Aa

Hà Nội có 379 dự án chậm triển khai, chỉ thu hồi được 10 dự án

Chủ Nhật, 12/12/2021 - 10:53

Hà Nội hiện có 379 dự án chậm triển khai đã có kết luận cụ thể, đề xuất xử lý, trong đó có 30 dự án được kiến nghị thu hồi, nay đã thu hồi 10 dự án.

 

Lãnh đạo UBND TP

Hà Nội cho biết, những dự án nào chậm do nhà đầu tư không tích cực hợp tác kiên quyết phải thu hồi.

379 dự án chậm triển khai

Tại Kỳ họp thứ 3, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026, diễn ra ngày 9/12/2021, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội và các sở, ngành đã đăng đàn trả lời chất vấn liên quan đến việc thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn TP, trong đó có hàng loạt dự án chậm triển khai, chậm tiến độ nhiều năm.

Cụ thể, một số đại biểu đề nghị lãnh đạo sở TN&MT báo cáo tiến độ thực hiện kế hoạch của UBND TP trong khắc phục dự án chậm triển khai, làm rõ vai trò của đơn vị chủ trì được UBND TP giao.

Trả lời chất vấn, Giám đốc sở TN&MT Bùi Duy Cường thừa nhận, dù có nhiều cố gắng của ngành, song kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Theo đó, UBND TP. Hà Nội đã ban hành các kế hoạch, chỉ đạo, thực hiện các tổ công tác, lập đoàn thanh tra liên ngành thanh tra các dự án chậm tiến độ.

Kết quả, hiện có 379 dự án chậm triển khai đã có kết luận cụ thể, đề xuất xử lý, trong đó: 30 dự án được kiến nghị thu hồi thì nay đã thu hồi 10 dự án; 35 dự án gia hạn tiến độ theo Luật Đất đai; 77 dự án đã được chủ đầu tư tích cực khắc phục, đưa đất vào sử dụng. Với 63 dự án chậm GPMB, các dự án còn lại vướng một số nội dung, các chủ đầu tư đang tập trung hoàn tất thủ tục.

Dự án chậm triển khai, bị bỏ hoang là một trong những vấn đề nổi cộm tại Hà Nội hiện nay. 
Dự án chậm triển khai, bị bỏ hoang là một trong những vấn đề nổi cộm tại Hà Nội hiện nay. 

Theo ông Cường, nguyên nhân dẫn đến tình trạng các dự án chậm triển khai là do trong quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư có thay đổi Luật đầu tư. Trên cơ sở đó, TP. Hà Nội yêu cầu rà soát lại các trình tự thủ tục pháp lý của các dự án. Trong quá trình tổ chức, việc xử lý vi phạm của các nhà đầu tư như vi phạm công tác PCCC, nghĩa vụ về đất đai, bảo hiểm xã hội, tài chính…

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân chủ quan từ phía các chủ đầu tư như nhận thức, ý thức chấp hành Luật Đất đai của các chủ đầu tư hạn chế, nhiều chủ đầu tư không phối hợp địa phương, cố tình chây ì không thực hiện nghĩa vụ tài chính, một số chủ đầu tư sắp hết hạn dự án thì đề nghị điều chỉnh gia hạn, một số sở, ngành thực hiện chưa phối hợp đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

Ngoài ra, việc các dự án chậm tiến độ cũng có trách nhiệm của các sở ngành trong việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát các nhà đầu tư tổ chức đầu tư.

Vì vậy, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất các giải pháp như tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chây ì không thực hiện kết luận thanh tra.

Với những dự án chủ đầu tư không liên hệ chính quyền địa phương, sau GPMB chưa đầu tư xây dựng, các ngành cần quyết tâm xử lý. Đồng thời, TP. Hà Nội tăng cường giám sát đầu tư, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật…

Theo ông Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Hà Nội, đến nay, Sở KHĐT đã ban hành hướng dẫn thực hiện quy trình đầu tư, giải quyết những vướng mắc tồn đọng của các nhà đầu tư. Trong đó, vướng mắc về thủ tục đầu tư, GPMB, chủ trương đầu tư.

Về giải pháp, Giám đốc Sở KHĐT cho biết, các bộ ngành đã kiến nghị sửa đổi Luật đầu tư, nhà ở, luật đất đai để có thể triển khai được các dự án sử dụng đất trên địa bàn TP.

Kiên quyết thu hồi nếu chủ đầu tư không hợp tác

Đáng chú ý, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông cho biết, riêng huyện Mê Linh có 61 dự án chậm triển khai. Nguyên nhân được xác định là khi sáp nhập năm 2008, TP tạm dừng các dự án để điều chỉnh quy hoạch. Ngoài ra còn do công tác GPMB, giao đất dịch vụ, năng lực của một số chủ đầu tư không đáp ứng được yêu cầu.

Theo ông Đông, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lập đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra cụ thể các dự án với tinh thần tháo gỡ vướng mắc khó khăn đối với các dự án, quan trọng nhất là đưa đất vào sử dụng. Các dự án nào do nguyên nhân chủ quan của nhà đầu tư không tích cực hợp tác thì kiên quyết phải thu hồi.

