Không chỉ dừng lại ở “cuộc chia tay”, ở “màn xiếc” chúng tôi đã phản ảnh, những lùm xùm quanh dự án Trũng Kênh còn cho thấy sự cẩu thả, dễ dãi trong công tác thẩm định và phê duyệt dự án; cùng với đó là một thỏa thuận ngầm động trời của “liên danh ma quỷ”.
Phía sau Hợp đồng Hợp tác
Theo hồ sơ Reatimes có được, ngày 20/8/2015, ông Bùi Dương Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Licogi 16 (Licogi 16) thay mặt HĐQT công ty ký Quyết định số 12/QĐ-LICOGI16-HĐQT, thông qua chủ trương không tiếp tục hợp tác đầu tư Dự án Trũng Kênh tại Hà Nội (Dự án Khu chức năng đô thị Trũng Kênh kết hợp cải tạo, chỉnh trang làng xóm cũ ở quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội – PV). Theo đó, HĐQT ủy quyền cho Tổng giám đốc phối hợp với Giám đốc Bất động sản Công ty Cổ phần Licogi 16 chỉ đạo thực hiện các thủ tục để chuyển nhượng nhằm mục đích Licogi 16 không tiếp tục tham gia Dự án Trũng Kênh và bảo đảm nguyên tắc bảo toàn vốn. Ngay ngày hôm sau (21/8/2015), Licogi 16 có văn bản gửi UBCK Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, các cổ đông công ty thông báo quyết định này.
Thế nhưng chưa đầy 4 tháng sau (ngày 8/12/2015), chính ông Bùi Dương Hùng lại cùng với bà Nguyễn Thị Thúy Huyền, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Công nghệ Hà Thành (Công ty Hà Thành); ông Phạm Duy Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội (Hanhud) ký Hợp đồng Liên danh hợp tác đầu tư số 0812/2015/HĐ-LDHTĐT, về việc hợp tác triển khai thực hiện Dự án Trũng Kênh.
Theo nguồn tin riêng của Reatimes, tổng vốn đầu tư Dự án Trũng Kênh (dự kiến) được 3 bên ký kết trong hợp đồng là 3.600 tỷ đồng (thực tế phê duyệt sau đó khoảng 3.234,9 tỷ đồng). Tổng vốn đóng góp của 3 bên là 20% (không thể hiện rõ số tiền các bên đóng góp) trên tổng mức đầu tư dự án; 80% còn lại từ nguồn nào, không thể hiện. Trong số 20% vốn đóng góp, Công ty Hà Thành góp 80%, Licogi 16 góp 10%, Hanhud góp 10%.
Mặc dù ký kết hợp tác là vậy, nhưng trong kỳ họp Đại hội Cổ đông thường niên năm 2016, được tổ chức vào tháng 4/2016, Ban Kiểm soát Licogi 16 vẫn tiếp tục đề cập tới việc Licogi 16 đã rút, không tiếp tục hợp tác đầu tư Dự án Trũng Kênh từ 20/8/2015.
Câu hỏi được đặt ra là: Phải chăng ông Bùi Dương Hùng đã tùy tiện ký hợp đồng hợp tác liên danh thực hiện Dự án Trũng Kênh, không thông qua HĐQT, các cổ đông cũng không hề biết phi vụ này?
Trao đổi với phóng viên Reatimes, bà Lê Thị Phương Nam, Giám đốc Hành chính - Quản trị Licogi 16 xác nhận ông Bùi Dương Hùng ký Hợp đồng Liên danh hợp tác đầu tư số 0812/2015/HĐ-LDHTĐT, về việc hợp tác triển khai thực hiện Dự án Trũng Kênh là đúng. Bà Nam giải thích: “Thực tế có hai hợp đồng, không phải một hợp đồng. Năm 2009 đã có một hợp đồng thỏa thuận rồi. Như đồng chí biết (Hợp đồng số 0812/2015/HĐ-LDHTĐT - PV), dù ký nhưng Licogi 16 chưa đóng tiền, mà ủy quyền toàn bộ cho Công ty Hà Thành thực hiện việc này. Khi nào có cơ sở pháp lý, hồ sơ mới... tính sau(!?)”.
Nói về việc tại Đại hội Cổ đông thường niên năm 2016, Ban Kiểm soát Licogi 16 vẫn tiếp tục đề cập tới việc Licogi 16 đã rút, không tiếp tục hợp tác đầu tư Dự án Trũng Kênh, bà Nam cho biết Ban Kiểm soát hoạt động độc lập, năm 2015 có nghị quyết gì thì họ tích vào(!?)
Về phía Hanhud, bà Nguyễn Trung Hậu, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc, đã xác nhận Hanhud ký hợp đồng liên danh và ủy quyền toàn bộ cho Công ty Hà Thành thực hiện Dự án Trũng Kênh. “Từ khi ký hợp tác tới nay, Hanhud cũng chưa hề góp vốn thực hiện Dự án Trũng Kênh”, bà Hậu thông tin.
