Aa

"Thu hồi dự án chậm tiến độ xong lại "đắp chiếu" thì vô tác dụng"

Thứ Năm, 29/10/2020 - 06:00

PGS. TS. Ngô Trí Long cho rằng chủ trương thu hồi dự án chậm tiến độ là đúng nhưng nếu thu hồi xong lại thiếu đi khâu giải quyết hiệu quả thì không khác nào đi vào vết xe đổ của sự lãng phí.

Theo số liệu thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh còn 51 dự án với tổng diện tích là 1.200.555m2 chậm tiến độ hoặc hoặc vi phạm Luật Đất đai.

Trong đó, có 19 dự án được UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép gia hạn, cho tiếp tục thực hiện dự án, 24 dự án vi phạm đã bị UBND tỉnh ra quyết định thu hồi đất, 8 dự án vi phạm pháp luật đất đai đang bị xử lý.

Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cũng cho biết, riêng năm 2020, 11 dự án đã bị tỉnh thu hồi vì chậm tiến độ.

UBND tỉnh Long An cũng vừa có thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Cần tại cuộc họp với các Sở, ngành liên quan đến các dự án tồn đọng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện ngay việc thu hồi chủ trương đầu tư, chấm dứt hoạt động của 10 dự án chậm tiến độ trên địa bàn.

Thực tế, câu chuyện thu hồi những dự án không thực hiện đúng cam kết tiến độ đã trở thành vấn đề nóng trong nhiều năm trở lại đây. Song, bài toán thu hồi dự án chậm tiến độ vẫn còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết thấu đáo, dẫn tới việc dự án thu hồi xong rồi lại "đắp chiếu" và tiếp tục bước vào vết xe đổ của giai đoạn trước. 

Làm thế nào để khắc phục được tình trạng thất thoát nguồn lực đất đai từ dự án chậm tiến độ? Làm thế nào để đảm bảo môi trường đầu tư an toàn, minh bạch từ câu chuyện giải quyết bài toán thu hồi vừa đúng quy định pháp luật, vừa tạo động lực thúc đẩy? 

PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đã có những chia sẻ xoay quanh vấn đề dự án chậm tiến độ bị thu hồi. 

PGS. TS. Ngô Trí Long

PV: Thưa PGS. TS. Ngô Trí Long, ông nhìn nhận thế nào về câu chuyện thu hồi dự án chậm tiến độ trong thời gian gần đây?

PGS. TS. Ngô Trí Long: Năm nào, cơ quan quản lý cũng thu hồi những dự án không thực hiện đúng tiến độ theo cam kết hợp đồng giao đất. Nhưng thực tế, câu chuyện thu hồi thường phát sinh ra nhiều vấn đề liên quan khác.

Thứ nhất, với những dự án bị thu hồi, Nhà nước xử lý ra sao, liệu có rơi vào tình trạng bỏ không sau khi cơ quan chức năng thu hồi dự án?

Thứ hai, có những dự án chậm tiến độ năm nào cũng được nhắc đi nhắc lại mà không được xử lý  dứt điểm và nguyên nhân vì đâu? Trách nhiệm thuộc về bên nào?

Thứ ba, sau khi cơ quan quản lý ra quyết định thu hồi dự án nhằm mục đích đưa quỹ đất vào sử dụng có hiệu quả thì khâu tiếp theo là gì, xử lý như thế nào để tránh tình trạng vô hiệu hoá mọi quy định trước đó.

Có một thực tế, nhiều dự án được phê duyệt khi chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính. Với quan hệ lắt léo cùng nhiều chiêu trò nên cuối cùng dự án cũng được phê duyệt. Sau đó, doanh nghiệp lại tiếp tục đi vay vốn ngân hàng, huy động vốn sớm từ khách hàng bằng việc bán tài sản hình thành trong tương lai. Nhưng, dù có huy động vốn, doanh nghiệp vẫn không đủ tiềm lực để triển khai dự án dẫn tới tình trạng dự án vẫn ì ạch. Chưa kể, sản phẩm đầu ra không có, dự án không có nguồn thu để nuôi dưỡng, tiếp tục chậm chạp và kéo dài. 

PV: Giải pháp nào để giải quyết triệt để tình trạng dự án đắp chiếu thưa chuyên gia?

PGS. TS. Ngô Trí Long: Để giải quyết gốc rễ vấn đề, chúng ta cần phải đi từ nguyên nhânĐây là lý do những sai phạm của dự án chậm tiến độ, cần được thu hồi cứ lặp đi lặp lại. Nguyên nhân chính đến khẩu thẩm định, chiêu trò, luồn lách qua được,… Biết nguyên nhân rồi còn biện pháp xử lý ra sao.

Thứ hai, khi đã biết nguyên nhân, chúng ta tiến tới xử lý thu hồi lại. Sau khâu thu hồi, các biện pháp để chống lãng phí, gia tăng hiệu quả sử dụng đất đai. Nếu thu hồi xong rồi để đấy là coi như vô tác dụng.