Mới đây nhất, UBND TP. Hà Nội cũng đã có văn bản trả lời ý kiến cử tri liên quan đến đề nghị thu hồi các dự án đô thị chậm triển khai trên địa bàn huyện và các dự án trong khu công nghiệp Quang Minh. Trong đó, TP. Hà Nội cho biết đã ban hành quyết định thu hồi 4 dự án do các nhà đầu tư 10 năm không triển khai thực hiện hoặc có văn bản đề nghị trả lại, xin dừng thực hiện dự án.

4 dự án bao gồm: Khu đô thị mới Prime Group; Khu đô thị mới Vinalines, Khu đô thị mới BMC; Khu đô thị mới Việt Á. Riêng đối với dự án khu đô thị mới Vinalines, UBND TP. Hà Nội đã có chỉ đạo tạm dừng việc thực hiện quyết định thu hồi 12 tháng do có khiếu nại, kiến nghị của nhà đầu tư.

Một dự án bị bỏ hoang tại huyện Mê Linh 
Một dự án bị bỏ hoang tại huyện Mê Linh 

Theo UBND TP. Hà Nội, qua tổng hợp theo dõi, rà soát của các sở ngành TP, trên địa bàn huyện Mê Linh sau thời điểm hợp nhất, mở rộng Thủ đô có 51 dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở với tổng diện tích đất khoảng 1.759,5 ha.

Báo cáo về tình hình triển khai các dự án, UBND TP. Hà Nội cho biết về thủ tục đầu tư, có 50 dự án đã được giao chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, cho phép đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Trong số đó có 3 dự án mới giao chủ đầu tư, chưa được chấp thuận đầu tư, cho phép đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư (Khu đô thị mới Mê Linh - Đại Thịnh; Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh; Mở rộng dự án khu đô thị Cienco 5 tại huyện Mê Linh); một dự án chưa được giao chủ đầu tư, đang nghiên cứu lập quy hoạch (Khu nhà vườn, chung cư phục vụ cho người thu nhập thấp).

Về thủ tục quy hoạch, UBND TP cho biết có 47 dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết, trong đó: 36 dự án phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch; 11 dự án không phải điều chỉnh quy hoạch; 4 dự án chưa có quy hoạch chi tiết được duyệt (gồm các dự án KĐT mới Mê Linh - Đại Thịnh, KĐT mới Thanh Lâm - Đại Thịnh, Khu nhà vườn, chung cư phục vụ cho người thu nhập thấp; Xây dựng và kinh doanh Trung tâm thương mại, văn phòng căn hộ, khu tập luyện thể thao).

Về thủ tục đất đai, theo UBND TP có 48 dự án đã được cơ quan có thẩm quyền giao đất (34 dự án) hoặc đã ban hành quyết định thu hồi đất để giải phóng mặt bằng (14 dự án).

Về việc giải phóng mặt bằng, có 20 dự án đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, 18 dự án đang giải phóng mặt bằng và 13 dự án chưa thực hiện giải phóng mặt bằng.

Về thực hiện nghĩa vụ tài chính, có 20 dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất của dự án với tổng số tiền đã nộp khoảng 678 tỷ đồng, 8 dự án đã hoàn thành một phần nghĩa vụ tài chính với tổng số tiền khoảng 252 tỷ  đồng (còn nợ khoảng 367 tỷ đồng); 23 dự án chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính (do chưa có cơ sở quản lý thu).

Đến thời điểm hiện nay việc triển khai thực hiện dự án của các nhà đầu tư vẫn chậm, đều đang hoàn chỉnh các thủ tục, trong đó có một dự án đã cơ bản hoàn thành (Khu nhà ở, biệt thự tại xã Tiền Phong của Công ty CP Xây dựng Phương Huy).

Trước đó, Hà Nội cũng đã công bố chi tiết danh sách 37 dự án chưa được khắc phục dứt điểm theo kiến nghị giám sát của Thường trực HĐND TP. Hà Nội.

Cụ thể, trong danh sách này có 3 dự án chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, kiến nghị gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn. Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất.

Bên cạnh đó, UBND TP. Hà Nội cũng có quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành rà soát, lập hồ sơ xử lý đối với các dự án đã được gia hạn sử dụng đất 24 tháng nhưng vẫn chưa đưa đất vào sử dụng đất.

Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ căn cứ các quy định của Luật Đất đai và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai để lập hồ sơ thu hồi đất đã giao, đã cho thuê, báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét, quyết định (trừ trường hợp do bất khả kháng theo quy định tại Nghị định số 43 năm 2014 của Chính phủ).

Đối với các trường hợp đề xuất không lập hồ sơ thu hồi đất do bất khả kháng, Sở TNMT cùng Đoàn Kiểm tra liên ngành có trách nhiệm làm rõ lý do, nguyên nhân cụ thể. Đồng thời, đề xuất phương án xử lý, giải quyết và phối hợp, xin ý kiến các đơn vị liên quan của Bộ TNMT để thống nhất. Trên cơ sở đó tổng hợp, báo cáo UBND TP. Hà Nội xem xét chỉ đạo.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top