Dự án cải tạo, mở rộng đường Nguyễn Tuân được UBND quận Thanh Xuân phê duyệt từ năm 2018 và thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt 2 năm sau đó.
Theo phê duyệt, dự án có điểm đầu giao đường Nguyễn Trãi, điểm cuối đến ngõ 162 Nguyễn Tuân, với chiều dài 720m. Tuyến đường sẽ được mở rộng trên cơ sở đường hiện có, đạt mặt cắt ngang 21m, gồm phần lòng đường rộng 15m và hai bên lề rộng 3m. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 400 tỷ đồng.
Mặc dù quận Thanh Xuân đặt mục tiêu hoàn thành giải phóng mặt bằng vào cuối năm 2022 và triển khai thi công vào giữa năm 2023, tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn đã khiến dự án bị trì hoãn cho đến nay.
Theo Quyết định số 2527/QĐ-UBND, quận Thanh Xuân sẽ tiến hành cưỡng chế thu hồi 2.479,64m2 đất và công trình trên đất của 84 hộ gia đình, cá nhân không đồng thuận nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Khối lượng cưỡng chế bao gồm thực hiện phá dỡ 84 công trình, trong đó có 44 công trình bị thu hồi, tháo dỡ toàn bộ và 40 trường hợp cắt xén một phần, trong đó 16/40 trường hợp diện tích còn lại không đủ điều kiện tồn tại phải phá dỡ toàn bộ.
Thời gian cưỡng chế diễn ra trong 2 ngày 14 và 15/10/2024. Cụ thể, ngày 14/10 sẽ cưỡng chế thu hồi 1.835,8m2 đất và công trình trên đất đối với 47 hộ gia đình, cá nhân, và ngày 15/10 sẽ cưỡng chế thu hồi 643,84m2 đất và công trình trên đất đối với 37 trường hợp còn lại.
Để đảm bảo quá trình cưỡng chế diễn ra an toàn, đúng quy định pháp luật, UBND quận Thanh Xuân đã phân công trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị liên quan. Theo đó, UBND phường Thanh Xuân Trung sẽ chủ trì công tác thông báo, tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng. Đồng thời, phường cũng sẽ rà soát đối tượng cưỡng chế, thống kê nhân khẩu, phối hợp với Công an phường kiểm tra hành chính, yêu cầu người cư trú bất hợp pháp di dời.
Về phía Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận sẽ phối hợp tuyên truyền, vận động người dân, đồng thời chuẩn bị lực lượng, phương tiện, kinh phí cưỡng chế. Ban cũng sẽ kiểm tra căn cứ pháp lý, hướng dẫn quy trình cưỡng chế để đảm bảo thực hiện đúng pháp luật.
Công an quận có trách nhiệm xây dựng phương án bảo vệ an toàn cho lực lượng và tài sản trong quá trình cưỡng chế, kiểm tra, xử lý chất cháy nổ tại khu vực. Bên cạnh đó, Công an quận sẽ phối hợp với Công an Thành phố nắm tình hình, ngăn chặn các hoạt động chống đối, gây rối.
Các tổ chức chính trị - xã hội như Ban Tuyên giáo Quận ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận, Hội Cựu chiến binh quận cũng được giao nhiệm vụ nắm bắt tình hình, tư tưởng, dư luận của người dân về công tác giải phóng mặt bằng, từ đó kịp thời định hướng, tuyên truyền và vận động người dân ủng hộ dự án, tự giác bàn giao mặt bằng./.