Đối với những dự án đã được thẩm định thông qua nhưng không đủ năng lực tài chính, dùng chiêu trò luồn lách để xin được dự án. Sau khi xin được dự án nhưng huy động vốn vẫn không đủ nguồn lực để triển khai thì hệ luỵ của vấn đề này rất lớn, là sự chồng lặp của rất nhiều sai phạm tiếp nối.

Đây là câu chuyện "ai cũng biết rồi, khổ lắm, nói mãi" nhưng vẫn tiếp diễn. Vậy khắc phục vấn đề đó như thế nào? Chúng ta phải có chế tài xử lý thật nghiêm, quy trách nhiệm người thẩm định, người đầu tư ra sao, mức độ nào, là hình thức xử phạt hình sự hay hành chính,... rồi tiến hành triển khai thực thi.

Chúng ta cần xác định lỗi đầu tiên đến từ khâu thẩm định. Khâu thẩm định, không chính xác dẫn đến việc chọn nhà đầu tư không đủ năng lực và hậu quả dự án bị "đắp chiếu".

Bên cạnh đó, thực tế có dự án đã triển khai dang dở nhưng sau đó "đắp chiếu" thì thu hồi ra sao cũng là một vấn đề. 

PV: Như ông vừa phân tích, rõ ràng tình trạng dự án thu hồi dự án chậm tiến độ là một chủ trương đúng nhưng xử lý dự án đó hậu thu hồi cần phải tính toán?

PGS. TS. Ngô Trí Long: Đúng vậy, chúng ta không nên để tình trạng thu hồi rồi lại "đắp chiếu". Không tổ chức đấu giá, không thực thi triển khai dự án sau thu hồi sẽ tiếp tục gây lãng phí nghiêm trọng. 

Nhà nước cần phải đưa ra đấu giá ngay! Thậm chí, trước đó, cách đây 5, 10 năm, những dự án đó không phù hợp với quy hoạch hiện nay thì phải xem hiện hay còn khúc mắc ở khâu nào, đề nghị các cấp có quyền hạn cần quy hoạch cục bộ lại dự án để phù hợp với thực tiễn. Sau đó, quá trình đấu giá tiếp tục được thực hiện. 

Bên cạnh đó, chúng ta cùng cần tiếp tục phân loại các dự án theo nhóm phù hợp.

Ví dụ như, nhóm những dự án đã thẩm định, phê duyệt nhưng bản chất không đủ năng lực. Các dự án được phê duyệt và chủ đầu tư tiếp tục huy động vốn bằng hình thức bán tài sản hình thành trong tương lai hoặc vay ngân hàng nhưng không thành công. Doanh nghiệp không đủ năng lực về điều kiện vốn để triển khai một cách đầy đủ, làm cho dự án chậm lại, ì ạch lại.

Nhiều dự án đã huy động được vốn nhưng do bối cảnh, điều kiện hiện nay đầu ra không có thì việc chậm tiến độ, trì trệ cũng là điều sẽ xảy ra. Với nhóm dự án này, cơ quan quản lý cần biện pháp như tìm những mối liên kết, các chính sách hỗ trợ phù hợp, đúng theo luật pháp, tạo điều kiện thúc đẩy nhanh dự án phát triển.

PV: Do tình trạng có những dự án sai phạm pháp lý, "con sâu bỏ rầu nồi canh" mà có thể ảnh hưởng đến cả thị trường vì khâu phê duyệt dự án bị chậm trễ, tâm lý người phê duyệt rơi vào cảnh "chim sợ cành cong". Theo chuyên gia, cần làm gì để đảm bảo sự chặt chẽ trong phê duyệt dự án nhưng vẫn khơi thông dòng chảy của thị trường?

PGS. TS. Ngô Trí Long: Như tôi vừa trao đổi trước đó, muốn giải quyết triệt để, chúng ta cần phải có chế tài xử lý nghiêm, từ người chịu trách nhiệm về thẩm định, phê duyệt, đến người đảm nhiệm vai trò đầu tư tổ chức thực hiện thi công. Sai khâu nào, xử lý khâu đó.

Để không ảnh hưởng đến thị trường chung, cần có sự phân loại doanh nghiệp bất động sản triển khai dự án với lịch sử triển khai dự án. Doanh nghiệp nào triển khai dự án chậm trễ phải thu hồi, sẽ không được cấp dự án mới. Doanh nghiệp nào tốt, không sai phạm, không chậm trễ và đạt đủ các tiêu chí thì nên đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án. Doanh nghiệp có tiền sử dự án chậm tiến độ cần hạn chế hoặc rà soát thật kỹ. .

Nhưng đối với doanh nghiệp gặp khó từ điều kiện khách quan, cơ quan quản lý Nhà nước cần chính sách hỗ trợ đầu ra trên các biện pháp phù hợp với quy định pháp luật.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông! 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top