Thẩm định ẩu, phê duyệt dễ dãi?
Dự án Khu chức năng đô thị Trũng Kênh được UBND TP. Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 65/2007/QĐ-UBND ngày 20/6/2007, với tổng diện tích nghiên cứu hơn 196.000m2. Ngày 20/6/2014, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 3258/QĐ-UBND, phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu chức năng đô thị Trũng Kênh, thành Khu chức năng đô thị Trũng Kênh kết hợp cải tạo chỉnh trang làng xóm cũ; tổng diện tích gần 215.000m2; dân số 5.188 người.
Ngày 15/3/2016, Giám đốc Sở KH&ĐT TP. Hà Nội Ngô Văn Quý ký Báo cáo Thẩm định số 267/BC-KH&ĐT, về việc thẩm định chủ trương đầu tư Dự án Trũng Kênh gửi UBND TP. Hà Nội đề xuất, kiến nghị quyết định chủ trương đầu tư.
Báo cáo Thẩm định thể hiện: “... Hợp đồng 0812/2015/HĐ-LDHTĐT ngày 8/12/2015 chưa nêu cụ thể đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên, chưa có điều khoản xử lý đối với Hợp đồng Hợp tác đầu tư đã ký số 16/2011/HYDT ngày 8/3/2011. Như vậy, nội dung Hợp đồng BCC chưa phù hợp quy định Điều 29 Luật Đầu tư”.
Về năng lực và nguồn vốn thực hiện dự án: “Nguồn vốn vay: Hồ sơ có Văn bản số 581/BL-CNTX ngày 14/10/2014 của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam – Chi nhánh Thanh Xuân chấp thuận cung ứng vốn tín dụng tối đa 700 tỷ đồng cho Liên danh. Tuy nhiên đây chưa phải là văn bản cho vay vốn chính thức từ ngân hàng... Về vốn huy động, hồ sơ chưa có phương án huy động nguồn vốn này”.
Trong Báo cáo Thẩm định, ông Ngô Văn Quý cho biết: “Liên danh cam kết không lâm vào tình trạng phá sản hay giải thể, không bị cơ quan có thẩm quyền kết luận về tình hình tài chính không lành mạnh, không trong thời gian bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật”.
Nhưng so với thực tế, không thể đặt dấu hỏi liệu rằng Sở KH&ĐT TP. Hà Nội đã thẩm định không cẩn thận hay không, mà không hề phát hiện việc Licogi 16 đã quyết định rút, không tham gia Dự án Trũng Kênh từ ngày 20/8/2015; chỉ phát hiện những tồn tại, thiếu sót như đã nói trên.
Và từ Báo cáo Thẩm định "ẩu", còn nhiều tồn tại này, chưa đầy một tuần sau (ngày 15/3/2016), UBND TP. Hà Nội đã quyết định chủ trương Dự án "khủng" Trũng Kênh cho “liên danh ma quỷ”.
Kết quả như Reatimes đã thông tin trong bài “Cuộc chia tay ở dự án nghìn tỷ Trũng Kênh”, “Hà Nội: Doanh nghiệp “què” làm xiếc ở dự án nghìn tỷ”, sau nhiều năm được chấp thuận chủ trương đầu tư, thứ “liên danh ma quỷ” làm được duy nhất là treo được... tấm pa-nô.
Thực tế là vậy, song thông tin tới Reatimes tại Văn bản số 4407/KH&ĐT-NNS, ngày 12/8/2019, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP. Hà Nội Vũ Duy Tuấn lại cho rằng căn cứ hồ sơ do nhà đầu tư cung cấp, 3 doanh nghiệp ký Hợp đồng số 0812/2015/HĐ-LDHTĐT là phù hợp với quy định của pháp luật.
“Tại Hợp đồng Liên danh hợp tác đầu tư nêu trên (Hợp đồng Liên danh hợp tác đầu tư số 0812/2015/HĐ-LDHTĐT), 3 nhà đầu tư thống nhất Đại diện pháp lý tại Điều 4, như sau: Các bên thống nhất ủy quyền toàn bộ cho Công ty Hà Thành làm đại diện Liên danh hợp tác đầu tư Dự án để thực hiện công việc trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư Dự án, thực hiện tất cả các giao dịch với các cơ quan quản lý Nhà nước; các đơn vị, tổ chức; cá nhân có liên quan trong suốt quá trình thực hiện Dự án...
Văn bản đề xuất và hồ sơ gửi kèm do Công ty Hà Thành ký là phù hợp với nội dung 3 doanh nghiệp đã ký thống nhất theo Hợp đồng số 0812/2015/HĐ-LDHTĐT”, ông Vũ Duy Tuấn khẳng định.
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.