phố trên chiếc xe bus thưa thớt khách, phương tiện giao thông công cộng duy nhất hiện nay của thành phố ngàn năm tuổi, ngắm nhìn những tòa nhà cao vài chục tầng (hình ảnh của kiến trúc thời hiện đại) mọc lên san sát trong các khu đô thị mới, trên đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi, Lê Trọng Tấn, Vũ Trọng Phụng… hay xen cấy, chen chúc trong các khu vực lõi của trung tâm thành phố, ta có thể hiểu rằng, vì sao ngày ngày… ngàn vạn người và xe cứ phải chen chúc nhau phơi mình trong mưa, nắng chậm chạp lưu thông xuôi ngược trên những con đường mới mở, hay cải tạo bằng nguồn lực nhiều tỷ đô la Mỹ (được huy động từ nhiều nguồn vốn), xả vào không gian thành phố những âm thanh còi xe hỗn loạn cùng muôn vàn mét khối khói, bụi…
Khi ấy, tôi lại càng thấm thía những lời dạy của Bác Hồ trong Thư Người gửi giới kiến trúc sư cách đây 71 năm, nhân Hội nghị thành lập Đoàn Kiến trúc sư (tiền thân của Hội Kiến trúc sư Việt Nam ngày nay).
“Trong 4 điều quan trọng cho dân sinh: ở và đi là hai vấn đề cũng cần thiết như ăn và mặc. Vì vậy, việc kiến trúc là một việc rất quan hệ. Chúng ta phải tùy hoàn cảnh mà xây dựng ngay trong khi kháng chiến và sau khi kháng chiến thành công. Tôi mong Hội nghị sẽ đi tới những kế hoạch thiết thực với tình thế hiện tại, và những chương trình kiến thiết hợp với tương lai, kế hoạch và chương trình đúng tinh thần đời sống mới…”, Bác Hồ gửi gắm.
Hà Nội đã và đang nỗ lực rất nhiều trong cải tạo và phát triển đô thị. Những hàng cây xanh được chăm chút nhiều hơn, được trồng nhiều hơn, sông Tô Lịch đang được các nhà khoa học Nhật Bản kiên trì thử nghiệm bằng công nghệ để làm sạch… Văn hóa đô thị đang được tuyên truyền, nâng cao trong nhận thức của cư dân, của cộng đồng bằng việc ứng xử thanh lịch, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, không sử dụng chất thải nhựa trong sinh hoạt…
Nhưng chừng ấy có lẽ là chưa đủ. Mỗi khi ra đường, chỉ nhìn cái dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông như con rắn bằng bê tông khổng lồ xây dựng đã mười năm nay, cứ ngoằn ngoèo chình ình ra đó, cho dù đã qua mấy lần đội vốn (để bây giờ xấp xỉ cả tỷ đô) mà vẫn chưa biết đến khi nào được khánh thành đưa vào sử dụng, thì mới thấy khó khăn của Hà Nội vẫn còn… nhiều lắm.
3. Hà Nội là Thành phố Hòa bình, vì thế mọi sự phát triển dù theo mục tiêu nào thì cũng vì hạnh phúc của con người, của cộng đồng, của xã hội, với môi trường sống bền vững, xanh, sạch và thân thiện.
Thân thiện giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên!
Chúng ta đang bước vào thời kỳ công nghiệp 4.0 với trí tuệ nhân tạo và công nghệ số, với đô thị xanh, đô thị thông minh… và nền kinh tế nối kết để phù hợp với dòng chảy chung của nhân loại trong thế kỷ XXI. Và chúng ta cũng đang phải tìm ra các giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu đang diễn ra trên mảnh đất hình chữ S yêu quý này.
Mà Hà Nội phải xứng đáng là Thành phố tiên phong!
(Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác)